Liệu Hedi Slimane có thật sự là một NTK sáng tạo hay chỉ là người đã vực dậy đế chế Yvés Saint Laurent lên một tầm cao mới và luôn biết cách tạo nên xu hướng?
Hedi Slimane là ai?
Hedi Slimane là nhà thiết kế quốc tịch Pháp hiện đang là Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Celine. Không chỉ vậy, ở mọi nơi mà Hedi đi qua, gã đều để lại một dấu ấn đậm sâu ở đó, điển hình là Dior Homme, Saint Laurent Paris và Celine ở hiện tại.
Bắt đầu sự nghiệp tại Yves Saint Laurent rồi mau chóng rời đi và từ chối lời mời từ Jil Sander để đầu quân cho Dior Homme. Có những tin đồn cho rằng Hedi rời đi vì những bất đồng quan điểm sáng tạo với Tom Ford mặc dù gã nhận được nhiều sự ưu ái từ Pierre Berge – tình nhân của nhà sáng lập YSL. Khoảng thời gian của Hedi ở Dior Homme đã mở rộng góc nhìn của y về một European, một Berlin, một London với những ngày mải mê chụp hình ở các club.
Khoảng thời gian ở Dior Homme, gã đã tạo nên một trang sử vàng cho thương hiệu nhờ con át chủ bài là “những chiếc quần skinny” cùng phong cách thiết kế mang đậm nét rock-chic. Và rồi, gã tự nguyện rời bỏ Dior Homme vào năm 2007 để theo đuổi cái đam mê nhiếp ảnh. Đối với Hedi, nhiếp ảnh đã là niềm yêu thích ăn sâu vào tâm trí gã từ khi chỉ là một cậu nhóc tuổi teen và gã muốn cái tên của mình đại diện cho nhiếp ảnh chứ không phải một thương hiệu thời trang nào.
Và rồi, con dân thiên hạ được một pha “shock tận óc” khi nghe tin Hedi Slimane quay trở về nơi gã khởi đầu cho tất cả. Một lần nữa, Hedi và YSL trở về với nhau. Ở đấy, vẫn với cái tính “mình thích thì mình làm”, Hedi đã đưa Saint Laurent lên một tầm cao mới. Để rồi, vì những mâu thuẫn nội bộ, “gã độc tài” một lần nữa dứt áo ra đi. Hedi sau đó đầu quân cho Céline, vốn thuộc tập toàn cạnh tranh với tập đoàn đang sở hữu Saint Laurent.
“Đấng cứu thế” của Yves Saint Laurent và tạo nên xu hướng
Năm 2012, Hedi một lần nữa quay trở về Yves Saint Laurent và được quyền “thâu tóm” toàn bộ mảng trang phục nam và nữ giới. Thích làm gì thì làm, Hedi “xóa bỏ” chữ “Yves” của thương hiệu, thêm “Paris” thành “Saint Laurent Paris” và chuyển trụ sở đến Los Angeles. Những con chiên si mê một YSL cũ kỹ lập tức phản ứng gay gắt và chửi bới Hedi vì “sự độc đoán” của y đã phá hoại và làm mất đi “cái hồn” vốn có của thương hiệu. Làng nước vào đây coi hắn ngông cuồng, hắn “dại dột” và “thiếu tôn trọng” như thế nào kia kìa! Thậm chí Sarah Andelman còn “cà khịa” nước đi của Hedi Slimane bằng cách cho ra chiếc áo parody in dòng chữ “Ain’t Laurent Without Yves”- “Laurent kiểu gì mà lại thiếu Yves”.
Nhưng những kẻ chửi bới đó đâu biết rằng gã phải được Kering và Pierre Berge chấp thuận và tin tưởng lắm mới cho đổi tên ấy chứ. Năm 1966, khi nhà thiết kế Yves Saint Laurent trình làng những thiết kế may sẵn prêt-à-porter mà nay gọi là “ready to wear”, ông đặt cái tên Saint Laurent Rive Gauche cho nó và mở store riêng chỉ để bán chúng. Điều mà Hedi Slimane đang làm là đưa lại đúng tên gốc cho dòng sản phẩm “ready to wear”. Không chỉ vậy, gã còn xoá đi phông chữ Yves Saint Laurent cùng logo của nó và dùng phông chữ “Saint Laurent” lấy từ chính biển hiệu cửa hàng Saint Laurent Rive Gauche.
Và nếu bạn chưa biết chính nhà sáng lập Yves Saint Laurent là người đã phê duyệt cho cái tên “dài dòng” đó từ lúc nó được chào đời. Hedi Slimane ngông cuồng là thật, nhưng y không bỏ quên những giá trị cũ kỹ và sự tôn kính tuyệt đối cho huyền thoại Yves Saint Laurent. Và gã cũng đã hứa rằng sẽ đưa lại dòng Haute Couture quay trở lại thời hoàng kim cho thương hiệu.
Khi Hedi Slimane ở SLP, gã đã hồi sinh lại kỷ nguyên rock-chic, không những vậy còn xóa bỏ lằn ranh giới tính, vực dậy Haute Couture của thương hiệu qua những thiết kế mới mẻ. Đề cao cái “ốm gầy gò” qua những sản phẩm và giới thiệu một tầm nhìn lấy cảm hứng từ Coachella hơn là mang đậm nét cổ điển của Paris, Hedi mang đến những thiết kế được cho là đáng chú ý hơn so với trang phục dạ hội của người tiền nhiệm Stefano Pilati và thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa âm nhạc xứ Los Angeles. Mặc dù bộ sưu tập S/S 2013 không được đón nhận bởi một số người, vài người gọi nó là “kỳ quái” trong khi những người khác “ví von” nó với Forever 21. Nhưng bộ sưu tập đầu tay đó vẫn đạt mức tăng trưởng doanh số lên đến 37,4%.
