Kenzo Takada – một biểu tượng nữa ra đi vì đại dịch

0

Một mất mát chẳng gì bù đắp được của làng mốt thế giới dưới sự ra đi của “đại thụ” Kenzo Takada, cha đẻ của thương hiệu Kenzo đình đám. 

Ngành công nghiệp thời trang thế giới bàng hoàng trước sự ra đi của Kenzo Takada

Ở tuổi 81, Kenzo Takada được biết đến như một “đại thụ” của làng mốt thế giới, là nguồn cảm hứng bất tận của rất nhiều nhà thiết kế trẻ. Trước khi gắn liền tên tuổi với chữ K đình đám từ thương hiệu cùng tên, ông đã sớm bộc lộ tài năng hiếm có. Chính vì vậy, khi đại diện Kenzo chính thức lên tiếng về việc nhà thiết kế đại tài đã từ trần vì những biến chứng do nhiễm Covid-19, giới mộ điệu toàn thế giới không khỏi bàng hoàng. 

“Thật vô cùng đau buồn khi thông báo rằng thương hiệu K3 của chúng tôi đã mất đi Giám đốc nghệ thuật, ông Kenzo Takada. Nhà thiết kế đình đám thế giới đã từ trần vào ngày 4/10/2020, hưởng thọ 81 tuổi, do các biến chứng phức tạp liên quan đến căn bệnh Covid-19 tại Bệnh viện American, Neuilly-sur-Seine, Pháp,” – trích dẫn phần thông báo từ Kenzo. 

Như vậy, bên cạnh sự lo lắng khi hàng loạt tên tuổi có sức ảnh hưởng của thế giới nhiễm Covid-19 như vợ chồng David Beckham, nam diễn viên Robert Pattinson, gia đình tài tử Dwayne Johnson, hay gần đây nhất là Đệ nhất Phu nhân và Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế giới phải chứng kiến một sự mất mát to lớn, một lỗ hổng khó lòng bù đắp được trong lòng nhiều tín đồ mộ điệu.

Đoan Trang chia sẻ tấm ảnh chụp chung cùng nhà thiết kế tài ba cùng dòng trạng thái thương tiếc trên mạng xã hội 

Nhìn lại chặng đường 56 rực rỡ của Kenzo Takada

Được ví như “cầu nối” đưa thời trang Xứ sở Hoa Anh đào đến với thế giới, Kenzo Takada là nhà thiết kế đại tài người Pháp gốc Nhật. Ban đầu ông dự định chỉ ở lại Paris 6 tháng nhưng cơ duyên đưa đẩy để ông gắn liền với một trong những kinh đô thời trang nổi tiếng nhất thế giới đến 56 năm. Kenzo được Nhật Bản vinh danh là người dẫn đường mở lối để những thế hệ thiết kế sau này như Yohji Yamamoto, Rei Kawakubo dễ dàng đến với thời trang thế giới. 

Sinh ra vào ngày 27/02/1939 tại Himeji Nhật Bản trong một gia đình gồm 7 người con, Kenzo Takada sớm bộc lộ tình yêu với thời trang sau khi đọc những bài báo do chị gái viết. Theo nguyện vọng của bố mẹ vốn là những người không mấy tin tưởng của ngành thời trang, Kenzo chọn ngành Văn học tại Đại học Kobe. Tuy nhiên với niềm đam mê luôn cháy bỏng, ông đã bỏ học và nộp hồ sơ vào Cao đẳng Thời trang Bunka ở Tokyo với tư cách là một trong những sinh viên nam đầu tiên của trường. 

Đến năm 1960, Kenzo đạt giải Soen được trao bởi tạp chí thời trang uy tín nhất nhì Xứ sở Hoa Anh đào. Đây là khởi đầu để ông bắt đầu sự nghiệp thiết kế trong văn phòng thương mại Sanai. Những tưởng cuộc sống sẽ trôi qua êm đềm như thế cho đến khi căn hộ của Kenzo bị giải tỏa để phục vụ cho Thế Vận hội Tokyo 1964. Với khoản bồi thường là 10 tháng tiền thuê nhà, Kenzo quyết định đi “nhìn ngắm” thế giới bằng thuyền. Ông đã đi qua Singapore, Bombay, Tây Ban Nha rồi đến Paris, nơi ông dự định sẽ chỉ ở lại trong thời gian ngắn. Tại đây, Kenzo bắt đầu bán bản vẽ cho nhiều nhà thiết kế như Louis Feraud. 10 năm sau đó, ông bắt đầu mở cửa hàng đầu tiên tại Galerie Vivienne. Lấy cảm hứng từ Henri Rousseau, Kenzo đã tô vẽ các bức tường bằng hoa dại và gọi cửa hàng, nơi ông tổ chức chương trình đầu tiên của minh  với cái tên “Jungle Jap”. 

Gắn liền với hình ảnh nụ cười rạng rỡ, Kenzo Takada luôn cố gắng thử sức với điều mới lạ. Ông không thích người khác nhắc đến mình như là một “nhà thiết kế người Nhật”, thay vào đó, Kenzo mong muốn được nhìn nhận là “nhà thiết kế thời trang” đầu tiên tổ chức show diễn với những concept mới lạ. Thành công nối tiếp thành công, năm 1983, Kenzo ra mắt dòng sản phẩm cho nam, 5 năm sau đó là nước hoa. 

Tuy nhiên đến năm 1993, Kenzo gần như gục ngã khi mất đi người bạn đời và đối tác kinh doanh thì lại bị đột quỵ. Không còn cách nào khác, ông quyết định bán “đứa con tinh thần” cho Tập đoàn thời trang trứ danh LVMH với giá khoảng 80 triệu đô la. Ban đầu ông vẫn gắn bó với Kenzo ở ‘miền đất mới” với vai trò nhà thiết kế nhưng sau 6 năm không tìm được tiếng nói chung với tập đoàn, Kenzo Takada quyết định dứt áo ra đi. Tuy vậy, ông vẫn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ Giám đốc Sáng tạo, Giám đốc Nghệ thuật sau này như Humberto Leon, Carol Lim hay Felipe Oliveira Baptista. 

Dù là những năm đầu của sự nghiệp, khi thương hiệu Kenzo ngày một nổi tiếng hay lúc ông tự tìm lối đi mới, Kenzo Takada đều khiến làng mộ điệu thế giới phải thán phục với những tác phẩm để đời. Ông thiết kế trang phục diễn cho vở opera, sáng tạo đồng phục Olympic 2004 cho quê hương Nhật Bản hay thậm chí mang đến bộ sưu tập gia dụng độc đáo. Chẳng điều gì khiến Kenzo phải dừng lại, quẩn quanh trong lối mòn ngay cả khi ông đang bước qua độ tuổi 80. Tuy vậy, dưới đại dịch Covid-19, một huyền thoại thực sự đã phải nghỉ ngơi. 

Cùng với làng thời trang thế giới, nhiều tên tuổi lớn có duyên gặp gỡ Kenzo Takada như Nhà thiết kế Công Trí, ca sĩ Đoan Trang hay Trang Lê, nhà sản xuất Vietnam’s Next Top Model và The Face Vietnam đều không giấu được sự tiếc thương vô hạn. 

Nhà thiết kế Công Trí chụp cùng Kenzo Takada

Kenzo Takada khép lại hành trình gần 60 năm gắn bó với thời trang theo cách chẳng ai ngờ đến, mặc dù vậy, tài năng và sự cống hiến của ông sẽ luôn được ghi nhớ và tôn trọng. 

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here