Xu hướng thời trang Grunge: Chiến lược nổi loạn từ những năm 90

0

Có khởi đầu không mấy tốt đẹp khi liên tục bị các chuyên gia từ chối đón nhận, điều gì đã biến Grunge trở thành xu hướng cực thịnh đầu những năm 90 thế kỷ trước?

Khi vừa mới chớm nở, Grunge từng bị cho là “đứa con ghẻ” với đầy thiếu khuyết trong giới thời trang diễm lệ. Trải qua hơn hai thập kỷ đằng đẵng, xu hướng thời trang này vẫn bền bỉ chứng minh sức hút của bản thân, và rồi được tôn vinh như một trong những di sản đáng quý nhất của địa hạt thời trang những năm 90.

Grunge – Cái tôi thời trang đối đầu chuẩn mực

Khởi nguồn xuất phát từ một cộng đồng của những kẻ nổi loạn, luôn đắm chìm trong các bản nhạc rock “xập xình” dưới chân cầu và lướt ván trên hè phố, Grunge từng bước dần khẳng định mình và trở thành một trong những trào lưu thời trang cực thịnh vào đầu những năm 90. “Bất quy tắc” và “Chắp vá” có lẽ là những keywords được dùng để miêu tả về Grunge. Bởi lẽ, chỉ cần những mảnh quần áo vùi sâu trong góc tủ như: thiết kế jeans baggy thùng thình, flannel không phom dáng, sneaker vải Converse bụi bặm sờn rách,… cũng đủ để “chắp vá” nên sự bụi bặm, nổi loạn và đầy phóng khoáng của Grunge.

Phong cách Grunge nổi loạn của Rue (Zendaya thủ vai) là một trong những lý do giúp Euphoria thành công trong cả 2 mùa. (Ảnh: @euphoria)
(Ảnh: Eddy Chen)

Không ngoa khi nói Grunge là đứa con ghẻ của giới thời trang, bởi sự ra đời của xu hướng thời trang này chẳng khác gì một lời tuyên chiến với thế giới thời trang, nơi đầy ắp sự xa hoa, lộng lẫy, ngăn nắp của những thiết kế “cộp mác” Haute Couture. Không thanh lịch, lề lối với những thiết kế cao cấp, đường may chỉn chu, tỉ mẩn dưới bàn tay của những nhà mốt lừng danh. Grunge lựa chọn hòa trong cái đẹp của sự luộm thuộm với những áo váy trễ nải, đầy tính đương đại.

(Ảnh: Courtesy of Converse)

Bạn thấy gì ở một cô gái yêu Grunge? Đó là những tấm váy baby doll cỡ bự, giày combat Dr Marten với layout makeup đầy “hầm hố”, mắt tô eyeliner đậm và đầu tóc bù xù. Còn với các chàng trai, đó là niềm đam mê bất diệt với tấm ván trượt mang đậm phong cách riêng và những đôi giày Converse All Star kinh điển đã sờn rách đi cùng với những chiếc quần baggy lượt thượt. Có thể nói Grunge đã tôn vinh lên đến cực đỉnh những khái niệm về sự thoải mái, thông thường trong thời trang – một điều hiếm thấy trong thế giới phù phiếm của những cuộn vải, đường may tỉ mẩn.

(Ảnh: @toofsannn)
(Ảnh: @zacklugo)

Grunge: Vững vàng và gai góc

Song, dù được giới trẻ khắp những nẻo đường hè phố của vùng Tây Bắc nước Mỹ yêu thích đến đâu, xu hướng thời trang này vẫn bị những “anh chị em” trên địa hạt thời trang quay lưng lại. Vào thời điểm đó, việc dấy lên một xu hướng mua đồ tại những cửa hàng đồ cũ secondhand thay vì những trung tâm thương mại xa hoa rồi khoác lên người như thể những kẻ ăn mày không phải là một điều được đánh giá cao. Cùng lúc đó, giới Haute Couture liên tục lắc đầu từ chối trước những thiết kế mô phỏng Grunge trên runway vì họ và cả những “con chiên” của giới thời trang cho rằng chẳng ai lại bỏ ra một số tiền khổng lồ để mua những món đồ cũ nát chắp vá. 

