Hài độc thoại – nghệ thuật “mới nhưng không mới” tại Việt Nam

0

Hài độc thoại là một loại hình nghệ thuật nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng đến vài năm gần đây, thể loại hài độc đáo này mới bắt đầu đến gần hơn với khán giả Việt.

Tại các nước phương Tây như Mỹ hay Anh, hài độc thoại (stand-up comedy) là hình thức giải trí hết sức phổ biến. Rất nhiều nghệ sĩ hài độc thoại trở thành triệu phú với các show diễn bán vé đắt như tôm tươi. Nghệ sĩ hài độc thoại thường biểu diễn trong các câu lạc bộ hài, quán bar, hộp đêm, rạp hát… Đây là thể loại hài kịch trong đó nghệ sĩ biểu diễn “sống” trước các khán giả, pha trò, kể những câu chuyện cười, độc thoại hài hước, thậm chí hát và làm ảo thuật.

Nguồn gốc của hài độc thoại

Hài độc thoại xuất hiện ở Anh từ thế kỷ 18 và bắt đầu phát triển tại Mỹ từ cuối thế kỷ 19. Từ thập niên 1950, các nghệ sĩ hài độc thoại Mỹ bắt đầu đưa yếu tố châm biếm xã hội vào những câu chuyện cười của mình, mở rộng ngôn ngữ và giới hạn của hài độc thoại, hướng đến những chủ đề nhạy cảm như chính trị, chủng tộc màu da và tình dục…

Nghệ sĩ Mỹ Lenny Bruce nổi tiếng với những màn chọc cười đậm chất tình dục và từng bị bắt, phải ra hầu tòa năm 1964 vì tội biểu diễn dung tục. Những người phản đối chỉ trích Lenny Bruce dùng những ngôn từ tục tĩu để gây sốc và câu khách. Tuy nhiên phiên tòa xử Lenny Bruce trở thành một cột mốc đối với tự do ngôn luận tại Mỹ. Phong cách của Lenny Bruce ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ các nghệ sĩ hài độc thoại Mỹ sau này.

Tuy phát triển cực thịnh tại Mỹ nhưng ít ai biết rằng nguồn gốc của hài độc thoại cho đến nay có xuất phát điểm từ rất nhiều nước trên thế giới. Một số nghệ sĩ được cho là đã biểu diễn hài độc thoại ở Tây Ban Nha và Brazil vào những năm 1950 và 1960, về phía Nhật Bản cũng cho rằng hài độc thoại ra đời từ thời Edo dưới cái tên khác là Rakugo – là một trong những nghệ thuật cổ điển tiêu biểu của đất nước mặt trời mọc.

Những nhánh chính của hài độc thoại sơ sơ có thể đếm trên đầu ngón tay, gồm có Anti humor (Phản hài hước), Dark jokes (Hài dựa trên sự nhạo báng), Insult-humor (Hài chửi), Dark comedy (Hài đen tối), Typical comedy (Hài xã hội), Musical comedy (Hài sử dụng âm nhạc),… Cho đến năm 2008, hài độc thoại mới du nhập vào Việt Nam bằng những cái tên như Dưa Leo, Phong Lê, Tùng BT,..

Tiếng cười xuất phát từ đâu?

Ở phương Tây, rất nhiều nghệ sĩ hài độc thoại văng tục trên sân khấu. Họ cũng thường xuyên kể những câu chuyện cười đậm chất tình dục. Nhiều nghệ sĩ hài khác gây tranh cãi khi châm chọc tôn giáo, chủng tộc và thiên hướng tình dục của người khác. Đối với khán giả phương Tây đã quá quen thuộc với hài độc thoại, đó không phải là điều gì xa lạ hay gây phản cảm.

Ví dụ, nghệ sĩ Mỹ da đen Reginald D Hunter thường xuyên dùng từ “N*gga” rất bị người da đen căm ghét khi biểu diễn vì từ này cho là phân biệt sắc tộc. Nghệ sĩ Anh Frankie Boyle hay Billy Connolly luôn văng tục trên sân khấu. Chris Rock hay Monique nổi tiếng với những câu chuyện đùa về tình dục.

Một nghệ sĩ cho rằng khán giả nên có sẵn máu hài hước trong người trước khi đến xem một buổi biểu diễn hài độc thoại. Nhiều khán giả khẳng định họ không cảm thấy khó chịu hay bị phản cảm khi nghe những câu chuyện đùa tục tĩu hay ngôn từ bậy bạ, đơn giản bởi các nghệ sĩ chỉ cố tạo tiếng cười và mua vui cho người xem.

