Anti-fashion: Thuật ngữ “Phản thời trang” bắt nguồn từ khi nào?

0

Xuất hiện vào những năm đầu của thập niên 80, chủ nghĩa Anti-fashion phá vỡ mọi chuẩn mực thời trang đương thời để hướng tới những thiết kế sáng tạo và độc đáo.

Trào lưu phản thời trang từng gây ra làn sóng đối lập lớn trong giới mộ điệu. Nó cho phép các NTK phá vỡ quy tắc và chuẩn mực đương thời để hướng tới những ý tưởng dị biệt. Trong bối cảnh thời trang đương đại liên tục thay đổi là nơi diễn ra nhiều sự kết hợp khác nhau giữa phong cách và thiết kế, chính thống và tiên phong, thời trang “nhanh” và thời trang “chậm”. Vậy đâu là ranh giới giữa thời trang chính thống và anti-fashion?

Anti-fashion (Phản thời trang) là gì?

Phản thời trang (Anti-fashion) là thuật ngữ chỉ các phong cách ăn mặc khác nhau rõ ràng và trái với thời trang ngày nay, ủng hộ sáng tạo cá nhân mang tính khác biệt và tôn vinh “cái tôi” của người thiết kế. Mốt này đòi hỏi sự sáng tạo triệt để trong may mặc, kết hợp một loạt chi tiết làm biến đổi kiểu dáng hiện tại. Phong cách grunge, punk, tái cấu trúc, hậu tận thế,… là những nhánh thuộc anti-fashion.

Những khoảnh khắc “phản thời trang” của ca sĩ David Bowie

Điển hình vào đầu thế kỷ 20, Phản thời trang được quảng bá bởi NTK huyền thoại Gabrielle Chanel. Một phong cách “gái nghèo”, nơi những quý cô giàu có có thể trông như phụ nữ bình thường, trong khi vẫn mặc những bộ quần áo thể hiện phẩm chất của họ. Cũng trong khoảng thời gian đó, nghệ sĩ người Ý Thayaht thiết kế Tuta, bộ trang phục lấy cảm hứng từ quần áo bảo hộ lao động, rất thu hút giới thượng lưu Ý. Hay trong BST Xuân Hè 2022, Balenciaga đem tới kiểu mặc phản thời trang với nhiều bộ cánh trong đó có có quần jeans rộng, kết hợp hai lớp áo dài quá khổ. Trang phục có vẻ tuềnh toàng, đi kèm túi xách da cá sấu sang trọng, tạo vẻ đối lập.

Phản thời trang xuất hiện từ những năm 1950 với sự ra đời của nhạc rock ‘n’ roll. Các cô gái tuổi teen mặc quần jeans, áo sơ mi kẻ sọc đơn giản, nhằm chống lại sự nữ tính và chuẩn mực xã hội lúc đó. Kiểu mặc này là gốc rễ của nhiều xu hướng phản thời trang hiện đại như grunge ở thập niên 1960 và punk, hippie của những năm 1970. Trong những thập niên này, quần da, quần jeans rách, áo phông in hình phản cảm, trang phục cào xước nạm đinh tán, trang trí dây xích được các thanh niên tôn sùng. Ngày nay, nhà mốt Vivienne Westwood, Issey Miyake, Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto, Rick Owens, Raf Simons, Demeulemeester, Maison Martin Margiela là những đại diện tiêu biểu của phản thời trang.

Pamela Rooke, hay còn gọi là Jordan, và Simon Barker, hay còn gọi là Six, đang pose dáng trong những chiếc áo ‘God Save The Queen’ của Sex Pistols. Họ là những khách hàng thường xuyên đến cửa hàng của Westwood

Theo Vogue, một bộ phận người trong xã hội hiện tại không muốn ăn mặc toát lên vẻ giàu có, nên thường lựa chọn phong cách vintage của những năm 1990. Trong thời điểm tài chính toàn cầu gặp khó khăn, việc phô trương có thể nhận lại những ánh nhìn không thiện cảm. NTK Daisuke Obana nói với Vogue: “Ngày nay, nhiều bạn trẻ không đánh giá tính cách của một người qua kiểu cách ăn mặc nữa. Trước đại dịch, thời trang là một cách thưởng thức cuộc sống. Nhưng bây giờ, có lẽ bạn muốn dành tiền và thời gian của mình cho kiểu tận hưởng khác. Không thể tránh khỏi việc thời trang sẽ hướng tới những thứ mang tính thực tế, đa chức năng“.