Ở những bộ sưu tập sau này, chúng ta thấy được sự bức phá ngoạn mục của Hedi Slimane. Mức độ “nhận diện thương hiệu” của công chúng cho Saint Laurent Paris nhân lên đáng kể. Cụ thể là giai đoạn 2012-2015, Saint Laurent như được “thay máu”, gắn chặt hơn với nền âm nhạc Rock ‘n’ Roll hoài cổ. Lượng khách hàng cũng từ đó tăng trưởng mạnh mẽ. Giới nghệ sĩ, ca sĩ cũng bắt đầu yêu thích những món đồ từ thương hiệu và nhanh chóng tạo ra một trào lưu ăn mặc trên khắp nơi. Nhiều ngôi sao lớn như G-Dragon, Justin Bieber, Harry Styles,… cũng luôn có trong tủ đồ của mình những trang phục từ Saint Laurent Paris. Như một lẽ thường tình, khi những ngôi sao lớn lăng xê một phong cách nào đó, người hâm mộ của họ sẽ biến nó thành trào lưu.
Khi được Complex phỏng vấn, G-Dragon đã trang trọng đưa Saint Laurent đứng đầu danh sách những thương hiệu mà anh yêu thích. “Thật lòng thì tôi không nhãn hiệu này khi nó còn là YSL, nhưng sau đó đã hâm mộ cuồng nhiệt khi nó đổi tên thành Saint Laurent vì tôi là một fan của Hedi Slimane.” – G-Dragon cho hay.
Vào cuối nhiệm kỳ, Hedi làm đã tăng doanh thu của SLP hơn 20% mỗi năm, vượt trội hơn so với thị trường chung cho hàng hóa xa xỉ mặc dù có mạng lưới bán lẻ nhỏ đáng kể. Trong 4 năm, Saint Laurent đã thu về lợi nhuận khổng lồ từ những sáng tạo của Hedi Slimane. Riêng năm 2015, doanh thu của thương hiệu đã vươn tới con số 1,08 tỷ đô la Mỹ kèm hệ thống 142 stores trên toàn thế giới, cụ thể, doanh thu tăng gần 27% trong quý II năm 2015. Vị chủ tịch của tập đoàn Kering là François-Henri Pinault cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những cống hiến mà “gã độc tài” đã đem đến. Có thể nói, Hedi Slimane đã cứu sống và đưa Saint Laurent trở lại thời hoàng kim của mình bằng một làn gió mới.
Vậy Hedi Slimane có thật sự sáng tạo ?
Người ta có thể không biết chính Hedi Slimane đã thiết kế những cái quần cái áo đó nhưng người ta có thể âm thầm nghĩ rằng “Ah, chắc là của Saint Laurent rồi” khi nhìn vào chúng. Thậm chí, không biết nên vui hay buồn, kể cả sau khi Anthony Vaccarello “kế thừa” ngai vàng của Hedi. Dù Anthony luôn cố gắng tạo sự mới mẻ nhưng bằng một cách nào đó, người ta luôn đùa là “Hồn Hedi, da Anthony”. Nguyên nhân không phải lỗi ở Anthony, một phần nào đó đến từ ban lãnh đạo của thương hiệu khi cho rằng đó là “giải pháp an toàn” để tiếp tục “rút tiền” từ người mua. Di sản của Hedi để lại lớn vậy dại gì không tận dụng nó.
Xét với khoảng thời gian Hedi còn ở Dior Homme, đã có nhiều silhouette do chính gã tạo ra và dã cũng là người thay đổi kiểu dáng của blazer thời ấy. Dựa trên những cảm hứng từ đời sống, gã đã tạo nên những điều mới mẻ bằng gu thẩm mỹ, biến nó thành cái riêng của mình. Gã “cách tân” lại chiếc áo của Hoàng đế Napoleon khi còn ở Dior Homme, “cách tân” những chiếc khoác varsity thành thứ chúng hay gọi là “Teddy jacket”. Bước sang Celine, Hedi vẫn hiểu rõ xu hướng của thiếu niên thời đại này như thế nào. Liệu trên đời này liệu còn ai có thể sang trọng hóa phong cách từ sub-culture eboy được như gã? Ngoài kia, có một thương hiệu tên Amiri xem những thiết kế của Hedi là nguồn cảm hứng thiết kế thì cũng đủ biết “gã điên” có tầm ảnh hưởng lớn thế nào.
Nếu Hedi Slimane không thật sự sáng tạo thì y chẳng thể nào “trị vì” một thương hiệu thời trang lớn như thế được. Đến mức, người ta vẫn muốn Hedi vẫn ở Saint Laurent và tiếp tục “cái điên” của gã. “Ain’t Laurent without Slimane”. Suy cho cùng thì, nhà thiết kế thành công đâu chỉ là người được nhớ mặt điểm tên mà đó còn là những mấu thiết kế mang đậm tính cá nhân sống mãi thời gian đến mức chẳng ai muốn thay đổi nó.