Từ những ngày đầu cho đến thời điểm hiện tại, dường như Stella McCartney vẫn chưa thoát khỏi cái bóng quá lớn của cha mình – người vốn xuất thân là huyền thoại của thập niên 40 – 60.
Là một tín đồ yêu thời trang, hay chỉ là người bình thường đôi khi nghía qua địa phận này, kể cả bạn là nam hay nữ, thích hay không thích các nhà thiết kế thì khi nhắc đến Stella McCartney, dường như ai cũng nhớ mặt điểm tên, thậm chí biết luôn cả signature trong các thiết kế của hãng như thế nào.
Điều đó chứng tỏ, sự phủ sóng của Stella trên khắp các mặt trận quả thật rất khó để phủ nhận, hay nói đúng hơn, nếu lên Google search tên của cô ấy, hẳn bạn không khó để nhận ra hầu hết các bài báo từ nước ngoài đến Việt Nam đều dành những lời có cánh cho cô ấy.
Với đa số các chị em phụ nữ, Stella McCartney là một thương hiệu đa phong cách, đa màu sắc, dễ tiếp cận, sở hữu và cũng dễ ứng dụng, dễ mặc. Hoặc với một số người chỉ quan tâm đến brand và việc mình sẽ mặc gì, mặc như thế nào thì việc Stellar McCartney là ai, có thật sự giỏi như những gì mọi người khen ngợi hay không quả thật không quan trọng lắm.
Tuy nhiên, dưới mắt nhìn của một vài dân chuyên hay trên một số khía cạnh mà Street Vibe thấy được, tất cả những thành công của Stella McCartney một phần đều đến từ bệ phóng hào nhoáng mà ngay từ khi lọt lòng cô đã may mắn có được. Vậy liệu điều đó có thật sự đúng?
- Vị thế cực khủng, dễ dàng bước vào làng thời trang:
Stella McCartney là nhà thiết kế thời trang sinh ra ở Anh, trong một gia đình nổi tiếng với cha là cựu thành viên nhóm nhạc huyền thoại The Beatles – Sir Paul McCartney và nhiếp ảnh gia, nhạc sĩ, nhà hoạt động vì quyền động vật người Mỹ Linda McCartney. Có thể nói, thời điểm thập niên 40 – 60 với sự xuất hiện của The Beatles, xu hướng văn hoá thế giới đã biến đổi một cách mạnh mẽ, ghi dấu mãi hành trình của The Beatles trong tiến trình lịch sử của rất nhiều lĩnh vực bởi chính họ là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo được xem là đột phá của rất nhiều cá nhân.
Ngay từ thuở nhỏ, cô đã được đi lưu diễn khắp thế giới cùng gia đình khi bố mẹ cô là thành viên ban nhạc pop Wings. Thể theo lời tâm sự của Paul McCartney, tên nhóm nhạc ra đời dựa trên việc Linda McCartney đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc sinh ra Stella McCartney. Dù rất nổi tiếng nhưng bố mẹ cô lại muốn con gái có cuộc sống bình thường. Từ đó cô bắt đầu theo học tại đại học East Sussex và trường cao đẳng Bexhill. Mãi đến năm 1995 cô mới theo học tại trường Central Saint Martins College of Art and Design chuyên ngành thời trang.
Năm 12 tuổi, Stella McCartney cho ra đời sản phẩm thời trang đầu tiên là chiếc áo khoác do chính cô tạo nên. 3 năm sau, cô thực tập tại Christian Lacroix và được làm việc trong môi trường thời trang hàng đầu, có nhiều cơ hội phát triển tài năng. So với rất nhiều người khác, những điều Stella McCartney ở độ tuổi này vượt xa cả những người bình thường vốn chỉ có niềm đam mê với thời trang. Nếu họ phải chật vật để có được chỗ đứng, khẳng định vị trí của mình thì Stella McCartney đã một bước đã đến với các ông lớn.
Với cơ hội tiếp xúc dòng thời trang cao cấp, sau đó mài giũa kĩ năng của mình khi làm việc cho Edward Sexton hay nhãn hiệu may của cha Savile Row trong vài năm, Stella McCartney được xem là “phát triển vượt bậc”. Ngay cả buổi trình diễn bộ sưu tập tốt nghiệp của mình, Stella McCartney cũng may mắn hơn rất nhiều người khi đã mời được những người bạn đồng thời là các siêu mẫu thế giới Naomi Campbell, Yasmin Le Bon và Kate Moss trình diễn các thiết kế của mình trên nền nhạc do cha cô sáng tác riêng với tên gọi “Stella May Day”.
