Quần áo Vintage & Archived giống và khác nhau như thế nào?

0

Cùng có sự hình thành từ quần áo cũ nhưng hai định nghĩa Vintage và Archived hoàn toàn khác nhau… Không phải ai cũng có thể nhìn thấy những giá trị mà “quần áo cũ” mang lại. Liệu chúng ta có thần thánh hóa “đồ si” hay đại chúng vẫn chưa hiểu rõ luật trong “cuộc chơi” này?

Vintage và Archived là hai khái niệm không quá xa lạ với những người yêu thời trang lâu năm trên thế giới. Tại Việt Nam, “luồng gió” này cũng dần thổi đến cộng đồng và tạo nên một sân chơi mới lạ trong vô vàn các “thú chơi” thời trang khác.

“Ranh giới” giữa Vintage & Archived

Trên thực tế, “thú chơi” này tuy đã có từ lâu nhưng vài năm gần đây, chúng mới thực sự trở nên nổi bật và chiếm trọn nhiều con tim đam mê thời trang. Các thế hệ về trước sẽ gọi những món quần áo cũ này là “Đồ SIDA” – ý nói đến mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ những năm cuối thập niên 1980 do Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) viện trợ.

Để nhìn thấy sự khác biệt giữa đồ Vintage và Archive, chúng ta sẽ cần hiểu rõ khái niệm để tránh sự nhầm lẫn “tuy một mà hai” này.

Archived
Ảnh bởi Vietcetara

Vintage – quần áo lâu năm phản ánh văn hóa thời kỳ đó

“Vintage” là một thuật ngữ được sử dụng trong thời trang để mô tả những món quần áo cũ được sản xuất từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, để một bộ quần áo đủ điều kiên trở thành đồ “vintage” đúng nghĩa, nó phải sở hữu các yếu tố thiết kế đại diện cho các xu hướng thời trang theo từng thời kỳ.

Để nói về lý do tại sao loại quần áo này lại phổ biến, thì có thể nói lý do chủ yếu là do phong cách của nó. Những món quần áo Vintage cho người mua và người mặc một món đồ độc đáo đi kèm với “tính cách” của riêng những món đồ này. Đồ cũ mà lại có “tính cách” hả? – Đúng vậy, đó có thể là đô bạc màu của chiếc áo, một vết rách hay chỉ đơn giản là một thiết kế thuộc về thời xa xưa.

Sự phổ biến nhanh chóng của áo thun cùng với sự bùng nổ của văn hóa đại chúng vào những năm 60 và 70, các nghệ sĩ và ban nhạc đã nắm lấy cơ hội thể hiện bản thân thông qua thời trang bằng những chiếc áo thun, thứ đã trở thành một nguồn doanh thu đáng kể của họ. Trong suốt những năm 80 và 90, các khía cạnh khác của văn hóa đại chúng đã bắt kịp xu hướng này với các bộ phim, rock band, các đội thể thao và các thương hiệu trên toàn cầu khác coi những chiếc áo thun là những bảng quảng cáo “biết đi”.

Áo thun là một trong những mặt hàng Vintage được mua nhiều nhất và phổ biến trên thị trường, là một trong những xu hướng phát triển nhanh nhất trong thời trang hiện nay. Lí do cũng dễ hiểu: Bạn có thể mặc nó ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào và ngày càng có nhiều các shop quần áo Vintage xuất hiện, việc tìm ra những món quần áo phù hợp với phong cách, kích cỡ và túi tiền của bản thân ngày càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Vì vậy, tại sao không thử đồ Vintage ngay bây giờ?

*Trích Single Stitch x Piktina Vtg Event 2023

Archived – đồ lưu trữ giá trị sưu tầm cao

Thời trang lưu trữ (Archived Clothing/Fashion) được hiểu nôm na như những món đồ của nhà thiết kế hay thương hiệu phải có giá trị lưu trữ, có sự đột phá hay riêng lẻ, thuộc dạng hiếm, khó sở hữu và nằm trong bộ sưu tập bất kỳ của thương hiệu. Chúng là những món đồ gắn liền với một giai đoạn thuộc lịch sử phát triển của thương hiệu; có thiết kế nổi bật – “iconic” trở thành dấu ấn và nhiều yếu tố đặc biệt khác. Ngoài ra, chúng còn phải có được sự công nhận từ giới thời trang với chuyên môn cao hoặc cộng đồng.

