Tưởng chừng chỉ việc nộp đơn kiện thương hiệu đã sao chép ý tưởng là xong thực ra nhưng việc đó khó hơn bạn nghĩ.
Zara từ lâu đã là thương hiệu làm giới thời trang và các thương hiệu khác ngán ngẩm vì liên tục sao chép ý tưởng và bày bán công khai không sợ bị “sờ gáy”. Ở nơi khác, “bản sao” của Supreme là Supreme Italia vì biết cách lách luật đã khiến chính chủ mất nhiều năm để kiện tụng thành công.
Ngoài ra vẫn còn nhiều thương hiệu “khôn lỏi” như vậy trên toàn cầu ngang nhiên bành trướng vì biết cách lách luật để gần như không dính phải bất kỳ vi phạm của luật sở hữu trí tuệ. Điều đó khiến việc kiện một thương hiệu sao chép ý tưởng khó hơn bạn nghĩ. Vậy, luật sở hữu trí tuệ quy định những gì mà các thương hiệu này lại biết đường “lách luật” như thế?
Không thể dựa vào nguồn cảm hứng để bảo vệ
Luật sở hữu trí tuệ đối với thời trang có phần “lỏng lẻo” hơn rất nhiều khi so với những loại hình nghệ thuật khác như văn chương, âm nhạc, phim ảnh hay các tác phẩm nghệ thuật. Bởi vì thời trang phần nhiều được tạo ra dựa trên nền tảng những thứ đã có sẵn trong cuộc sống như văn hoá, nhân vật lịch sử… nên không thể dựa vào cơ sở gốc (nguồn cảm hứng) để bảo vệ chúng.
Vì lý do đó, Trung tâm nghệ thuật và dân tộc học của Lào chỉ có thể liên hệ và phản ánh thương hiệu Max Mara đã sao chép họa tiết từ dân tộc Oma thuộc nước Lào mà không xin phép hay dẫn nguồn. Tuy nhiên, Max Mara cứ cứng đầu không thừa nhận mặc cho phía Lào có lên Facebook “bốc phốt”.
Mặc khác, Luật sở hữu trí tuệ có thể bảo vệ tên thương hiệu, logo và hoạ tiết nhận dạng cho một thương hiệu. Vì vậy, adidas chưa bao giờ nương tay, không ngừng kiện những hãng nào sử dụng hoạ tiết kiêm logo “3 sọc” được pháp luật bảo hộ cho adidas.
Chi phí để bảo hộ quá đắt và thời gian chờ quá lâu
Không thể bảo hộ nguồn cảm hứng nhưng các hãng thời trang và nhà thiết kế hoàn toàn có thể nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và yêu cầu được bảo hộ độc quyền kinh doanh một hoặc nhiều món đồ nhưng chi phí cho việc này lại vô cùng đắt. Cơ mà mấy brand lắm tiền như Louis Vuitton, Gucci…chả lo điều này nhưng lại sợ phải chờ đợi.
Thời gian từ lúc nộp phác thảo (sketch và sample) đến lúc có được giấy chứng nhận mất khoảng 6 tháng đến 1 năm và thiết kế ra mắt sau khi nhận bằng sáng chế mới được bảo vệ. Nhưng chờ đợi 6 đến 1 năm để được bảo hộ là quá lâu vì một thương hiệu phải ra mắt 3-4 BST hoặc hơn trong một năm, chưa tính đến việc thay đổi và chỉnh sửa thiết kế để hợp với xu hướng.
Dù được bảo hộ độc quyền nhưng ít nhà mốt nào chịu chờ đợi, thay vì vậy, họ chọn bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm chủ lực và hái ra tiền như Nike có dòng Air Jordan; adidas có Yeezy, Stan Smith.. Ngoài ra, bằng bảo hộ cũng có thời hạn nhất định, thường là 17-20 năm. Đó là lý do mà không thể kiện đôi giày BAPE Bapesta đã sao chép lại mẫu Air Force 1 vì BAPE ra mắt mẫu giày của hãng sau khi Air Force 1 hết hạn bản quyền.
“Sân ai nấy chơi”
Một lý do khác: bằng sáng chế hay bảo hộ độc quyền không được công nhận trên toàn thế giới mà chỉ được công nhận đối với một số lãnh thổ nhất định. Miễn là thương hiệu nào đăng ký bản quyền ở nước nào thì sẽ được bảo hộ ở đó. Vì vậy, Supreme đã mất rất lâu để kiện được Supreme Italia vì thương hiệu “legal fake” này “chơi” trên xứ của người Rome, chứ nào phải Hoa Kỳ. Supreme khi đó cũng chưa kịp đăng ký bản quyền ở Ý.
Bài viết có tham khảo nội dung từ The Fashion World