Hysteric Glamour: Sự hào nhoáng đầy cuồng loạn của thời trang Nhật Bản

0

Hysteric Glamour đã làm một cuộc cách mạng thời trang Nhật Bản những năm 90s. Cá tính ngông cuồng được pha trộn từ văn hóa Mỹ – Nhật là điểm đặc biệt khiến người trẻ ở khắp Nhật Bản yêu mến thương hiệu. 

Hysteric Glamour là thương hiệu thời trang tới từ Nhật Bản được sáng lập bởi nhà thiết kế Nobuhiko Kitamura vào năm 1984. Đây cũng là thời điểm văn hóa Mỹ du nhập vào châu Á và Nhật Bản là một trong những nước đón nhận làn sóng này mạnh mẽ nhất. Là quản lý công ty và nhà thiết kế chính, Nobuhiko Kitamura cống hiến cả sự nghiệp cho Hysteric Glamour và gặt hái được nhiều trái ngọt. Kể từ khi thành lập đến nay, thương hiệu đã có hơn 50 cửa hàng trên khắp Nhật Bản. 

Nguồn gốc và ảnh hưởng văn hóa của Hysteric Glamour

Lịch sử của hãng gắn liền với câu chuyện thuở niên thiếu của NTK Nobuhiko Kitamura, đồng thời có mối liên hệ mật thiết tới sự giao thoa hai nền văn hóa Mỹ – Nhật. Kitamura sinh năm 1962 và lớn lên ở trung tâm thành phố Tokyo. Ở tuổi đôi mươi, giống như nhiều thanh thiếu niên Nhật Bản khác, Kitamura bị mê hoặc bởi dòng nhạc punk của nghệ sĩ Mỹ Sex Pistols, Blondie, MC5… và các xu hướng phương Tây mới vào cuối thập niên 70s.

Nobuhiko Kitamura

Những thứ này vẫn truyền cảm hứng cho thiết kế của Kitamura cho đến tận ngày nay. Trong một lần đi mua đĩa nhạc ở Shinjuku, Kitamura tình cờ nhìn thấy poster tuyển sinh của Học viện Thời Trang Tokyo Mode Gakuin và sau đó anh đã quyết định gửi gắm thanh xuân ở ngôi trường này. Trong thời gian học ở trường, Kitamura làm việc bán thời gian, cụ thể là thiết kế thời trang và đạo diện các chương trình cho Ozone Community – một thương hiệu đi ngược lại các quy chuẩn bảo thủ về đường cắt và phom dáng quần áo truyền thống.

Đây cũng là hãng được giới trẻ ưa thích hàng đầu khi thời trang Nhật Bản bắt đầu chuyển hướng táo bạo hơn. Phong cách Preppy những năm đầu 80s dần bị thay thế bởi xu hướng mới, đặc biệt hình ảnh các nghệ sĩ nhạc punk diện “nguyên cây đen” đã tạo ảnh hưởng nhất. Giới trẻ Nhật Bản bắt đầu khẳng định bản thân nhiều hơn thông qua trang phục. Phong cách của họ đi lệch khỏi các chuẩn mực “sạch sẽ” cũ, thay vào đó áp dụng phong cách của các ngôi sao nhạc Rock phương Tây. 

Sau khi tốt nghiệp, Kitamura được công ty Ozone ngỏ lời khuyến khích ông tự tạo dựng một thương hiệu của riêng mình. Từng làm việc ở đây trong khoảng thời gian dài, Kitamura dành sự tin tưởng lớn cho công ty và cuối cùng ông đã gia nhập hệ sinh thái Ozone từ tháng 6 năm 1984 với thương hiệu unisex “Hysteric Glamour”.

