“Họ biết bị cấm, họ biết sẽ té nhưng họ vẫn trượt. Họ ghi lại cú trick đó để cống hiến cho cộng đồng. Đó là cái văn hoá và tinh thần của trượt ván.”
Trượt ván không đơn thuần là một môn thể thao, nó là một lối sống, một hướng đi nghệ thuật có tính cách riêng biệt.
Ra đời từ sự sáng tạo trên đường phố
Nước Mỹ vào cuối những năm 1940, người chơi lướt ván cảm thấy nhàm chán khi không có những con sóng lớn để luyện tập. Vì vậy, họ nghĩ ra một loại hình mới có tên là “Sidewalk surfing” (Lướt sóng trên vỉa hè). Cứ như thế, những chiếc ván trượt (skateboard) đầu tiên ra đời ở California (Mỹ) rồi phổ biến đến nhiều nơi.
Năm 1978, Alan Gelfand sáng tạo ra kỹ thuật The Oll Ollie mà ngày nay gọi là Ollie. Điều đó dẫn đến sự ra đời của Street Skating (Trượt ván đường phố). Bước sang năm 1982, John Rodney Mullen phát minh ra động tác xoay ván 360 độ với tên Magic Flip, hay ngày nay gọi là Kickflip.
Ngày 21/6/2003, sự kiện Go Skateboarding Day được tổ chức lần đầu tiên, nhằm thúc đẩy văn hoá trượt ván để “định nghĩa trượt ván là một lễ kỷ niệm độc lập của sự nổi loạn, sáng tạo và nó sẽ tiếp tục như vậy“.
Đam mê với một nét văn hoá mới
Du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, trượt ván nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhiều bạn trẻ ở Hà Nội và Sài Gòn. Chướng ngại khi theo đuổi trượt ván chính là tài chính. Hiện nay, để có được một chiếc ván tạm ổn, người chơi phải chi ra ít nhất hai triệu đồng. Các Skater khi luyện tập với cường độ cao có thể làm gãy 12 chiếc ván một năm. Bên cạnh đó, để chơi được môn thể thao này đòi hỏi cả sự gan dạ và kiên trì. Bởi trượt ván là môn thể thao mạo hiểm, chấn thương là vấn đề đầu tiên mà người chơi ván phải làm quen.
Khi được hỏi về những tai nạn trong lúc trượt, Đình Anh – vận động viên trượt ván tại SEA Games 2019, chia sẻ: “Nói chung ‘thấy ghê’! Mình không dám coi lại những lần chấn thương ấy. Nhưng sau những lần đó mình chỉ sợ là không trượt ván được nữa, chứ không nghĩ sẽ từ bỏ”.
Ngoài là một “văn hoá mạo hiểm”, trượt ván còn là “văn hoá không giới hạn”. Trong cộng đồng trượt không có skater giỏi nhất. Dựa vào trick (kỹ thuật) và phong thái lúc chơi, họ phân ra newbie (Người mới chơi) hoặc oldbie (Người chơi lâu năm) thông thạo các trick cơ bản. Môn thể thao này cũng không theo một khuôn khổ nhất định. Một trick có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau tùy vào “gu” mỗi người. Chỉ riêng việc dừng ván đã có gần 10 cách.
Một điểm kỳ lạ của văn hóa này chính là “đập ván” – không khó để bắt gặp một skater đập gãy ván của mình. Khi được hỏi về hành động kỳ lạ đó, một skater chia sẻ: “Đó đơn thuần là biểu hiện của hai cảm xúc, quá tức giận hoặc quá vui. Nhưng cũng tùy người, có người kiềm chế được, có người không. Mình thuộc dạng thứ hai. Như trong công việc, làm mãi nhưng không được bạn nổi giận với bản thân và tìm cách ‘xả’ nó ra, trượt ván cũng vậy!”
Trong mỗi lần thất bại nhiều người cố gắng đập gãy ván để trút giận. Ngược lại, khi thực hiện thành công (land trick) họ đập ván để ăn mừng chiến thắng. Ngoài ra, khi những người bạn khác “land trick” khó, cả nhóm sẽ đập ván xuống đất tạo ra tiếng động như tiếng vỗ tay để chúc mừng.
Trượt ván còn mang đến “văn hoá kết bạn”. Bạn bè là một phần không thể thiếu trong đời sống của các skater. Người bạn là người động viên, người chia sẻ cả trong luyện tập và cuộc sống. Khi tiếp xúc với những skater chính, ta cũng sẽ nhận được sự thân thiện, nhiệt tình và câu “Hi bạn” vui vẻ từ lần đầu gặp gỡ.
Trượt ván còn là “văn hoá kết hợp văn hoá”. Tống Cẩm Vũ – thành viên đội tuyển Trượt Ván Quốc Gia Việt Nam từng chia sẻ: “Tôi đã yêu nó…Tôi nhận ra rằng có nhiều nền văn hóa đi kèm với nó – âm nhạc, thời trang, nghệ thuật“. Gắn liền với trượt ván là đa dạng những bộ môn nghệ thuật đường phố khác. Một skater cũng có thể là một DJ, một Bboy hay Beatboxer,… Các thành viên trong cộng đồng trượt còn dùng những môn nghệ thuật khác để khắc họa lại hình ảnh cộng đồng mình, phát hành tạp chí lấy cảm hứng từ ván trượt.
