Hình xăm trong thời trang: Cảm hứng từ những vết mực trên cơ thể

0

Xăm mình ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người chấp nhận hơn. Đối với địa phận thời trang, nghệ thuật xăm mình cũng là một nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế.

Sự liên kết giữa nghệ thuật xăm hình và giới thời trang giờ đây đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong khi thời trang tạo ra những sản phẩm tô điểm cho người mặc thông qua lớp quần lớp áo thì hình xăm lại làm nổi bật chủ nhân của nó qua những hình vẽ trên da. Nghe thì có vẻ khác nhau nhưng cả hai đều có điểm chung là giúp những người “khoác” chúng lên mình thể hiện cái tôi, sự sáng tạo của họ. Vì lẽ đó mà nhiều nhà thiết kế, thương hiệu đã đưa hai yếu tố trên vào các thiết kế của mình.

hình xăm thời trang

Sự khởi đầu đi trước thời đại

Ban đầu, tưởng chừng như hình xăm chỉ có thể tồn tại nơi da thịt nhưng chẳng điều gì có thể giới hạn được tài nghệ của các nhà thiết kế thời trang. Nó bắt đầu len lỏi vào giới mộ điệu khi Issey Miyake ra mắt bộ sưu tập F/W 1971. NTK người Nhật đã lấy nguồn cảm hứng từ “nghệ thuật xăm Nhật Bản” hay “Izerumi” với những hình ảnh đậm nét thiên nhiên, gần gũi với văn hóa Á Đông như Rồng, Phong, Hỏa, Thủy, Mộc…và đưa chúng lên vải vóc.

hình xăm thời trang

Ban đầu, BST đã gây tranh cãi dữ dội ở Nhật Bản vì ở đất nước này, hình xăm vẫn là điều cấm kỵ và gắn liền với hình ảnh giới tội phạm Yakuza. Mãi về sau, người ta mới có nhìn rộng mở hơn về những thiết kế ấy và xem “phát súng mở đầu” của Miyaka như một bước đi trước thời đại, dùng thời trang như một công cụ xóa nhòa đi sự kỳ thị dành cho loại hình nghệ thuật lâu đời này.

hình xăm thời trang
Một chiếc áo thuộc bộ sưu tập F/W 1971 từ Issey Miyake tại triễn lãm The National Art Centre tri ân 45 năm sự nghiệp của ông.

Ở “mặt trận” phương Tây

Sau Miyake, những nhà thiết kế khác như Jean Paul Gaultier hay Martin Margiela cũng tham gia cuộc đấu tranh tư tưởng này bằng việc đưa hình xăm vào bộ sưu tập của mình – nhân rộng nghệ thuật hình xăm trong thời trang.

Vào buổi diễn của BST S/S 1989 tại Paris, Martin Margiela mang đến những sản phẩm thể hiện được cái tôi và tư duy thiết kế của mình qua những đường may đo cùng kỹ thuật xử lý độc đáo trên từng thớ vải. Giữa một đêm lạnh lẽo nơi Thành phố Tình Yêu, có ai mà ngờ đó chính là một trong những cột mốc vàng của lịch sử giới thời trang. Đó chính là những thiết kế mang phong cách Deconstruction nổi bật như chiếc áo từ mảnh vỡ sành sứ, chiếc áo lụa màu da người in hình xăm, áo len được may từ vớ hay găng tay….mà đến bây giờ nó đã trở thành thứ di sản khó phai, truyền lửa đến cả những thế hệ sau này.

hình xăm thời trang
Chiếc áo lụa với họa tiết hình xăm được diện bởi người mẫu Graca Fisher (hình giữa)

Hơn hai thập kỷ sau, chiếc áo lụa đặc biệt ấy lại được “tái sinh” trong bộ collab giữa MMM cùng H&M. Chất liệu và màu sắc đã được cải tiến, thay đổi một vài phần so với trước đây. Thế nhưng, đối với những con chiên thời trang, tác phẩm lần này chỉ là phiên bản thay thế và tri ân những giá trị cũ kỹ. Với họ, phiên bản Spring 1989 vẫn là item vượt trội và nhiều người thèm muốn được sở hữu nhất.

