Gặp Ca Ti để nghe những câu chuyện về đồ si

0

Ca Ti hẳn không còn là gương mặt xa lạ với những người yêu thời trang đường phố ở Việt Nam. Ti, bằng một cách nào đó, đã lan toả năng lượng tích cực đến với cộng đồng thời trang nói chung và cộng đồng vintage nói riêng. Đó cũng là điều mà nhiều người sẽ cảm nhận rõ khi trò chuyện cùng Ti.

Gần đây, có dịp gặp Ti trực tiếp, tôi “kết” Ti ngay và thấy ngưỡng mộ cô gái này. Xuất phát từ đam mê thời trang của một cô gái ở Trà Vinh, Ca Ti đã mang nó đến Sài Gòn. Rồi bằng nỗ lực của mình, Ti đã lan toả nó trong cộng đồng và có được nhiều thành công, điển hình là chiếc tiệm CaTiSi được nhiều bạn trẻ yêu thích.

Các outfit Ca Ti chia sẻ trên trang cá nhân trong khoảng 2 năm gần đây. Ảnh: Nah. Nguồn: Ca Ti

Mình mặc vậy cho đến già luôn!Buổi trò chuyện diễn ra tại chiếc tiệm CaTiSi trong con hẻm yên tĩnh. Ca Ti là một người chỉn chu, thấy khách đến, bạn mở nhạc, đội mũ, khoác chiếc áo yêu thích và một ly trà trái cây được chuẩn bị. Hỏi ra mới biết Ca Ti rất thích tiếp xúc với các bạn trẻ. Và chiếc tiệm CaTiSi chính là kết quả của sự thích thú đó. “Lúc trước mình cảm thấy bán online tù túng quá, nên mới có cái shop này. Mình thích nói chuyện với mọi người” – Ti tâm sự. 

 

Ca Ti chia sẻ: “Trước khi bén duyên với Vintage Americana Vibe ai cũng có một thời để “quằng”. Ảnh. Ca Ti.

Sau ki đã chuẩn bị tươm tất, Ti bắt đầu trả lời câu hỏi đầu tiên: “Trong những style đã thử qua, đâu là style Ti cảm thấy thích và đúng là chính mình nhất?

Ti chỉ ngay vào bộ quần áo đang mặc trên người. “Đây! Bây giờ đây! Và mình sẽ mặc như vậy cho đến già!” – Ti kể về chuyện bén duyên với phong cách Vintage Americana này. Cha Ti từng là một người lính, ông rất thích mặc trang phục quân đội. Hồi bé, Ti được cha tặng cho chiếc quần, lúc ấy cô nàng “thích quá!” nên ấp ủ kế hoạch khi lên TP.HCM sẽ tìm hiểu thêm về nó. Rồi sau này Ti gặp được Đặng Nhật (founder Red Onion), người mà theo Ti đã giúp bạn đi đúng với phong cách này. 

Chiếc áo Ti mặc lúc thực hiện phỏng vấn. Ảnh Nah

Nói đến thử nghiệm, đầu năm 2021, Ti có một cái thử mà ít cô gái nào đủ can đảm để làm: cạo đầu. Khi được hỏi về việc này, Ti không chút ngần ngại chia sẻ, bản thân muốn trải nghiệm điều mới. “Mình cũng hay ngẫu hứng lắm, cộng với lúc đó tóc mình đang hư nên gọi bạn ra làm cho mình luôn!” – cô gái nói về chiếc đầu đinh của mình nhẹ tênh. 

Tôi khen Ti là một người luôn năng động, hết mình với những gì bạn thích và hỏi đâu là điều khiến Ca Ti luôn giàu năng lực như vậy. Ti ngại ngùng: “Đầu tiên mình làm để thỏa niềm đam mê. Mình cố gắng trải nghiệm thật nhiều để sống trọn với những gì mình thích. Đồng thời, khách hàng, anh em đi trước trong cộng đồng vintage, mỗi người một phần, cũng là nguồn cảm hứng rất lớn cho mình để cố gắng.” 

