Ẩn sau vẻ ngoài “hào nhoáng” của hiện tại, những items trendy như quần jeans hay corset lại là một trong nhiều thiết kế bị “ghẻ lạnh” trong quá khứ.
Quần jeans, miniskirt hay giày mũi nhọn… có vẻ là những thiết kế “bình thường” ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, những items này đã từng có quá khứ “không mấy êm đẹp” khi trước. Không ít lần những thiết kế ấy được đem lên “đoạn đầu đài” của địa hạt thời trang để “mổ xẻ”, và tranh luận. Song, trải qua nhiều cuộc tranh cãi nổ lửa, những items này vẫn hiên ngang dẫn đầu xu hướng thời trang và đại diện cho tính tuyên ngôn của thời cuộc.
Quần jeans và cuộc cách mạng nổi loạn
Thật bất ngờ khi chiếc quần jeans lại là items từng bị “ghẻ lạnh” hay thậm chí bị cấm đoán tại các trường học, nhà hàng ở Mỹ trong một thời gian dài đúng chứ?
Vào giữa thế kỷ XIX, Levi Strauss cùng cộng sự đã cho ra đời thiết kế quần ống rộng dài, giúp cho các hoạt động đào vàng tại Mỹ trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Chiếc quần jeans đầu tiên từ đó cũng được biết đến với cái tên “Quần nông dân”. Đến năm 1955, sau khi chiếc “Quần nông dân” này xuất hiện trong bộ phim “Rebel without a Cause” cùng tài tử James Dean với các cuộc nổi dậy của thiếu niên, items này đã tạo nên tiếng vang bằng những trào lưu dữ dội trong cộng đồng thiếu niên Mỹ.
Bước đến năm 1995, Calvin Klein quảng cáo chiếc quần skinny jeans với sự tham gia của siêu mẫu Kate Moss đã gây ra một làn sóng dữ dội phản đối hình thể không khỏe mạnh và thiếu thực tế của phụ nữ. Ngoại hình gầy gò là một phần của xu hướng chụp hình thời trang lúc bấy giờ. Tuy nhiên, điều này đã vô hình chung tạo ra sự hào nhoáng của việc nhịn ăn và làm liên tưởng tới tệ nạn nghiện ngập.
Bỏ qua một loạt những biến đổi và tranh cãi, dù là ống rộng hay ôm sát, quần jeans vẫn trở thành biểu tượng đầy phóng khoáng, trẻ trung và đầy nổi loạn. Thiết kế chứa đựng “đầy định kiến” này giờ đây vẫn hiên ngang xâm chiếm tủ đồ của giới điệu mộ và xuất hiện trên các sàn diễn lớn như Haute Couture 2021.
Corset – Chuẩn mực khắt khe và “cải cách” tân tiến của cái đẹp
Nếu ở hiện tại, vòng eo thon 56 là thước đo được đặt ra để phái đẹp phấn đấu và hướng tới thì vào những năm 1800, chu vi vòng eo lý tưởng của một quý cô là 33cm. Chính vì vậy mà Corset (nịt ngực) được sử dụng như một công cụ để giúp họ đạt được tới “chuẩn mực của xã hội” thời bấy giờ.
Lâu dần, thiết kế xuất hiện từ thời Trung cổ này trở thành trang phục bắt buộc mỗi khi dự tiệc, dạo phố của các quý cô. Trải qua nhiều lần đấu tranh, đến cuối những năm 60 của thế kỷ XX, khi những vấn đề liên quan đến sức khỏe của phụ nữ do “tác dụng phụ” mà món đồ này gây nên được phổ biến rộng rãi, thiết kế “khó thở” này đã nhanh chóng “rơi vào lãng quên” vào thời điểm đó.
Mãi cho đến những năm 90, khi mỹ nữ Madonna xuất hiện và thổi vào địa hạt thời trang một làn gió mới mang tên phong cách Gothic với chiếc áo nịt đặc trưng – thiết kế này mới dần dần được “tái xuất” trở lại trên thị trường. Vào những năm 2000, nhờ nguồn cảm hứng vô tận dành đem đến cho các trendsetter, Corset mới dần tìm lại được chỗ đứng cho mình trên đường đua thời trang.
