Vì sao Gucci, Prada, Balenciaga… đều “chịu thua” trước PETA?

0

Năm nay, như một truyền thống của PETA, tổ chức này đã xuất hiện tại New York Fashion Week để phản đối bạo lực động vật. Một người biểu tình lao lên sàn diễn, hét lớn “leather kills” (da giết hại động vật) trước khi bị an ninh kéo ra.

Không chỉ năm nay, PETA đã duy trì “truyền thống” này suốt nhiều năm qua, liên tục xuất hiện tại các show lớn của Gucci, Prada, Burberry hay Versace để phản đối việc sử dụng da và lông thú trong thiết kế. Hành động này cho thấy sức ảnh hưởng của PETA trong việc gây áp lực lên các thương hiệu lớn — buộc họ phải xem xét lại các lựa chọn chất liệu và từng bước chuyển hướng sang thời trang bền vững, không có nguồn gốc từ động vật.

Vậy vì sao PETA lại có thể khiến những “ông lớn” của làng thời trang phải thay đổi chiến lược? Và vì sao, dù gây tranh cãi, PETA vẫn là một trong những nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến xu hướng thời trang toàn cầu?

PETA là gì?

PETA (People for the Ethical Treatment of Animals) là tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất thế giới về quyền lợi động vật, được thành lập năm 1980 tại Mỹ bởi Ingrid Newkirk và Alex Pacheco. Với hơn 9 triệu thành viên toàn cầu, PETA hoạt động mạnh mẽ để phản đối việc sử dụng động vật trong ngành công nghiệp thực phẩm, thời trang, thử nghiệm và giải trí. Khẩu hiệu nổi tiếng của PETA, “Animals are not ours to eat, wear, experiment on, or use for entertainment” (Động vật không phải để chúng ta ăn, mặc, thí nghiệm hay dùng cho mục đích giải trí), đã trở thành kim chỉ nam cho các chiến dịch của họ.

Không chỉ biểu tình trực tiếp tại các show thời trang lớn, PETA còn tạo áp lực lên các thương hiệu bằng các chiến dịch truyền thông táo bạo, tẩy chay và hợp tác với người nổi tiếng. Chính sức ép này đã khiến nhiều nhà mốt như Gucci, Prada và Balenciaga buộc phải thay đổi, từng bước loại bỏ lông thú và da động vật khỏi các bộ sưu tập.

PETA Ảnh: BBC

PETA Ảnh: BBC

Lý do cốt lõi của việc biểu tình

Ngành công nghiệp thời trang từ lâu đã gắn liền với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật như lông thú, da, len hay lụa. Đối với PETA, đây là hành vi phi đạo đức và tàn nhẫn. Tổ chức này cho rằng việc giết hại động vật để phục vụ cho thời trang là không cần thiết và vô nhân đạo, đặc biệt là khi các chất liệu thay thế như lông nhân tạo, da thuần chay (vegan leather) hay các loại vải tái chế đã trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.

PETA đã thực hiện nhiều cuộc điều tra, phơi bày những hình ảnh đau lòng về các trang trại chăn nuôi lông thú, nơi động vật bị nuôi nhốt trong những điều kiện tồi tệ, bị lột da hoặc giết hại một cách dã man. Một trong những video nổi tiếng nhất của PETA cho thấy cảnh các con chồn bị lột da sống ở Trung Quốc – quốc gia xuất khẩu lông thú lớn nhất thế giới.

Túi xách, giày dép và quần áo làm từ da động vật quý hiếm nằm trong số những mặt hàng xa xỉ đắt đỏ và được ưa chuộng nhất thế giới.
Túi xách, giày dép và quần áo làm từ da động vật quý hiếm nằm trong số những mặt hàng xa xỉ đắt đỏ và được ưa chuộng nhất thế giới.

Hành động biểu tình của PETA 

PETA đã phát động chiến dịch “I’d Rather Go Naked Than Wear Fur” (Tôi thà khỏa thân còn hơn mặc lông thú) từ năm 1990, quy tụ hàng loạt người mẫu và ngôi sao nổi tiếng như Pamela Anderson, Christy Turlington và Pink. Những tấm poster quảng bá cho chiến dịch thường là hình ảnh các ngôi sao khỏa thân, kèm theo khẩu hiệu mạnh mẽ, nhằm thu hút sự chú ý của công chúng về vấn đề đạo đức trong thời trang. Chiến dịch này kéo dài hơn 30 năm và được xem là một trong những chiến dịch gây tiếng vang lớn nhất của PETA.