Vậy nếu dùng 3 từ để nói về thời trang của Ti, Ti sẽ chọn từ nào? 

“Ứng dụng, bền vững và mạnh mẽ”, đó là cái văn hoá vintage pha với tính cách của Ti. Ti chia sẻ thêm về tính ứng dụng: “Mình thích mặc những bộ đồ có thể vừa đi làm, vừa hoạt động vừa đi chơi luôn!” Đồ Ti mặc có rất đa năng. Cùng một outfit cơ bản, lúc đi cafe Ti có thể chỉ mặc mỗi áo thun, quần jeans. Lúc cần chụp ảnh thì khoác áo vào, đội thêm nón và phụ kiện.  

CaTi với những trang phụ theo phong cách Vintage Americana. Ảnh Ca Ti

Ti kể có nhiều người nói đồ si sao mắc vậy, nhưng theo Ti chỉ có “người chơi vintage” mới hiểu. Ti muốn đầu tư cho bản thân mình hơn. Nói đến đây Ti có vẻ “trúng tủ” và háo hức lên hẳn. Rồi Ti cho tôi xem ảnh những món quần áo có từ thập niên 40, 50 và hăng say kể về những món này. 

Từ giấc mơ làm ca sĩ trở thành chủ tiệm đồ si

Ca Ti tự lập từ sớm và biết tự lo cho cuộc sống. Ti kể về công việc đầu tiên của mình: “Năm lớp 10, mình bắt đầu bán mấy phụ kiện tuổi teen. Mà hồi đó còn lấy xe đạp giao hàng kìa (cười). Cũng khó khăn lắm, phải làm mọi thứ để trang trải cuộc sống.” Sau đó, Ti lên Sài Gòn, cảm thấy không hợp với việc làm văn phòng Ti “về hưu sớm” và thử bán đồ si. Ti vui vẻ nói: “Lúc đầu mình mua một hai bộ về bán, rồi năm mười bộ. Từ từ thành shop CaTiSi bây giờ.” 

Rồi bạn chia sẻ về cái tên CaTiSi: “Năm cấp 3 mình cũng buôn bán, lúc đó chỉ là CaTi shop thôi. Ca Ti là viết tắt tên mình – Cẩm Tiên. Còn Si, thứ nhất là đồ si, thứ hai là Street Icon. Ti cảm thấy nó có duyên với mình, nó đi với Ti một khoảng đường dài rồi.”

Tôi hỏi: Tại sao lại chọn đồ si?

Ti nói: “Mình theo đuổi vì đam mê, vừa là đam mê vừa kiếm ra tiền”. 

Nhưng nếu nó không kiếm được nhiều Tiền như kỳ vọng Ti có chọn một con đường khác không?

“Không. Ti cảm thấy tự do, cháy hết mình với cái shop này.” Ti kể về khách hàng “xịn sò” của mình: “Có người từ Cần Thơ hay các tỉnh khác lên đây chỉ để mua cái túi, gặp mình nói chuyện rồi về. Còn có mấy cô, tầm bốn mươi tuổi đến mua giày. Thấy đẹp quá, cô còn mua gửi cho con ở nước ngoài nữa!”

Ca Ti chia sẻ “chơi đồ si” không dễ,  các món đồ si càng hiếm càng có tuổi giá càng cao: “Chiếc áo này Việt Nam rất hiếm ai có, mà lại là size nữ. Nên giá nó đắt!”. Ảnh: Ca Ti

Không chỉ thời trang, Ca Ti còn có đam mê với ca hát và nhảy. Cô kể: “Lúc nhỏ mình còn ước mơ làm ca sĩ, lớn lên thành chủ tiệm đồ si. Bạn mình hay ghẹo (trêu – tiếng người miền Nam) ‘Mày hồi đó mơ làm ca sĩ lớn lên bán đồ si, nó khác có dấu ngã thôi đó!’” 

