Mặc đẹp, mặc phá cách hay chỉ đơn giản là đắp nhiều layers nhất lên cơ thể để trông thật cá tính và khác người. Đâu là ranh giới giữa khái niệm thời trang “dị biệt” và… xấu?
Trong một thế giới thời trang đầy màu sắc và đa dạng hiện nay, gam màu nào trong bảng màu phong cách mà chúng ta dùng để “tô sắc” cho từng cá tính nổi bật của thế hệ Gen Z. Do đó, không ít người yêu thời trang tạo ra những “bản phối” cực kỳ thú vị dựa trên tính cách bản thân và sở thích dành cho thẩm mỹ – thời trang mà họ theo đuổi. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số khác lợi dụng thời trang dị biệt như chỉ để tìm kiếm sự chú ý trên mạng xã hội. Có thể họ không cố tình chọn thời trang dị biệt cho mục đích tiêu cực như vậy. Có thể, họ chỉ chưa thật sự hiểu rõ… bản thân đang mặc gì.
Ranh giới mong manh giữa thời trang “dị biệt” và.. xấu
Ranh giới của thời trang “dị biệt” và thời trang “xấu” ở đâu? Đây là câu hỏi mà không phải bất kỳ ai, kể cả những fashionista lão luyện nhất, cũng có thể tự tin đưa ra câu trả lời. Thời trang, bản chất, là vô hạn, và đôi khi ranh giới giữa việc mặc “dị” và mặc “xấu” trở nên vô cùng mong manh. Chẳng hạn, tại Việt Nam, mỗi khi Tuần lễ thời trang diễn ra, những cuộc tranh luận sôi nổi lại bùng nổ trên khắp các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Mỗi bộ trang phục đều bị đem ra mổ xẻ và phân tích một cách tỉ mỉ.
Tùy thuộc vào cảm nhận nghệ thuật của từng người, những bộ trang phục này sẽ được gán cho những cụm từ như “đẹp”, “tinh tế”, “dị biệt” hay “xấu xí”. Cái đẹp thực sự nằm trong cách nhìn nhận của mỗi người thưởng thức. Điều này hoàn toàn đúng trong lĩnh vực thời trang. Dù không có chuẩn mực hay giới hạn rõ ràng, có một điều mà bất kỳ tín đồ thời trang nào cũng nên ghi nhớ: ấn tượng đầu tiên về cái “đẹp” ngay khi ánh mắt chạm vào.
Thực tế cho thấy có một phong cách thời trang đặc biệt mang tên Avant-garde, hay còn gọi là thời trang cấp tiến. Phong cách này phá vỡ các cấu trúc truyền thống của trang phục cơ bản, được xem là sự sáng tạo và nguồn cảm hứng mạnh mẽ nhất. Với trí tưởng tượng phong phú và những ý tưởng táo bạo, các nhà thiết kế theo đuổi phong cách này đều mong muốn thoát khỏi những tiêu chuẩn đẹp đã trở nên quen thuộc, thậm chí phản kháng lại các hình thức đã được công nhận trong thời trang. Những tín đồ yêu thích lối ăn mặc này thường được nhận định là những người có tư tưởng tự do, dám phá cách và đi trước thời đại.
Thời trang vốn tôn vinh sự khác biệt và cá tính độc đáo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cứ ăn mặc khác người hay nổi loạn thì sẽ đẹp. Sự khác biệt cần phải được xây dựng dựa trên trải nghiệm, kiến thức, gu thẩm mỹ và những “phá cách” có chủ đích của người mặc.
Cái đẹp trong thời trang là sự dung hòa giữa nhiều yếu tố
Thời trang vốn là sự tổng hòa từ rất nhiều yếu tố như kiểu dáng, chất liệu, màu sắc hay phụ kiện đi kèm. Do đó, để một bộ cánh được đánh giá là “đẹp”, nó phải dung hoà được cùng lúc tất cả các yếu tố đó, cùng sự tương thích với người mặc và địa điểm mặc. Ở các kinh đô thời trang như Pháp hay Ý, những nhà thiết kế hay stylist cũng chính là những chuyên gia trong đọc vị tính cách con người, để nhìn nhận kiểu trang phục nào sẽ phù hợp nhất với một cá nhân cụ thể. Do đó, không thể chỉ đơn thuần đắp một đống đồ hàng hiệu lên người để tạo nên một bộ cánh thời trang. Sự quá lố sẽ chỉ phản tác dụng, khiến người mặc gây ấn tượng xấu.