Nhưng cũng có không ít người cho rằng hài độc thoại cần phải “sạch”, nghĩa là không chửi bậy, không có những màn chọc cười mang tính chất tình dục, tránh xa những chủ đề “không phù hợp” đối với trẻ em. Và có những trường hợp nghệ sĩ chọc cười quá đà, bị dư luận phản đối dữ dội. Dane Cook là một minh chứng điển hình khi đã “chọc cười” vụ thảm sát 12 người trong rạp chiếu phim ở Aurora, Colorado (Mỹ) chỉ một tuần sau thảm kịch và bị chỉ trích, sau đó phải công khai xin lỗi người hâm mộ.

Ngoài ra, hài độc thoại cũng có thể là một phương tiện truyền thông để châm biếm những vấn đề đáng lên án trong xã hội, vụ bê bối hay vấn đề chính trị giữa các phe, đảng phái.

Ranh giới giữa duyên và tục

Nếu bạn nghĩ kể chuyện tục, chửi thề là hài thì điều đó không đúng đối với nghệ thuật hài độc thoại. Ở Việt Nam, Dưa Leo được coi là người đầu tiên thử sức với thể loại hài độc thoại nhưng nhận về nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, Hoài Linh cho biết đã từng trình diễn thể loại này ở một vài chương trình và rút ra kết luận “Hài độc thoại khó chinh phục khán giả”.

Ngoài yếu tố hài hước, duyên dáng, người nghệ sĩ còn phải thông minh và cực kì hoạt ngôn vì gần như họ phải thoại liên tục trong khoảng thời gian từ 10-20 phút cho một tiết mục hài độc thoại. Giới chuyên môn nhận xét nhóm “Sài Gòn tếu” đã rất nỗ lực trong việc cùng chế tác kịch bản để từ những câu chuyện tưởng đâu không tên nhưng rồi “ra ngô ra khoai”. Không cần sự hỗ trợ của trang phục hay đạo cụ gì khác, mỗi diễn viên với câu chuyện cứ thế kéo khán giả lại gần nhau hơn qua tiếng cười chia sẻ, cảm thông và đầy lạc quan. Những câu chuyện của nhóm bạn trẻ này không chỉ đơn thuần là pha trò để cười, mà là tiếng cười có trách nhiệm.

“Một microphone. Một con người. Một tiếng nói”

Nghệ sĩ Quốc Khánh cũng là một trong những cái tên duyên dáng ở lĩnh vực stand-up comedy mới lạ. Vốn là diễn viên hài, biên kịch tài năng trẻ của showbiz Việt. Quốc Khánh gây ấn tượng bởi nét diễn hài rất duyên, ngoại hình “múp” cùng gương mặt tỉnh duyên dáng. Sau khi biết đến nhóm hài độc thoại “Saigon Tếu” thì Quốc Khánh đã tham gia và có một vài video nổi tiếng như “Tình yêu tục ngữ”.

Hài độc thoại rất phổ biến và ở các nước phương Tây người ta thích thú và chấp nhận vì văn hóa và cách nghĩ thoáng hơn. Khán giả chấp nhận mức độ dung tục trong câu chuyện, miễn họ thấy cách sử dụng yếu đó thông minh và gây cười được. Trong khi đó với quan niệm người Việt, khán giả khó chấp nhận những câu thoại hoặc hành động dung tục được sử dụng quá trớn trong hài kịch. Nếu người nghệ sĩ không biết tiết chế sẽ sa đà và làm cho khán giả từ chỗ chấp nhận dẫn đến cảm thấy phản cảm.

Phong Lê được xem là một trong những nghệ sĩ biểu diễn hài độc thoại tại hải ngoại được nhiều người yêu thích.

Kết luận

Hài độc thoại muốn duyên và khéo thì phải “nhập gia tùy tục”. Tức là khi loại hình nghệ thuật này xâm nhập vào thị trường Việt, các nhóm hài và nghệ sĩ phải biết chọn lọc không sử dụng nội dung không mang tính nhạy cảm như liên quan đến cộng đồng LGBT, vấn đề đau xót của xã hội hay chính trị nhạy cảm tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa stand-up comedy cần phải có một sự chọn lọc, làm mới để phù hợp thuần phong mỹ tục tại đất nước hình chữ S này. Mong rằng các khán giả cũng sẽ mở lòng hơn để tiếp nhận những nghệ thuật văn hóa mới – như cái cách mà Rap, Hip Hop đã và đang phát triển hiện tại.

*Bài viết có tham khảo nội dung từ báo Tuổi Trẻ

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here