Những nhà “phản thời trang” nổi tiếng

Yohji Yamamoto: Bố già của làng mốt thế giới

Là những thiết kế tiên phong và chìm đắm trong sắc đen bí ẩn, Yohji Yamamoto là cái tên được ca tụng như một tượng đài tạo nên những bản thể thử nghiệm đương đại và mới mẻ. Yohji Yamamoto hướng đến những thiết kế đề cao chức năng bảo vệ người phụ nữ trong thế giới đầy hỗn loạn. Trong suốt sự nghiệp thiết kế của mình, nhà mốt đã hiện thực hóa những ý tưởng đó qua form dáng oversize quá khổ, kết cấu bất đối xứng và chất liệu khác nhau để tạo nên điểm nhấn độc lạ đặc trưng phân biệt với những NTK khác.

Nhà thiết kế “quạ đen” của làng mốt Nhật Bản

Với những đường cắt cúp tự do, phóng khoáng, những layer mềm mại xếp chồng lên nhau trên nền vải đen huyền bí, Yohji Yamamoto đã thành công khẳng định vị thế của mình trong lãnh địa Haute Couture.

Rei Kawakubo: Cá tính đằng sau vẻ bọc nhút nhát

Rei Kawakubo là cái tên mà đã tạo nên niềm cảm hứng cho không ít những NTK thành danh khác, phải kể đến như: Helmut Lang, Ann Demeulemeester và Martin Margiela. Không giống như nhiều người chuộng màu đen vì mục đích dễ phối đồ, Rei Kawakubo giải thích màu đen là thứ màu không bao giờ lỗi thời với bà, nó là một thứ có “tính cách” dưới những bản thiết kế của bà. Với bà, màu đen là một thứ có hồn. Cặp bài trùng Yohji và Rei là hai cái tên được đặt cạnh nhau và luôn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật trên sàn catwalk ở mỗi mùa mốt – một trường phái thiết kế đang thách thức các quy chuẩn thời trang phương Tây.

Tuy sau này không còn sánh bước với “Bố Già” Yohji nhưng tình yêu mới với người sau đã khiến cho Rei Kawakubo thăng hoa, đổi mới trong sự sáng tạo thời trang. Màu đen làm nên thương hiệu dần được thay thế bằng bảng màu tươi sáng, hoa văn rực rỡ. “Tôi không thích thiết kế của tôi được diễn giải, vì vậy, tôi không bao giờ cảm thấy thoải mái khi người ta cố gán những ý nghĩa cho nó. Tôi không bao giờ muốn các thiết kế của mình trở nên dễ hiểu”, Rei chia sẻ.

Các thiết kế trở nên màu sắc hơn khi Rei có được tình yêu mới

Vivienne Westwood: Nữ hoàng của sự nổi loạn

Những thiết kế mang đầy tính khiêu khích, đôi khi gây tranh cãi của bà mang âm hưởng Punk sắc nét, được lấy cảm hứng từ những hình ảnh mang tính lịch sử của nước Anh. Cách cắt may truyền thống pha trộn nét lãng mạn, gợi cảm đi kèm những thông điệp chính trị sắc sảo là điểm nhấn trong các sáng tạo của bà. “Lý do duy nhất khiến tôi theo đuổi thời trang là để phá hủy sự phù hợp. Không có gì thú vị với tôi trừ khi nó có yếu tố đó”, Vivienne Westwood nói về phong cách của mình.

Vivienne Westwood tạo nên thương hiệu cho riêng mình bằng phong cách thời trang Punk Rock thập niên 70 ở London, khi bà mặc trang phục của ban nhạc punk rock Sex Pistols. Bà đã bất chấp xu hướng hippie thời bấy giờ để bán quần áo lấy cảm hứng từ nhạc rock’n’roll. Không chỉ là trang phục thông thường, những sáng tạo của Vivienne Westwood còn đả kích nhiều thói hư tật xấu trong xã hội. Bản thân bà cũng là một trong những người tiên phong trong phong trào “phản thời trang”. Tuy Vivienne đã qua đời nhưng di sản mà bà để lại cho giới thời trang vẫn luôn sống mãi và dành cho hậu thế.

