Những yếu tố tích cực từ trang phục Parody mang đến vẫn là một điểm cộng lớn với người tiêu dùng Việt nói riêng và khắp thế giới nói chung.
Từ lâu khái niệm “Parody” đã xuất hiện trong giới thời trang nói riêng hoặc trong mọi lĩnh vực như nghệ thuật, hội họa, thơ văn và điện ảnh,… Đã có nhiều tranh cãi xoay quanh việc liệu đồ Parody trong thời trang có phải là Bootleg và chúng là sản phẩm Copy (Sao chép) hay Inspired (Lấy cảm hứng).
Vì vậy, hôm nay Street Vibe sẽ mang đến một góc nhìn tích cực khác về loại trang phục này.
Trang phục Parody là gì?
Trang phục Parody và đồ Bootleg
Khi đi dạo trên đường hoặc lướt MXH, ta có thể dễ dàng thấy những mẫu áo được lấy cảm hứng từ tên của một thương hiệu nổi tiếng nhưng được biến tấu để hài hước hơn. Đó chính là những sản phẩm Parody được thiết kế và sản xuất cho mục đích châm biếm hoặc mô phỏng một sản phẩm gốc. Thông thường, trang phục Parody được ra đời để mang đến tiếng cười hoặc phê phán. Ví dụ, một chiếc áo Parody có thể có hình ảnh của một nhân vật nổi tiếng hoặc một thương hiệu lớn, nhưng được chế biến lại để tạo ra một cái nhìn mới, hài hước hơn.
Trong khi đó, Bootleg là thuật ngữ chỉ các sản phẩm được sao chép lại từ sản phẩm gốc một cách bất hợp pháp và không được sự cho phép của chủ sở hữu. Ví dụ, một chiếc áo Bootleg có thể có hình ảnh của một thương hiệu nổi tiếng, nhưng được sản xuất một cách trái phép và không có chất lượng tương đương với sản phẩm gốc. Quan trọng nhất, Bootleg không mang đích “just for fun” như trang phục Parody. Vì vậy, mặc dù cả hai loại sản phẩm đều sử dụng hình ảnh và thiết kế từ sản phẩm gốc. Nhưng chúng có tính chất khác nhau và không nên bị nhầm lẫn với nhau.
Trang phục Parody xuất hiện từ bao giờ?
Parody/Bootleg được khởi xướng bởi cộng đồng người da màu, đặc biệt là các rappers tại Mỹ. Vào giai đoạn đầu, họ khó có thể sở hữu cho một chiếc áo đắt đỏ thì lúc này trang phục Parody/Booleg ra đời và được xem như một sự lựa chọn thay thế hiệu quả nhất. Người có công lớn nhất trong việc đưa trang phục đồ Parody đến đại chúng chính là Dapper Dan. Ông được coi là một trong những người tiên phong trong việc sáng tạo ra các bộ trang phục Parody.
Dapper Dan bắt đầu sự nghiệp vào những năm 1980 tại quận Harlem ở New York, nơi ông đã mở cửa hàng riêng và bắt đầu sản xuất các bộ trang phục Parody. Nhà thiết kế người da màu đã sử dụng chất liệu và họa tiết của các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Gucci, Fendi và Louis Vuitton. Sau đó, ông đã “parody” lại chúng để hợp với đường phố và thời trang hip-hop hơn.
Tuy nhiên, ông cũng gặp phải nhiều tranh cãi và bị các thương hiệu thời trang kiện tụng vì việc sử dụng lại các họa tiết và logo của họ. Nhưng sau đó, ông đã trở lại với sự giúp đỡ của các nhà sản xuất thời trang lớn và trở thành một biểu tượng trong lĩnh vực thời trang. Hiện nay, Dapper Dan vẫn tiếp tục sáng tạo và làm việc trong lĩnh vực thời trang.
Khi trang phục Parody “xâm chiếm” toàn cầu
Ở quốc tế
Khi nhắc đến những hiệu Parody, Boolenciaga là một trong những thương hiệu điển hình. Đây là “đứa con tinh thần” do một người Mỹ gốc Việt tên Brooklynite Davil Tran sáng lập nên. Từ cái tên Boolenciaga đến các sản phẩm của thương hiệu này đều tương tự như bản gốc của nó – Balenciaga. Điều đó khiến Boolenciaga nhận được sự quân tâm và chú ý hơn hẳn từ cộng đồng thời trang.
Dĩ nhiên, đi cùng với sự “viral” của Boolenciaga thì làn sóng dư luận trái chiều cũng từ đó mà ra. Nhiều tín đồ thời trang cho rằng đây là sự ăn cắp trắng trợn và sao chép gần như trọn vẹn thương hiệu chính quy – một hành động không thể nào chấp nhận được. Tuy thế, Davil Tran vẫn giữ vững quan điểm của mình với mong muốn “có một chút sự vui vẻ và thay đổi sự nghiêm túc trong thời trang”.
Tưởng chừng với những cá nhân hoặc tổ chức có quy mô vừa và nhỏ mới sử dụng đến khái niệm này. Các “ông lớn” trong ngành thời trang cũng áp dụng đến công thức này trong lối thiết kế của họ. Có thể kế đến như Demma Gvasalia, người đã mang đến BST Xuân 2016 của Vetements với thiết kế mà ai nhìn vào cũng biết đó là DHL (một hãng vận chuyển) nhưng lại được biến tấu lại một chút.
