Khi được du nhập vào Nhật Bản, thời trang denim/jeans đã đạt đến sự hoàn thiện nhất trong chất liệu. Người Nhật hô biến trang phục bình dân thành thứ thời trang hấp dẫn, hoàn mỹ và ngang hàng với Hoa Kỳ.
Sự hồi sinh của vải denim Nhật để tạo ra những chiếc quần jeans chất lượng không bắt đầu ở Tokyo. Thay vào đó, nó diễn ra ở Osaka – nơi hội tụ tinh hoa trong ngành sản xuất với 5 công ty hàng đầu gọi là Osaka Five, bao gồm: Studio D’Artisan, Denime, Evisu, Fullcount và Warehouse.
“Ngũ trụ” Osaka Five được hình thành
Các công ty đi đầu như Edwin & Big John bắt đầu thử nghiệm sản xuất vải Denim tại Nhật Bản trong giai đoạn 1960. Lúc này, chất lượng của Denim Nhật chưa thực sự tốt và cần nhiều cải tiến. Do đó, Osaka Five khởi đầu vào năm 1979, khi Shigeharu Tagaki thành lập nhãn hiệu đầu tiên của mình là Studio D’Artisan. Tiếp theo vào năm 1988, Denime của Yoshiyuki Hayashi ra đời. Mặc dù được thành lập ở Kobe nhưng sự liên kết, hợp tác của Denime với các công ty thời trang khác đã dẫn đến sự bùng nổ của jeans ở Osaka.
Năm 1991, Hidehiko Yamane cùng với đồng nghiệp Mikiharu Tsujita quyết định nghỉ việc và thành lập công ty quần jeans của riêng mình là Evisu. Tsujita còn thành lập một thương hiệu khác là Fullcount – nơi sử dụng loại bông Zimbabwe mềm và dài để tạo ra những chiếc quần jean mang đến “cảm giác tuyệt vời đến mức bạn không muốn cởi chúng ra cho đến khi đi ngủ”. Cuối cùng trong nhóm Osaka Five là Warehouse – công ty được thành lập bởi anh em nhà Shiotani vào năm 1995. Trong khi Fullcount, Warehouse và Denime có quan điểm khá truyền thống, sản xuất hướng đến loại quần jean cổ điển cao cấp thì thì Evisu và Studio D’Artisan lại thử nghiệm với nhiều biến tấu trong các chi tiết để quần jeans trở nên cá tính, đa dạng hơn.
Các công ty này dẫn đầu sự hồi sinh nhằm phục hồi ngành công nghiệp dệt may đang suy thoái ở Kurashiki cùng Okayama – nơi phần lớn vải và quần jeans được sản xuất – đồng thời đặt nền móng cho nhiều công ty khác nhằm đẩy lùi giới hạn sản xuất vải denim của Nhật Bản. Họ cũng đặt nền móng cho nhiều công ty khác thử nghiệm quy trình nhuộm mới với quần jean cổ điển, đơn cử là The Flat Head và Eternal, cùng một số công ty nổi tiếng với các loại vải mềm, có họa tiết như The Strike Gold và Pure Blue Japan.
Điều này bắt đầu thu hút sự chú ý của Levi’s và họ bắt đầu khởi kiện các thương hiệu Osaka Five do sử dụng các chi tiết thiết kế của mình. Vì đã có được những người yêu mến và ủng hộ, các thương hiệu Osaka Five đã thay đổi phần lớn nhận diện thương hiệu trên sản phẩm Denim của mình và tiếp tục phát triển Denim theo cách riêng của họ.
“Ngũ hổ tướng” Osaka đã tái thiết kế quần jeans thành một thứ sản phẩm cao cấp phổ biến và được ưa chuộng hơn, quay trở lại vị trí vốn có trên toàn cầu. Điều này dần dần thay đổi trục bánh xe Denim của thế giới và được các tín đồ yêu thích. Giai đoạn 70s đánh dấu một kỉ nguyên mới của Denim sản xuất tại Nhật Bản khi chất lượng vải đã có thể sánh ngang với các thương hiệu Hoa Kỳ.
Cách Osaka Five kế thừa thời trang Denim từ Hoa Kỳ
Vực dậy sau Thế chiến II, Nhật Bản dần điều chỉnh cuộc sống sau nhiều năm hỗn loạn và thương vong. Giai đoạn 1950, người Mỹ đóng quân tại Nhật Bản và tạo nên một ảnh hưởng vô cùng lớn đến văn hoá nói chung và thời trang nói riêng tại đây. Thay vì cay đắng phẫn nộ trước thất bại, đất nước mặt trời mọc theo bước chân của Mỹ để vực dậy, từ đó mang văn hoá Mỹ len lỏi vào đời sống dân chúng.
Denim/Jeans của Mỹ được ban đầu du nhập vào Nhật bởi các tay lính và người buôn gốc Mỹ bán ở thị trường chợ đen giai đoạn hậu thế chiến II. Denim được người Nhật đón nhận một cách say mê, phát triển thành một phong cách phóng khoáng và được ngưỡng mộ bởi vô số thanh niên.
