Nếu nhìn vào phong cách thời trang của văn hóa Visual Kei ở thời điểm hiện tại trông sẽ khá buồn cười. Tuy nhiên vào những năm 2000, nó từng là hiện tượng văn hóa mở đường cho sự phá cách trong thời trang.
Ngay từ cái tên, ta đã dễ dàng nhận biết điều gì là thứ được chú trọng nhất trong phong cách Visual Kei, trong đó Visual là từ mượn tiếng Anh ý chỉ hình ảnh, còn Kei là từ tiếng nhật chỉ đến phong cách. Văn hóa này chú trọng về mặt hình ảnh nhằm phục vụ thẩm mỹ cho thị giác. Việc Visual Kei được ghép từ hai ngôn ngữ phương Đông và phương Tây cũng mang cho ta cảm giác rằng phong cách này được định hướng để dung hòa cả hai văn hóa Á – Âu.
Khởi nguồn của văn hóa Visual Kei
Thật không ngoa khi nói Nhật Bản luôn được xem cái noi sản sinh ra các văn hóa đường và phong cách độc lạ khi so với phần còn lại của thế giới. Xuất hiện lần đầu vào năm 1980 tại Tokyo, Visual Kei được cho là bắt nguồn từ văn hóa âm nhạc J-Rock đang thịnh hành tại thời điểm đó. Ban đầu, nó được biết đến thông qua các nhóm nhạc underground Nhật Bản như X Japan, Dead End, Buck-Tick, D’erlanger, Color,… Được biêt, J-Rock chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi các dòng nhạc phương Tây như Hard Rock, Punk-Gothic Rock, Glam Rock/Metal cũng như các nghệ sĩ theo đuổi những dòng nhạc kể gồm David Bowie, Kiss, Twisted Sister, Hanoi Rocks,…
Trong The George Mason Review, Megan Pfeifle từng mô tả rằng dường như văn hóa Visual Kei được chia thành hai thế hệ, thế hệ đầu tiên tương đương với 3 thời kỳ chuyển tiếp, trong đó thời kỳ đầu tiên chỉ kéo dài hơn 1 thập kỷ.
Sự phát triển và lụi tàn
Như cá gặp nước, thời điểm Visual Kei bắt đầu phát triển cũng là lúc mà làn sóng trào lưu văn hóa Nhật Bản đang bùng nổ khắp châu á.
Vào cuối những năm 1980 đến đầu những năm 1990, Visual Kei đặc biệt vươn mình mạnh mẽ. Doanh số bán album của các nhóm nhạc Visual Kei cũng bắt đầu ghi nhận những con số kỷ lục. Nhóm nhạc đầu tiên gặt hái những thành công đáng chú ý là Dead End với album Dead Line của mình, tiếp đến là Buck-Tick với album Sex XXXXX! và D’erlanger với album đầu tay Basilik đạt hạng 5 trên bảng xếp hạng Oricon, thậm chí hãng thu âm Metal Blade Records của Hoa Kỳ cũng góp phần phát hành những album tiếp theo của họ, đánh dấu lần đầu tiên của nó xuất hiện tại thị trường này. Tiếc thay cả D’erlanger và Dead End đều tuyên bố tan rã trong cùng năm đó.
Sau sự tan rã của những trụ cột, văn hóa Visual Kei sau 1990 bắt đầu rơi vào giai đoạn thoái trào, những công ty truyền thông bắt đầu rút lui khỏi mãng âm nhạc Visual Kei, sự quan tâm từ khán giả cũng dần suy giảm. Tuy nhiên, mọi người lại bắt đầu chú ý hơn đến phong cách thời trang của Visual Kei, thứ phong cách gắn liền với một thế hệ trẻ nổi loạn, bất cần và không tuân theo bất kỳ quy tắc nào của xã hội. Có thể nói, đây chính là ngọn đuốc chuyển giao Visual Kei đến với thế hệ mới và cột mốc đánh dấu cái chết của thế hệ Visual Kei đầu tiên.
Đặc điểm nhận dạng văn hóa Visual Kei
Thời trang
Người theo đuổi phong cách thời trang Visual Kei thường chú trọng đến mái tóc nhuộm màu và kiểu tóc cầu kì, cùng cách trang điểm sặc sỡ hoặc u tối. Trang phục thường làm bằng da, nhựa PVC hoặc ren,dựa trên trang phục truyền thống và cổ điển. Visual Kei đề cao sự thẩm mỹ nên yếu tố phi giới tính trong trang phục cũng được đề cập, với một số nam giới thậm chí còn ăn mặc khá nữ tính theo cách tương tự như các nghệ sĩ biểu diễn Onnagata truyền thống của Nhật Bản.
Dù chịu ảnh hưởng từ các văn hóa/phong cách thời trang khác nhau như Glam, MetalHead, Punk, Goth và Cyberpunk nhưng Visual Kei cũng có riêng cho mình vài nhánh phụ như Eroguro Kei. Đây là một trong những nhánh chịu ảnh hưởng từ BDSM và hình ảnh kinh dị; trong khi đó, Angura Kei sử dụng các phong cách quần áo truyền thống của Nhật Bản như kimono.
Âm nhạc
Trong âm nhạc, Visual Kei thường được nhận biết qua các loại âm thanh như guitar riff phức tạp, hợp âm phong phú, hát chéo (vocal duet hoặc triplet) và lời bài hát sâu sắc, thường mang tính chất cảm xúc. Tuy có nhiều nguồn nhắc đến nó như một thể loại âm nhạc, nhưng nghệ sĩ có thể chơi bất kỳ thể loại nhạc nào miễn là nó mang nhiều tính thẩm mỹ phục vụ cho thị giác.
Trình diễn sân khấu
Khi nhắc đến các nghệ sĩ Visual Kei, họ thường sử dụng các chi tiết tiểu xảo trong trình diễn, hoành tráng đến choáng ngợp nhằm đem đến trải nghiệm đa giác quan. Đáng chú ý hơn cả, trong phong cách trình diễn sân khấu của văn hóa này còn tồn tại khái niệm “bối cảnh giả tưởng” mà bản chất được xây dựng nên từ giao kèo ngầm giữa khán giả và người trình diễn. Ví dụ như cách nhóm Gack từng tuyên bố nghiêm túc về sự nghiệp trở thành ma cà rồng của mình.
Lời kết
Vài người cho rằng chính Visual Kei đã mở đường cho sự phá cách trong thời trang cũng như sự trở lại của những nhóm văn hóa khác. Hơn nữa nó còn mang đến tiền lệ cho văn hóa merchandise và concert tour cũng như ảnh hưởng đến cách tạo hình nhân vật manga, anime sau này.
Tuy Visual Kei chú trọng về tính thẩm mỹ nhưng hoàn toàn không có quy định thế nào là thẩm mỹ mà nó để lại thông điệp về tinh thần tự do và tiên phong trong bối cảnh những năm 2000 khi mà xã hội còn hà khắc. Chẳng đâu xa, nhóm nhạc HKT đình đám một thời tại Việt Nam cũng chính là một trong những nhóm nhạc mang nhiều âm hưởng tương đồng với văn hóa Visual Kei.
Bài viết: Tấn Phát