Gakuran: Khi đồng phục hòa vào dòng chảy thời trang

0

Đồng phục – cụm từ nghe có vẻ quy chuẩn và khô khan nhưng ở Gakuran, chiếc đồng phục của nam sinh Nhật, đã phá vỡ định kiến đó.

Hình ảnh trong High and Low.

Gakuran đã trở thành cảm hứng cho biết bao ông trùm thời trang Nhật Bản và trên thế giới. Người ta đến với Gakuran không chỉ nhờ sự nổi tiếng từ các bộ manga, phim ảnh mà còn nhờ vào lịch sử, văn hoá và ý nghĩa của bộ đồng phục này. 

Đồng phục Tây phương cho học sinh Nhật

Gakuran được sinh ra và lớn lên trong “vẻ ngoài hiện đại và phát triển” của văn hóa Nhật. Với nguồn cảm hứng từ quân phục Nhật – trang phục thể hiện lòng tự tôn dân tộc, những chiếc Gakuran được hình thành. Vì lý do đó, Gakuran thường mang diện mạo nghiêm túc để thể hiện cho bộ mặt của một quốc gia. 

Những chiếc Gakuran đầu tiên xuất hiện vào năm 1879. Trong những năm kế tiếp chúng chỉ dành cho những trường học quý tộc vì  thiết kế và chất liệu vải được xem là “sang trọng”. 

Cũng có một số nguồn tin cho rằng, ý tưởng làm nên Gakuran đến từ những chiếc áo của hải quân châu Âu. Do đó, cách giải thích cái tên Gakuran có thể hiểu như sau: Gakuran bắt nguồn từ việc ghép chữ “Ran” chỉ đồ vật thuộc văn hóa phương Tây và “Fuku” có nghĩa là quần áo. Học sinh – “Gakusei” ghép với quần áo Phương Tây là “Ran Fuku” thành “Gakuran”: Quần áo phương Tây dành cho học sinh Nhật.

Nam và nữ sinh thời Minh Trị từ bìa sách năm 1899. Nguồn: ja.wikipedia.org

Trong thời kỳ Minh Trị (1868-1912), tư tưởng tiếp cận cái mới, tinh thần học hỏi phương Tây được lan rộng, Gakuran phổ biến và đến được với số đông học sinh. Khi  hiến tranh xảy ra,  người ta tiết kiệm tiền tập trung cho cuộc chiến, áo Gakuran trở lại với giới nhà giàu ở Nhật Bản. Chiến tranh kết thúc, những bộ đồng phục này dần trở lại với người bình dân và trở thành đồng phục của đa số nam sinh ở xứ sở hoa anh đào.

Màu sắc của những chiếc Gakuran thường là đen, nhưng một số trường có thể sử dụng màu xanh nước biển. Đặc điểm nhận diện chiếc Gakuran đến từ phần cổ áo dựng đứng. Phần cúc áo thường có 5 chiếc, đính từ trên xuống dưới, cúc thường có màu vàng và được trang trí bằng biểu tượng của trường.

Sinh viên Đại học Keio năm 1943. Nguồn: project.fmc.keio.ac.jp 

Một cách “chuẩn chỉnh” để mặc Gakuran là cổ áo thật thẳng và đóng tất cả cúc kết hợp cùng mũ lưỡi trai đen, thắt lưng đen. Khi một nam sinh mặc Gakuran phần cúc không được cài hết thường sẽ đại diện cho những “anh chị” trong trường học (Yankee). Bên cạnh đó, vì một số trường không có phòng thay đồ hoặc thay quần áo không phân biệt giới tính, học sinh phải thay trang phục trong lớp học của mình. Do vậy, họ có thể mặc đồ thể thao bên dưới lớp áo Gakuran.

Khi bộ đồng phục được thời trang hoá

Trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, Gakuran trở thành một biểu tượng độc đáo trong nền văn hóa Nhật Bản. Không chỉ được nhiều nam sinh yêu thích mà chiếc áo này đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của nhiều nhà thiết kế, thương hiệu lớn với với làn sóng của manga, anime.

Chiếc Gakuran ngày càng trở nên nổi tiếng khi được mặc bởi hàng loạt nhân vật truyện tranh, đặc biệt là các nhân vật đại diện cho chính chính nghĩa trong các cuộc xung đột. Có thể thấy chiếc Gakuran xuất hiện xuyên suốt bộ phim, anime, manga như: Crows Zero, Tokyo Revengers, JoJo,…

Gakuran trong Tokyo Revengers.
Gakuran trong manga Crows Zero.

Dần dần chiếc áo đồng phục đã vượt ra ý nghĩa ban đầu của mình để trở thành một trang phục thời trang, giúp học sinh Nhật Bản nổi bật trên thế giới. Hiện nay khi lựa chọn những món phụ kiện yêu thích phối hợp cùng đồng phục khiến việc đến trường trở nên vui và thú vị hơn. 

Hơn cả thế, các NTK nổi tiếng hay nhà mốt của giới mộ điệu cũng xem Gakuran như nguồn cảm cho biết bao bộ sưu tập của họ. Không riêng gì thế giới, Gakuran cũng du nhập vào Việt Nam và được nhiều người sử dụng. Nhiều Local Brand hay bộ ảnh đẹp mắt đã ra đời với nguồn cảm hứng từ mẫu đồng phục độc đáo này. 

Yohji Yamamoto SS15. Nguồn: Dazeddigital
Gakuran đến từ local brand Việt D Class. Ảnh D Class

Có thể bạn chưa biết về Gakuran

Câu chuyện về chiếc cúc thứ 2 

Một trong những điều thú vị nhất liên quan đến đồng phục học sinh Nhật Bản chính là vai trò của chiếc cúc áo trong các mối tình học đường. Sau lễ tốt nghiệp trung học, các nữ sinh thường đến gặp cậu bạn mà mình thích hỏi xin chiếc cúc áo “daini” – chiếc cúc thứ 2 trên gakuran. 

Một cảnh trong Proposal Daisakusen, nhân vật Ken  dành chiếc cúc áo  cho người mình thích. Nguồn: phim.hotakky.com

Nếu chàng trai cũng yêu mến cô bạn này, cậu ta sẽ gỡ chiếc cúc và trao cho cô gái như một lời thừa nhận tình cảm. Cách làm này đã được phổ biến bởi một cảnh trong cuốn tiểu thuyết của Taijun Takeda. Hoặc các nam sinh cũng có thể chủ động tặng chiếc cúc này cho người trân quý của mình. Lý do chiếc cúc ấy đặc biệt như thế đến từ vị trí của nó, đây là chiếc cúc áo ở gần trái tim nhất, nơi chứa đứng toàn bộ tình cảm của con người.

Gakuran và những nhầm lẫn về phong cách của giang hồ Nhật Bản

Có thể nói anime đã ảnh hưởng rất lớn đến cái nhìn của nhiều người về chiếc Gakuran. Phần lớn các bộ truyện tranh lấy cảm hứng rất nhiều từ lứa tuổi nam sinh và nội dung “đánh đấm” giữa các học sinh thường được yêu thích. Gakuran phổ biến và gắn liền với hình ảnh anh hùng trong các trận đấu ấy và rồi nó bị hiểu nhầm là trang phục của giới giang hồ.Tuy nhiên, đây chỉ là chiếc áo của các học sinh, không liên quan đến phong cách ăn mặc của các giang hồ Nhật Bản. 

Gakuran trong Crows Zero.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here