Có phải tính sính ngoại & tự nhục đang giết thời trang nước nhà?

0

Hãy nhớ rằng, để một thương hiệu hay xa hơn là cả nền thời trang Việt có thể phát triển mạnh mẽ sẽ luôn cần sự ủng hộ từ khách hàng trong nước – thay vì luôn không trân trọng các giá trị đang có và sính ngoại.

Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh, có thể dễ dàng nhận thấy rằng chất lượng của các sản phẩm thời trang nội địa đang dần phát triển về chất lượng và thiết kế. Thế nhưng, vẫn còn không ít một bộ phận người tiêu dùng có cái nhìn thiếu thiện cảm về thời trang nước nhà. Họ cho rằng những sản phẩm ấy không xứng đáng được bán mắc dù cho chất lượng có tốt hơn. Dường như trong họ luôn tồn tại hiềm khích cho sản phẩm thời trang nội địa. Vậy, có phải tính sính ngoại đang giết chết thời trang nước nhà?

Tâm lý sính ngoại vẫn còn tồn tại

Quay về tháng 7 năm 2022, Đỗ Mạnh Cường đã có một bài đăng thu về 6,5k like chỉ sau 2 tiếng đồng hồ. NTK đã nhận ra hai looks thuộc BST Couture Fall-2022 vừa ra mắt của Valentino, lại vô tình mang tinh thần tương tự thiết kế của anh trong các BST từ trước đó. Anh còn chèn thêm vài câu thở than chua cay: “Cũng may là mình làm trước, không thì cũng đến ốm với cư dân mạng Việt Nam”.

Cộng đồng mạng đã trêu đùa rằng “Vậy ý anh là Valentino đạo nhái anh?” và NTK đã phản hồi lại “Chẳng ai nhái theo ai hết em ơi, chuyện ý tưởng trùng nhau trong thời trang là quá bình thường, chẳng có gì mà phải quá lên“. Trường hợp tương tự cũng xảy ra khi BST Spring 2023 của Gucci cùng ý tưởng về người mẫu sinh đôi trên sàn runway với BST The Twins của anh. Dù biết rằng, trong quá khứ không ít lần Đỗ Mạnh Cường vướng phải các lùm xùm đạo nhái. Thế nhưng, khi một ý tưởng nào đó của anh thực hiện trước thương hiệu quốc tế thì ít ai chịu công nhận điều đó. Có lẽ, không riêng gì Đỗ Mạnh Cường mà các nhà thiết kế Việt khác cũng từng rơi vào trường hợp tương tự.

Dù DMC thực hiện ý tưởng trên vào năm 2014 còn Gucci thực hiện vào năm 2022 nhưng hiếm ai chịu công nhận điều đó.

Tháng 8 năm 2022, T-REDX mở buổi đấu giá bí mật chiếc áo khoác The Traveller dành cho mục đích từ thiện. Với mức giá khởi điểm 10 triệu, chiếc áo sau đó đã được bán với giá 90 triệu. Xét về phần chất liệu, theo T-REDX công bố, “siêu phẩm” này có phần tay làm da bò Nepal, dàn nút đúc thủ công bằng Bạc và chiếc nút đầu áo khắc logo T-REDX được cấu thành từ vàng. Có thể nói, đây là một chiếc áo có chất lượng tốt được làm từ những chất liệu cao cấp.

Thế nhưng, tại phần bình luận, không ít người cho rằng một chiếc áo nội địa không thể xứng đáng với mức giá cao vút đó. Thêm vào đó, họ cho rằng với 90 triệu, họ sẽ mua các sản phẩm từ thương hiệu quốc tế như Louis Vuitton hoặc Gucci.

Ở phương diện khác, có thể dễ dàng nhận thấy rằng thị trường mua sắm tại Việt Nam rất chuộng các sản phẩm thuộc Local Brand từ nước khác như MLB, Fila… của Hàn hay Don’t Care của Trung Quốc. Trong khi đó, các Local Brand tại Việt Nam vẫn có thể cung cấp cho người dùng những sản phẩm có thiết kế tương tự và nổi bật hơn. Không ít người chấp nhận chi thêm vài trăm nghìn để mua một sản phẩm từ Local Brand nước khác thay vì Local Brand nội địa. “Các thương hiệu như Zara, Uniqlo, H&M thuê cả 2 tầng “phủ” thời trang từ vòng kính, áo quần của trẻ em, giới trẻ cho đến tuổi trung niên. Nếu đi xa hơn trung tâm một chút, có thể tìm thấy những thương hiệu nội như NEM, NinoMax, N&M, Gumac… nằm khiêm tốn trong các tòa nhà Vạn Hạnh Mall, trung tâm thương mại Aeon Tân Phú…” – Báo Nhịp Sống Kinh Doanh đưa tin.