Các bộ phim Mỹ như The Wild One với sự tham gia của Marlon Brando và Rebel Without a Cause của James Dean đã được ca tụng và thổi tung nhận thức của người Nhật nhận về người Mỹ. Họ cũng nhanh chóng bị mê hoặc bởi âm nhạc Mỹ, với các biểu tượng như Elvis Presley và The Beatles dần trở nên được sùng bái ở Nhật Bản. Những biểu tượng này đã gói gọn tinh thần Mỹ vào trong lớp trẻ nơi đây. Thanh thiếu niên bắt đầu đam mê trở thành những cá nhân độc lập, gồ ghề và khao khát được trải nghiệm theo cách của người Mỹ: nổi loạn, vui tươi, phóng khoáng và tự do.
Thanh niên Nhật Bản trong phong cách Ametora (phong cách Mỹ truyền thống) hoặc Amekaji (phong cách Mỹ thường nhật) cùng chiếc quần bò màu xanh. Và tất nhiên, chiếc quần Levi’s 501 cũng là một thứ quyến rũ giới trẻ Nhật Bản lúc bấy giờ. Quần Jeans phổ biến đến nỗi trang phục này đã từng gắn bó với thanh thiếu niên nổi loạn và các băng đảng đối lập, đôi khi nó bị cấm ở trường học vì cho rằng quần jeans mang hình tượng gợi cảm và bạo loạn.
Quy trình sản xuất cao cấp bởi “thánh địa” Kojima
Quận Kojima, thành phố Kurashiki, tỉnh Okayama được mệnh danh là “thánh địa” của vải denim cao cấp xứ Nhật, nơi tạo ra hàng triệu chiếc quần jean mà khách hàng phải thốt lên rằng: “Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy thoải mái khi mặc quần jeans” hay “Kết cấu độc đáo! Thật tuyệt vời! Tôi thích cách quần jeans của tôi thay đổi khi màu sắc phai dần“. Quần jeans Kojima nổi tiếng với chất liệu denim bền, đường may gọn gàng từ các cơ sở sản xuất có cam kết kỹ lưỡng về chất lượng và sở hữu kỹ thuật may vào hàng tốt nhất trên thế giới.
Với truyền thống hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bông và công nghiệp dệt may, Kojima đã phát triển thành một trung tâm sản xuất quần jean lừng danh khắp năm châu. Kể từ khi những chiếc quần jean nội địa đầu tiên được sản xuất vào năm 1965, Kojima dần trở thành “thánh địa” của các tín đồ thời trang, đặc biệt là những ai hay diện quần jeans.
Tại đây có phố Jeans, một con phố dài khoảng 400m với khoảng 40 cửa hàng khác nhau, chủ yếu là doanh nghiệp địa phương. Nơi này thu hút hàng ngàn khách hàng ghé đến mỗi năm để mua sắm và trải nghiệm quy trình tạo ra những chiếc quần jean cao cấp. Mọi thứ ở đây đều được trang trí lấy cảm hứng từ denim và bạn còn có thể mua được chiếc quần jean do chính tay mình thiết kế.
Danh tiếng của quần jeans Kojima ngày càng phát triển theo năm tháng và giờ đây, nơi này có lượng khách hàng từ khắp thế giới ghé đến, thậm chí các thương hiệu xa xỉ ở nước ngoài cũng nhập vải denim từ Kojima. Vùng đất này có các nghệ nhân lành nghề với cam kết “tạo ra những chiếc quần jean được quốc tế ca ngợi” mà vải được dệt thủ công theo phương pháp truyền thống, tạo cảm giác dễ chịu khi chạm vào, tựa như “lớp vải ôm lấy cơ thể bạn một cách hoàn hảo”.
Chẳng hạn như Rihanna cực kỳ ưa chuộng chất liệu denim thời thượng từ xứ sở mặt trời mọc, BST đầu tay của Fenty với tập đoàn LVMH lấy cảm hứng nhiều từ chất liệu denim. Và linh hồn của những thiết kế đó là vải denim Nhật. Thông tin này được ghi chú rõ ràng trong cả sản phẩm lẫn trên website FENTY.
Kết luận
Những thiết kế Denim Nhật Bản sở hữu nét tinh tế ở bề mặt vải cùng kỹ thuật nhuộm chàm độc đáo, điều này tạo nên trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với Denim từ Hoa Kỳ. Trong những năm qua, các thương hiệu Nhật Bản đã hướng đến các thiết kế mới mẻ phù hợp với thời đạp, kết hợp vốn hiểu biết của họ với quy trình sản xuất nghiêm ngặt để tạo ra những sản phẩm Denim độc đáo và mới lạ. Điều này dần dần thay đổi vị thế Denim Nhật Bản trên thế giới và được các tín đồ yêu thích đón nhận cho đến ngày hôm nay.
Tham khảo thông tin từ Vietnam Raw Denim