Ranh giới giữa đạo nhái và truyền cảm hứng đã vô tình làm nảy sinh nhiều góc khuất và lỗ hỏng khó để phân biệt trong thời trang.
Đạo nhái luôn là vấn đề gây nhức nhói không chỉ trong thời trang mà còn lan rộng ra mọi lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh… Đau lòng hơn, vấn nạn ấy luôn tiếp diễn với tần suất ngày càng dày đặc. Đôi khi, sẽ có cá nhân/thương hiệu tự lấp liếm cho qua “tâm bão” bằng lời bào-chữa-hiệu-quả rằng: họ chỉ đang Inspired (lấy cảm hứng) từ cá nhân/thương hiệu khác.
Điều này vô tình làm nảy sinh ra nhiều ý kiến trái chiều và gây hoang mang cho mọi người rằng: Khi nào một sản phẩm, thương hiệu, dự án được coi là đạo nhái hay lấy nguồn cảm hứng? Đạo nhái và truyền cảm hứng khác nhau như thế nào? Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần hiểu được ý nghĩa và bản chất hay khái niệm của vấn đề.
ĐẠO NHÁI – COPY
Sau “drama” giữa hai nhà thiết Walter Van Beirendonck và Virgil Abloh vào năm 2020 xoay quanh bộ sưu tập Louis Vuitton Xuân-Hè 2021, chúng ta đã phần nào thấy được mặt tối và những góc khuất của nền công nghiệp thời trang. Việc đạo nhái trong thời trang không còn là vấn đề mới, nó đã diễn ra suốt gần một thế kỷ kể từ khi những khái niệm về thời trang được hình thành trong 100 năm qua. Đạo nhái len lỏi mọi nơi trong thời trang từ các cá nhân, thương hiệu nhỏ đến những nhà thiết kế đình đám, nhà mốt cao cấp bậc nhất hàng đầu.
Một sản phẩm được xem là đạo nhái khi có những yếu tố về hành vi sai trái như sao chép toàn bộ hoặc một phần thiết kế, ý tưởng gốc ban đầu từ sản phẩm đã xuất hiện trước đó từ cá nhân hoặc thương hiệu. Tiền bạc và tham vọng khẳng định cái tôi, chứng tỏ sự sáng tạo của bản thân là hai mục đích chính dẫn vấn nạn đạo nhái ngày càng nghiêm trọng hơn. Cả hai mục đích đều có điểm chung rằng họ không bỏ ra một chút chất xám hay tâm huyết nào vào sản phẩm, sẵn sàng nhận nhiều ý kiến tiêu cực để đạt được doanh thu, lợi nhuận và danh tiếng.
Không phải tự nhiên mà mọi người đều có định kiến khi nhắc “Local Brand Việt Nam” hay “Thời trang Việt”, hàng loạt những nhà thiết kế Việt trong những năm qua liên tục bị tố đạo nhái ý tưởng như Đỗ Long, Lê Thanh Hoà, Tăng Thành Công và nhiều cái tên khác nữa.
Hay sự việc thương hiệu nội địa Eleven gần như sao chép hoàn toàn thương hiệu 11 by Boris Bidjan Saberi, thương hiệu DVRK đứng trước nghi vấn sao chép hoạ tiết Dior…Cho dù có rất nhiều thương hiệu Việt đang cố gắng khẳng định bản thân mình để vươn ra khu vực nhưng vấn nạn đạo nhái đã phần nào ảnh hưởng đến những thương hiệu ấy.
Điểm chung là thay vì nhận thức được sai lầm và thay đổi thì các thương hiệu đạo nhái lại cố tình bẻ lái truyền thông và dư luận bằng cách đưa ra những quan điểm về truyền cảm hứng (Inspired). Đổi trắng thành đen một cách dễ dàng khiến khái niệm truyền cảm hứng trong thời trang trở nên sai lệch và dẫn đến nhiều bỡ ngỡ đối với những bạn chưa hiểu rõ khái niệm này.
TRUYỀN CẢM HỨNG – INSPIRE
Nhà văn Jonathan Swift đã từng nói: “Chỉ có 3 màu sắc chính, 10 con số và 7 nốt nhạc nhưng điều ta làm với chúng mới là quan trọng”. Và trong thời trang cũng chỉ có ngần ấy chất liệu, phong cách thiết kế, kiểu dáng nhưng sự sáng tạo chính là điểm nhấn giúp thời trang trở nên rực rỡ và vô trùng.