Kitamura giải thích ý nghĩa cái tên “Hysteric Glamour” trong một phỏng vấn: “Tôi không biết cách nói từ ‘Hysteric’ và ‘Glamour’ trong tiếng Nhật. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ rất khó để tìm được một người phụ nữ vừa hysteric (ngộ nghĩnh, cuồng loạn) vừa glamour (huyền bí, quyến rũ) cho nên tôi suy nghĩ về việc mang đến cho thương hiệu một bầu không khí vừa hysteric vừa glamour theo cách riêng. Tôi đặc biệt thích các nghệ sĩ nhạc Rock, tôi tưởng tượng ra sân khấu cuồng loạn của Patti Smith và vẻ hào nhoáng của Deborah Harry trong Blondie. Và tôi nghĩ cái tên ‘Hysteric Glamour’ sẽ rất hay, đó là cách tôi đã kết hợp các ý tưởng để ra tên thương hiệu như thế nào”

Ban đầu, Hysteric Glamour được dự định là hãng chỉ dành cho phụ nữ, nhưng sau đó Kitamura lại đổi sang hơi hướng unisex. Thương hiệu nhanh chóng có bước đột phá đầu tiên khi lọt vào tầm ngắm của các biên tập viên Olive Magazine – một tạp chí có ảnh hưởng lớn đến các cô gái Harajuku vào những năm 80s. Khuynh hướng “anti-fashion” khác biệt, mang lại cảm giác nổi loạn của rock ‘n’ roll là điều người trẻ khao khát ở thị trường thời trang thời điểm đó. Và tất nhiên hãng tiên phong Hysteric Glamour được công chúng để ý tới.

Phong cách thiết kế của Hysteric Glamour còn được nhận định là “counter-cultural streetwear” (thuật ngữ ý chỉ trang phục đường phố phản văn hóa) từ rất lâu trước khi thuật ngữ này chính thức xuất hiện để mô tả sự phát triển của áo hoodie, áo phông và mũ bóng chày thiết kế theo phong cách đồ họa.

Cảm hứng cho các thiết kế của Nobuhiko Kitamura chủ yếu đến từ sở thích cá nhân. Kitamura có niềm đam mê vô tận với nền truyền thông đại chúng Mỹ thập niên 60s, 70s: nhạc rock và pop punk, phim ảnh khoa học viễn tưởng, trào lưu nghệ thuật đại chúng pop art, nội dung khiêu dâm… là những thứ tạo nên cốt lõi của toàn bộ thương hiệu. 

Hysteric Glamour nổi tiếng là thương hiệu không giống ai và cách làm việc của Kitamura cũng thế, ông không muốn chạy theo số đông và bất cứ xu hướng nào đang hiện hành. Trả lời phỏng vấn với tạp chí Empty Room, Kitamura nói về cảm hứng thời trang của mình:

Khi tôi làm đạo diễn chương trình thời đi học, có những nhà thiết kế có gu thẩm mỹ riêng, nhưng cũng có những nhà thiết kế luôn nói những điều khác biệt, và tôi bắt đầu nghi ngờ. Trước khi bắt đầu thực hiện Hysteric Glamour, tôi đã nhận được một cuốn sách về kho lưu trữ của Dior và một cuốn sách có tên “Art Of Rock”, tôi đã xem qua cả hai.

Sau khi phân tích cuốn sách của Dior trước, tôi nhận ra rằng bà Kawakubo (COMME DES GARCONS) và ông Yohji (YOHJI YAMAMOTO) đã bị ảnh hưởng bởi phong cách của Dior. Đó là lúc tôi nhận ra rằng mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những gì họ thích. Vì vậy, tôi nghĩ tôi thích ‘Art Of Rock’ hơn chứ không phải Dior và sẽ quyết định theo đuổi những gì tôi thích, như vậy tôi có thể làm việc đó mãi mãi. Khi còn là sinh viên, tôi đã luôn thích những món đồ cổ điển hơn những thương hiệu đương đại.

