Chuyện gì đã xảy ra với Adidas Boost?

0

Nếu bạn là một người quan tâm đến văn hóa giày, có lẽ không khó để bạn nhận ra dòng sản phẩm Boost của Adidas đã mất vị thế và sức ảnh hưởng mà nó từng có. Hay nói đúng hơn là Adidas Boost đã mất độ hype và phủ sóng của mình. Cứ nhìn vào đứa con cưng thuộc dòng Boost của Adidas-Ultraboost 2020 hoàn toàn không có sự mới mẻ, cải tiến vượt trội. Thêm 20% mật độ hạt Boost, tiếp tục với upper Primeknit, trang bị thêm lớp lưới hỗ trợ phần má ngoài là tất cả những gì Adidas mang lại cho người dùng.

Không thể phủ nhận rằng Boost là một trong những công nghệ mang lại cảm giác êm ái nhất cho người mang, được đánh giá rất cao về hiệu năng sử dụng mà một đôi giày có thể mang lại. Có nhiều lý do khách quan dẫn đến việc Boost không còn phổ biến như trước nữa, đầu tiên hãy nói về lịch sử của nó.

Quay trở lại vào năm 2007, công ty hóa chất BASF tại Đức đã phát triển một công nghệ mới được gọi là “Các hạt bảo tồn năng lượng” (energy capsules), dựa trên nguyên lý ép và đúc các hạt cao su nhỏ từ 5-10mm ở nhiệt độ cao để tạo thành đế Boost mà chúng ta đã biết. Một số nguồn tin cho rằng BASF đã đưa ý tưởng công nghệ này trước với Nike nhưng không đạt được thỏa thuận. Adidas đã chớp lấy thời cơ, nhanh chóng thỏa thuận độc quyền với BASF. Họ dành vài năm nghiên cứu, phát triển các mẫu thử, và vào năm 2013 một cuộc cách mạng về bộ đệm giày được trình làng với tên gọi Energy Boost. Energy Boost nhanh chóng được lòng dân thể thao, nhất là bộ môn điền kinh và chạy bộ. Bộ đệm mới của Adidas cũng được các chuyên gia và vận động viên chuyên nghiệp đánh giá là một trong những đôi giày tốt nhất năm ở thời điểm đó.

Vào năm 2014, Adidas Boost trở thành đề tài bàn tán khi Dennis Kimetto cán vạch đích ở vị trí thứ nhất đồng thời phá vỡ kỉ lục thế giới tại cuộc thi Berlin Marathon bằng một đôi Adizero Adios Boost.

Vào năm 2014, Adidas lần đầu giới thiệu dòng Adidas Pureboost với bộ đệm Boost nguyên khối. Trong khi mẫu Energy Boost đề cao về hiệu năng thì Pureboost lại mang hơi hướng lifestyle gần gũi hơn.

Sự kiện đánh dấu bước ngoặc của Boost là vào năm 2015, Adidas tung ra mẫu Ultraboost đã “làm mưa làm gió” trong cộng đồng sneakerhead. Một sự kết hợp hoàn hảo giữa hiệu năng và kiểu dáng, Primeknit upper, bộ đệm Boost nguyên khối, công nghệ độc quyền Torsion support bar và Continental. Ultraboost chắc chắn là đôi giày chạy tốt nhất mà Adidas từng sản xuất tính đến thời điểm hiện tại. Mặc dù được giới thiệu là một đôi giày chuyên về performance, nhưng Ultraboost lại có sức ảnh hưởng lớn tới mảng lifestyle và fashion. Nhờ vào sự êm ái tuyệt vời cộng và thiết kế ưng mắt, Ultraboost dễ dàng chiếm được thiện cảm của công chúng, phá bỏ ranh giới giữa performance và lifestyle.

Giải Billboard Awards 2015, rapper Kanye West đã mang Ultraboost “Tripple White” unreleased làm điên đảo cộng đồng sneakerheads. Hiệu ứng domino cũng từ đó diễn ra, các đầu giày bắt đầu săn lùng những colorways khác, đến giờ những colorways ở phiên bản Ultraboost 1.0 vẫn rất hype và khó kiếm, được xem là Grailed với những con chiên ngoan đạo của Adidas. Thừa thắng xông lên, Adidas tung ra những bản colab chất lượng với Solebox, Sneakersnstuff, Ronnie Fieg, Hypebeast, KITH, … Adidas cũng hợp tác với Parley để tái chế nhựa và rác thải từ biển, bỏ hẳn phần cage trên upper làm cho Ultraboost giống như 1 đôi vớ trên miếng đệm cực êm là những bước đi táo bạo và thông minh trong công cuộc xây dựng thời đại Boost.

