Cách Takashi Murakami Biến Bông Hoa Kaikai Kiki Trở Thành Biểu Tượng Văn Hóa Đại Chúng

0

Bông hoa Kaikai Kiki đã từng có thời gian “làm mưa làm gió” tại Việt Nam khi nó trở thành một trong những phụ kiện dễ tiếp cận với khoảng giá chấp nhận được, tính ứng dụng cao, dễ phối đồ từ quần áo đến giày dép, balo túi xách và được săn đón nhiều nhất khoảng 1 đến 2 năm trước. Nhưng thực ra bông hoa Kaikai Kiki không phải tên là Kaikai Kiki, mà được thế giới biết với tên “Smiling Flowers” (tạm dịch Bông Hoa Mặt Cười), còn Kaikai và Kiki là 2 nhân vật hư cấu dưới những nét vẽ của nghệ sĩ tài ba người Nhật Bản Takashi Murakami. Kaikai, Kiki cùng Smiling Flowers, cả 3 đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật rất thành công của Takashi. Đặc biệt Smiling Flowers của ông đã trở thành một biểu tượng trong thế giới nghệ thuật đương đại, thời trang, văn hóa đại chúng và hơn thế nữa.

Kaikai, Kiki và bông hoa mặt cười.

Smiling Flowers và Kaikai Kiki đã xuất hiện trên bìa album của Kanye West, trở thành mặt dây chuyền của Kid Cudi, trên áo hoodie OVO của Drake, có mặt trong tác phẩm nghệ thuật trị giá 3.8 triệu USD với Williams Pharrell, hay gần đây nhất là xuất hiện trên mặt đồng hồ Hublot Classic Fusion All Black với chỉ 200 chiếc được sản xuất. Kể từ khi tác phẩm nghệ thuật Smiling Flowers đầu tiên ra mắt vào năm 1995, nó đã dần chiếm lĩnh và có ảnh hưởng tới thị trường thời trang. Chúng xuất hiện trên cả đồ trang sức của Ben Baller, những chiếc túi Porter hay một chiếc đồng hồ Tourbillon đều có sự hiện diện của Smiling Flower, đã trở thành biểu tượng hiện nay. Ít ai biết rằng Takashi đã hợp tác với Louis Vuitton từ rất lâu, mối quan hệ của LV và ông đã kéo dài gần hai thập kỉ, mặc dù những sản phẩm collab đầu tiên không sử dụng biểu tượng Smiling Flowers nhưng cách ông phối những màu đặc trưng của mình lên những chiếc túi LV giúp ta nhận ra ngay đây là thiết kế của Takashi Murakami. Mẫu áo thun Supreme x Takashi Murakami Box Logo cũng đã quyên góp được 1 triệu USD với mục đích cứu trợ trước đại dịch COVID-19.

Tác phẩm nghệ thuật của Takashi và Pharrell

Trong khi bản in các bức tranh hoa của ông bán được hàng nghìn bức và một bức tranh có thể thu về hàng triệu USD khi đấu giá, Smiling Flowers cũng để lại những dấu ấn trong cả lĩnh vực thời trang dạo phố và thời trang cao cấp. Năm 2015, biểu tượng Smiling Flowers đã xuất hiện trên những đôi Vans Slip-on. Năm 2018, Murakami đã kết nối với Virgil Abloh để tổ chức các cuộc triển lãm quốc tế với một loạt các bức tranh, tác phẩm điêu khắc, áo thun, tranh in và một chiếc túi tote bằng da của Murakami có họa tiết Smiling Flowers và chữ ký của Abloh. Vào năm 2019, ông cũng hợp tác với READYMADE để ra mắt quần áo được làm thủ công bằng vải len quân sự (millitary wool) có biểu tượng Smiling Flowers.

Vans x Takashi Murakami

Ngoài thời trang, các biểu tượng của Takashi cũng xuất hiện trong các sản phẩm liên quan đến âm nhạc. Chẳng hạn như ảnh bìa album Graduation năm 2007 của Kanye West và chương trình truyền hình hoạt hình sắp tới “Kids See Ghosts” cũng của Kanye West and Kid Cudi. Chàng rapper người Canada Drake cũng có cơ duyên hợp tác với ông, trong một dự án của OVO vào năm 2018 với biểu tượng hình con cú của OVO nhưng đầu thì lại là Smiling Flowers. Takashicũng phát hành một sản phẩm hợp tác với Billie Eilish cho Uniqlo trong năm 2019, kết hợp Smiling Flowers và hình ảnh lấy từ video âm nhạc “You Should See Me in a Crown”, do chính ông đạo diễn.

OVO x Takashi Murakami

Nguồn cảm hứng đằng sau họa tiết Smiling Flowers đến từ những nghiên cứu ban đầu của ông về Nihonga, hay còn gọi là hội họa truyền thống Nhật Bản. Một trong những chủ đề của Nihonga là “setsugetsuka,” có nghĩa là tuyết, trăng, hoa. Takashi đã vẽ những bông hoa theo truyền thống này, nhưng thêm vào đó, ông đã vẽ 50 bông hoa mỗi bông trên một thân cây với hai đến ba chiếc lá, tức số lượng bông hoa rất nhiều so với một thân cây và vài ba chiếc lá. Và từ đó, họa tiết Smiling Flowers đã ra đời. Trong khi những bông hoa của ông ấy có vẻ kỳ quái và ngây thơ, nhưng câu chuyện đằng sau những hình vẽ bông hoa tươi cười của Takashi lại u ám hơn nhiều. Trong một bài báo năm 2005 từ New York Times, ông đã giải thích rằng những bông hoa tươi cười này gợi lên những cảm xúc bị kìm nén, mâu thuẫn và nỗi đau của người Nhật Bản do các vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here