Đại suy thoái năm 1930 ở Mỹ – khi trang phục trở thành biểu tượng thương đau

0

Thời trang là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống nhưng vào một số những thời điểm, nó lại là biểu tượng của sự thương đau.

Thời trang luôn là môn nghệ thuật đề cao cái đẹp và tính thẩm mỹ của vải vóc. Tuy nhiên, hãy quay về nước Mỹ vào những năm 1930 khi cuộc Đại Suy thoái đang in sâu nỗi đau vào lòng mỗi người dân xứ cờ hoa. Đó là một thời đại đen tối, khi trang phục vốn dĩ bình thường cũng trở thành dấu ấn bi thương cho cả nền kinh tế – một biểu tượng thương đau.

Đại suy thoái Mỹ – Nơi trang phục trở thành nỗi đau không dứt

Những năm 1930, nước Mỹ vốn phát triển mạnh mẽ lại phải “chìm đắm” trong sự tuyệt vọng. Dù tình hình đã khởi sắc vào năm 1933 với điểm khủng hoảng đạt mức thấp nhất, vẫn có khoảng 15 triệu người không có việc làm, đối mặt với cuộc sống cơm áo gạo tiền trong nỗi bi quan chẳng hồi kết.

Vào thời điểm đó, nhu yếu phẩm của hầu hết người Mỹ đều là tận dụng từ những thứ có sẵn để giảm thiểu tối đa chi phí, trong đó có quần áo. Với phương châm “sửa chữa, tái sử dụng và không vứt bất kỳ thứ gì”, ai cũng cố gắng làm mọi cách để đảm bảo trang phục cho cả gia đình vì chẳng đủ tiền mua quần áo mới. Chính vì vậy, khi những người nông dân mang bao tải đựng bột mì, thức ăn chăn nuôi về nhà, vợ của họ đã dùng chúng để may quần áo cho người lớn, váy, sơ mi cho trẻ em, thậm chí là đồ lót. 

Hình ảnh mọi người, đặc biệt là các em bé xuất hiện trong trang phục bằng bao tải với phần logo, thông tin sản phẩm vẫn còn vô cùng phổ biến vào thời điểm đó. Nó không chỉ thể hiện tình cảnh kinh tế bi đát mà còn chứng minh được nghị lực phi thường của những người mẹ, người vợ đất Mỹ. 

Hành động đầy nhân văn của các xí nghiệp thời đại khủng hoảng

Không lâu sau đó, một số doanh nghiệp nhận ra rằng chiếc bao tải tưởng chừng như vô dụng đã trở nên quan trọng đối với nhiều gia đình. Như một cách san sẻ khó khăn với cộng đồng, họ quyết định dùng vật liệu có hoa văn hấp dẫn để mọi người có được những trang phục đẹp hơn hiện tại. Nhiều công ty với đại diện là Gingham Girl đã dùng loại bao bì chất lượng tốt để đóng gói hàng hóa, tạo điều kiện cho người mua tái sử dụng để làm quần áo. Đặc biệt, còn có một bộ hướng dẫn dùng bao tải để chế tạo nhiều vật dụng hữu ích khác như khăn tắm, rèm cửa, chăn…

Không những vậy, các doanh nghiệp còn liên tục lắng nghe nguyện vọng của người mua. Một trong số đó là việc xử lý logo in trên bao bì để tránh ảnh hưởng đến thẩm mỹ chung của trang phục. Lý do tế nhị hơn là chẳng ai muốn để “lộ” việc sử dụng bao tải hàng hóa để may quần áo vốn là biểu hiện của sự nghèo đói và sa sút. Họ mong muốn nhanh chóng loại bỏ logo, tên thương hiệu để khi “lên đồ” không quá khác biệt so với quần áo ngoài cửa hàng.

Sau một thời gian sử dụng các mẹo như ngâm bao tải trong mỡ lợn, dầu hỏa, những người phụ nữ nhẹ nhõm hơn khi các nhà máy sử dụng loại mực có thể hòa tan trong nước. Sau khi tẩy logo, họ sẽ nhuộm, thêu tay hoặc dùng ruy băng để trang trí những bộ cánh mới. 

Người ta ước tính rằng trong thời đại suy thoái u ám đó, có khoảng 3,5 triệu người đã phải mặc và sử dụng nhiều vật dụng từ bao tải bột mì. Nó như một vết thương khó lành, liên tục âm ỷ trong tâm trí của nhiều người Mỹ. Chính vì vậy mà vào năm 1951, nữ minh tinh “lắm tài nhiều tật” Marilyn Monroe xuất hiện với chiếc váy làm từ vải bố của bao tải đựng khoai tây đã gây ra không ít tranh cãi. 

Người thì cảm ơn cô đã quảng bá một nét thời trang độc đáo, kẻ cho rằng cô đào đang giẫm đạp lên nỗi đau của hàng chục nghìn người. Tất nhiên, ý kiến sau nhận được nhiều sự đồng tình hơn vì rõ ràng dù những bộ cánh từ bao tải có độc đáo, ấn tượng đến đâu, nó vẫn đại diện cho một thời kỳ khó khăn chồng chất, nơi mà ước mơ “có ăn, có mặc” là quá xa xỉ. 

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here