Chuyện gì đến cũng phải đến, Kanye West về đầu quân cho Adidas, như hổ mọc thêm cánh. Kanye West toàn quyền quyết định cho dòng Yeezy, điều mà anh không có được ở Nike. Adidas Yeezy nhanh chóng trở thành một trong những sự hợp tác thành công nhất trong lịch sử sneakers, đối trọng và sánh ngang với Nike Air Jordan, thành công và phát triển đến ngày hôm nay. Sự thành công của Adidas Yeezy có thể kể đến không chỉ nhờ tài năng và tên tuổi của Kanye thời bấy giờ mà còn bởi công nghệ đỉnh cao Boost của Adidas

Còn rất nhiều sự kiện và bước ngoặc khác đã làm nên tên tuổi của dòng Boost nhưng không thể kể hết. Sau vài năm ra mắt, Adidas chiếm trọn thị phần tại Mỹ, đẩy Nike xuống thứ 2, đã có lúc vượt qua cả Air Jordan để trở thành nhãn hàng phổ biến thứ 2 tại thị trường màu mỡ này.

Liên tục áp dụng Boost vào các dòng sản phẩm của mình, từ thiết kế mới của EQT đến những dòng giày bất hủ như Stan Smith. Thậm chí một số chuyên gia còn đánh giá đây là thời khắc để Adidas soán ngôi Nike trở thành nhãn hiệu thể thao lớn nhất thế giới. Vậy chính xác chuyện gì đã xảy ra với Boost của Adidas?

Thứ nhất là việc Nike cải tiến rất nhiều về công nghệ giày chạy của họ, cụ thể là Vapormax và React là những đối thủ nặng kí trực tiếp của Boost vào thời điểm này. Mặc dù Vapormax cũng như React của Nike không quá xuất sắc nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều khi đưa thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng cũng như thị trường khi mà đã khá lâu Nike không có nhiều cải tiến về Air cũng như các dòng chạy bộ chuyên dụng.

Tiếp đến là sự chuyển mình của thời trang,một lần nữa tác động không ít đến Boost. Khi xu hướng sneaker lại quay trở lại với chunky shoes thì Adidas gần như mất vị thế. Với bộ đế dày và hầm hố của phong cách chunky thì Adidas không thể nào cứ đắp thêm boost vào bộ đế để cho đôi giày của họ nhìn trông có vẻ “chunky” được. Hãy nhìn vào đôi giày nhiều boost nhất mà họ từng sản xuất, adidas EQT Support 93/17 Boost thật sự là một nước đi tồi. Trong khi đó Nike chỉ việc retro lại Nike Air Monarch và tạo ra Nike M2K Tekno để chạy theo trend chunky. Chưa kể đến mức giá để tiếp cận một đôi Nike Air Monarch chắc chắn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với một đôi Adidas Boost có bộ đế chunky dày tương tự khi cost chính của đôi giày nằm ở bộ đế át chủ bài.

Lý do thứ ba là Adidas đã lạm dụng quá nhiều vào việc sử dụng upper sock-style cùng với boost trong khi trending đang là chunky. Cũng như release quá nhiều phối màu nhàm chán mà không thể nào truyền tải câu chuyện hay ý nghĩa sản phẩm đến cho khách hàng. Cụ thể ở đây không đâu xa chính là line Adidas NMD Human Race, trừ một số phối màu OG thì đa số những phối màu còn lại khá flop trên thị trường. Đến thời điểm hiện tại line Adidas Yeezy cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, bản thân người viết bài không khỏi shock khi thấy những samples, PEs các phối màu sắp ra mắt của Yeezy. Được biết cuối 2020 đầu 2021 line Yeezy và NMD Human Race sẽ quay trở lại cùng rất nhiều phối màu mới.

Nói đi cũng phải nói lại, truyền tải thông điệp cũng như câu chuyện của sản phẩm cũng là một yếu tố quyết định đến số phậm sản phẩm. Có lẽ vì Adidas chú trọng rất nhiều đến performance – hiệu năng cũng là một điều tốt, rất tốt là đằng khác. Nhưng nó thiếu đi thông điệp cốt lõi, hoặc câu chuyện, lịch sử đằng sau nó. Nhưng có một sự thật là khách hàng yêu những câu chuyện, những thông điệp, nó giúp họ đồng cảm, tạo động lực cũng như gắn bó với sản phẩm và nhãn hàng.

Dân gian có câu “Trời đã sinh Air sao còn sinh Boost”, không ngoa khi nói Boost là một trong những sản phẩm hiệu năng cao nhất từng được sản xuất. Nó là một cái tát vào Nike những năm 2017-2018, và vẫn là một trong những line hái ra tiền của Adidas hiện tại khi mà Adidas tiếp tục đầu tư vào nó, đặc biệt là Ultraboost. Các bạn nghĩ thế nào về Boost nói chung và Ultraboost, NMD Human Race và Yeezy nói riêng? Hãy để lại bình luận bên dưới.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here