Những người thực sự đam mê và hiểu biết về thời trang hiểu rõ một chân lý rằng thứ chất liệu cốt lõi nhất tạo nên một bộ trang phục đẹp chính là cơ thể và thần thái tỏa ra của người mặc. Cái đẹp luôn nằm ở sự phù hợp. Lựa chọn trang phục phù hợp với bản thân, với hoàn cảnh vào từng thời điểm là một nghệ thuật cần được học để có được sự gia giảm khéo léo, tinh tế…
Đành rằng trang phục để làm đẹp. Làm đẹp khiến bản thân tự tin hơn, yêu đời hơn, cảm thấy một phần giá trị của bản thân thông qua cảm giác mình hấp dẫn hơn. Nhưng điều gay go là, trên đời có nhiều kiểu đẹp. Chỉ riêng về trang phục, có cái đẹp thanh lịch tinh tế duyên dáng gây thăng hoa về mặt tinh thần, gây nên những xúc cảm đẹp đẽ, như vẻ đẹp trang phục của “biểu tượng” Audrey Hepburn, có cái đẹp mang duyên ngầm khiến người ta lưu luyến mãi vì rung động như những trang phục thường ngày kín đáo nhưng phù hợp với tính cách, vóc người.
Ngoài ra, những trang phục truyền thống đẹp xuyên thời gian không gian, có kiểu cái đẹp pha trộn giữa một chút thanh lịch, một chút duyên, một chút gợi cảm đủ gây tò mò xao xuyến khi người phụ nữ khéo léo kết hợp vừa đủ độ hở và kín trong trang phục áo dài Việt Nam. Do đó, để đánh giá một phong cách thời trang, hay thẩm mỹ là một bài toán không có lời giải chính xác mà nó chính là sự dung hòa giữa nhiều yếu tố như: không gian, thời gian, ngữ cảnh, tính cách, sở thích,…
Thời trang ứng dụng và thời trang chỉ để… chụp ảnh “gây sốc”
Để có một cái nhìn gần gũi và dễ hiểu. Chúng ta nên chia ra hai trường phái thời trang mà Gen Z dùng cái mác “lập dị”, “khác người” để tạo ra những bản phối của mình thông qua hình ảnh online và đời sống thường ngày.
Thời trang ứng dụng
Thời trang là cách con người tự thể hiện bản thân. Qua cách mặc quần áo, phụ kiện và cách trang điểm, mọi người có thể biểu đạt phong cách, cá tính, sở thích và quan điểm của họ. Thời trang là một phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ, giúp cho mỗi người có thể tạo dựng hình ảnh của bản thân, thể hiện cá tính riêng của mình và thu hút sự chú ý của những người xung quanh.
Thứ hai, thời trang là một yếu tố quan trọng trong tương tác xã hội. Qua cách mặc quần áo và phụ kiện, con người có thể định vị mình trong nhóm xã hội, đồng nhất hoặc phân biệt với nhóm khác, thể hiện địa vị, tầng lớp, sự giàu có hay nghề nghiệp của mình. Thời trang cũng là một công cụ để tạo ra mối quan hệ xã hội, bởi vì nó có thể gây ấn tượng, tạo điểm chung hoặc là đề tài để khởi đầu một cuộc trò chuyện và tăng cường giao tiếp giữa mọi người. Do đó, thời trang phải đi đôi với ứng dụng vào cuộc sống. Phải khiến cho người mặc trở nên đẹp mà không mất đi yếu tố hài hoà với môi trường xung quanh của từng người.
Thời trang trình diễn (chụp ảnh)
Nhiều nhà thiết kế, thương hiệu thời trang ngày càng táo bạo trong sáng tạo. Họ đưa ra những ý tưởng độc đáo cho trang phục khiến khách hàng phải ồ lên vì sự mới mẻ. Tuy nhiên, không ít sản phẩm trong số đó có vẻ chỉ phù hợp trưng bày, thử nghiệm… với đích đến mãi mãi chỉ dừng lại ở sàn diễn.
Quay trở lại câu chuyện thời trang dị biệt của Gen Z ngày nay. Họ theo trào lưu thời trang phá cách, những concept chụp hình hiện đại, khác người với mục đích để được người khác “tung hô” rằng mình có gu thời trang tốt, không giống ai. Từ đó, những lượt chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng thời trang online. Những người này bỗng chốc trở thành KOL, Fashionista “Online” vì theo khía cạnh nào đó những trang phục mà họ chưng diện trên ảnh thì khá đặc sắc, nổi bật hơn số đông. Nhưng nếu để đem “bộ cánh” đó đi học đi làm, hoặc đi cà phê thì Street Vibe không chắc rằng nó có phù hợp với mỹ quan hoặc bạn sẽ nhận lại nhiều ánh mắt dòm ngó?
Thời trang bấy lâu vẫn là nơi để những nhà sáng tạo thể hiện sự tìm tòi, ý tưởng mới, thể hiện thông điệp của mình về phom dáng, chất liệu, màu sắc… Hiện tại, làng thời trang đã chào đón nhiều bộ sưu tập độc đáo thậm chí “tạo cú sốc” cho thị trường với những sáng tạo vượt xa quy chuẩn của thời trang ứng dụng. Xung quanh quan niệm về thời trang và sự sáng tạo, ranh giới giữa thời trang ứng dụng và thời trang “trưng bày” đôi khi rất gần.
Mặc dị nhưng phải hiểu bản thân đang mặc gì!
