Hedi Boy là thuật ngữ không còn quá xa lạ đối với cộng đồng thời trang. Vậy, Hedi Boy là gì và có liên quan thế nào đến Hedi Slimane?
Hedi Slimane – Kẻ quyền lực của giới mộ điệu
Bắt đầu cơ duyên khi làm việc cùng cùng Jean-Jacques Piscart – nhà tư vấn thời trang có ảnh hưởng nhất cho đến vị trí Marketing Assistant tại Yves Saint Laurent, Hedi Slimane đã kết hợp khả năng sáng tạo, tầm nhìn về thời trang của mình. Ông đã được bổ nhiệm cho vị trí Giám đốc sáng tạo của thương hiệu. BST đầu tay tại Saint Laurent Paris đã đánh dấu tiếng tăm và mức độ ảnh hưởng của Hedi Slimane lên thương hiệu. Được biệt, trước đây khi còn trị vị tại Dior Homme, tài năng của gã vốn đã được giới mộ đánh giá cao.
Sau khi gây đậm dấu ấn cá nhân tại S.L.P, Hedi Slimane đã tạo ra quy tắc ăn mặc cho nam giới: “extremely thin”, “androgynous” cùng với những bộ skin- tight siêu bó sát hay những đường cắt vô cùng táo bạo. Chính vì độ ngông và điên đó đã làm cho giới thời trang chao đảo, hàng loạt các ngôi sao lớn nhỏ đều muốn mình xuất hiện trên sân khấu trong trang phục của Hedi Slimane, đặc biệt là các huyền thoại nhạc Rock.
Dấu ấn của Hedi Slimane tại Saint Laurent Paris vẫn còn vang dội đến hiện tại và các tín đồ của ông vẫn hay được người đời gọi bằng danh xưng “Hedi Boy”.
Vậy Hedi Boy là gì?
Ảnh hưởng của Hedi Slimane lan rộng toàn cầu khi những người nổi tiếng yêu chuộng sản phẩm của ông đến mức họ liên tục xuất hiện với những chiếc quần skinny bó chặt, rách phủi bụi.
Harry Styles của nhóm nhạc nam đình đám One Direction đã tự biến những bộ cánh Saint Laurent Paris từ đầu tới chân thành một phong cách của riêng anh. Những người yêu thích thời trang của Việt Nam cũng khó thoát khỏi sự thống trị của xu hướng này khi những ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc và cả trong nước cũng bắt đầu đổi tủ quần áo cũ của mình, thay mới bằng quần jeans bó, rách ở gối, áo blazer ôm, giày tây mũi nhọn,…
Tại Châu Á, G-Dragon của nhóm BIGABNG- biểu tượng của làn sóng Hallyu, cũng là một fashionisto hàng đầu từng đề cập rằng: “Tôi không thực sự thích nhãn hiệu khi nó còn là YSL, nhưng sau đó đã hâm mộ cuồng nhiệt khi nó đổi tên thành Saint Laurent, bởi tôi là một fan của Hedi Slimane.”
Trên thực tế, không có một danh xưng hay định nghĩa nào nói chính xác về “Hedi Boy” trong từ điển thời trang. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm cụm từ này trên Instagram, kết quả sẽ cho ra hình ảnh những gã trai cao và thanh mảnh mặc Teddy Jacket, Biker Jacket cùng Skinny Jeans và mang Wyatt Boots, Harnes Boots… hoặc Chelsea Boots. Do đó, có thể tạm hiểu “Hedi Boy” dùng để chỉ những fanboy của Hedi Slimane, say mê cái vibe và phong cách sống của ông. Hoặc họ chính là những người phối đồ theo hướng Rock dựa trên cảm hứng từ các thiết kế của Hedi tại Saint Larent Paris. Và trên hết, Hedi Boy không phải một phong cách, nó chỉ là một danh xưng.
Hedi Boy & sức ảnh hưởng của Saint Laurent Paris tại Việt Nam
Hedi Boy tại Việt Nam
Quay trở về Việt Nam, năm 2014, thị trường thời trang Việt Nam nở rộ và nhiều người bắt đầu mang Wyatt Boots từ Saint Laurent Paris. Khoảng thời gian sau, đôi Story Et Fall xuất hiện vì có xưởng gia công tại Việt Nam. Không may thay, một vài lô hàng tuồn ra có giá bán thấp hơn cũng len lỏi vào thị trường. Các xưởng, các hãng khác đã bắt được form dáng, chất liệu của đôi Boots này và chắc chắn rồi, “Local Boots” xuất hiện. Từ đó, những đôi Boots trở thành xu hướng mới tại sân chơi thời trang Việt. Mọi người bắt đầu chú ý hơn về việc diện outfit cùng với Boots và nhiều người gọi đấy là Hedi rock-chic.
Từ 2014 đến vào cuối 2015, Hedi Boy trở thành xu hướng, người người mang slim-fit, mang Wyatt Boots hoặc những diện những bộ trang phục có vibe hơi hướng Rock. Họ tự nhận bản thân là một “Hedi Boy” chính hiệu, ăn chơi như một gã trai thích tiệc tùng đích thực. Trên thực tế, nó chỉ dừng lại ở Hedi-rock-chic bởi vì Hedi Boy không chỉ là cụm từ để chỉ phong cách mà còn dùng dể chỉ những người yêu thiết kế từ Saint Laurent Paris và phong cách sống của Hedi Slimane.