Ở hiện tại, khi làn sóng hoài cổ Y2K vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt cộng với hiệu ứng Bridgerton; chiếc áo Corset lại xuất hiện ở mọi nẻo đường cùng với giới mộ điệu và tất nhiên, items này đã trở nên “dễ thở” hơn rất nhiều.
Dấu ấn nữ quyền mang tên quần tây âu
Vốn được xem là trang phục biểu tượng cho sức mạnh, uy quyền của cánh mày râu mạnh mẽ, chính vì vậy mà vào những năm 20, việc phụ nữ mặc quần dài bị coi là biểu tượng cho Ngày tận thế. Trong giai đoạn ấy, người ta chỉ có thể bắt gặp phái yếu mặc quần tây ở những trang trại nuôi ngựa để có thể làm những công việc chăm sóc, cho ngựa ăn một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.
Sau đó, khi những người phụ nữ có tiếng nói như Marlene Dietrichs hay Katharine Hepburn bắt đầu xuất hiện với những chiếc quần tây trên các trang ảnh tạp chí vào những năm 30. Khoảng thời gian 1930 cũng là giai đoạn nhiều phụ nữ tham gia vào các lực lượng lao động, đây cũng là tín hiệu cho thấy các quy tắc về giới tính trong thời trang bắt đầu thay đổi.
Sau đó 30 năm, năm 1966, bộ suit dành cho phụ nữ do chính tay ông lớn Yves Saint Laurent thiết kế đã ra đời, mở đầu cho xu hướng thời trang nữ giới mặc phục trang nam để thoải mái hơn, tự do hơn cũng dần nở rộ. Cuối cùng, vào những năm 70 của thế kỷ XX, suit hay quần tây dành cho nữ giới đã được công nhận. Sau nhiều tranh cãi và chỉ trích, thiết kế nam dành cho nữ giới này vẫn ngày càng lan rộng và trở thành thiết kế không thể thiếu trong tủ đồ công sở, dạo phố của hội phái đẹp ngày nay.
Khởi nguồn của những đôi giày gót nhọn – Crakows
Vào thế kỷ XIV, thật không khó để bắt gặp hình ảnh giới quý tộc Anh ra đường với đôi giày mũi nhọn dài trên 10cm. Các quý ông thời đó cho rằng người nào sở hữu mũi giày càng dài càng chứng tỏ họ là những quý ông bảnh bao với nhiều sức hút. Loại giày mũi nhọn và dài ấy được biết đến với cái tên Crakows
Từ những ngày đầu của thế kỷ XIII, giày mũi nhọn luôn là thiết kế được cả nam và nữ Tây Âu ưa chuộng. Tất nhiên, độ dài của mũi giày không quá đặc biệt, dưới 5cm và ít ảnh hưởng đến sinh hoạt hay lao động. Song, vào năm 1463, nội thành London xuất hiện thiết kế Crakows siêu thực nhất: mũi giày dài đến 12cm. Kể từ đó, các quý ngài đến từ Vương quốc Anh bắt đầu thi nhau thuê thợ thủ công để làm ra những đôi giày bằng vải lụa, nhung, thêu hoa văn phức tạp và độc nhất với phần mũi giày nhọn hoắt và dài ngoằng.
Cuộc vui ngắn chẳng tề gang, ngay sau khi những đôi giày “dị hợm” này trở thành xu hướng, Edward IV – vị vua nhã nhặn với tác phong đứng đắn đã ban lệnh cấm với thiết kế mũi nhọn này và kết tội “đây là hành vi khiếm nhã nơi công cộng”. Thời trang quý ông giày mũi nhọn siêu dài vừa mới manh mún đã bị dập tắt. Dù có một kết cục chóng vánh, nhưng những đôi giày Crakows này vẫn được coi là nguồn cảm hứng của những thiết kế mũi nhọn trendy của nam và nữ. Năm 2015, Crakows đã được tái xuất trên đường băng dưới sự “bảo trợ” của nhà mốt Comme Des Garçons.
Bài viết: Khánh Hòa