Những từ khoá liên quan đến Metaverse hay Virtual Fashion đang được chú ý ngày càng nhiều hơn. Khi xã hội ngày càng phát triển và thị trường Metaverse để lại nhiều câu hỏi cho tất cả mọi người và liệu đây có thực sự là thứ chúng ta đang cần?
Từ năm 2019 cho đến hiện nay, khi đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, con người phải sống cũng như làm việc tại nhà. Để thoả mãn nhu cầu giải trí, họ tìm đến các trò chơi và chấp nhận việc sống trong thế giới ảo. Vô tình, đây lại trở thành miếng bánh béo bở cho các công ty công nghệ, thương hiệu thời trang và nhà mốt. Mở ra một thị trường thời trang hoàn toàn mới, họ gọi chúng với cái tên đầy mỹ miều là “Xu hướng cho tương lai” hay “Thời trang trong tương lai”; và tuyên bố rằng sẽ chiếm lĩnh thị trường này vào năm 2025 với số tiền lên đến hàng tỷ đô.
Tuy nhiên, thực sự đây có phải là xu hướng cho tương lai hay “mỏ vàng” của nhà mốt và đầu cơ ?
Hiểu rõ các khái niệm
Trước khi đi vào vấn đề, chúng ta cần phải hiểu rõ ba khái niệm mấu chốt: NFT, Metaverse và Virtual Fashion (Thời trang ảo) là gì ?
Đầu tiên, khái niệm quan trọng nhất mà ta cần nắm chính là NFT. NFT là tên viết tắt của Non-fungible token, hiểu ngắn gọn là tài sản ảo. NFT mang tính sở hữu cao vì một tác phẩm làm ra sẽ có một chữ ký số riêng dưới dạng một chuỗi số (blockchain) đảm bảo tính bảo mật và độc nhất cho chủ sở hữu.
Ví dụ: Bức hoạ Salvator Mundi (Đấng Cứu thế) của danh hoạ Leonardo da Vinci được bán với giá hơn 450 triệu đô (hơn 10 nghìn tỷ đồng VND) vào năm 2017, đây là tài sản thật và độc nhất bởi chỉ có duy nhất một bức trên thế giới nhưng chúng cũng sẽ có những bản copy khác nhau.
Còn về NFT, ở mỗi tác phẩm ảo đều được làm ra dưới dạng chuỗi số cho nên chỉ có chủ sở hữu mới có quyền được xem, sở hữu và thưởng thức tác phẩm đó, mang tính độc nhất hoàn toàn. Và tất nhiên, vì đây là tài sản cho nên họ có thể giao dịch và bán lại bằng tiền ảo hay có nhiều trường hợp bằng tiền thật.
Metaverse được hiểu là siêu vũ trụ thế giới ảo được xây dựng qua hai công nghệ chính là VR (Thực tế ảo) và AR (Thực tế tăng cường). Đây được gọi là thế giới của tương lai, khi tại thế giới này chúng ta được làm mọi thứ tương tự như thế giới thật và hoàn toàn có thể thay đổi các chuẩn mực về xã hội được đặt ra trước đây trong thế giới thật. Các tác phẩm điện ảnh liên quan đến Metaverse có thể kể đến như: Avatar (2009) của đạo diễn James Cameron hay Ready Player One (2018) của đạo diễn Steve Spielberg,..
Virtual Fashion hay Thời trang ảo là một loại tài sản ảo NFT. Như khái niệm NFT ở trên, mỗi bộ cánh hay trang phục làm ra đều mang tính độc nhất về sở hữu trong Metaverse. Ngoài ra, Thời trang ảo còn được ứng dụng vào đời sống thật thông qua phóng sự gần đây của VTV24, một công ty tại Hà Lan đã cho ra mắt dịch vụ mặc trang phục ảo.
Cụ thể: Bạn chỉ cần gửi một tấm ảnh rõ nét về pose dáng, chỉ sau 3-5 ngày làm việc họ sẽ “ghép ảnh” trang phục bạn yêu cầu lên người bạn nhưng ở một đẳng cấp khác qua công nghệ Photoshop. Bạn có thể dùng nó để đăng lên mạng xã hội để “sống ảo” mà không phải bỏ ra số tiền lớn để thuê những bộ cánh đắt đỏ. Dịch vụ này phù hợp cho công việc liên quan đến chụp ảnh lookbook, các nhà mốt có thể sử dụng cho những buổi trình diễn thời trang ảo.
Tổng kết: NFT là tài sản ảo, Meteverse là thế giới ảo, Virtual Fashion là thời trang ảo. Sau khi đã nắm rõ cả ba khái niệm, chúng ta hãy cùng nhau xem xét, nhìn nhận về chúng và trả lời cho câu hỏi ở đầu bài.
Những điểm tích cực và mặt tối về một thế giới trong tương lai – Thế giới ảo và mọi thứ đều là ảo!