Archived

Đồ Archived đồng thời cũng chỉ đến hỉ những sản phẩm được lấy từ kho lưu trữ (archived) của các nhà mốt. Chúng chính là những mẫu trang phục gốc hoặc sample được người mẫu mặc lần đầu khi thương hiệu “trình làng” BST đến công chúng. Sau đó, chúng được đưa vào kho lưu trữ của thương hiệu. Những sản phẩm từ thiết kế đó mà chúng ta mua được chỉ là bản thị trường được “photocopy” ra nhiều lần. Chúng không phải bản gốc và có thể đã được chỉnh sửa lại một ít. 

Các thương hiệu lớn sẽ bảo quản chúng trong nhiệt độ từ 18-20 độ C trong kho lưu trữ, độ ẩm 45-50% và tránh ánh sáng trực tiếp. Nhiều ông lớn trong ngành thời trang có thể phải bỏ ra tới hơn 10.000$ phí duy trì lưu trữ. Nói đến đây, chúng ta cũng đã hiểu rõ giá trị sưu tầm mà những món đồ này mang lại.

Việc hiểu sai hai khái niệm Vintage và Archive trong thời trang làm mất đi những giá trị lịch sử mà một món đồ mang lại.

Không chỉ là “đồ si đa”

Xung quanh “cuộc chơi đồ si” cũng có vô vàn tranh cãi lớn nhỏ xảy ra. Qua “lăng kính” của những kẻ “ngoại đạo”, họ chỉ nhìn thấy đây là những món đồ cũ, sờn và bạc màu bởi thời gian – chỉ là các món đồ đồ cũ không hơn không kém. Nhưng thực tế, ngoại trừ những chiếc áo in chất lượng kém lâu năm thì cũng có một số chiếc áo chất lượng cao và mang “âm hưởng” từ những thập niên 80-90. Tuổi thọ của những chiếc áo này tuy đã qua nhiều đời chủ, đến nhiều nơi nhưng vẫn giữ được chất lượng “đủ dùng” – minh chứng về sự chất lượng mà nhà sản xuất thời điểm đó tạo nên. Đây là một trong những điểm hấp dẫn đối với những tay “thợ săn” đồ cũ.

Ngoài ra, “đồ si đa” cũng có một số thiết kế đặc trưng mà hiếm khi nào chúng ta “bắt gặp” ngày nay. Chẳng hạn như, hình in overprint (in từ thân áo lên đến tay áo), single stitch (chỉ may một viền ở cổ lai áo) hoặc may áo dạng kiểu “ống”” (tức không có đường may bên hông).

Một điểm lớn ở xu hướng/văn hóa thời trang này chính là tính độc nhất! Giả sử chúng ta tìm thấy trong đống đồ cũ một chiếc áo mà bản thân cực kỳ yêu thích và mặc vừa. Bản thân người mặc lúc này sẽ “độc nhất vô nhị” vì thật khó để người khác tìm được cái thứ hai giống như bạn. Đặc biệt Gen Z là thế hệ luôn yêu thích sự phá cách, độc tôn trong phong cách sống lẫn thời trang.

Sự hấp dẫn khác trong cuộc chơi này chính là chủ đề cũng như lối thiết kế mà nhà mốt muốn truyền tải đến người sở hữu. Nếu yêu thích hoạt hình cổ điển thì những hình in từ Betty Pop, Mickey Mouse, Vịt Donald,… sẽ khiến người yêu vintage sẵn sàng xuống tiền khi nhìn thấy chúng. Hay bạn có từng thấy Justin Bieber, Travis Scott, Asap Rocky từng diện những chiếc Rock Band Tee đầy cá tính và bụi bặm?

Nếu Vintage dễ chơi, dễ thấm thì Archived là một “tầng lớp” xa xỉ khác. Đồ Archived hấp dẫn người sưu tầm bởi những chiếc quần cái áo có phần “dị”, độc và lạ từ những nhà mốt từ 10 đến 20 năm trước.

Giá trị nằm ở sự “hiểu biết”

Quả thật, giá trị của một món đồ Vintage/ Archived không chỉ nhìn bằng “mắt thường” mà còn phải nằm ở sự nghiên cứ lâu bền và yêu thích mãnh liệt với nền văn hóa thời trang.

Đối với những người không am hiểu, họ không “cảm nhận” được sự vui sướng khi sở hữu được “Chén Thánh”, xa hơn là câu chuyện đằng sau và thông điệp truyền tải nên những người này sẽ chỉ trích những kẻ “theo đạo” lại chi một số tiền khá lớn để có được một item mà người đó mơ ước.

