#GRWM: Nội dung phối đồ đầy sáng tạo hay trào lưu “thay đồ online” biến tướng?

0

#GRWM là nội dung video mà người sáng tạo sẽ thay đồ nhanh, review ngắn trang phục mà mình chọn phối – kể cả… nội y mà họ mặc?

Get Ready With Me (gọi tắt là #GRWM) trong phạm trù thời trang là nội dung mà người làm sáng tạo sẽ thay đồ, lựa chọn quần áo sao cho chỉnh chu dành cho một dịp nào đó hoặc đơn giản chỉ để dạo phố. Gần đây, trào lưu này đã gây lên sự tranh cãi vì một số người làm nội dung (Content Creator) mặc nội y phản cảm ở những giây đầu của video nhằm “giữ chân” người xem…

Vậy câu hỏi đặt ra: cái người xem tìm đến nội dung này để xem là trang phục hay cơ thể của người sáng tạo nội dung?

Get Ready With Me (#GRWM) là gì?

Tháng 6/2021, Youtube đăng tải báo cáo “Youtube Culture and Trends”, chỉ ra những xu hướng đáng chú nhất ở hành vi người dùng vào dịch bệnh. Nhu cầu được kết nối, được có cảm giác là một phần của cộng đồng cao hơn bao giờ hết. Một trong những hệ quả rõ ràng của nhu cầu kết nối này là sự bùng nổ của hàng loạt video “with me”: Study with me (Học cùng tôi); Clean with me (Dọn dẹp cùng tôi); Work online with me (Làm việc cùng tôi) và rất nhiều nội dung “with me” khác.

#grwm

#GRWM, hay “Hãy sẵn sàng cùng tôi”, là một xu hướng thường được sử dụng trên mạng xã hội từ cuối năm 2021. #GRWM cho những nội dung thói quen trước khi ra đường, thói quen trước khi đi du lịch, thói quen tập luyện, phong cách thời trang… Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với Brand Deals (hợp tác thương hiệu) và Brand Sponsored (tài trợ sản phẩm). 

Nội dung #GRWM được ưu tiên để hợp tác với thương hiệu vì khán giả xem với mục đích tái tạo thói quen bằng sản phẩm từ Influencer mà họ tin tưởng. Cho dù đó là các bước lựa chọn trang phục làm việc hay chế độ skincare vào ban đêm, video #GRWM đều là dạng nội dung hấp dẫn và tiện lợi mà người xem tìm kiếm để lấy cảm hứng.

#grwm

Đối với công nghiệp thời trang cũng không ngoại lệ khi #GRWM xuất hiện ở khắp nơi. Hàng ngàn người phối đồ, thay đồ nhằm mục đích gợi ý cho những cá nhân khác có thêm “tư liệu” về quần áo mặc phù hợp với vóc dáng bản thân. Điều này là một tín hiệu tốt, khi cả cộng đồng quốc tế lẫn trong nước có thể cùng nhau tham khảo được cách mặc đồ đẹp dành cho một dịp nào đó hay đơn giản là tìm thấy được luồng gió mới trong cách ăn mặc của chính mình.

Nội dung sáng tạo hay trào lưu biến tướng?

Nội dung hấp dẫn và trào lưu cực kỳ “trendy” là vậy, nhưng khi chúng du nhập vào Việt Nam đã gây ra một số tranh cãi từ hai phía.

TikToker @lily.thanh.thao đã chia sẻ quan điểm rằng những Content Creator khác đã lạm dụng nội dung xu hướng này mà không ngại mặc nội y và thay đồ ở những giây đầu tiên nhằm mục đích giữ chân người xem bằng bất cứ giá nào. TikToker này cho rằng những “nhà sáng tạo” kia chỉ mục đích câu views dựa trên cơ thể của mình chứ không thấy yếu tố phối đồ thời trang nào hiện hữu, trong khi nội dung mà những “nhà sáng tạo” đang làm là về phối đồ và thời trang.

Ngoài ra, xu hướng này nên có phần phải tiết chế bớt tránh khoe thân một cách lộ liễu vì trên mạng xã hội hiện nay có vô số trẻ con lẫn người chưa đủ vị thành niên sử dụng. Điều này, ít nhiều có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển – tư duy của những “viewer” nhỏ tuổi nên ranh giới của việc gợi cảm hay phản cảm là cực kỳ mong manh. Bên cạnh đó việc thay đồ một cách công khai trên mạng xã hội sẽ có phần trái với thuần phong mỹ tục tại Việt Nam.

Mặt khác, những nhà sáng tạo nội dung #GRWM cho rằng việc để lộ nội y và đường cong cơ thể là điều cần có. Bởi vì, người xem có thể thấy được vóc dáng cơ thể kia có tương đồng với cơ thể của mình hay không. Và từ đó, người xem sẽ có cái nhìn gần nhất với những bộ trang phục mà họ xem các Influencer này phối thử. 

Điều này sẽ giúp người xem tiết kiệm được thời gian đi đến cửa hàng mua sắm mà vẫn có thể xem người khác thử đồ giúp mình và tiến hành “chốt đơn” một cách thuận tiện hơn, một nội dung cực kỳ tiện lợi và hữu ích cho thương hiệu thời trang lẫn Influencer/Content Creator thực hiện.

Kết luận

Việc “thay đồ nhanh online” gồm cả phần nội y liệu có cần thiết hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố của người xem lẫn nhà sáng tạo nội dung. Nếu những người làm nội dung đọc được số liệu tương tác cụ thể thì câu hỏi đặt ra là sẽ có bao nhiêu “khán giả” là nam hay nữ quan tâm body hay outfit của người mặc ở những giây đầu của nội dung? Và giữ chân người xem ở những giây đầu sẽ có nhiều cách tinh tế, thông minh và sáng tạo “an toàn” hơn là việc thể hiện nội y cho dù cho đó là mục đích tích cực hay tiêu cực.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here