Có thể nói, Hedi Slimane là nhà thiết kế khá kín tiếng, có lối sống hơi khác so với số đông. Có nguồn tin cho rằng, Hedi như một “công tử ăn chơi” chính hiệu, thích tiệc tùng, chỉ làm theo lí trí, thẳng thắn và cũng đầy bí ẩn, hiếm khi nghĩ tới cảm nhận của người xung quanh.
Chính phong cách sống ấy cũng có phần tương đồng với lối sống của những người yêu thích dòng nhạc Rock. Đó chính là điều mà Hedi luôn hướng đến qua các thiết kế của ông: phản ánh sự bất cần đời và tận hưởng cuộc sống. Đồng thời, giới trẻ cũng si mê phong cách sống này. Nhiều người cũng nói rằng tinh thần của người chơi Rock và Hedi được truyền cảm hứng từ tinh thần đó.
Sức ảnh hưởng của Saint Laurent Paris tại Việt Nam
Trong giai đoạn từ 2014-2018 tại Việt Nam, các thiết kế của Hedi Slimane tại Saint Laurent Paris đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho giới trẻ. Giới trẻ đua nhau phối đồ theo hướng Rock, theo “Hedi-rock-chic” và mong muốn trở thành một Hedi Boy. Tuy nhiên, việc có thể chi tiền để sắm “full cây” Saint Laurent vẫn là điều không mấy dễ dàng với nhiều người bởi giá thành quá đắt đỏ.
Không gì cản bước được đam mê, giới trẻ có thêm lựa chọn mới bằng cách sử dụng các items mang vibe tương tự. Không nhất thiết phải là một chiếc quần Skinny Jeans hay Biker Jacket từ chính nhà mốt Pháp, giới trẻ vẫn có thể sắm items giống như thế từ những thương hiệu bình dân hơn hoặc hàng secondhand.
Nắm bắt được xu thế và nhu cầu thị trường, các Local Brand Việt Nam cũng không chịu đứng ngoài cuộc chơi. Dựa trên chất Rock từ Hedi Slimane và Saint Laurent Paris, những thương hiệu Việt đã cho ra mắt các sản phẩm như áo khoác da, áo sơ mi, quần Skinny… và cả Boots. Hơn cả thế, họ còn biết cách thay đổi về kích cỡ để phù hợp hơn với vóc dáng của người Việt.
Trong số, không thể không nhắc đến Vietnam Custom Leather. Đây là một trong những Local Brand Việt sản xuất các mẫu áo khoác da phù hợp với thị hiếu của giới trẻ và tỉ lệ cơ thể của người Việt dựa theo vibe Rock từ Saint Laurent Paris.
Lầm tưởng giữa Hedi Boy với F*ck Boy và Bad Boy
Dần dần, khi Hedi Boy trở nên trendy, nghiễm nhiên sẽ có nhiều người đặt ra quy chuẩn cho nó về công thức phối đồ. Việc những người chạy theo xu hướng nhưng không mặc đúng “công thức” ngay lập tức sẽ trở thành trò đùa trong mắt “tiền bối đi trước”. Chính những điều đó vô tình lại tạo nên sự mỉa mai không đáng có cho danh xưng này.
Mặt khác, khi cộng đồng ngày một phát triển cũng chính là lúc những định nghĩa khác nhau ra đời. Nhiều TikToker phối lại theo hướng Rock hoặc vibe Saint Laurent Paris rồi lại đánh tráo khái niệm và nhận đó là “Phong cách F*ckboy/Bad Boy”. Chính những điều này đã làm cho nhiều người không khỏi lầm tưởng giữa thuật ngữ Hedi Boy với F*ck Boy hay Play Boy là một. Trong khi đó, F*ck Boy dùng để chỉ những gã đàn ông có suy nghĩ và hành động phóng khoáng trong chuyện tình cảm, chuyện chăn gối. Riêng Play Boy dùng để chỉ những gã ăn chơi xa đọa, không có điểm dừng hay những kẻ sở khanh dụ dỗ những cô gái đẹp.
Và đương nhiên, chẳng có phong cách thời trang gọi là “Phong cách Bad Boy” hay “Phong cách F*ck Boy” cả. F*ck Boy hay Bad Boy suy cho cùng chỉ là một danh xưng hoặc lối sống của một số người.
Chính những điều này đôi khi “Hedi boy” cũng bị mang ra so sánh, mỉa mai hay dèm pha. Nhưng đó cũng là điều hết sức nghiễm nhiên, vì khi điều gì đó lên xu hướng thì nó cũng sẽ bị đem ra bàn tán phê bình – ghét, thích, có đủ cả. Kể từ khi Hedi Boy xuất hiện, thời trang đường phố Việt ngày một đa dạng hơn. Riêng về thuật ngữ Hedi Boy; suy cho cùng, đây cũng chỉ là thuật ngữ truyền miệng. Nó dùng để khen hay để mỉa mai – tất cả đều ở cảm nhân của mỗi cá nhân.
Bài viết: Ng T Hoai