Hóa ra, tình yêu dành cho adidas của mấy anh Nga ngố đã có từ lâu đời. Nó dường như trở thành một nét văn hóa trong thòi trang và đời sống của nước Nga.
Khi dạo quanh internet, chúng ta dễ dàng tìm thấy các meme về những chàng trai xứ Bạch Dương ngồi “chồm hổm” và mặc đồ adidas. Logo “ba sọc trắng trên nền đen” của adidas xuất hiện trên mọi sản phẩm quần áo và các đồ vật gia dụng. Vậy vì sao người Nga lại phát cuồng với adidas đến thế?
Quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, ngay trước khi Moscow đăng cai Thế vận hội Olympic 1980, thương hiệu adidas đã ký kết thỏa thuận với chính phủ Liên Xô sẽ cung cấp trang phục thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Chính phủ Liên Xô ngoài mặt đồng ý nhưng bên trong lại mang hiềm khích với các nước phương Tây. Họ không muốn các vận động viên nước mình mặc trang phục có nguồn gốc đến từ “phe đối địch”.
Mặt khác, chất lượng gia công trang phục khi ấy của Liên Xô cũng quá kém và dễ rách để các vận động viên có thể vận động mạnh. Thôi thì, dẹp tự ái sang một bên mà chấp nhận chịu trợ cấp vậy. Thế nhưng, mấy ông Liên Xô này cũng rất trọng sĩ diện khi tìm cách làm mờ logo adidas trên trang phục và xé mất một sọc trong 3 sọc để không ai nhận ra thương hiệu.
Cái kim trong bọc cũng có ngày lồi ra, công chúng vẫn tìm hiểu và phát hiện ra đó là trang phục từ adidas. Hơn cả thế, chiến thắng của vận động viên cũng tạo nguồn cảm hứng khiến công chúng cũng muốn mặc đồ adidas như vậy.
Song, việc đồ mua đồ adidas chính hãng vào thời điểm ấy là một việc vô cùng khó khăn bởi giá cả đắt đỏ so và chính sách hạn chế “đồ Tây” từ chính phủ. Và rồi, các xưởng gia công đồ adidas fake mọc lên như nấm để thỏa lòng cơn khát thèm adidas của dân chúng.
Các xưởng gia công này cũng vô cùng “khôn lỏi” khi họ không chỉ sản xuất ra đồ fake mà còn cả các sản phẩm “nhái” có in kèm logo 3 sọc để đa dạng hóa nhu cầu khách hàng. Từ đó, phong trào mặc đồ adidas ở Nga trở nên bùng nổ, nhà nhà adidas, người người adidas.
Ngoài ra, trang phục adidas còn gắn liền với lối sống của giang hồ Nga hay còn gọi là Gopnik mà Street Vibe đã từng có bài viết trước đây. Để dễ hoạt động như đánh nhau, trộm cắp…các “dân anh chị” sẽ chọn mặc các bộ đồ tracksuit adidas vì tính thoải mái của nó. Phần khác, đây cũng là loại trang phục dễ tìm và nhận diện để bọn Gopnik xem như đồng phục hành tẩu.
Sau nhiều năm trôi qua, cơn sốt adidas vẫn chưa nguội đi và biến thành một nét văn hóa không thể thiếu với người Nga. Đối với hành tinh Nga Ngố, adidas chính là thương hiệu quốc dân không thể nào thay thế. Giờ đây, họ vẫn thích mê trước đồ adidas và các sản phẩm có 3 sọc trắng này!