PETA cũng đã nhiều lần xông vào các sàn diễn thời trang để phản đối việc sử dụng lông thú. Tại Victoria’s Secret Fashion Show năm 2002, một thành viên của PETA đã chạy lên sàn diễn, cầm theo biểu ngữ phản đối sử dụng lông thú khi người mẫu Gisele Bündchen đang trình diễn – điều này đã khiến buổi diễn rơi vào hỗn loạn.

Gisele bị bốn người phụ nữ nhân danh tổ chức bảo vệ động vật PETA lao lên sân khấu, cầm biểu ngữ phản đối.
Gisele bị bốn người phụ nữ nhân danh tổ chức bảo vệ động vật PETA lao lên sân khấu, cầm biểu ngữ phản đối.

Năm 2019, sau khi nhà thiết kế Karl Lagerfeld qua đời, PETA đã đưa ra phát ngôn: “Karl Lagerfeld đã dành cả đời để làm ra những bộ trang phục tàn nhẫn từ lông thú. Giờ đây ông ấy đã ra đi, có lẽ những bộ trang phục đó cũng nên biến mất.” Ngay sau đó, cộng đồng Twitter đả kích gay gắt PETA vì lấy cái chết của nhà thiết kế làm chiến dịch chống sử dụng lông và da thú. Một người chia sẻ: “Tổ chức của ông có quan điểm riêng về việc sử dụng lông động vật. Còn lời chia buồn ác nghiệt của ông tốt hơn là không được nói ra. Hay ông còn muốn chỉ trích cả cái khố lông lạc đà của thánh John the Baptist?“.

Trong quá khứ, ông hoàng Chanel Karl Lagerfeld từng bị PETA chỉ trích gay gắt vì sử dụng lông, da cá sấu, da kỳ nhông, da rắn. Karl từng chia sẻ với The New York Times:Với tôi mà nói, chừng nào loài người vẫn ăn thịt và mặc đồ da, sự chỉ trích đó chẳng có ý nghĩa gì cả“.

Nhà thiết kế Karl Galerfeld. Ảnh: AFP.
Nhà thiết kế Karl Galerfeld. Ảnh: AFP.

Một vụ việc khác, nhiều thành viên của PETA đã xuất hiện trong tình trạng khỏa thân hoặc bán khỏa thân tại các sự kiện thời trang lớn như New York Fashion Week, Milan Fashion Week hay Paris Fashion Week, với khẩu hiệu: “I’d rather go naked than wear fur.” hay gần đây là khẩu hiệu “leather kills”

PETA tại New York Fashion Week 2025
PETA tại New York Fashion Week 2025

PETA đã nhiều lần biểu tình trước các show diễn của Burberry và Coach – hai thương hiệu nổi tiếng với việc sử dụng lông thú và da động vật trong các bộ sưu tập của họ. Dưới áp lực của dư luận và PETA, cả hai thương hiệu này đã tuyên bố ngừng sử dụng lông thú tự nhiên từ năm 2018.

PETA đã đạt được những thành công đáng kể trong việc thuyết phục các thương hiệu thời trang ngừng sử dụng lông thú. Một vài thương hiệu đã cam kết loại bỏ lông thú khỏi các bộ sưu tập của họ như Gucci đã tuyên bố ngừng sử dụng lông thú từ năm 2018. Prada cam kết loại bỏ hoàn toàn lông thú khỏi các bộ sưu tập từ năm 2020 còn Balenciaga cùng với Alexander McQueen đã tuyên bố ngừng sử dụng lông thú vào tháng 3 năm 2021. Dolce & Gabbana cũng thông báo sẽ không sử dụng chất liệu lông thú cho các bộ sưu tập trong tương lai từ năm 2022. Ngoài ra, nhà thiết kế Stella McCartney từ lâu đã tiên phong trong việc sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường và không sử dụng lông hay da động vật trong các thiết kế của mình. 

