Streetwear là “thời trang, phong cách đường phố” – đồng thời cũng là một nền văn hóa và phong cách dễ bắt gặp trên đường phố trong nhiều năm qua. Riêng, Street Style chính là những phong cách bắt gặp trên phố.
Streetwear và Street Style là hai khái niệm trong thời trang thường được nhắc đến. Tuy nhiên, dường như khá nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu rõ định nghĩa của khái niệm này và xem chúng như một. Đến với bài viết này, Street Vibe sẽ cùng các bạn tìm hiểu về Street Style và Streetwear. Cùng với đó, chúng ta sẽ đào sâu hơn về vấn đề “Liệu Streetwear đã chết” hay chưa.
Streetwear và Street Style
Trước khi tìm hiểu về sự khác nhau của Streetwear và Street Style, chúng ta cần hiểu rõ định nghĩa của hai khái niệm này.
Streetwear là gì?
Streetwear bắt nguồn từ văn hóa đường phố (street culture) như trượt ván, hip-hop, BMX… Streetwear tập trung vào sự thoải mái và sự ấm áp cho người mặc từ việc sử dụng các chất liệu cùng kiểu dáng phù hợp với môi trường đô thị. Các đặc trưng của Streetwear có thể kể đến như: áo phông, hoodie, windbreakers, quần jeans và giày sneaker. Thông thường, những sản phẩm Streetwear thường có hình in ấn hoặc thêu các hình ảnh, chữ cái hoặc hình vẽ độc đáo, thể hiện sự cá tính và tư duy đường phố. Tuy nhiên, với sự phát triển của thời trang, Streetwear đã vượt khỏi những khuôn khổ hữu hình để trở thành một yếu tố vô hình cần đến sự cảm nhận.
Xuất hiện từ những năm 1980, Streetwear bắt đầu từ các nhãn hàng thời trang đường phố của Mỹ như Stüssy, Vision Street Wear, và Vans. Bước sang thập niện 90, Streetwear nhưu diều gặp gió khi đồng hành cùng sự phát triển của văn hóa hip hop và các nghệ sĩ rap, cùng với sự ảnh hưởng của các ngôi sao nhạc rock như Nirvana hay Pearl Jam. Các thiết kế Streetwear của những năm 1990 thường được thực hiện bởi các nhà thiết kế như Tommy Hilfiger, Ralph Lauren, và Gianni Versace.
Trong những năm 2000, Streetwear tiếp tục phát triển, với sự ra đời của các thương hiệu lớn như BAPE, Supreme, và The Hundreds. Hiện nay, Streetwear đã trở thành một văn hóa thời trang lớn và được ưa chuộng trên toàn thế giới, với sự phát triển của các thương hiệu lớn như Off-White, Yeezy, và Fear of God.
Street Style là gì?
Street Style là những phong cách thời trang được tạo nên bởi những người bình thường trên đường phố, thể hiện phong cách cá nhân của họ thông qua cách mix & match các trang phục và phụ kiện. Các bộ trang phục Street Style thường pha trộn giữa các yếu tố của thời trang hiện đại với văn hóa đường phố, mang lại cho người mặc sự thoải mái và tự tin trong cách ăn mặc của mình.
Street Style không chỉ là một phong cách thời trang mà còn là một phần của văn hóa thời trang nói chung và văn hóa đường phố nói riêng, thể hiện cá tính và phong cách cá nhân của những người mặc nó. Nó phản ánh những xu hướng thời trang đang diễn ra trên đường phố và là một phần của văn hóa đương đại.
Street Style và Streetwear có phải là một?
Hầu như ai cũng hiểu sai về hai cụm từ này và hiểu nhầm chúng là một. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không đúng, hai khái niệm có những khác biệt cơ bản sau đây:
- Khác về nguồn gốc: Street Style phát triển từ cách ăn mặc của các cá nhân trên đường phố, trong khi Streetwear là một phong cách thời trang có nguồn gốc từ văn hóa đường phố.
- Khác về cách phối đồ: Street Style thường pha trộn giữa các yếu tố của thời trang hiện đại với văn hóa đường phố, trong khi Streetwear tập trung vào sự thoải mái và tính chất thể thao của các thiết kế, với những chi tiết đậm chất văn hóa đường phố.