(Ảnh: @zendaya)
(Ảnh: @treymakai)

Dù bị quay lưng và đối xử thậm tệ ở mảnh đất thời trang diễm lệ, Grunge đã chứng minh sức sống bền bỉ khi tồn tại trong khoảng thời gian hơn hai thập niên. Đến thời điểm hiện tại, giống như bao dòng xu hướng khác, Grunge chính là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà mốt hàng đầu hiện nay.

Điều đặc biệt ở Grunge chính là: khác với những “anh chị” trong cùng giới lựa chọn đánh mạnh vào giá trị mỹ quan, với vẻ ngoài hào nhoáng, diễm lệ, Grunge thể hiện phần gai góc, đầy cá tính, là thái độ của những kẻ dám xỏ mình thông qua những tấm quần áo lùng nhùng.

(Ảnh: @realllllmino)
(Ảnh: @xuminghao_o)
(Ảnh: @ca.shmll)
(Ảnh: @ho5hi_kwon)

Hành trình “định vị” trên sàn runway

Ở thời điểm bị “ghẻ lạnh” trên bản đồ thời trang, giá trị của Grunge được số ít các nhà mốt nhận ra và “liều lĩnh” đưa vào bộ sưu tập của mình. Một trong số ấy phải kể đến Marc Jacobs, vào năm 1992, sau khi ra mắt bộ sưu tập mùa Xuân 1993 cho thương hiệu Perry Ellis với cảm hứng từ Grunge, Marc Jacobs đã nhận không ít lời chê bai của giới phê bình cấp cao. Đồng thời, ông còn bị đuổi khỏi nhà mốt này. Cũng trong năm đó, những thiết kế Grunge của Marc xuất hiện trên Vogue cùng những gương mặt đương thời như Naomi Campbell, Kristen McMenamy…

Naomi Campbell và Kristen McMenamy diện thiết kế mang phong cách Grunge của Marc trên tạp chí Vouge 1992. (Ảnh: Steven Meisel)
Thời trang Grunge thấm đẫm bộ sưu tập mùa Xuân 1993 của Marc Jacobs. (Ảnh: Getty Images)

Ở thời điểm hiện tại, các sàn diễn cũng dần có thái độ hòa hoãn với Grunge và bắt đầu chào đón xu hướng thời trang này quay trở lại. Bộ sưu tập mùa Thu năm 2013 của Hedi Slimane cho Saint Laurent là một minh chứng điển hình, khi ông lớn YSL đã đưa những chiếc áo chui đầu rộng hay những bộ áo khoác giả lông thú kỳ vĩ lên sàn diễn như một lời chào đầy thiện ý đưa Grunge tới gần hơn với thời trang Haute Couture. 

Thiết kế đậm chất Grung được Hedi Slimane tái hiện trong BST Thu Đông 2013 của ông lớn Saint Laurent. (Ảnh: Victor Virgile/Gamma-Rapho)

Cùng năm đó, Raf Simons lại một lần nữa đem hơi thở nổi loạn Grunge vào bộ sưu tập menswear với những áo khoác in hoạ tiết ấn tượng mà Kurt Cobain – thần tượng Grunge nổi tiếng bậc nhất thập niên 90 hay mặc, lên sàn diễn. Từ xuất phát điểm là xu hướng của những kẻ không thời trang bị ghẻ lạnh, Grunge đã khẳng định sức hút của mình bằng cách phủ sóng khắp các nẻo đường của những kinh đô thời trang và tiến tới các sàn runway lớn bậc nhất thế giới.

Ông hoàng Grunge – Kurt Cobain. (Ảnh: APhoto)
Shoot ảnh được truyển cảm hứng từ phong cách của ông hoàng Grunge Kurt Cobain trên tạp chí Vouge năm 1992. (Ảnh: Steven Meisel)

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here