Trong khi ai cũng mặc những bộ đồ mới tinh của các thương hiệu yêu thích tới trường, tôi lại không thích mặc những bộ quần áo giống họ. Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu đi theo một hướng khác, vì vậy tôi đã đi quanh các cửa hàng quần áo cũ, tìm kiếm những món đồ cổ điển và mặc chúng. Tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nhiều khi theo đuổi văn hóa và sản phẩm mà tôi thực sự thích, và đây cũng là hướng tôi muốn đi lâu dài…

Phong cách đồ họa của Hysteric Glamour là sự kết hợp tinh nghịch giữa các khối mơ hồ, khó hiểu và có phần tục tĩu. Nội dung khiêu dâm của những năm 70s, các khẩu hiệu punk táo bạo, truyện tranh indie, ảo giác và đầu lâu là nguồn tài liệu tham khảo lớn của Hysteric Glamour. Những người dẫn đầu xu hướng streetwear hẳn sẽ nhận ra cách mà Hysteric Glamour diễn giải lại items yêu thích của các biker như M-65 jackets và áo khoác da asymmetrical-zip với hình tượng hung hãn cực kỳ mới mẻ, thú vị. 

Truyện tranh của họa sĩ Andy Warrhol là một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất của Kitamura. Bắt đầu xây dựng Hysteric Glamour từ năm 21 tuổi, Kitamura chia sẻ với tạp chí Nylon: “Khi tôi mới bắt đầu, không có ai làm những gì tôi đang làm. Tôi không có kinh nghiệm và không có giáo viên, vì vậy tôi chỉ đọc sách. Tôi có cuốn sách triết học và truyện cười của Warhol, và nó là một tài liệu tham khảo tuyệt vời. Năm 1986, một công ty Pháp đã mua nhượng quyền Hysteric Glamour và phân phối các sản phẩm. Ai đó đã mặc đồ của Hysteric Glamour tới một câu lạc bộ ở New York, và tình cờ thế nào Warhol đã đến gần anh ta và nói: Thật tuyệt!.

Khi nghe được tin tức đó, tôi đã lập tức bán xe và mua vé máy bay đến New York để gặp Warhol. Tôi đã đến tất cả các câu lạc bộ để tìm kiếm anh ấy, và cuối cùng tôi gặp một cô gái Nhật Bản có một chút thông tin về Warhol, hóa ra Warhol đã đi nghỉ ở ngoài thị trấn. Vì vậy tôi đã về nhà với hy vọng sẽ quay lại và gặp anh ấy lần sau, nhưng anh ấy đã qua đời ngay sau đó… ”.

Andy Warrhol

Mặc dù không bao giờ gặp được thần tượng của mình, Kitamura cuối cùng đã liên kết với Nat Finklestein – nhà biên soạn tài liệu của Warhol’s Factory và hợp tác với The Warhol Foundation để thiết kế một loạt trang phục. Ảnh hưởng sâu sắc của Warhol đối với Kitamura vẫn còn thể hiện cho đến ngày nay, người hâm mộ có thể dễ dàng nhìn thấy các đặc trưng của nghệ thuật đại chúng Pop Art trong BST Hysteric Glamour’s Fall Collection 2017, sản phẩm collab với tạp chí Playboy, và trong những sản phẩm hợp tác dài kì với thương hiệu Supreme.

Andy Warhol x Hysteric Glamour

Từ Nhật Bản đến thế giới

Hysteric Glamour bắt đầu chuyển hướng sang thị trường phương Tây vào cuối những năm 1980. Thương hiệu nhanh chóng thu hút sự chú ý của các ban nhạc rock và nhà sáng tạo như Sonic Youth, Iggy Pop, Terry Richardson và Keith Haring. Lần hợp tác chính thức đầu tiên của thương hiệu là với ban nhạc Sonic Youth, Kitamura đã thiết kế những chiếc áo phông cho chuyến lưu diễn. Sau đó ông có cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ lớn thời đó như IGGY POP và MC5.

Bước ngoặt kinh doanh xảy ra vào năm 1991 khi Hysteric Glamour mở cửa hàng đầu tiên ở London và nhanh chóng trở thành “hiện tượng” ở đây. Hysteric Glamour thu hút sự chú ý của cả những người mà ông từng thần tượng, như Marc Lebon và Sex Pistols đã trở thành khách hàng và bạn bè với ông. Trong những năm tiếp theo, tham vọng của Kitamura mở rộng sang lĩnh vực nghệ thuật thực tế. Ông cho ra đời một loạt sách ảnh dưới vai trò giám đốc nghệ thuật khách mời và hợp tác với nhiều nghệ sĩ, đỉnh điểm là khai trương một phòng trưng bày ở Tokyo.