Khi khảo sát thực tế, cả hai tác giả của bài viết này đã gặp gỡ và trò chuyện cùng nhiều bạn trẻ Gen Z đang bước đầu tìm hiểu về thời trang. Trong quá trình khảo sát, tác giả nhận ra rằng có một thực trạng đang ngầm xảy ra: nhiều bạn trẻ cố mặc dị để tìm kiếm sự chú ý nhưng họ không hiểu đang mặc gì. Cùng với đó chính là quan điểm “càng dị biệt, càng là thời trang” lại là một quan điểm có phần sai lầm. Thời trang hướng đến cái đẹp của vải vóc nên không cần phải dị biệt vì sự đơn giản cũng có thể tạo nên sự đẹp đẻ. “Muốn thời trang, muốn dị biệt thì phải phối thật nhiều lớp layer, phụ kiện…” – đó lại là một quan điểm cũng có phần vừa đúng, vừa sai lầm khác. Với những người đã vững kiến thức nền tảng, họ có thể thuần phục quan điểm trên để tạo nên một bộ trang phục đẹp. Nhưng với người chưa vững nền tảng, họ sẽ mặc định như vậy mới là thời trang rồi phối thật nhiều layer, nhiều phụ kiện. Tiếc thay, họ không thể “kiểm soát” các items, không thể kết hợp các lớp layer hay hiểu rõ phong cách thời trang phù hợp với bản thân.
Chúng ta được quyền lựa chọn phong cách thời trang phù hợp với riêng bản thân ta. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rõ nó. Những cái “độc-lạ-dị” được sản sinh từ những cái-cơ-bản-bình-thường. Sự thật rằng, không ít những người đang bước đầu theo đuổi thời trang, khi mà nền tảng kiến thức của họ vẫn chưa vững – đã vội vàng định hướng bản thân theo một phong cách dị biệt.
Cộng đồng thời trang nước ta hiện nay đang phát triển hơn bao giờ hết. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này: sự phát triển chóng mặt của các nền tảng mạng xã hội, nguồn năng lượng cảm hứng từ những-con-người-có-phong-cách-dị-biệt, mưu cầu thể hiện bản thân của người yêu cái đẹp… Thời trang là ngôn ngữ không lời, là phương tiện biểu đạt xúc cảm. Thời trang trao quyền cho mỗi cá nhân thể hiện quan điểm, suy nghi, sở thích, phong cách và lối sống của từng cá nhân. Mỗi người đều có một lăng kính riêng, một thế giới quan riêng. Giới trẻ Việt Nam vẫn đang cởi mở và thích nghi với các phong cách thời trang nhưng cần có thời gian và chọn lọc mặc sao cho phù hợp ngữ cảnh. Nếu ai ai cũng “độc lạ dị” thì lúc đó sẽ không có “độc lạ dị”.
Ở khía cạnh khác, những người đã chót phải lòng hay đang từng bước tìm hiểu về thời trang cũng cần hiểu rằng thời trang không có quy tắc nhưng để làm chủ nó, ta cần kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm. Mặc đúng, mặc đẹp và phá cách. Tại sao phải sắp xếp theo thứ tự như vậy? “Thời trang không hề tồn tại bất cứ quy tắc nào” — vừa đúng vừa sai. Thời trang được tạo ra để thể hiện tính riêng biệt của mỗi người. Nhà thiết kế Rick Owens từng nói: “Quy tắc được tạo ra là để phá vỡ chúng” nhưng trước khi phá vỡ chúng thì ta phải nắm rõ các quy tắc ấy cùng kiến thức cơ bản. Thời trang không hề có quy tắc nào cả nhưng ẩn sâu bên trong mỗi loại hình nghệ thuật đều có quy tắc “ngầm” riêng biệt – những quy tắc này cấu thành từ thuần phong mỹ tục, đặc trưng văn hoá, tín ngưỡng của mỗi quốc gia hay mỗi khu vực. Kiến thức và quy tắc cơ bản luôn là nền tảng quan trọng nhất.
Tạm kết
Thời trang ban đầu ra đời với mục đích để che chắn và bảo vệ cơ thể của con người khỏi những tác động của môi trường xung quanh. Nó đã ngày càng phát triển trở thành nghệ thuật ăn mặc theo dòng chảy của lịch sử con người. Sẽ có nhiều xu hướng thời trang, phong cách mới được ra đời như một quy luật tất yếu, cách chúng ta đón nhận là nhìn về bản thân mình xem các phong cách này có phù hợp mình hay không? Nếu một thế giới thời trang đầy sự “dị biệt” thì lúc đó sẽ không có sự “dị biệt” nào cả, vì tất cả đều “khác người” một cách “giống nhau”. Bài viết này sẽ không ủng hộ hoàn toàn cho kiểu phá cách hay thẩm mỹ thời trang nào, mà Street Vibe nghĩ thứ quần áo đẹp nhất là quần áo phù hợp với tính cách, cơ thể và đời sống của mỗi cá nhân.