Chính nhờ những bệ phóng quá hoàn hảo đó, bộ sưu tập của cô được cánh báo giới chú ý cực độ, là bước đệm dễ dàng đưa Stella McCartney vào thế giới thời trang lẫy lừng khi toàn bộ các thiết kế được bán ở Tokio, một cửa hiệu thời trang lớn tại London lúc bấy giờ.
Tuy rằng nhiều may mắn như thế nhưng cũng không ít những gương mặt kỳ cựu trong làng thời trang hay rộng hơn là giới mộ điệu hoài nghi về khả năng của Stella McCartney. Lúc mới nổi tiếng, cô luôn bị cái bóng quá lớn của người cha che khuất. Các thiết kế của cô khi ấy chỉ được nhớ tới với danh xưng duy nhất: “Con gái của ngài Paul McCartney”.
- Hành trình xây dựng sự nghiệp – Vẫn là may mắn mỉm cười quá nhiều lần:
Năm 1997, Stella McCartney được bổ nhiệm chức Giám đốc sáng tạo của Chloé tại Paris, theo bước Karl Lagerfeld. Với một người vốn chưa có quá nhiều kinh nghiệm trong làng thời trang, hay nói đúng hơn không có quá nhiều ghi chép về sự nghiệp của cô từ bộ sưu tập đầu tiên năm 1995 đến thời điểm nhận vị trí cao nhất tại Chloé. Ông hoàng thời trang đã từng công khai không hứng thú với người kế nhiệm, ông đã thẳng thừng châm biếm: “Tôi nghĩ lẽ ra Chloé nên mời một tên tuổi lớn. Tất nhiên người đó có tiếng nhưng là trong âm nhạc, không phải thời trang. Hãy hy vọng cô ấy cũng tài năng như cha mình”.
Năm 2001, cô rời khỏi Chloé để thành lập thương hiệu của riêng mình với sự giúp sức của Gucci Group và cho ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của thương hiệu này tại Paris. Theo đó, Stella McCartney mở liên tiếp 4 cửa hàng tại New York và Los Angeles. Năm 2008, cô tiếp tục mở cửa hàng ở Hồng Kong và năm sau đó nữa, Stella cho giới thiệu cửa hàng đầu tiên tại trung Jardins du Palais Royal, Paris. Tính đến hiện tại, Stella hiện nay sở hữu 17 cửa hàng ở nhiều thành phố lớn như New York, London, Los Angeles, Paris, Barcelona, Milan, Rome, Miami…
Trên các tờ báo lớn như Vogue hay các fashion show đều có sự xuất hiện của Stella McCartney, vô hình chung đã giúp cô rất nhiều trong công cuộc tiến đến thành công. Từ đó ngay cả thương hiệu Stella McCartney cũng tạo được sự chú ý trên khắp thế giới, đặc biệt, Stella McCartney sau này còn cho ra mắt dòng mỹ phẩm, nước hoa và đồ lót của riêng mình nên độ phủ sóng càng mạnh mẽ và cô ngày càng thành công trong việc trở thành “bà hoàng” của phái đẹp nhờ các thiết kế “đánh đâu trúng đó”.
Điều này đã khiến giới điệu mộ hoặc những người thật sự am hiểu lĩnh vực thời trang đã đặt ra câu hỏi, liệu Stella McCartney đã giỏi giang và tài năng đến đâu mà Gucci đưa về đầu tư hàng loạt các cửa hàng ngay tại những thành phố lớn, vị trí đắc địa. Trong khi đó, rất nhiều nhà thiết kế đã phải chật vật mất rất nhiều thời gian để thực hiện hàng loạt các bộ sưu tập khác nhau, để có được 1 bộ sưu tập đặc biệt nhất ghi dấu tên mình vào bản đồ thời trang thế giới. Thậm chí không hiếm các nhà thiết kế phải thành danh mới có thể tiếp tục nuôi sống thương hiệu của mình.
