Không chỉ là nguồn cảm hứng cho siêu phẩm Dune hay Mad Max, phong cách Hậu Tận Thế (Post-Apocalyptic) cũng đồng thời xuất hiện trong giới thời trang.
Khi ra mắt đại chúng, Dune gây ấn tượng mạnh bằng những khung cảnh vĩ đại, những trận chiến mang tính sử thi hiếm thấy ở những Avengers, Lord Of The Ring, Star War. Không chỉ có thế, một trong những yếu tố quan trọng làm nên một bộ phim kinh điển đó là trang phục trong phim với điểm nhấn là bộ “Sa phục” tuyệt đẹp có cảm hứng từ “Hậu tận thế” hay Post-Apocalyptic.
Dune (Hành Tinh Cát) ra mắt ấn tượng tại phòng vé khắp thế giới hồi tháng 10. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Frank Herbert. Tác phẩm theo chân thiếu niên Paul Atreides (Timothée Chalamet) trong hành trình sinh tử bảo vệ vận mệnh thiên hà. Dự án quy tụ dàn sao đình đám như Zendaya, Charlotte Rampling, Jason Momoa…
Stillsuit: Điểm nhấn đặc trưng cho trang phục, bối cảnh Hậu tận thế
Trang phục là một yếu tố quan trọng làm nên bộ phim bom tấn cuối năm 2021 này. Tất cả trang phục đều được thiết kế dựa trên những đặc thù tự nhiên của mỗi hành tinh. Bối cảnh chính ở hành tinh được bao phủ bởi sa mạc, Arrakis. Vì thế, trang phục xuất hiện nổi bật xuyên suốt bộ phim và được thiết kế công phu nhất chính là bộ Stillsuit (Sa phục) do cư dân bản địa Fremen ở trên hành tinh này phát minh ra.
Jacqueline West và Bob Morgan thiết kế trang phục cho tác phẩm của đạo diễn Denis Villeneuve. Jacqueline West từng ba lần được đề cử giải “Thiết kế trang phục đẹp nhất” tại Oscar cho các phim: Quills (2000), The Curious Case of Benjamin Button (2008), The Revenant (2015). Morgan từng đồng thời góp mặt trong các dự án Inception (2010) và Maleficent: Mistress of Evil (2019).
Ban đầu, hai nhà thiết kế dự định làm khoảng 300 phục trang thủ công cho các nhân vật. Tuy nhiên, sau đó nâng lên 1.000 nhờ đội ngũ nghệ nhân lớn khắp thế giới hỗ trợ. Lượng trang phục khổng lồ phục vụ cho ba bối cảnh chính của phim: hành tinh Arrakis, Caladan và Giedi Prime. Theo GQ, một số khán giả cho rằng Dune là phim khoa học viễn tưởng có phong cách thời trang ấn tượng nhất sau The Matrix.
Trang phục được dựa rất nhiều vào bản chuyển thế trước đó vào năm 1984, được truyền cảm hứng từ sa mạc Châu Phi pha lẫn chút trang phục và văn hóa Trung Đông, thậm chí là cả cảm hứng từ những bộ phim cùng thể loại như Star War. Khi lên phim, các thiết kế hài hòa giữa vẻ cổ điển, truyền thống với hiện đại, nhuốm chút màu sắc sử thi.
West và Morgan muốn tránh những khuôn sáo của phim khoa học viễn tưởng với trang phục không gian ánh kim, sặc sỡ. Cô nói với Variety: “Tôi không muốn bối cảnh phim là một tương lai bóng bẩy giống người ngoài hành tinh trên tàu vũ trụ. Tôi muốn kết hợp các nền văn hóa với nhau“.
Các thiết kế mang đậm phong cách “Hậu tận thế” với tông tối và xỉn màu, bụi bặm, nhiều lớp, che phủ kín toàn thân với những thiết bị công nghệ tối tân, bộ bảo vệ đầu gối, ống chân, mặt nạ phòng độc, khăn che mặt cùng găng tay. Cấu trúc hoàn toàn phục vụ cho việc vận động, chất liệu mang rất nhiều tính công nghệ và vị lai
West chú trọng làm bật tính tiện dụng của bộ đồ thay vì tập trung vào phương diện thẩm mỹ. Trong cuốn sách gốc, tác giả Frank Herbert mô tả stillsuit là bộ quần áo liền thân bó sát cơ thể, có chức năng lọc mồ hôi và nước tiểu thành nước sạch phục vụ việc đi đường dài ngày. Hệ thống ống, rãnh và túi trong thiết kế có tác dụng điều hòa nhiệt độ, làm mát cơ thể. Phần khăn choàng giúp che chắn mặt khỏi gió cát sa mạc, lấy cảm hứng từ khăn đội đầu truyền thống của người Morocco.
Cảm hứng từ Mad Max: Fury Road – Biểu tượng của dòng phim Hậu tận thế
Không ít thì nhiều, nhắc tới Hậu tận thế khi làm phim không ai có thể không được truyền cảm hứng bởi Mad Max. Phần thứ tư của thương hiệu Mad Max ra mắt năm 2015 thực sự là một biểu tượng của thế kỉ 21 trong khâu thiết kế phục trang và bối cảnh cũng như dựng phim. Một bộ phim điên rồ với những cảnh đua thiết giáp, âm thanh cơ giới, khói lửa cháy nổ đều được thực hiện thật trên sa mạc. Một bộ phim điên rồ khi thắng tới 6 giải Oscar về dựng phim.
Từ trang phục với những món đồ da, dây đeo, túi hộp, quần áo rách nát cũ kĩ, lưới trùm mặt, miếng giáp vai của Max, cánh tay máy của Furiosa, mặt nạ của Joe cho đến cơ giới, xe thiết giáp, bối cảnh sa mạc chết chóc tất cả đều là “Hậu tận thế thứ thiệt” – “The real Post-Apocalyptic “.
Post-Apocalyptic trong thế giới thời trang
Từ những phục trang được thiết kế cho những bộ phim từ thế kỉ trước. Hậu Tận Thế hay Post-Apocalyptic dần trở thành một phong cách thời trang được rất nhiều nhà thiết kế đưa lên sàn runway và được đông đảo bộ phận đại chúng yêu thích. Phong cách này phần nào bắt nguồn từ Punk và ta đã từng thấy nó trong thiết kế của Junya Watanabe hay một số nhà thiết kế Avant Garde cũng thường có những bộ sưu tập mang phong cách này như Rick Owens, Jullius, Boris Bidjan Saberi. Thậm chí là cả những đồ án của sinh viên thời trang đều rất thường xuyên xuất hiện cảm hứng từ phong cách này.