Anime/Manga: Khi “làn sóng Phù Tang” phủ kín giới thời trang

0

Ngành công nghiệp anime/manga của Nhật Bản không chỉ bó hẹp ở đất nước này hay các nước Châu Á. Hơn cả thế, nó còn lan tỏa đến nhiều nơi khác trên toàn cầu, bao gồm cả ngành thời trang.

“Làn sóng Phù Tang” đưa anime/manga đến toàn cầu

Chắc hẳn bạn đã đôi lần nghe khái niệm “Hallyu” – tức Làn sóng Hàn Lưu. Khái niệm này nói đến Hàn Quốc phổ biến và lan tỏa văn hóa của họ đến toàn cầu. Trong đó, những bộ phim K-drama và âm nhạc K-pop đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngọn sóng này phủ kiến mọi mặt trận của văn hóa đại chúng quốc tế. Nhật Bản cũng vậy, là một “con rồng Châu Á”; đất nước này cũng không kém cạnh trong việc đưa văn hóa của họ đến nhiều quốc giá khác. Làn sóng được gọi với cái tên Trào lưu Nhật Bản (Nhật Lưu).

Làn sóng Hallyu

“Làn sóng Phù Tang” đã lan tỏa các tiểu văn hóa cùng văn hóa đại chúng của đất nước này đến những quốc gia khác thuộc Châu Á và cả phương Tây. Trong đó, anime cùng manga là trọng tâm chủ yếu.

Nói không đâu xa chính là tại nước ta, một quốc gia chịu khá nhiều sức ảnh hưởng làn sóng Nhật Lưu. Với thế hệ trước, họ được tiếp xúc với văn hóa đại chúng của Nhật Bản thông qua những bộ manga được xuất bản bởi NXB Kim Đồng như Doraemon, Conan, Nữ Hoàng Ai Cập, 7 Viên Ngọc Rồng… Kể cả những người xem phim ảnh có lẽ cũng quá quen thuộc với bộ phim siêu nhân gồm Siêu Nhân Gao hay Siêu Nhân Điện Phong… như một phần của tuổi thơ.

Làn sóng Nhật Lưu đi cùng với sự phát triển của Internet của Việt Nam. Ngay từ buổi đầu, những người say mê anime/manga đã có các diễn đàn để bàn luận và chia sẻ về chủ đề này. Vào giai đoạn này, Vnsharing là một trong các diễn đàn về anime/manga hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam trước 2012. Sau này, anime/manga ngày càng phổ biến ở đất nước hình chữ S. Cộng đồng mạng có cơ hội được biết, được xem nhiều tác phẩm hơn; họ cũng hiểu rõ hơn về những khái niệm xoay quanh nền văn hóa này như Waifu, Otaku, Weeaboo (Wibu), Cosplay…

Không chỉ những nước Châu Á chịu ảnh hưởng bởi Làn sóng Phù Tang; các nước phương Tây cũng tương tự. Trong văn hóa đại chúng của các thế hệ phương Tây gần đây, hiếm bộ anime/manga Dragon Balls Naruto được nhiều yêu thích nhiều đến. Thậm chí, sự yêu thích của người phương Tây dành cho Bảy Viên Ngọc Rồng còn như một “tôn giáo”, “khủng” không thua gì những tác phẩm được khai sinh bởi nơi đây như Star War, Star Trek…

Bên cạnh đó, các tác phẩm anime như Sailor Moon, Akira, Ghost In The Shell, Neon Genesis Evangelion… cũng để lại “dấu ấn” không nhỏ trong lòng các thế hệ phương Tây. Thậm chí, khi thế hệ trước tại Việt Nam còn chưa biết đến sự tồn tại của các tác phẩm tên thì với người phương Tây – đó chính là một phần của tiểu thơ. Kể cả khi những thế hệ phương Tây ngày trước trưởng thành, những tác phẩm này vẫn là nguồn cảm hứng hay chiếm chỗ đặc biệt trong trái tim họ. Sự phát triển của Anime/Manga của Nhật Bản tại những quốc gia này cũng không thua kém gì “Comic” – thứ vốn được khai sinh tại phương Tây. Hơn cả thế, những cộng đồng hay diễn đàn về anime/manga tại khu vực này cũng ra đời. Và thật khó để thấy một anh chàng “Wibu” da trắng gọi một vài nhân vật nữ trong anime/manga là waifu.