Năm 2021 có thể xem là năm đại thành công của thị trường ảo khi cả ba khái niệm trên đều phá đảo và thay đổi cách nhìn của mọi người về một viễn cảnh trong tương lai. Những người siêu giàu có, thuộc giới thượng lưu, họ xem như đây cơ hội hái ra tiền không thể bỏ lỡ. Việc đầu cơ hay tích trữ thật ra đã tồn tại từ rất lâu nhưng với một thị trường ảo hoàn toàn mới thì chúng thật sự đáng để chúng nhìn nhận lại rằng: Liệu chúng ta có thực sự sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua những thứ mà thậm chí không thể chạm được hay không?
Câu trả lời là có, bằng chứng cụ thể là hàng loạt các nhà mốt và thương hiệu đã và đang dần xâm chiếm vào thị trường Metaverse, Virtual Fashion. Gucci tạo ra các tài sản ảo kỹ thuật số cho nền tảng trò chơi Roblox hay Balenciaga hợp tác cùng Fornite cho ra mắt sản phẩm và cửa hàng tại trong game.
Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để mua những thứ được gọi là “ảo” với hai mục đích chính: Thứ nhất, đầu cơ để bán lại về sau và thu lại lợi nhuận; thứ hai là do nhu cầu thể hiện bản thân. Cả hai lý do đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường Metaverse trở thành bùng nổ khi họ muốn thử một cái gì đó mới, những người tích cực trong việc mua sắm và Virtual Fashion là công cụ hoàn hảo để họ thoã mãn điều đó. Tâm lý FOMO (Fear Of Missing Out) góp phần bổ sung cho hai lý do trên khi họ không muốn bị chậm nhịp bắt kịp với thời đại, điều này dẫn đến tâm lý “mua trước-tính sau” thúc đẩy cho thị trường Metaverse phát triển một cách chóng mặt.
Sự bùng nổ và phát triển của những ba khái niệm trên mở rộng một không gian sáng tạo rộng lớn, thu hút những người sáng tạo trên các nền tảng kỹ thuật số. Một sản phẩm của nghệ sĩ Mike Winkelmann tạo ra được gọi là “Beeple” đã được bán tại nhà đấu giá Christie’s vào năm 2021 với giá kỷ lục 69,3 triệu USD. Bởi nhiều yếu tố khác nhau dung hoà lại đã khiến thị trường Metaverse, Virtual Fashion phát triển vượt bậc trong hai năm gần đây khi con số ước tính có thể lên đến hàng tỷ đô mỗi năm.
Tích cực là thế nhưng Metaverse vẫn có những mặt tối của nó, việc đắm chìm vào thế giới ảo có thể khiến chúng ta trở thành những con mồi mà các công ty công nghệ nhắm đến mà vô tình chúng ta không hề hay biết. Hay việc đầu cơ có thực sự khả quan hay không khi các con số và những mỹ từ khiến chúng ta đang bị lầm tưởng rằng đây là tương lai mới. Việc không hề bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực xã hội góp phần làm cho những thành phần xấu lợi dụng lỗ hỏng này để tấn công đối tượng trẻ em vị thành niên, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong Metaverse.
Một ví dụ cụ thể theo như trang báo tinmoiz đưa ra: Vào tháng 7, cô DeGrazia mặc một chiếc áo gi-lê – có tác dụng truyền cảm giác thông qua tiếng vo ve và rung động – để chơi Dân số một. Khi một người chơi khác mò mẫm vào ngực hình đại diện của cô ấy, “cảm giác thật kinh khủng,” cô ấy nói. Cô ấy lưu ý rằng ông Zuckerberg đã mô tả một mô hình metaverse nơi mọi người có thể được mặc những bộ quần áo toàn thân để họ cảm thấy nhiều cảm giác hơn, điều mà cô ấy nói là gây rắc rối.
Việc Cyberbullying diễn ra thật sự khiến chúng ta phải suy nghĩ về một viễn cảnh sống trong Metaverse khi tại đây mọi người đều có thể bị Cyberbullying một cách nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm. Một trong những mặt tối đáng lo ngại nhất ở thời điểm công nghệ phát triển như hiện nay.
Lời kết
Việc NFT, Metaverse hay Virtual Fashion phát triển mạnh mẽ báo hiệu một sự thay đổi về thị trường mới trong tương lai nhưng bên cạnh đó, tồn tại nhiều rủi ro mà chúng ta cần phải căn nhắc. Hãy nhìn một thực trạng theo nhiều phương diện khác nhau để có cái nhìn tổng quát và sáng suốt nhất trước khi trở thành nạn nhân hay “con mồi” cho những gì được gọi là “tương lai”.
Thời trang mang đến ý nghĩa khi chúng tạo ra được giá trị cho người mặc, mang đến xu hướng và cảm giác thay vì cứ chạy theo giá trị và lợi nhuận. Lợi nhuận khổng lồ từ Metaverse, Virtual Fashion vô tình làm biến mất đi những giá trị cốt lõi vốn có mà thời trang mang lại suốt 100 năm qua.
Bài viết dựa theo quan điểm cá nhân dưới góc nhìn của tác giả, một người đam mê về thời trang.