Đó chỉ là những dẫn chứng cho thấy rằng thị trường tiêu dùng trong nước vẫn mang tâm lý sính ngoại khá nhiều.

Tiềm năng vô tận của ngành thời trang Việt

Không thiếu những NTK tài năng

Sự thật rằng, hiện nay có rất nhiều NTK gốc Việt đã và đang tỏa sáng trên bản đồ thời trang quốc tế. Những cái tên đó có thể kể đến như Peter Do, Sarah Linh Tran, Amy Trinh… Hơn cả vậy, theo chia sẻ của Mr. Huy Võ (CEO kiêm Founder của Học viện Thời trang Việt Nam) với Street Vibe: lứa NTK trẻ sau khi ra trường cũng đang được săn đón và chiêu mộ bởi những công ty thời trang từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Peter Do
Sarah Linh Tran

Riêng tại bản đồ thời trang Việt Nam, bất kỳ ai quan tâm đến thời trang đều biết đến Nguyễn Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Lý Quý Khánh, Đỗ Long… là những cá nhân chọn phát triển và cống hiến ở thị trường nước nhà. Song, cũng hiếm người người chọn thị trường trong nước làm bàn đạp để xây dựng sự nghiệp. Thay vào đó, họ chọn bơi ra quốc tế hoặc đầu quân cho các công ty thời trang nước ngoài. Chỉ có một số ít người vẫn tiếp tục ở lại như Vickivirus với La Lune, Christian với FIGI… Hay tiêu biểu nhất chính là Duy Tran với thương hiệu Fanci Club khi có đủ các yếu tố nổi bật về hình ảnh, nhận diện thương hiệu và tạo nên phong cách được nhiều người hưởng ứng.

Fanci Club

Mặc khác, theo cảm nhận của Mr. Huy Võ, phần nhiều các NTK trẻ sau khi ra trường vẫn chưa tìm đúng định hướng: chỉ đang tập trung chất xám để sản xuất ra những bộ trang phục mang tính biểu diễn và khó áp dụng vào thường ngày. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng trong nước vẫn cần những sản phẩm “dễ mặc, dễ phối”; thế nên, phần nào nguyên do giải thích vì sao các sản phẩm của những NTK vẫn thị trường biết đến.

Cơ sở vật chất không thua kém quốc tế

Hầu hết những nhà đầu tư nước ngoài đều nói Việt Nam đang có hạ tầng và phần cứng tốt – cơ sở vật chất để sản xuất sản phẩm thời trang của nước nhà không thua kém thế giới. Nước ta có đủ những nhà máy dệt vải, các nhà máy gia công cao cấp sử dụng robot. Hơn cả thế còn có cả kỹ sư chuyên gia hàng đầu để thiết lập hệ thống và rèn luyện nâng cao tay nghề đến phòng mẫu cung cấp chất lượng thiết kế cho các hãng thời trang quốc tế.

Báo Dân Trí đưa tin: Thương lái Trung Quốc đang “mang vải từ Trung Quốc sang Việt Nam đặt gia công quần áo với chi phí rẻ hơn. Sau đó, họ xuất trở lại Trung Quốc và bán với giá gấp 2 – 3 lần, thậm chí hơn cho các lái buôn người Việt sang đánh hàng. Đây đang là cách thức làm ăn mới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện nay của thương lái Trung Quốc“. Riêng Sputnik News đưa tin theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các sản phẩm may mặc “made in Vietnam” chiếm 6,4% thị phần thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc 31,6%, vượt trên Bangladesh (6,3%). Điều đó đưa Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu may mặc lớn hai thế giới (sau Trung Quốc).

Qua những số liệu trên, có thể thấy rõ Việt Nam có nguồn nhân công giá rẻ hơn Trung Quốc, cơ sở vật chất nhất nhì toàn cầu và có nhiều cơ hội được các công ty quốc chú ý. Vì vậy, cơ sở vật chất để sản xuất may mặc tại Việt Nam ngày càng có cơ hội các công ty quốc tế nâng cấp và sẽ càng được đầu tư nhiều hơn trong tương lai.

Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao Local Brands hay thương hiệu Việt chưa tiếp cận được, hay chưa thể liên kết để tăng trưởng số lượng cũng như chất lượng cần thiết? Câu trả lời vẫn chưa có lời giải đáp. Ngoài ra, “yếu tố con người vẫn chưa tốt khi còn thiếu còn thiếu sự kiên nhẫn và bài bản trong kiến thức, không chịu nghiên cứu để nâng cao bản thân” – theo chia sẻ của Mr. Huy Võ.