Sáng tạo dựa trên những sự vật, sự việc diễn ra xung quanh nhà thiết kế hoặc được thừa hưởng từ một cá nhân trước đó và vận dụng lên từng centimet vải vóc tạo ra các sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình – đó là truyền cảm hứng.
Vì vậy, điểm khác biệt giữa “Đạo nhái” và “Lấy cảm hứng” nằm ở việc Đạo nhái là sao chép toàn bộ hoặc một phần sản phẩm đã xuất hiện trước đó còn Truyền cảm hứng là không hề sao chép bất kì thứ gì mà được thừa hưởng theo dạng thầy truyền trò nối và cảm quan xung quanh mỗi nhà thiết kế. Điều này tạo ra những thiết kế không hề bị trùng lặp mà dựa trên sự sáng tạo trước đó để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng của mỗi nhà thiết kế, nâng tầm thời trang lên cao hơn.
PARODY/BOOTLEG – “LỖ HỎNG” GIỮA COPY VÀ INSPIRE
Ranh giới giữa Đạo nhái và Truyền cảm hứng vô tình lại là khoảng cách tạo ra nhiều lỗ hỏng trong việc định hình cái đúng và sai, hình thành hai khái niệm mới là Châm biếm (Parody) và Mượn ý tưởng (Bootleg). Đây là hai khái niệm gây hoang mang và đáng lo ngại nhất trong giới thời trang.
Khái niệm Parody ra đời như một sự châm biếm rõ ràng liên quan đến mặt tối và góc khuất của thời trang có thể đến từ sự suy thoái về thiết kế, một sự việc buồn cười đang diễn ra… Từ đó, những nhà thiết kế hoặc các cá nhân lấy điều này để tạo nên cảm hứng làm ra các sản phẩm chế giễu.
Những nhà thiết kế có tên tuổi, họ sẽ áp dụng khái niệm Parody này lên chính những thiết kế riêng biệt của họ. Tạo nên dấu ấn vừa nghệ thuật lại vừa nói lên được tiếng nói của mình. Tạo nên hai khái niệm giữa Parody nghệ thuật và Parody thương mại.
Đối với khái niệm Bootleg, đúng với tên gọi của mình. Họ vay mượn các ý tưởng hoặc thiết kế đến từ các thương hiệu, nhà mốt khác và áp dụng sự khéo léo của mình biến sản phẩm của người khác thành của mình. Tuy rằng, nhìn vào thiết kế ta có thể dễ dàng nhận biết đây là sản phẩm đến từ một thương hiệu nào đó nhưng với sự biến tấu trong thiết kế, họ làm những sản phẩm Bootleg bắt mắt hơn cả những sản phẩm gốc.
Rõ ràng, khái niệm Bootleg còn nguy hiểm hơn cả Parody bởi ta không thể phân biệt được sản phẩm này có được gọi là Đạo nhái hay không ? Nhưng nhìn chung thì giới chuyên môn không hề công nhận sự tồn tại mang tính giá trị của khái niệm Bootleg.
Hiện nay, có rất nhiều thương hiệu lợi dụng “lỗ hỏng” giữa Copy và Inspire để lách luật, tạo ra các sản phẩm gắn mác “Bootleg”. Khiến khái niệm này trở nên sai lệch ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến các sản phẩm gốc ban đầu.
THỜI TRANG TỒN TẠI NHIỀU GÓC KHUẤT VÀ MẶT TỐI
Nhà thiết kế Yves Saint Laurent trước khi chia tay với thời trang, ông đã nói: “Tôi không có gì chung với thế giới mới của thời trang, mà đã bị giảm xuống chỉ còn những bộ quần áo tầm thường. Sự thanh lịch và vẻ đẹp đã bị trục xuất”. Câu nói của ông như hồi chuông cảnh tỉnh đối với những cá nhân, nhà thiết kế đem lợi ích thương mại, tiền bạc và lợi dụng chính thời trang làm công cụ hoàn hảo để thực hiện việc đó.
Điểm chung của ba khái niệm Đạo nhái, Châm biếm thương mại, Mượn ý tưởng đều xuất phát từ mục đích mang tính thương mại. Tiền bạc đã che mờ sự cốt lõi, giá trị mà thời trang mang lại. Với thời điểm xã hội phát triển như ngày nay, thời trang đóng vai trò thiết yếu của mỗi cá nhân. Chính bởi sự nhu cầu ấy đã biến thời trang trở thành miếng bánh béo bỡ để những cá nhân thu lợi trên chính thứ được gọi là nghệ thuật.