Nguồn cảm hứng từ những hình xăm dường như vẫn còn âm ỉ tại Martin Maison Margiela và được người kế nhiệm John Galliano tiếp tục truyền tải tinh thần của Martin. Trong BST S/S 2014 mang tên “Artisanal”, hình xăm lại xuất hiện nhưng trong dáng vẻ mới mẻ và hiện đại hơn. Không còn được thể hiện trên lớp vải lụa màu da người hay hình mực đen, mà giờ đây chúng là những “mảnh ghép” đầy màu sắc xếp chồng lên nhau, bám chặt lên cơ thể người mặc.

hình xăm thời trang
MAISON MARTIN MARGIELA: SPRING/SUMMER 2014 “ARTISANAL”

Quay trở lại năm 1994, Jean Paul Gaultier cho ra mắt bộ sưu tập mùa xuân “Les Tatouages” và khiến giới phê bình lẫn khán giả được một phen “trầm trồ” vì “cả gan” đưa những người mẫu xăm xỏ đầy mình lên sàn diễn. Đó là điều mà khi ấy giới siêu giàu vô cùng ghét bởi họ cũng mang tư tưởng kỳ thị hình xăm và cả phần đông đối tượng khách hàng khi ấy của Jean cũng chính là những người tự xem bản thân là cao quý này.

Buổi diễn đã vô cùng huyên náo khi những người mẫu nam mặc váy và áo giáp theo phong cách Joan of Arc… Điểm nổi bật của bộ sưu tập đến từ việc Jean đã kết hợp phong cách xăm từ Nhật Bản và văn hóa bộ lạc người da đỏ cũng như Ấn Độ lại với nhau. Có thể nói ngắn gọn: hình xăm phủ kín người mẫu, từ da thịt cho đến lớp áo quần.

hình xăm thời trang

Ở giới thời trang phương Đông thì sao?

Sau phát súng mở màn năm 1971 của Issey Miyake, ở phía Châu Á, không thể không kể đến Rei Kawakubo và Junya Watanabe. Bộ sưu tập F/W 2015 từ Comme des Garçons đã cho ra mắt một vài “biến thể” trên trang phục với tay áo, ống quần mang họa tiết hình xăm được vẽ nguệch ngoạc. Bởi vì, Rei Kawakubo biết rằng ngay cả trong thập kỷ này, hình xăm vẫn mang nhiều ý nghĩa giá trị nghệ thuật và ảnh hưởng đến đời sống như thuở ban đầu.

hinh-xam-trong-thoi-trang
hinh-xam-trong-thoi-trang

Đối với bộ sưu tập thời trang nam S/S 2017 của mình, Junya Watanabe thực sự đã dùng mực đen để vẽ lên cơ thể người mẫu, từ tay, chân có khi là cả khuôn mặt với mong muốn tạo hình xăm giả làm nổi bật các trang phục mang chủ đề punk và gangster. Dù việc này chỉ mang tính trang trí nhưng phần nào đã phê phán quan điểm lạc hậu “cứ xăm là người xấu” của xã hội.

Cho đến hiện tại

Có lẽ, chiếc áo lụa năm nào từ bộ sưu tập của Martin Maison Margiela đã nguồn cảm hứng cho Demna Gvasalia nên ở bộ sưu tập Vetements Spring 2019 của anh, ta lại thấy sự xuất hiện của hình bóng quen thuộc đó. Nhưng Demna đã thổi một làn gió mới bằng cách đưa văn hóa xăm trổ của tù nhân Nga lên chiếc áo – những ngôi sao trên xương đòn tượng trưng cho trộm cắp hay chữ “CCCP” ở cẳng tay trái và tòa Thánh Basil giữa ngực. Cả chính quê hương Sukhumi của Demna cũng được đưa lên cùng dòng số La Mã “MCMXCIII”, chính là năm 1993 khi Demna rời khỏi quê nhà. Không cần nói, có lẽ bạn thừa sức biết chiếc áo đã trở nên hot thế nào sau khi nó ra mắt.

Ngay đời sống thường ngày, hình xăm vẫn là hình thức làm đẹp, thể hiện cá tính, con người của mỗi cá nhân. Hơn thế nữa, đó còn là minh chứng cho những câu chuyện ẩn sau vết mực ấy, mỗi một hình xăm là một phần của quá khứ mà chủ nhân của nó gián tiếp lưu lại, kể đến trên da. Không phải cứ “xăm thì là người xấu”, giờ đây, xăm hình còn mang nhiều ý nghĩa và tính nghệ thuật cao.


Bài viết được viết bởi Ai Huynh

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here