Chúng ta cứ nói mãi về chạy theo xu hướng thời trang nhưng ít ai biết về sự bắt nguồn của nó.
Qua mỗi mùa Fashion Week hay nhờ sự lăng xê nhiệt tình của giới nghệ sĩ trong một thời điểm nào đó, mọi người lại có thể nhìn thấy những items và xu hướng mới xuất hiện nhiều, ở khắp mọi nơi. Khi những nhà mốt bắt đầu các chiến dịch hay ngôi sao cùng các fashionista lên đồ thường xuyên với các items đó, hàng giả/hàng nhái ăn theo tràn lan trên thị trường hoặc các thương hiệu thời trang bình dân đồng thời sản xuất các mẫu quần áo na ná, cũng là lúc xu hướng bắt đầu bùng nổ.
Xu hướng thời trang là gì?
“Xu hướng” nói chung hay “Xu hướng thời trang” nói riêng là cụm từ dùng để chỉ những thứ được nhiều người ủng hộ, sử dụng trong một thời gian nhất định. Xu hướng thời trang thường nhất thời, không tồn tại mãi nhưng cũng không rõ bao giờ kết thúc. Chúng được xác định theo từng mùa khi các thương hiệu thời trang tung ra các bộ sưu tập mới. Bên cạnh đó, cũng có những biến số ảnh hưởng đến xu hướng như phim ảnh, ca nhạc, thời tiết, điều kiện kinh tế – xã hội, chính trị, công nghệ…
Theo Tech Fashionista, thời trang vẫn luôn là chiếc gương soi chiếu xã hội hay những sự kiện diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Vì thế, không thể không kể đến tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng cũng như mạng xã hội đến xu hướng thời trang. Ngoài ra, xu hướng thời trang có tính chu kỳ, vay mượn cảm hứng từ những xu hướng cũ sau đó cải tiến sao cho phù hợp với thời điểm. Có thể thấy rõ ở việc nhiều mốt cũ như Y2K hay Gothic đang dần quay trở lại.
Điều gì tạo nên xu hướng thời trang?
Người nổi tiếng
Người nổi tiếng chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp một xu hướng được định hình. Đơn giản bởi “nhất cử nhất động” của họ đều được công chúng quan tâm, đặc biệt với những ngôi sao toàn cầu với lượng fan đông đảo trên khắp thế giới. Các fan không chỉ chú ý đến hoạt động của thần tượng mà còn muốn được mặc giống họ, ngưỡng mộ khí chất mà các ngôi sao toả ra.
Vì vậy, không ít thần tượng được mệnh danh là “Fashion Icon”, hễ mặc gì cái đó được bán chạy và góp phần tạo nên nhiều xu hướng. Với sự ảnh hưởng như vậy, các tập đoàn lớn luôn có cách để ngôi sao trở thành đại diện cho thương hiệu, lăng xê cho những bộ sưu tập của hãng.
Các chiến dịch quảng bá, truyền thông cùng mạng xã hội
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, bất cứ ngành hàng nào cũng phải gia nhập cuộc chiến quảng bá, không riêng gì thời trang. Các chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội của các thương hiệu thời trang có sự đầu tư hơn, sáng tạo hơn để thu hút được sự quan tâm của mọi người.
Song song với bùng nổ của mạng xã hội TikTok, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z trở thành những nhà sáng tạo nội dung, người có tầm ảnh hưởng. Nếu nhìn hướng tích cực, họ cũng góp phần đưa một số xu hướng đưa thời trang đến với nhiều người hơn. Bên cạnh nghệ sĩ, biên tập viên thời trang, nhiều thương hiệu thời trang đã bắt đầu tiếp cận họ, hợp tác trong các chiến dịch quảng bá hoặc mời họ xuất hiện ở những hàng ghế đầu danh giá. Một số cái tên nhà sáng tạo nội dung trẻ nhận được sự quan tâm của các nhãn hàng thời trang phải kể đến Khaby Lame, Bella Poarch, Emma Chamberlain…
Fashion Week và các sàn diễn thời trang
Các Tuần lễ thời trang lớn như New York, Milan, London và Paris quy tụ nhiều nhà mốt lâu đời luôn khơi nguồn những xu hướng mới mẻ cho từng mùa. Mỗi mùa, giới mộ điệu lại chờ đợi để khám phá điều gì đã xảy ra trong bộ não của các nhà thiết kế trong suốt những tháng trước đó. Thời trang và xu hướng biến động trên toàn cầu, những người yêu thời trang xem những gì đang diễn ra ở các kinh đô thời trang thế giới, cập nhật món đồ người khác đang mặc và điều chỉnh phong cách của mình sao cho hợp thời nhất.
Các tập đoàn thời trang
Qua những yếu tố trên, hẳn cũng thấy được sự tham gia không nhỏ của những tập đoàn lớn đứng sau các nhà mốt đình đám. Rồi từ đó, các nhà mốt tiếp tục chạy các chiến dịch truyền thông và hợp tác cùng các ngôi sao nhằm mục đích quảng bá sản phẩm. Ngành công nghiệp thời trang là một “bàn cờ”: không chỉ là cuộc chơi của những bộ óc sáng tạo có thể làm ra những bộ trang phục tuyệt vời mà còn là sự đấu trí về kinh doanh giữa những tập đoàn. Để các xu hướng thời trang phát triển mạnh mẽ hơn chỉ dừng lại trên sàn catwalk hay tuần lễ thời trang, các tập đoàn với tư duy kinh doanh vượt thời gian đã nhúng tay vào. Trong cuộc chơi này, các tập đoàn chính là trùm cuối có tác động lớn nhất đến những xu hướng thời trang mà không phải ai cũng biết.
Hiện nay, 2 tập đoàn thời trang hùng mạnh nhất chính là LVMH và Kering. Với LVMH, tập đoàn này sở hữu nhiều nhãn hiệu thời trang và làm đẹp cao cấp lừng danh thế giới như Louis Vuitton, Dior, Bvlgari, CELINE, Givenchy, Tiffany & Co, Fendi… Còn Kering lại sở hữu Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta, Balenciaga, Alexander McQueen, Brioni, Boucheron, Pomellato, DoDo, Qeelin… Hơn cả thế, hai tập đoàn này còn đứng sau đầu tư cho một số thương hiệu non trẻ khác.
Họ đầu tư mạnh hơn vào các chiến dịch quảng bá, chiến dịch bán hàng, mang chính những bộ trang phục được trình diễn trên sàn catwalk đến gần hơn với người tiêu dùng bằng nhiều cách. Và kết quả là những ai muốn trở thành người bắt trend nhất sẽ xuống tiền để sở hữu các thiết kế đó. Hiệu ứng ấy cứ lan truyền theo cấp số nhân khi xu hướng được đẩy lên đủ lớn và phổ biến.
Ngoài ra, xu hướng thời trang cũng có thể hình thành từ những yếu tố phụ như từ một cộng đồng nhỏ, sub-culture hoặc cả chính một bộ phim đang hot.