Tiếp nối sự thành công ở Phần 1, trong phần tiếp theo này chúng ta sẽ tiếp cận nhiều hơn vào các thuật ngữ chuyên sâu hơn trong thời trang.
Có vô số những thuật ngữ trong giới thời trang, bài viết này sẽ như một quyển cẩm nang mà Streetvibe muốn gửi đến các bạn đam mê và mới bước chân vào thế giới thời trang rộng lớn.
6. Sustainable fashion/eco fashion
Sustainable fashion hay eco-fashion là một thuật ngữ mang tính khái niệm rất rộng trong giới thời trang. Thuật ngữ này xuất hiện khi con người nhận ra việc bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất là việc vô cùng cần thiết. Mỗi nhà thiết kế hay một thương hiệu khi nhận thức được việc này, họ sẽ hướng đến một mục đích chung là làm sao sản phẩm của họ được thân thiện với môi trường nhất có thể.
Bảo vệ môi trường thông qua thời trang có thể được thực hiện bằng nhiều cách như chất liệu, quy trình sản xuất, quy trình phân phối, marketing và thành phẩm. Khái niệm thời trang bền vững (Sustainable fashion/eco fashion) mang tính cốt lõi về giá trị đạo đức.
7. Slow fashion
Chúng ta đã quá quen thuộc với khái niệm “Fast Fashion“, những món đồ chạy theo xu hướng và không mang tính chất lượng. Hằng năm lượng rác thải từ Fast Fashion là vô cùng khủng khiếp, nhận thấy được việc cấp bách trước mắt cần giải quyết vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường. Các thương hiệu mang tư duy tiến bộ, họ sẽ không chạy theo xu hướng mà tập trung sản xuất các món đồ chất lượng, khó lỗi thời. Từ đây, khái niệm thời trang chậm hay Slow Fashion được ra đời.
Những món đồ từ khái niệm Slow Fashion là những món đồ cơ bản, cần thiết và dễ mặc, tránh khỏi làn sóng ảnh hưởng từ xu hướng. Mục đích của Slow Fashion là giúp người mặc tiết kiệm được tài chính, giữ vững phong cách thời trang và tận dụng tối đa hết giá trị mà món đồ đấy mang lại.
8. Anti-Fashion
Anti-fashion là một thuật ngữ trong giới thời trang nói về phong cách hay xu hướng ăn mặc trái ngược với thời điểm hiện tại. Anti-fashion có thể xuất hiện một cách ngẫu nhiên hay xuất phát từ một mục đích chính trị như phản đối chiến tranh hay đòi quyền công bằng, dân chủ. Thuật ngữ này còn được dùng cho các nhà thiết kế tên tuổi và khét tiếng khi họ tạo ra xu hướng mới mà không đi theo xu hướng hiện tại.
Anti-fashion được xem là sự sáng tạo triệt để nhất trong thời trang mang tính khác biệt rất cao. Truyền thông là công cụ hiệu quả giúp khái niệm này lan rộng hơn bao giờ hết.
9. Modest fashion
Khái niệm thời trang khiêm tốn được xuất hiện khi nhu cầu về thời trang của người theo đạo Hồi tăng cao. Đây là những trang phục của phụ nữ ăn mặc giản dị, không hở hang đáp ứng đúng nhu cầu về tinh thần và phong cách của người mặc vì lý do tín ngưỡng hoặc sở thích cá nhân.
Khái niệm này cũng gắn liền với món phụ kiện Hijab đặc trưng của người Hồi Giáo. Món phụ kiện này từng xuất hiện trong bộ sưu tập Raf Simons Thu-Đông 2001.
10. Minimalism fashion
Phong cách tối giản, là một chủ nghĩa nghệ thuật xuất hiện lần đầu vào đầu Thế kỷ XX thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Chủ nghĩa Minimalism có mặt hầu hết trên các lĩnh vực như kiến trúc, thiết kế, âm nhạc, hội hoạ, lối sống,..và thời trang cũng không ngoại lệ. Trong thời trang, Minimalism được xem là gia vị hoàn hảo để tạo nên sự cuốn hút bí ẩn cho những bộ trang phục. Vì những điều đơn giản, không cầu kỳ nhưng mang lại sự tinh tế, chạm đến trái tim cả mắt nghệ thuật người khác sẽ khó hơn những điều phức tạp.
Đúng với tên gọi của mình, Minimalism trong thời trang tối giản cả về thiết kế lẫn màu sắc. Thông thường, chúng ta sẽ bắt gặp những thiết kế này có phần đơn giản và sử dụng những gam màu đơn sắc như trắng, đen,..điểm thu hút của Minimalism nằm ở sự tinh tế và thanh lịch. Chú trọng tỉ lệ cơ thể để thực hiện những đường cắt may tinh xảo tạo nên sự thoải mái. Để áp dụng khái niệm này vào thời trang thật sự không hề đơn giản như chúng ta đã nghĩ.