Chia tay với adidas là điều tốt nhất cho Reebok ở thời điểm hiện tại?

0

Authentic Brands Group (ABG) đã đồng ý mua lại Reebok từ adidas với mức giá 2.4 tỷ đô la Mỹ, thương vụ sẽ chính thức được thực hiện vào đầu năm 2022.

Jamie Salter, người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của ABG cho biết: “Thật vinh dự khi được giao trọng trách tiếp tục phát triển những di sản của Reebok. Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các nhóm hiện tại để xây dựng của thương hiệu bền vững hơn.”

Trước đó vào năm 2006, adidas đã mua lại Reebok, là một trong số thương vụ sở hữu các nhãn hiệu khác bao gồm Rockport, CCM Hockey và Greg Norman cùng năm.

“Reebok là một phần quan trọng của adidas, chúng tôi biết ơn những đóng góp của thương hiệu và đội ngũ đằng sau nó đã mang lại cho công ty mẹ. Với sự thay đổi về quyền sở hữu này, chúng tôi tin rằng thương hiệu Reebok sẽ có những thay đổi tốt để đạt được thành công lâu dài ”, Kasper Rorsted, Giám đốc điều hành của adidas AG cho biết.

Reebok x Vetements

Câu hỏi đặt ra là liệu Reebok sẽ chuyển mình như thế nào trong tay của ABG? Họ có thể tiếp tục sản xuất và kiếm tiền từ những mẫu kinh điển đang trending trở lại đây, chẳng hạn như Reebok Club C, nhưng cũng đồng thời phải tìm cách để các dòng sản phẩm khác cùng tăng trưởng chặt chẽ với nhau, một thử thách không nhỏ.

Việc adidas sở hữu Reebok chính là một bước ngoặt. Vào thời điểm đó, Nike đang giữ vị trí độc tôn tại thị trường Mỹ đầy màu mỡ. adidas nghĩ rằng họ có thể vượt qua Nike bằng việc sáp nhập thêm Reebok. Tiếc là thời gian qua đã cho thấy mọi việc không theo chiều hướng đó, rất có ít sự liên kết giữa cả hai thương hiệu này.

Reebok x Maison Margiela.

Năm 2001, Reebok đã kí hợp đồng béo bở với NBA, cung cấp đồng phục thi đấu cho 29 đội. Tuy nhiên hợp đồng chỉ diễn ra đến năm 2006, tức chỉ một năm sau khi Reebok đã thuộc về adidas, và The Stripes cũng đã “tiếp quản” hợp đồng đó. Về mặt hình ảnh riêng của Reebok, nó là một thất bại của thương hiệu này dù adidas có thành công hay như thế nào đi chăng nữa.

Tạo dựng thành công trong lĩnh vực thể dục nhịp điệu, Reebok đã trở thành thương hiệu thể thao số một tại Mỹ vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90. Họ tự hào với các đại sứ thương hiệu như tượng đài bóng rổ Shaquille O’Neal, hay Allen Iverson, người đã ký hợp đồng trọn đời với Reebok trị giá 200.000.000 USD vào năm 2001. Về mảng bóng đá, Reebok cũng đã từng kí hợp đồng với các tên tuổi như Thierry Henry, Andriy Shevchenko, Dennis Bergkamp và Ryan Giggs.

Nhưng tất cả dần đã đi vào quên lãng, khi adidas buộc Reebok phát triển theo con đường thể dục dụng cụ thay vì những bộ môn đồng đội. Giờ đây nhắc đến Reebok, người tiêu dùng chỉ biết đến những thiết bị CrossFit và các dụng cụ dành cho UFC.

Nói riêng về sự thành công nhờ những bản collab, đáng kể chỉ có những các tên như Vetements, Maison Margiela, còn lại thì không thực sự ấn tượng. Để so sánh với Nike hay adidas, Reebok thiếu một người “có tầm ảnh hưởng”. Mối quan hệ Virgil Abloh – Nike hay Kanye West- adidas đã giúp hai thương hiệu này tạo dựng một đế chế khổng lồ riêng.

Shaquille O’Neal.

Công ty đã có lãi trở lại vào năm 2018 và có dấu hiệu tăng trưởng tốt từ 2019 cho đến khi đại dịch ập đến vào năm 2020. Đây là một tín hiệu đáng mừng rằng Reebok có thể vực dậy, một tin vui dành cho ABG khi sắp sở hữu thương hiệu này. Từ lúc đại dịch diễn ra, các thương hiệu có vẻ chững lại, Reebok cũng không ngoại lệ nhưng chắc chắn có thể hồi phục sau Covid-19.

Reebok cần tìm một hướng phát triển ổn định, nhất là khi họ không còn bị lệ thuộc hay đứng sau adidas. O’Neal, người từng kí hợp đồng với Reebok, đồng thời đang là cổ đông của ABG, chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Reebok trong tương lai.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here