Tay nghề điêu luyện của nghệ nhân và nhân công Việt

Không chỉ cơ sở vật chất để sản xuất sản phẩm thời trang không thua kém quốc tế, tay nghề của những nghệ nhân Việt cũng luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Sự tỉ mỉ và khéo léo luôn hiện hữu trong bàn tay của những người nghệ nhân hay thợ may tại Việt Nam. Cùng với đôi bàn tay dẻo dai và nhỏ nhắn, họ có khâu vá hay chế tác từng chi tiết tinh xảo dù là nhỏ nhất của một sản phẩm. Không chỉ vậy, họ cũng được các thế hệ trước truyền lại và tích lũy các kinh nghiệm quý báu trong nghề.

Hermès là thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng của Pháp. Tháng 8/2022, họ đã tung ra dòng sản phẩm nữ trang với tên gọi H Equipe có xuất xứ từ chính những người thợ lành nghề trong làng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Trong phần mô tả sản phẩm, nhà mốt ghi rõ: “Sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam bởi một nhóm nhỏ các nghệ nhân yêu nghề, họ có niềm đam mê về ngành nghề sừng trâu sơn mài”. Để cho ra đời những món nữ trang đẹp mắt, từng mảnh sừng đã được chọn lựa cẩn thận, cắt gọt, nung nóng, tạo hình và đánh bóng, sau đó ghép thủ công với những mảnh gỗ được phủ lên 12 lớp sơn mài. 

Lời kết

Trước tình thế đó, không ít Local Brand Việt quyết định tìm cách giải quyết mới theo hướng tích cực hơn để giữ chân thị trường. Nếu tinh ý, có thể dễ dàng nhìn thấy một số thương hiệu đang cố gắng thay đổi hướng đi so với khi trước. Khi một thị trường đang cảm thấy nhàm chán với những chiếc áo thun in hình hay sản phẩm basic; các thương hiệu quyết định “nâng cấp” sản phẩm hơn về mặc thiết kế lẫn chất lượng. Từ đấy, họ không còn là một Local Brand đơn thuần nữa mà đã trở thành một Local Designer Brand. Điều đó là việc hoàn toàn nên làm – thay đổi để thích nghi với thời đại để không bị đào thải.

Song, để một thương hiệu có thể “lột xác” theo hướng tốt hơn không phải là chuyện có thể xảy ra nhanh vội mà sẽ cần rất nhiều thời gian và các yếu tố. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự nhìn nhận và ủng hộ từ cộng đồng, tạo điều kiện cho các thương hiệu nội địa có thể phát triển mạnh và vươn xa.

BLACKPINK Rosé với thiết kế của thương hiệu Việt Fanci Club

Nhìn xa hơn, các Local Brand Việt đang rất được các ngôi sao quốc lăng xê và yêu thích. Không hiếm lần những tên tuổi cộm cán như Lil Nas X, Doja Cat… hay các nhóm nhạc như BLACKPINK, aespa… sử dụng sản phẩm thời trang từ Việt Nam. Vậy thì tại sao người Việt lại phải sính ngoại và không trân trọng các giá trị đang có, không tin tưởng vào sản phẩm nội địa? Hãy nhớ rằng, để một thương hiệu hay xa hơn là cả nền thời trang Việt có thể phát triển mạnh mẽ sẽ luôn cần sự ủng hộ từ khách hàng trong nước. Đồng ý rằng đôi khi hàng nội địa vẫn chưa thể quá chất lượng như quốc tế. Thế nhưng, nếu họ thật sự tốt, hãy cho họ một sự nhìn nhận và sự ủng hộ.

Học viện Thời trang Việt Nam – Vietnam Fashion Academy (VFA) được thành lập vào năm 2014 với mô hình mở và môi trường thật của studio thời trang. Với sứ mệnh phát triển giáo dục và chuyên môn thời trang dành cho ngành thời trang và dệt may Việt Nam, từ 2014 đến nay VFA đã trưởng thành và thành lập ra một ngôi trường tư toàn diện nhất với ”Giáo trình quốc tế – Chuyên môn chuyên sau – Các giảng viên, giáo viên hơn 15 năm kinh nghiệm” trong ngành thời trang trong và ngoài nước.
Website: https://vietnamfashionacademy.vn/
Page: https://www.facebook.com/vietnamfashionacademy/

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here