5 di sản quý giá Martin Margiela để lại trước khi chia tay giới thời trang

0

Martin Margiela mang đến những sáng tạo vô cùng tối giản, không phô trương nhưng lại để lại những di sản vô cùng độc đáo và quý giá cho nền thời trang thế giới.

martin margiela

Martin Margiela là nhà thiết kể người Bỉ nổi tiếng với trường phái Deconstruction (Giải cấu trúc). Ông là một trong những người định nghĩa rõ nhất trường phái này cùng với Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto. Cũng xuất thân từ ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới – Antwerp, ông cùng Antwerp 6 tạo nên làn sóng Avant Garde lừng danh những năm 90s trong giới thời trang.

Ông còn là một người làm thời trang từ những gì đơn giản, mộc mạc nhất. Từ những món đồ cũ như găng tay, quần áo cũ, thậm chí là cả đồ gia dụng được ông tái chế lại thành thời trang Couture. NTK người Bỉ cũng từng làm fashion show ở một nơi không có gì cao sang tại Paris – nơi chỉ có cư dân quanh đó tham gia và mang cả trẻ con lên sân khấu. Nhưng chính show diễn này lại truyền cảm hứng và thay đổi cái nhìn của rất nhiều người về thời trang, trong đó có cả Raf Simons.

martin margiela
Show diễn đầu tiên của Martin Margiela vào năm 1989

Những đứa trẻ đó vui đùa cùng người mẫu, điều đó thật sự lạ lẫm! trước đó thời trang đối với tôi là một thứ rất phù phiếm và hào nhoáng. margiela đã thay đổi suy nghĩ ấy mãi mãi. nó như thể một sự khai sáng vậy. thật sự rất khác lạ! – Raf simons

Di sản đầu tiên chắc chắn là Deconstruction (Giải cấu trúc)

Xuất phát từ một trường phái trong kiến trúc, Rei Kawakubo đã mang nguyên lí thiết kế đó áp dụng vào thời trang. Martin Margiela được truyền cảm hứng rất nhiều từ Rei. Tuy nhiên ông thậm chí còn thể hiện trường phái Avant Garde này tốt hơn cả Rei hay Yohji.

Trường phái này được xem như là giá trị cốt lõi của thương hiệu và vẫn được duy trì khi John Galliano thay ông ở Maison Margiela. Nó thậm chí ảnh hưởng rất lớn đến phong cách thiết kế của những nhà thiết kế từng làm việc tại đây như Demna Gvasalia, Marine Serre. Cho đến hiện nay Deconstruction vẫn là một trong những trường phái thiết kế phổ biến nhất.

Thiết kế giải cấu trúc dựa trên những nguyên tắc: Tạo sự không hoàn thiện, tái sắp xếp các chi tiết, không tôn trọng cấu trúc cơ thể, tạo cảm giác phá hủy, bất đối xứng

Upcycling Haute Couture

Các tác phẩm của Martin Margiela như một ví dụ điển hình nhất của khái niệm Upcycling Haute Couture. Là một đại diện của ngành công nghiệp thời trang hàng đầu và tiên phong trong Haute Couture suốt gần 30 năm qua. Các bộ sưu tập của Maison Martin Margiela sử dụng hàng may mặc, hàng dệt may cũ như một phần nguyên liệu chất liệu thô để sáng tạo nên những tác phẩm thời trang mới. Margiela đã tạo nên một cuộc các mạng về chất liệu may mặc.

Quần áo cũ, găng tay cũ, đồ gia dụng cũ, những món đồ tưởng chừng như đang ở giai đoạn cuối của quá trình công nghiệp – tiêu thụ lại trở thành nguyên liệu thô cho Haute Couture. Margiela đã mở đầu cho một điều không tưởng. Điều này thực sự truyền cảm hứng và thách thức khả năng sáng tạo, tái chế, tái cấu trúc của các nhà thiết kế.

Người mẫu ẩn danh bằng lớp mặt nạ

Hầu hết tất cả show của Martin Margiela đều có người mẫu đeo mặt nạ và giấu đi khuôn mặt của mình. Điều này một phần bởi vì thời gian đầu ông không có tiền thuê những người mẫu nổi tiếng, một phần đến từ triết lí tối giản của ông. Margiela muốn mọi người tập trung vào trang phục chứ không phải người mẫu.

Đây cũng là một trong những thứ ảnh hưởng rất nhiều đến các nhà thiết kế từng ở trong Maison Margiela – Demna Gvasalia, Marine Serre. Giờ đây mọi người có thể hiểu phần nào bộ trang phục Kim Kardashian mang ở Met Gala 2021 mang tinh thần của ai.

Kanye West mang mặt nạ của Margiela trong tour diễn của mình
martin margiela
Kim Kardashian trong bộ đồ do Demna Gvasalia thiết kế ảnh hưởng rất nhiều từ Margiela

Tối giản của Martin Margiela

Tối giản của Margiela không thể hiện qua mặt thị giác. Tối giản của ông thể hiện qua cách ông sử dụng chất liệu, qua ý niệm của ông trong từng bộ sưu tập và cụ thể nhất có thể thấy là qua Label Tag của Maison Martin Margiela. Ông chưa bao giờ đặt tên thương hiệu của mình lên trang phục, nhưng ai cũng biết đó là thiết kế của Margiela.

martin margiela

Margiela Tabi Boots

Và cuối cùng, một trong những di sản nổi bật nhất, signature nổi bật nhất của Margiela đó chính là đôi Boots Móng Ngựa.

Vốn xuất hiện dưới hình dạng ban đầu là đôi tất truyền thống của Nhật Bản, sau một chuyến đi đến Nhật, ông đã biến nó thành cấu trúc đặc trưng trong đôi Boots danh tiếng của mình. Ông đã mang nó lên runway trong những show diễn đầu tiên và nó trở thành di sản có độ nhận diện rộng rãi bậc nhất cho đến hiện nay. Ngay cả khi John Galliano thay thế ông vẫn duy trì được cấu trúc đặc trưng và cho ra mắt rất nhiều phiên bản của nó.

martin margiela
Maison Margiela X Reebok dưới thời John Galliano
Cấu trúc Tabi trên một đôi guốc

Lời kết

Mặc dù đã rời khỏi giới thời trang hơn 10 năm, nhưng những ảnh hưởng của Margiela vẫn tiếp tục được duy trì. Nó không chỉ là những thiết kế, mà còn là những ý niệm của ông tác động lên những nhà thiết kế thế hệ sau. Danh tiếng của Margiela rõ ràng là không bằng được những huyền thoại khác, nhưng bằng một cách giản dị, thầm lặng, ông đã để lại cho nền thời trang một màu sắc tối giản, mộc mạc đồng thời lại thanh lịch, tinh tế.

Qua đây, hi vọng có thể thay đổi cách nhìn của mọi người về thế giới thời trang không chỉ có xa hoa, lộng lẫy, phù phiếm mà còn có cả những điều gần gũi đầy cảm xúc.

Tác giả: Thái Sơn

Nguồn tham khảo: Hidden Archive

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here