Làn sóng Nhật Lưu phát triển đến mức nó cũng trở thành những nguồn cảm hứng bất tận cho giới thời.

Khi anime/manga “bắt tay” cùng thời trang

Địa hạt thời trang và anime/manga đã từng rất nhiều lần giao thoa, thậm chí cả hai đều sẵn sàng tương tác với nhau dưới hàng loạt hình thức đầy bất ngờ.

Nguồn cảm hứng bất tận cho giới thời trang

Sự xuất hiện của anime hay manga trong các bộ sưu tập của những thương hiệu vốn không còn xa lạ. Các ý tưởng đó đã chứng minh sức hút của văn hoá Nhật Bản lên thời trang thế giới là không hề nhỏ.

Năm 2016, Louis Vuitton cũng đã sử dụng cả Thủy Thủ Mặt Trăng để làm chất liệu sáng tạo, diễn đạt các ý tưởng của mình thông qua việc trang điểm người mẫu runway theo hình ảnh của nhân vật anime nổi tiếng này. Ngoài ra ý tưởng của bộ sưu tập còn được dựa trên cả Ghost in the Shell, Death Note, Neon Genesis Evangelion nên rất thu hút sự chú ý và chẳng có mấy ai có thể chê bai sự độc đáo này.

Sailor Moon
Ghost In The Shell

Tuy không phải lần đầu anime được các thương hiệu thời trang nổi tiếng sử dụng làm chất liệu sáng tạo các bộ sưu tập của mình. Nhưng mỗi lần ra mắt, các bộ sưu tập đều được thổi hồn và thêm thắt chất riêng để giới mộ điệu khó lòng quên được. Cụ thể hơn, vào năm 2017, Comme des Garcon – nhà mốt đỉnh cao bậc nhất Nhật Bản cũng đã sử dụng tác phẩm của họa sĩ anime nổi tiếng – Macoto Takahashi cho bộ sưu tập của mình.

Niềm cảm hứng từ anime/manga còn được các nhà mốt đình đám khác sử dụng như bộ ảnh quảng bá của Dior cho bộ sưu tập AW/01 phần nhiều gợi nhắc đến tác phẩm JoJo’s Bizarre Adventure của mangka Hirohiko Araki và biến tấu tinh tế dưới bàn tay của nhà thiết kế đầy tai tiếng John Galliano.

Kể cả những tác phẩm anime có sức ảnh hưởng mạnh như Akira vẫn luôn là niềm cảm hứng lớn cho giới nhà thiết kế kể từ khi bộ phim được công chiếu vào năm 1988. Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ “set đồ đỏ chót” của Kanye West phần nào đó gợi liên tưởng đến bộ phim này. Xuyên suốt sự nghiệp thời trang của nam rapper đầy thị phi, đây vốn không phải lần đầu anh ứng dụng nguồn cảm hứng anime/manga vào phối đồ hay thiết kế sản phẩm.

Đồng thời, thời trang cyberpunk dần được giới trẻ biết đến nhờ tác phẩm này. Akira là một bộ phim hoạt hình thuộc thể loại khoa học viễn tưởng ra đời vào năm 1988 mở đầu cho những ý niệm về ngày tận thế hay thế giới tương lai đầy máy móc nhưng tăm tối. Comme des Garçons và Supreme cùng nhiều thương hiệu khác đã mô phỏng lại các hình minh họa của anime lên quần áo và phụ kiện của họ. Đó là một ví dụ cho thấy phim hoạt hình Nhật Bản vẫn tiếp tục tồn tại, vì đã ba mươi năm kể từ ngày ra mắt.

Chính thời trang cũng là cảm hứng cho anime/manga

Giữa anime/manga và địa hạt thời trang là một sợi tơ duyên đỏ không thể tách rời. Không chỉ anime/manga trở thành nguồn cảm hứng cho thời trang; mà cả thời trang cũng chính là nguồn cảm hứng cho manga/anime.