Khi nói về thời trang trượt ván thì một outfit đơn giản của skater bao gồm một chiếc áo thun, quần kaki, một đôi sneaker kết hợp cùng chiếc nón cap, trucker, bucket… Bên cạnh đó, còn có nhiều “phụ kiện” thường được cộng đồng skater ưa chuộng. Đó là những hình xăm, chiếc loa, vài lon bia, điếu thuốc… những thứ tưởng chừng không liên quan lại được kết nối với nhau bởi những người chơi ván, tạo nên nét riêng của văn hoá này.
Nỗi oan “Môn thể thao tội phạm”
Trượt ván ở nhiều nước, kể cả Việt Nam bị xem như môn thể thao của tội phạm. Một trong những nguyên nhân đến từ việc bộ môn này gây hư hại các công trình và có thể bị liệt vào tội Phá hoại tài sản công cộng. Đồng thời, việc chơi ván ngoài đường phố có thể gây nguy hiểm cho người đi đường. Nhiều nơi công cộng như Phố đi bộ Nguyễn Huệ đã có bản cấm chơi ván.
Tuy nhiên, tương tự như việc đi xe ngược chiều, người ta nhận thức được là sai nhưng vẫn làm, trượt ván cũng vậy. Tuy biết trượt ván ở nơi công cộng là sai bị cấm nhưng những skater vẫn trượt, trượt vì đam mê, vì muốn ghi lại một cú trick, làm skate film tại điểm đó…
Nói đi cũng phải nói lại, hoạt động trượt ván cũng có những đóng góp của nó. Việc cộng đồng trượt “biểu diễn” ngoài đường phố được nhiều bạn trẻ thích thú, trở thành một điểm thu hút của các khu vực công cộng. Những bạn trẻ đến đó vừa để vừa vui chơi, vừa xem nhưng màn biểu diễn mãn nhãn từ các skater.
Về những người chơi ván, họ nhận thức được việc trượt ở nơi công cộng là nguy hiểm. Tuy nhiên, họ không thể dừng đam mê của mình. Đa phần người chơi ván đều cố gắng “mạo hiểm trong cẩn thận”. Khi được hỏi về việc này bạn Hiệp chia sẻ: “Nếu mình biết trượt ngoài đường sẽ gây nguy hiểm cho người khác, mình sẽ không chơi. Mình sẽ chơi ở những chỗ mình thấy ổn. Nhưng điều đó tùy nhận thức của mỗi người!” Bên cạnh đó, một số các skater còn sửa lại các công trình công cộng bị hư hại như cách khẳng định văn hoá của cộng đồng mình.
Một trong những nguyên nhân của dẫn đến việc skater chơi ở các điểm công cộng là sự “vắng bóng” của những skatepark (sân trượt ván) tại Việt Nam. Đỗ Ngọc Linh, một skater có tiếng người Việt, từng chia sẻ: “Vấn đề lớn nhất là chúng tôi không có công viên trượt ván“.
Trong khi không khó để tìm thấy một sân bóng, một hồ bơi thì lại rất hiếm tìm được một sân trượt. Khi những người đam mê ván nỗ lực tìm kiếm một sân chơi cho mình là khi họ đối đầu với chính quyền. Nhiều người chơi ván kể rằng họ đã quen với việc bị đuổi trong lúc tập luyện.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Nếu có skatepark miễn phí thì người chơi ván có trượt ngoài đường phố không“. Câu trả lời là “có”, tuy nhiên với một tần suất thấp. Sự hiện diện của các skatepark sẽ phần nào giảm ảnh hưởng của hoạt động trượt ván đến các công trình công cộng và tạo ra sân chơi lành mạnh cho những người đam mê.
Chia sẻ của những người chơi ván tại Việt Nam
“Tụi mình trượt ở đây (Vincom Đồng Khởi) cũng hơn 10 năm rồi. Skatepark ở Sài Gòn xa lắm, ở tận Thanh Đa (Bình Thạnh). Không phải ngày nào tụi mình cũng đến đó tập được! Người có tiền quan tâm đến bộ môn này, tạo được một sân chơi cho cộng đồng thì tốt quá!” Anh Huy – người chơi ván được 10 năm chia sẻ.
“Sau giờ làm mình có thời gian để tập dược, ngồi trò chuyện với mọi người, vậy là được! Bây giờ chủ yếu mình ra để gặp bạn bè, ngồi uống ăn uống, nói chuyện là vui. Lâu lâu mình mới trượt nhưng ngày nào mình cũng ‘đi tập’.” – Anh Hiệp – người chơi ván được 12 năm bày tỏ.
“Nhiều người hỏi sao lớn rồi mà còn chơi cái trò con nít này. Mình không thấy vậy. Chơi ván là một sự rèn dũa tinh thần. Muốn land một cú trick mình phải tập đi tập lại nhiều lần. Điều đó là sự cố gắng, cố gắng không ngừng để đạt được điều mình muốn. Là cách mình cũng như các anh em đóng góp cho cộng đồng ván trượt”. Anh Vũ – người chơi ván được 6 năm tâm sự.
Những người đam mê đã sống hết mình vì trượt ván, đã thể hiện tài năng và văn hoá của mình. Đó là cách họ nói với xã hội đây không phải môn thể thao của tội phạm, đây là niềm đam mê của những con người sống để cống hiến.
Bài viết: NAH
bài viết này rất hay và ý nghĩa