Hiện thân của niềm kiêu hãnh từ ngành may mặc Nhật Bản chính là Kapital – một thương hiệu dựa vào những kĩ thuật truyền thống để tạo ra thế giới thời trang của riêng mình.
Ở thời điểm hiện tại, Kapital được biết đến như một thương hiệu mang đầy tính đột phá nhưng vẫn giữ được nét ban đầu của nền tảng văn hóa cổ điển. Người Nhật luôn được biết đến với lòng tự tôn dân tộc sâu sắc và đứa con của họ cũng vậy. Điều đó cũng lý giải vì sao thương hiệu này như một thỏi nam châm “hút” nhiều sao quốc tế với mức giá hiện tại trải từ vài trăm đến cả nghìn đô.
Hình thành dựa trên giá trị truyền thống
Vào năm 1985, Kapital được thành lập tại tỉnh Kojima (Nhật Bản) bởi Hirata Tokishiyo. Tên thương hiệu phát âm giống “Capital” (mang ý nghĩa “thủ đô” trong tiếng Anh) được chọn có lẽ không những vì tỉnh Kojima vốn được biết đến như “Thủ đô Denim” của Nhật mà cũng vì Tokishiyo từng sinh sống và làm việc tại Mỹ. Không lâu sau đó, con trai ông Hirata Kiro cũng theo học chuyên ngành nghệ thuật ở Mỹ và được bổ nhiệm cho vị trí giám đốc sáng tạo đến ngày nay. Điều này lý giải vì sao những thiết kế của Kapital luôn rất đặc biệt bởi có sự kết hợp giữa cả văn hóa phương Đông và phương Tây qua nhiều đời.
Bộ đôi cha con Kiro và Toshikiyo là một trong nhiều người con nước Nhật đã mang thời trang cùng văn hóa của xứ Phù Tang nhỏ bé này lên đỉnh cao của thế giới. Với khởi đầu là một thương hiệu chuyên copy và sản xuất những mặt hàng Denim của nước Mỹ; giờ đây, cả thế giới đã chứng kiến một Kapital “thay da đổi thịt”, trở thành thương hiệu tiên phong và dẫn đầu cho thời trang của Châu Á nói chung.
Thay vì chạy theo thương mại hóa, tập trung vào lợi nhuận nhưng người đàn ông ấy vẫn mê mải với denim từ thuở ban đầu. Denim là “nỗi ám ảnh” chảy trong huyết quản của một người tâm huyết đến điên đảo. Tuy nhiên, vì để nhiều người hơn được biết đến và truyền cảm hứng với denim giống mình thì những sản phẩm hiếm của thương hiệu cũng được chia ra để trưng bày trong 60 cửa hàng trên toàn thế giới. Mỗi chi nhánh đều được thiết kế theo một chủ đề hoàn toàn khác nhau.
Cách mà Kapital xây dựng thương hiệu
Ngoài sự ảnh hưởng của văn hóa Americana, Kapital còn mang một gam màu nổi loạn, bụi bặm đi cùng với các thiết kế gợi đến những chàng cao bồi viễn Tây, hay những kẻ du mục lang thang. Chất liệu sáng tạo của Kapital dần hình thành qua những hình ảnh như thế, trở thành một đặc điểm nhận dạng tiêu biểu qua mỗi bộ sưu tập cho thương hiệu.