Cùng nhà thiết kế nhưng khác thương hiệu, Balenciaga cũng nổi tiếng không kém khi đã “parody” lại chiếc logo và túi đựng khoai tây chiên từ McDonald trở thành một “đôi hài” màu đỏ.
Một cách để “parody” phổ biến không kém đó là nhại lại hoặc chơi chữ, biến tên thương hiệu thành một từ có cách phát âm gần giống như Guccy, Buccy, Homies, Saint Laundry, Commes des F*ckdown… Nổi tiếng trong số đó có thể nhắc đến chiếc áo “Ain’t Laurent Without Yves” của nghệ sĩ Jeanine Heller. Câu chơi chữ này dùng để châm biếm sự kiện thương hiệu 50 năm tuổi Yves Saint Laurent đổi tên thành Saint Laurent Paris khi Hedi Slimane lên “cầm quyền”. Chiếc áo này đã làm dậy lên làn sóng tranh cãi và bàn tán của giới mộ điệu lúc bấy giờ.
Vậy còn ở nước ta thì sao?
Tại thị trường và mạng xã hội ở Việt Nam, không thể để tìm kiếm những chiếc áo được “parody” từ một thương hiệu nổi tiếng. Nào là Highland được đổi thành “Hai Lần”; Youtube ngộ nghĩnh với hơn “I Love YouTừbé”; Thegioimanhdong, Aquaenha, Balenmechoida… của thương hiệu Kimocheese tại Việt Nam… Hoặc Parody Clothing cũng mạnh tay đưa các mẫu áo Parody từ Hermes Paris thành Hơi-mệt Saigon, FedEx được “chế” thành FckEx…
Ngoài ra, ta cũng sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc áo có in một cụm từ, một câu, một đoạn văn nhỏ đem lại “tiếng cười” cho người đi đường. Đặc điểm của những chiếc áo này khác ở Parody/Bootleg là không gợi cho bạn một thương hiệu nào đó nhưng vẫn đem lại sự hài hước, tích cực và 100% sử dụng font chữ thuần Việt. Những chiếc áo này không phải Parody nhưng vẫn mang đến tiếng cười cho người xem.
Sự tích cực của trang phục Parody
Niềm vui, sự tích cực hoặc sự chú ý cho người mặc là những năng lượng mà trang Parody mang đến. Không mang nặng về yếu tố thời trang, nếu bạn là một người tiêu dùng đơn giản, những chiếc áo Parody có thể sẽ giúp bạn nổi bật trên đường. Hoặc đơn giản là một ai đó có thể bắt chuyện với bạn chỉ vì chiếc áo hài hài này. Ngoài ra, với những người có túi tiền nhỏ nhưng vẫn muốn sở hữu “đồ hãng” thì trang phục Parody cũng là một trong những sự lựa chọn đáng thử thay vì sử dụng đồ Fake.
Mặt khác, những chiếc áo thun là một trong những items mà ai cũng có ít nhất là 5-10 cái trở lên. Vì vậy, đó cũng là một cách để một cá nhân, tập thể hoặc thương hiệu nào đó sử dụng parody/bootleg tshirt để châm biếm về một vấn đề xã hội nào hoặc truyền tải một thông điệp mà họ muốn lan tỏa rộng rãi.
Trong những năm gần đây, các bộ trang phục Parody cũng đã trở nên phổ biến hơn nhờ sự phát triển của mạng xã hội và thị trường thời trang trực tuyến. Các nhà thiết kế và các thương hiệu thời trang có thể tạo ra và quảng bá các bộ trang phục Parody của riêng họ trên các kênh truyền thông xã hội và các trang web bán hàng trực tuyến, thu hút được sự quan tâm của khách hàng trên toàn thế giới.
Ranh giới mơ hồ giữa Parody và Bootleg
“Biên giới” giữa Copy (Sao chép) và Inspired (Lấy cảm hứng) vô tình tạo ra một lổ hỏng trong việc định hình ai đúng-ai sai và vô tình tạo ra khái niệm Parody/Bootleg.
Parody và Bootleg có thể gọi là một “màu xám” trong lĩnh vực thời trang, chúng không hoàn toàn đúng (màu trắng) hoặc cũng không hoàn toàn là sai (màu đen). Một sản phẩm được đánh giá là Parody khi sản phẩm đó sử dụng những nét đặc trưng cơ bản của thiết kế gốc như fon chữ, logo, phong cách,… dưới góc nhìn “just for fun”.
Nhìn từ góc độ về pháp lý, rõ ràng khái niệm Bootleg/Parody đã làm trái luật bản quyền và làm ảnh hưởng đến các thương hiệu gốc ở một mức độ nào đó. Nhưng, với một xã hội ngày càng phát triển và ai cũng có thể tiếp cận được nghệ thuật, thời trang chất lượng thì những chiếc áo này có thể xem nhưng là một “món ăn nhanh” mang giá trị tinh thần không thể thiếu ở hiện tại.
Thời trang là một trong những ngành công nghiệp đòi hỏi về cái đẹp, nghệ thuật và sự sáng tạo. Nghệ thuật không có giới hạn cho những tư duy mới và sự đột phá. Hãy tìm hiểu nghiên cứu thật kỹ mỗi khi mặc trên mình một sản phẩm thời trang nào đó bởi vì bạn sẽ là người truyền tải tinh thần, thông điệp đó đến với cộng đồng này.
Bài viết: nguyeenxnhaan