Trong suốt gần hai thập kỷ ra mắt, Hysteric Glamour vẫn lưu giữ những giá trị cốt lõi từ thuở sơ khai. Đó là sự quyến rũ cuồng loạn nhưng phù hợp nhất định trong giới hạn và đúng với các nguyên tắc của thương hiệu. Hysteric Glamour là một cộng tác viên rất tích cực, hãng đã làm việc với một số đối tác nổi tiếng trong nhiều năm qua, điển hình là màn hợp tác với Supreme. Một trong những tác phẩm mới nhất của Hysteric Glamour là với tokyovitamin, một công ty âm nhạc và nghệ thuật có trụ sở tại Tokyo. Các sản phẩm hợp tác có họa tiết lấy cảm hứng từ nghệ thuật đại chúng Pop Art và item cổ điển như áo khoác Letterman. 

Những lý do đằng sau sự thành công

Gu thẩm mỹ của Kitamura chịu ảnh hưởng từ “ngã tư ngã năm” những thứ như: ngành quảng cáo cuối thập niên 60s và đầu thập niên 70s, xu hướng Pop Art của Andy Warhol, ngôn ngữ hình ảnh của các tấm áp phích, làn sóng nhạc punk rock, nghệ thuật ảo giác, truyện tranh và cả những sản phẩm thời trang vintage – xu hướng quần áo của giới trẻ Tokyo thời đó.

Tuy nhiên, sự thành công của Kitamura và Hysteric Glamour còn nằm ở sự nhạy bén với tư tưởng của thời đại. Sự hỗn độn và vẻ đẹp thô ráp được truyền tải sáng tạo dưới con mắt nghệ sĩ của Kitamura. Không ai làm những gì Kitamura làm và ông cũng chẳng có kinh nghiệm lẫn người hướng dẫn; mọi sở thích, quan sát và chiêm nghiệm cuộc sống là tài sản tham khảo quý giá nhất của NTK này.

Nếu thế hệ những nhà thiết kế tầm cỡ đầu tiên của Nhật Bản (Rai Kawakubo, Yohji Yamamoto và Issey Miyake) đã sớm chuyển sang loại hình thời trang cao cấp hơn với những chi nhánh xa hoa đặt ở Paris và những bộ sưu tập được tổ chức truyền thống theo mùa. Vậy nên ở một khía cạnh nào đó, họ đã phần nào bớt đi sự nhạy cảm với văn hóa đường phố. Đối với những Mansion Makers (biệt danh được đặt cho những nhà thiết kế, như Kitamura, thường sản xuất bộ sưu tập riêng của họ tại gia), họ sản xuất ra những món đồ rẻ tiền hơn và đi ngược lại với xu hướng mainstream đang hiện hành. Thế nhưng phong cách của những Mansion Makers này lại trở thành xu hướng sôi động thế hệ trẻ thời đó.

Quyết định quay lưng lại với thời trang thương mại của Kitamura để cống hiến cho thế giới thị hiếu, văn hóa của riêng ông không chỉ chứng tỏ một con đường khác biệt có thể tồn tại ở “thương trường” mà còn thành công rực rỡ, được giới mộ điệu hợp tác và được công chúng đón nhận. Tinh thần nổi loạn và thẩm mỹ độc đáo của Hysteric Glamour trở thành ngọn lửa tiên phong cho nền văn hóa đa vũ trụ đối với các thương hiệu hậu bối, họ có thể trở nên phong phú hơn, mở rộng tinh thần của thế hệ mới bên cạnh một Nhật Bản nguyên thủy và không ngần ngại “phá vỡ bức tường” giữa văn hóa đường phố Nhật Bản và xã hội phương Tây, mang nét hấp dẫn của phong cách Harajuku đến toàn thế giới.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here