Ca Ti chia sẻ công lớn nhất của mình: “Ngoài biết đến CaTiSi, mọi người còn biết Ti. Mọi người gặp Ti rồi chào như những người bạn khiến Ti rất hạnh phúc.” Rồi Ti háo hức kể về những “đóng góp nhỏ” đã tạo cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ mặc đồ si. Ti kể lâu lâu còn có người nhắn tin “Ti, hôm nay anh mang đồ của shop Ti đi diễn nè!” khiến Ti thấy rất vui. 

Nỗ lực để thành côngTi nói về những khó khăn với nụ cười lạc quan. Rằng lúc đầu Ti phải đem theo những chiếc túi lớn thế nào ra chợ. Một cô gái phải giành giật thế nào với mấy anh con trai lực lưỡng để lấy hàng. Giọng Ti có chút nhõng nhẽo ở cuối “mình giành hổng có lại” khiến cả hai bật cười. Kể về khó khăn nhưng tiếp đó là một kế hoạch của Ti. Ti nói nếu nguồn hàng khó tìm thì mình kinh doanh đồ mới để cân bằng hai thứ lại. Hiện tại ngoài shop đồ si, Ti cũng có một shop bán phụ kiện do bên Ti sản xuất. 

Chia sẻ hài hước của Ti trên trang cá nhân của mình: “Đấy khổ chưa? Đi săn đồ sẵn ghé mua bọc nui mang về cho chị Hai ăn mà bị bên kia hối qua lấy đồ thế là dọt xe bỏ lại bọc nui phía sau. Đấy đừng có hối người già cả hậu covid nữa, khổ lắm”. Ảnh: Ca Ti

Ti nói: “Khó khăn có nhiều, mà Ti cảm thấy Ti có thể vượt qua được hết.” Tôi vọt miệng hỏi: “Nếu không bán đồ si, Ti sẽ làm gì ?” Ti nói ngay: “Nhiều lắm! Giống như thợ đụng, đụng gì làm nấy. Mình suy nghĩ tích cực về mọi thứ. Nếu mình không bán đồ mình có thể làm model, stylist hoặc làm trợ lý cho các nghệ sĩ. Nhưng nói chung mình vẫn thích bán đồ si nhất.” 

Cuối cuộc trò chuyện, Ti nhắn nhủ với các bạn cùng đam mê với mình nhưng chưa dám theo đuổi: “Cứ thử đi! Bạn còn trẻ mà. Thử rồi mới biết có khó khăn gì. Biết rồi mới khắc phục được.” Ti kể thêm: “Nhiều bạn trẻ bây giờ xịn lắm. Ngoài buôn bán các bạn còn mang lại cảm hứng cho khách hàng. Họ tạo ra một cái chất riêng cho họ. Mình vui vì trong cộng đồng mỗi người đều có một điểm nhấn, không nhầm lẫn với bất kỳ ai. Cộng đồng mình không có cạnh tranh gì luôn! Hôm mình khai trương hoa chất đầy tiệm hầu hết là của các chủ shop đồ si tặng.”

Cuộc trò chuyện kết thúc bằng lời cảm ơn của tôi và Ti. 

Hình ảnh Ca Ti năm vào 4/2019. Ảnh Ca Ti
Hình ảnh Ca Ti vào 9/2019. Ảnh Ca Ti
Hình ảnh Ca Ti vào 1/2020
Ca Ti vào 7/2020. Ảnh Ca Ti
Ca Ti
Hình ảnh Ca Ti vào 8/2020. Ảnh: Ca Ti
Ca Ti
Hình ảnh Ca Ti vào 1/2021. Ảnh: Ca Ti
Ca Ti
Hình ảnh Ca Ti vào 2/2021. Ảnh: Ca Ti
Ca Ti
Hình ảnh Ca Ti vào 3/2021. Ảnh: Ca Ti
Ca Ti
Hình ảnh Ca ti vào 11/2021. Ảnh: Ca Ti
Ca Ti
Ảnh được Ca Ti đằn tải vào 4/2022. Ảnh: Ca Ti
Ca Ti
Ca Ti (bên trái) vào 5/2022. Ảnh: Ca Ti

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here