Nói đi cũng phải nói lại, có lẽ vì những người này chỉ là người tiêu dùng thông thường nên sẽ không “bận tâm” quá nhiều về những giá trị vô hình mà đồ Vintage lẫn Archive mang lại. Nhưng không vì vậy mà họ có thể chỉ trích niềm đam mê của người khác một cách vô tội vạ. Vì bất cứ “thú chơi” hay văn hóa nào cũng có một quy luật bất thành văn mà những “người tham gia” mới thực sự thấu hiểu.

Chẳng hạn như các Đầu Giày sẽ không bao giờ muốn giày mình bị gãy mũi, hay các “Denim Head” sẽ rất ít khi giặt Jeans bằng máy giặt. Tất cả sự “dị biệt” đều được hình thành dựa trên các đặc tính vốn có của xu hướng thời trang.

Mới đây, cuộc đấu giá áo phông Vintage thuộc một sự kiện thời trang vừa tổ chức tại Sài Gòn đã bị một nhóm người trên Toptop chì chiết vô tội vạ vì… sự thiếu hiểu biết. Chiếc áo được đấu giá có artwork Marylyn Mansion và Justin Bieber cũng từng diện một chiếc tương tự.

Xuất phát từ việc không hiểu giá trị của những món đồ dẫn đến nhanh chóng buông lời phán xét và đánh giá khiếm nhã về những cuộc đấu giá những món đồ cũ với giá cao ngút trời. Họ cho rằng những người mua những món đồ này là những kẻ lãng phí tiền bạc. Tuy nhiên, những người mua những món đồ không chỉ đơn giản là mua một món đồ. Họ đang mua một phần lịch sử, một kỷ vật và một giá trị tinh thần.

Một số “nhà sưu tập” Vintage & Archived

1/ David Casavant

Thor cần Mjoljir thì phải có Eitri, Zeus cần Lightning Bolt thì phải có Brontes, Steropes và Arges. Cũng như các Celebs, cần những bộ outfit “1-0-2” thì phải trông cậy vào Stylist. Và đây là David Casavant – một stylist cho sao hạng A lẫn một nhà sưu tập đồ Lưu Trữ “cộm cán” trong cộng đồng quốc tế.

Bộ sưu tập của David được đồn thổi lên đến vài nghìn món tập trung vào hai thương hiệu chủ lực là Helmut Lang và Raf Simons ngoài ra cũng có Saint Laurent, Jil Sander… Trả lời phỏng vấn, David bắt đầu sưu tập vào năm 14 tuổi (2004) nhờ vào tiền sinh hoạt và hỗ trợ từ bố của mình. David luôn có châm ngôn để bày tỏ niềm đam mê Archived chính là “Mua thêm chứ không Bán”.

2/ Stussy Den

Đọc đến đây chắc chúng ta cũng biết đến thương hiệu nào sẽ là món mà Den sưu tầm, chính là Stussy. Thực ra Stussy Den đúng hơn là một “nghệ danh” nhằm che giấu danh tính thật sự của chủ nhân bộ sưu tập. Instagram của anh chàng này được thu hút bởi bộ sưu tập Stussy đầy những món giá trị mà khó có ai sánh bằng.

Trả lời một bài báo phỏng vấn, Stussy Den cho biết mẹ và gia đình anh là những người hiểu rõ số tiền anh phải chi trả và hoàn toàn ủng hộ cho “thú chơi” xa hoa này của anh chàng. Den không bao giờ đếm được giá trị của “kho báu” mà mình sở hữu vì nhà sưu tầm này khẳng định: “chúng không dành cho việc mua bán”!

3/ NIGO

Tomoaki Nagao, hay còn được gọi Nigo, là nhà sáng lập thương hiệu thời trang đường phố A Bathing Ape (BAPE) lừng lẫy. Là một tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực thời trang đường phố, Nigo từng hợp tác thân thiết với Virgil Abloh tại Louis Vuitton và có mối quan hệ mật thiết với tập đoàn LVMH.

Bên cạnh là một nhà thiết kế và tượng đài OG trong giới thời trang đường phố, NIGO còn là một nhà sưu tập đồ Denim, Vintage, Archive và hơn thế nữa là những món đồ vật mang giá trị văn hóa đại chúng lẫn giá trị tiền tệ cực kỳ cao. Mời bạn xem qua “hầm sưu tập” NIGO cùng với Complex.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here