Trong những năm gần đây, PETA không chỉ tập trung vào lông thú mà còn mở rộng sang các sản phẩm khác từ động vật như da bò, da cá sấu, lông cừu và len, tổ chức này đã công bố nhiều cuộc điều tra cho thấy da cá sấu và da rắn thường được lấy từ các trang trại nơi động vật bị nuôi nhốt trong điều kiện chật hẹp và không vệ sinh.Cừu tại các trang trại len ở Úc thường bị cắt tai, đuôi và bị mulesing (cắt da ở phần mông) mà không có thuốc gây tê.

PETA đã phát động chiến dịch kêu gọi Hermès ngừng sử dụng da động vật quý hiếm như da cá sấu và da đà điểu. Tổ chức này cho rằng việc khai thác da động vật là hành vi tàn nhẫn và không cần thiết. Chiến dịch bao gồm việc gây sức ép qua mạng xã hội, các cuộc biểu tình và việc thu hút sự chú ý từ người nổi tiếng để kêu gọi Hermès chuyển sang sử dụng vật liệu nhân tạo thân thiện hơn với môi trường. 

Tương lai của ngành thời trang

Thông qua các chiến dịch mạnh mẽ và liên tục, PETA đã thúc đẩy ngành thời trang sử dụng các chất liệu thay thế thân thiện với môi trường và không gây hại cho động vật. Sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều lựa chọn chất liệu thay thế da và lông thú truyền thống. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra lông thú nhân tạo từ sợi polymer tổng hợp như acrylic, polyester và modacrylic, cho cảm giác và vẻ ngoài giống hệt lông thú thật mà không cần gây hại cho động vật, Da thuần chay từ thực vật như nấm, xương rồng và vỏ táo cũng đang trở thành xu hướng nhờ tính thân thiện với môi trường và khả năng tái tạo.

Gucci là một trong những nhà mốt tiên phong trong phong trào “Nói không với lông thú”. (Ảnh: models)
Các thiết kế từ lông thú nhân tạo trong bộ sưu tập Thu – Đông 2018 của Ralph Lauren, Givenchy và Stella McCartney. (Ảnh: Imaxtree)

Áp lực từ PETA và sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng đã buộc nhiều thương hiệu thời trang lớn phải điều chỉnh chiến lược sản xuất. Chiến dịch “Fur Hurts” của PETA đã lên án ngành công nghiệp thời trang lông thú, thu hút sự chú ý của công chúng và kêu gọi chấm dứt việc sử dụng trang phục lông thú. Phong trào “Fur Free” cũng đã lan rộng khi nhiều thương hiệu xa xỉ như Gucci, Prada, Versace và Balenciaga công bố ngừng sử dụng lông thú thật. Điều này đặc biệt được thúc đẩy bởi sự ủng hộ mạnh mẽ của thế hệ Gen Z — những người tiêu dùng trẻ luôn đặt yếu tố đạo đức và bền vững lên hàng đầu.

Chiến dịch OOH “Fur Hurts” với ý tưởng cho mọi người được trải nghiệm làn da sống của động vật.
Kendall Jenner cũng nắm bắt xu hướng Fur Free khi diện những “bộ cánh” có chất liệu trông như thật trên trang mạng xã hội của mình. | Nguồn: IG Kendall Jenner.

Trong tương lai, các chất liệu thay thế như da thuần chay và lông thú nhân tạo được dự đoán sẽ trở thành tiêu chuẩn trong ngành thời trang. Nếu sức ép từ PETA tiếp tục duy trì và nhận thức của người tiêu dùng tiếp tục thay đổi, việc sử dụng lông thú và da động vật trong thời trang có thể hoàn toàn biến mất trong thập kỷ tới. Sự chuyển đổi này không chỉ bảo vệ quyền lợi động vật mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững, hướng tới một nền thời trang đạo đức và thân thiện với môi trường hơn.

PETA không chỉ là một tổ chức đấu tranh cho quyền lợi động vật, mà còn trở thành tác nhân thay đổi ngành công nghiệp thời trang. Khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các giá trị bền vững và nhân đạo, các nhà mốt buộc phải thích nghi để duy trì sức hút và vị thế. Cuộc chiến giữa PETA và các thương hiệu lớn vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng xu hướng từ bỏ da và lông thú đang ngày càng rõ ràng — không chỉ vì sức ép từ PETA, mà còn vì đó là con đường tất yếu của ngành thời trang trong tương lai.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here