Mặc dù công ty đã bắt đầu bán quần áo cho khách hàng nội địa Nhật từ những năm 90, nhưng chỉ mới những năm gần đây, sự quan tâm của các tín đồ thời trang thế giới với Kapital mới thật sự bùng nổ phần nhiều nhờ vào Century Denim – một dòng sản phẩm áp dụng kĩ thuật sashiko được phương Tây rất ưa chuộng. Dần dần, Kapital được biết đến ngày càng rộng rãi và là sự lựa chọn ưa thích của nhiều siêu sao, biểu tượng thời trang thế giới như Johnny Depp, John Mayer hay Pharrell Williams…
Kapital tin rằng chiếc quần cũ kỹ này sẽ là điểm sáng trong tủ đồ của bạn mỗi khi bạn cần. Và để mà nói về Denim của Kapital thì nó là sự đẳng cấp, thời thượng và hoài niệm. Nó đẳng cấp ở chỗ cái giá mà bạn bỏ ra để sở hữu những sản phẩm của Kapital là không bao giờ hoang phí. Kapital mặc dù thể hiện được sự độc đáo trong việc kết hợp vào giao du giữa 2 nền văn hóa của mình thì Kapital vẫn gọi tên thương hiệu của mình là thương hiệu Nhật Bản. Với những chi tiết cùng chất liệu được sản xuất hoàn toàn ở Nhật Bản, Kapital vẫn luôn đề cao đến sự truyền thống cũng như gốc gác của mình.
Vào năm 2010, Kapital bắt đầu thực hiện công cuộc thay đổi màu nhuộm và công nghệ washing. Hơn thế nữa dòng Kountry của Kapital đã đưa thương hiệu này lên đỉnh cao của sản diễn thời trang. Kaptial đã rework (làm lại) lại những chiết Denim bằng cách cắt vá và kết hợp chúng lại với nhau để tạo ra những chiếc Denim độc quyền có “1-0-2” trên toàn thế giới. Với dòng sản phẩm Kountry, những họa tiết Boro với đường chỉ “unfinished” và những hình mặt cười thương hiệu. Từ đó, Kapital lại tiếp tục viết thêm một trang sử mới, thổi một luồng gió phù hợp với xu hướng streetwear đang hoành hành trên bản đồ thời trang.
Các biểu tượng thời trang thế giới như Travis Scott, Asap Rocky đã rất nhiều lần mang Kapital lên sàn diễn và gián tiếp lăng xê cho thương hiệu này.
Vượt xa sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ
Trong một thời kỳ mà thời trang đang có những giai đoạn bão hòa bởi Supreme hay Bape, Kapital chính là một phần tử nhỏ bé nói không với sự đại trà và chỉ tin tưởng vào những sự dị biệt độc đáo. Đặc biệt, denim nổi lên ở Mỹ qua những bộ đồ lao động của công nhân, tiêu biểu như thương hiệu Levi’s. Nhưng để nói đến chất lượng, kỹ thuật, thì Nhật Bản luôn là lựa chọn với bất kì ai là tín đồ của chất liệu mang màu chàm này.
Trong khi các thương hiệu luôn cố gắng đi theo những khuôn mẫu, hay tìm tòi những kĩ thuật mới mẻ hơn, Kapital lại một mình ngược dòng xu hướng. Họ tìm về những kĩ thuật từ xử lí đến may mặc cổ xưa như boro, sashiko, kakishibu, đem chúng kết hợp lại với nhau. Sự hoà hợp của những thứ xưa cũ bỗng chốc trở thành một cái gì đó mới mẻ mang nhiều giá trị hơn là một thiết kế đơn thuần. Các sản phẩm của Kapital gần như không có sự lặp lại, nó mới mẻ theo một cách cũ kỹ bởi luôn trông như một món đồ second hand nào đấy, gợi cảm giác vintage trong một thẩm mĩ tuyệt vời.
Có thể thấy rằng, trong một nền công nghiệp thời trang mà vấn đề tài chính, lợi nhuận chi phối rất lớn đến các thương hiệu và nhà thiết kế thì Kapital lại trở thành một “kẻ nổi loạn” khi đi ngược dòng với tất cả xu hướng, ranh giới chung của thời trang thế giới. Khi các thương hiệu khác cố gắng mở rộng thị trường, Kapital nói không. Khi các công ty khác xây nên những ranh giới sáng tạo, Kapital nói không. Đây giống như là tinh thần người Nhật luôn tự tôn dân tộc rất cao, áp dụng những gì học hỏi được để giao thoa với những cái vốn có rồi phát triển nó trên chính đất nước của mình