Maison Martin Margiela: Tiên phong trong thời trang “phá vỡ”

Nói về nhà thiết kế người Bỉ Margiela, ông đã mang lại diện mạo mới cho những trang phục cũ. Ông lấy cảm hứng từ lĩnh vực kiến trúc theo chủ nghĩa giải cấu trúc, học tập và áp dụng những kỹ thuật đó vào thiết kế. Ông “chơi đùa” với những bộ quần áo cũ, những phụ kiện, những hiện vật dở dang một cách tự nhiên. Thời trang của Margiela không đòi hỏi một tỷ lệ cơ thể hoàn hảo hay một sản phẩm rõ ràng về giới tính. Ông từ chối các tiêu chuẩn và ranh giới thời trang thông thường, từ đó tạo nên những “bộ mặt” mới của quần áo.

Ông chọn lối sống ẩn danh trong suốt thời gian làm việc ở Margiela. Không ra chào khán giả khi buổi diễn kết thúc, không chụp ảnh, không trả lời phỏng vấn cá nhân, không xuất hiện trên truyền hình hay thảm đỏ.

Margiela đã làm một trong những điều mà trước đó chưa từng có ai làm: đưa toàn bộ những bí mật ẩn sau trang phục ra ngoài bề mặt. Bằng những đường viền thô, những lớp lót lộ ra ngoài, những bộ quần áo trông như chưa hoàn thiện, các thiết kế của ông làm dậy lên một làn sóng lớn trong ngành thời trang bấy giờ. Vào thời điểm đó, thương hiệu của Margiela xuất hiện như một sự tương phản với thời kỳ hoàng kim của tình dục và sự quyến rũ.

Tài liệu về quá trình thiết kế của Margiela tại Triển lãm Margiela/Galliera 1989 – 2009, diễn ra tại bảo tàng Galliera, Paris.

Chủ nghĩa phản thời trang có còn hiện hữu ở hiện tại?

Gần đây, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự thay đổi tích cực trong nền công nghiệp tỷ đô vì các “ông lớn” trong ngành dần tự phá vỡ những lề lối và quy chuẩn ngay trên những sàn diễn thời trang. Tương tự việc dành sự tôn trọng cho đặc điểm cơ thể khác biệt, sắc tộc hay cân nặng của người mẫu, các nhà mốt cao cấp và tín đồ thời trang thế hệ mới cũng đã có cái nhìn thoáng đạt hơn về những thiết kế vượt khỏi khuôn khổ chuẩn mực của thời trang. Nhìn rộng và sâu hơn thì thẩm mỹ về cái đẹp chung đang dần được nâng cấp và thoát khỏi “cái hộp” vô hình vốn có.

BST Menswear Xuân Hè 2022 của Yohji Yamamoto.

Thực ra, trong lĩnh vực thời trang, mọi thứ mới mẻ đều có thể có một chút “phản cảm” và khó để tiếp nhận. Các nhà thiết kế thành công như: Miuccia Prada, Christopher Kane, Rick Owens, Rei Kawakubo, Demna Gvasalia, Virgil Abloh đều biết cách gieo mầm Anti-fashion để chuyển đổi nó thành sản phẩm thương mại. Anti-fashion có thể được coi là động cơ thúc đẩy mọi thứ tiến lên và cuối cùng đến tay người tiêu dùng nhiều năm sau đó. Đó là một nghịch lý, nhưng thách thức những quan niệm về thời trang chính là điều nên làm vì đó là cách hoạt động của làng thời trang và xét cho cùng, Anti-Fashion dù lúc được tôn vinh, lúc bị chê cười vẫn sẽ luôn là một phần của thời trang.

Hàng loạt thiết kế mang phong cách thời trang giải cấu trúc của NTK Martin Margiela trong BST Xuân Hè 1999.
Những trang phục “phản thời trang” khác với quy chuẩn truyền thống được xem là thẩm mỹ mới, “bình thường” hóa ở thời buổi hiện đại.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra ở đương thời rằng: Khi mọi thứ đều trở nên bất quy tắc bất quy chuẩn theo số đông thì “bất quy tắc” chính là quy tắc và Anti-fashion chính là xu hướng vì chúng đã xuất hiện theo tần suất dày đặc, ai cũng muốn cái tôi và sáng tạo của mình được đề cao. Vì vậy, phản thời trang hay Anti-fashion lúc này liệu có tồn tại ở một thế giới đang ngày một nhiều sự phá cách và đổi mới?

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here