- Khác về quy mô: Street Style là tập hợp của những phong cách thời trang được bắt gặp trên đường phố. Trong khi đó, Streetwear là một “tập hợp con” thuộc Street Style.
Tổng kết, Street Style chính là những phong cách bắt gặp trên phố. Thế nên, nếu ta nhìn thấy một người mặc trang phục công sở, trang phục lao động… hay bất kỳ loại trang nào đi trên phố – đó chính là Street Style. Riêng Streetwear là “thời trang/phong cách theo hướng đường phố” – đồng thời cũng là một nền văn hóa.
Có phải “Streetwear đã chết”?
Năm 2019, trong một buổi phóng vấn, Virgil Abloh đã nói rằng “Streetwear is dead”. Vốn là một người có sức ảnh hưởng mạnh đến thời trang đường phố và ông chủ đương thời của Off-white, câu nói trên của Virgil nhanh chóng thu hút sự chú ý và tranh cãi với giới mộ điệu.
Tuy nhiên, trích dẫn của Virgil Abloh đã bị hiểu nhầm. Ông không có ý nói rằng Streetwear đã chết hoàn toàn. Thay vào đó, Virgil muốn giải rằng Streetwear đang phát triển và trở nên phức tạp hơn, không còn đơn thuần là một phong cách đơn giản của văn hóa đường phố như trước đây. Theo Virgil Abloh, Streetwear đang tiến đến một giai đoạn mới, với sự xuất hiện của những thiết kế đa dạng hơn, chất liệu cao cấp hơn và có giá trị nghệ thuật hơn.
Do đó, câu nói “Streetwear is dead” của Virgil Abloh cần được hiểu đúng để tránh hiểu lầm và tranh cãi vô ích. Streetwear vẫn đang phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của giới thời trang đường phố hiện đại, và đã có những sự đổi mới và phát triển để phù hợp với xu hướng và sở thích của giới trẻ. Đồng thời, trong bài viết “Is Streetwear Still Cool?“, tờ BOF cũng khẳng định rằng “streetwear isn’t dead, it’s evolved” hay “streetwear không chết, nó đang phát triển”.
Có phải chúng ta đang “đóng khung định nghĩa”?
Streetwear không chết nhưng phần nhiều trong chúng ta vẫn đang “đóng khung định nghĩa” cho khái niệm này. Khá nhiều người vẫn đang mặc định rằng chính Streetwear chính là ăn mặc dựa theo thời trang từ nền văn hóa hip hop hay trượt ván. Quả thật, lý do cho việc họ đóng khung định nghĩa này cũng là điều hiển nhiên vì nguồn gốc của Streetwear xuất thân từ hai nền văn hóa lớn này. Cùng với đó, trong giai đoạn văn hóa thời trang này du nhập vào Việt Nam, phong cách thời trang này cũng đi đôi với sự phát triển của Shoesgame và khái niệm Hypebeast vào những năm 2015-2018. Giai đoạn này tuy không phải chương đầu cho cuộc chơi thời trang đường phố ở Việt Nam nhưng vẫn đủ sức ảnh hưởng để định hình và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người về khái niệm Streetwear.
Mặt khác, câu nói năm nào của Virgil Abloh cũng khiến nhiều người hiểu sai và tin tưởng hơn vào giả thuyết “Streetwear đã chết”. Sự thật rằng, Streetwear không chết và vẫn đang được ưa chuộng trong giới trẻ và giới mộ điệu thời trang. Nó vẫn được ưa chuộng bởi nhiều người, đặc biệt là trong cộng đồng văn hóa đường phố và những người yêu thích thời trang cá tính, không giống như các phong cách trang phục truyền thống khác. Văn hóa thời trang này đã phát triển, thay đổi theo thời gian, tiếp tục phát triển và đổi mới để phù hợp với xu hướng và sở thích của giới trẻ hiện nay. Nhiều thương hiệu thời trang lớn cũng đã cho ra mắt các bộ sưu tập Streetwear và cố gắng bắt kịp với xu hướng đang phát triển trong thế giới thời trang đường phố. Do đó, Streetwear không chỉ tồn tại mà còn đang phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của thế giới thời trang đường phố hiện đại.