Nói đến việc này, sẽ thật thiếu xót nếu không kể đến bộ anime/manga JoJo’s Bizarre Adventure. Khi vẽ cho tác phẩm này, tác giả Hirohiko Araki đã phần nhiều có sự tham chiếu từ những thiết kế thời trang cùng chiến dịch của các nhà mốt để tạo hình hay trang phục cho nhân vật. Trong JoJo’s Bizarre Adventure có một khái niệm mang tên “JoJo Pose” cũng được tác giả lấy cảm hứng trực tiếp từ các kiểu tạo dáng khi chụp ảnh của giới người mẫu.

Vào đầu những năm 2000, khi sức ảnh hưởng của bộ anime Sailor Moon không còn mạnh mẽ ở phương Tây. Tuy nhiên, tác giả của bộ phim này là Naoko Takeuchi cũng đã tham khảo trang phục từ các BST thời trang cao cấp. Đó là bộ đồng phục của Thủy thủ Sao Thổ được lấy cảm hứng từ bộ sưu tập thu đông năm 1992 của Mugler hay chiếc váy Palladium mà Công chúa Serenity mặc lấy cảm hứng từ Dior.

Ngoài ra, nhân vật Nana Osaki do tác giả Ai Yazawa tạo nên thuộc bộ manga cùng anime Nana cũng được tham chiếu phần nhiều từ thời trang punk-rock. Trang phục của nhân vật này được lấy cảm hứng từ những thiết kế của Vivienne Westwood. Đây chính là nữ nhà tạo mốt được xem như “Bà hoàng của Punk” khi là người mang đến những bộ trang phục mang đầy tinh thần của tiểu văn hóa Punk-rock.

Cho đến những cái bắt tay trực tiếp

Xem nhau như nguồn cảm hứng cho sáng tạo là chưa đủ, không hiếm những lần chính các thương hiệu và tác tác giả anime/manga cùng nhau bắt tay (collab) thực hiện sản phẩm. Đó chính là những cái bắt tay trực tiếp đưa thời trang cùng văn hóa anime/manga lại gần nhau hơn. Những ý tưởng được thực hiện một cách trực tiếp trên vải vóc, mang đủ ý niệm cùng tầm nhìn của người thiết kế và cả chính người sáng tạo nên anime/manga.

Vans × Pretty Guardian Sailor Moon được mở bán tại Việt Nam thông qua Sneaker Buzz

Cosplay: Một “phiên bản khác” của Thời trang x Anime/Manga

Những thập kỉ gần đây, anime/manga đã đưa thời trang cùng văn hóa cosplay không ngừng phát triển. Mối liên kết giữa những yếu tố này càng bền chặt khi văn hóa cosplay phát triển – một trào lưu được giới trẻ yêu thích những năm gần đây. Khi tham gia cosplay, người hâm mộ có thể tự tin hóa trang thành các nhân vật hư cấu yêu thích của họ. Cosplay giờ đây không chỉ bó hẹp trong anime/manga của Nhật mà người tham gia có thể hóa trang thành những nhân vật hư cấu của phương Tây như Superman, Batman, Spider Man… hay nhân vật từ điển ảnh.

Trước kia, nhiều người sẽ bảo rằng đây là một hành động kì dị và có thể bị xa lánh nhưng giờ đây, văn hóa Cosplay đã bước ra khỏi vùng an toàn của nó. Cosplay cũng giống như quyền tự do ngôn luận và tôn vinh phong cách riêng của từng cá thể. Hoạt động này cũng như thời trang, là cách để chúng ta nói lên cá tính và màu sắc cá nhân.

Hóa trang vừa tương đồng phần nào với thời trang đơn thuần; vừa có những yếu tố để khiến Cosplay thoát khỏi những quy luật thường có của thời trang. Không cần hàng hiệu hay phải chạy theo xu hướng thời đại, thời trang Cosplay hướng đến sự tỉ mỉ, chi tiết của trang phục để người mặc làm sao có thể nhìn giống với nhân vật hư cấu nhất có thể. Họ “hóa trang” để thể hiện bản thân họ có sự yêu thích hay tương đồng với nhân vật hư cấu nào.

Mặt khác, cũng không ít những Cosplayer tài ba có thể “thời trang hóa” cho trang phục hóa trang của họ. Cốt lõi của nhân vật hư cấu được lấy cảm hứng vẫn còn đó nhưng bằng sự sáng tạo và cái nhìn thẩm mỹ, họ khiến bộ trang phục của bản thân trở nên thời trang và hợp thời hơn.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here