Bên cạnh đó, Stella McCartney được xem là nhà thiết kế tự do khi tạo nên trang phục cho các show diễn của Madonna, Annie Lennox, trang phục cho Gwyneth Paltrow và Jude Law trong bộ phim Sky Captain and the World of Tomorrow. Ngoài ra, cô còn là một đối tác với thương hiệu thời trang thể thao Adidas từ tháng 9/2004 đến 2010 ở các mảng đồ tắm, quần áo gym, đồ chạy, tennis, thời trang thể thao mùa đông và túi xách. 2012, cô trở thành giám đốc sáng trang phục cho đội tuyển nước Anh tại Olympic 2012.
- Bóng hồng cố gắng hơn 20 năm mới tạm rời xa khỏi cái bóng quá lớn của bố:
Trong suốt 20 năm bước chân vào làng thời trang, các thiết kế của Stella McCartney có chất riêng, hay nói đúng hơn, sự nữ tính, mềm mại, sắc sảo và đa dạng hoá cá tính trong cùng 1 thương hiệu là điều rất đáng khen ngợi. Dù bạn theo phong cách thanh lịch, tao nhã hay có chút cá tính, đặc biệt, hơn hết là nữ tính, ngọt ngào dễ thương thì tìm đến Stella McCartney là một sự hợp lý. Bản thân cô cũng đã thổi hôn và mang đến sự đặc trưng cho thương hiệu, không quá khó để nhìn vào kiểu dáng, ký hiệu, màu sắc để biết được đó là Stella McCartney.
Tuy nhiên trong suốt hơn 20 năm qua, để nói Stella McCartney thật sự có bước đột phá trong con đường sự nghiệp, hay sở hữu các thiết kế có thể gây chấn động làng thời trang thế giới hoặc được xem là tác phẩm để đời của cô. Có lẽ một trong những sản phẩm khiến nhiều người trên thế giới đặc biệt ấn tượng nhất là mẫu giày đế độn đã từng được Trấn Thành diện trong ngày cưới và các show truyền hình, hoặc trên các trang web như Pinterest, Instagram người ta cũng dễ dàng nhận ra mẫu giàu đế độn với chất liệu metalic thêm các hoạ tiết ngôi sao đặc trưng của cụm từ “Stella” trong tên của hãng.
Hơn hết, các thiết kế của Stella McCartney khá đơn giản, ai mặc cũng được, ai mua cũng được và không có tính định hình phong cách một sách sâu sắc. Một số các thiết kế còn được cho là đơn điệu, nếu với mức giá đó họ có thể chọn các thương hiệu độc đáo và mới lạ hơn. Âu cũng do mắt nhìn và phong cách cá nhân, Stella McCartney vẫn có lượng fan riêng của mình và khả năng đưa thương hiệu đi đúng với tinh thần thời trang ứng dụng, có tính thương mại hoá các thiết kế nhưng vẫn lạ mắt, đúng với chất riêng của Stella McCartney.
Từ khi chuyển hướng sang lĩnh vực thời trang bền vững, Stella McCartney được cánh báo giới, truyền thông chú ý nhiều hơn và cả những nhà phê bình cũng bắt đầu có cái nhìn khác đi về Stella McCartney. Có lẽ dù không tạo được dấu ấn mạnh mẽ như các nhà thiết kế khác nhưng Stella McCartney lại rất thành công trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu theo đúng cách mình muốn, đưa con đường sự nghiệp của mình trơn tru hơn cũng như tạm xoá mờ cái bóng của bố khi bắt đầu có những “kẻ ngoại đạo” biết đến thương hiệu của cô và biết cô là một nhà thiết kế thời trang thay vì con gái của cựu thành viên The Beatles.
Dù rằng một người bạn của tôi đã thừa nhận không biết Stella McCartney và một người bạn khác đã nói “Mình biết chị này nhưng không biết thương hiệu của chị”, nhưng giờ có lẽ đã khác!
Có lẽ đó là sự may mắn hiếm có giữa làng thời trang thế giới. Hay nói đúng hơn, nhờ vào việc Stella McCartney vốn đã được truyền thông chú ý ngay từ khi còn nhỏ, có nhiều mối quan hệ với các celeb nên thành công cũng dễ dàng đến với cô ấy hơn. Tuy nhiên để vượt qua cái bóng của bố mình, cô phải cố gắng rất nhiều, điều đó không thể phủ nhận. Đến thời điểm hiện tại nhiều người cũng đã có cái nhìn khác hơn về Stella McCartney. Nhưng có lẽ điều mà cả làng thời trang cũng phải thừa nhận nốt, rằng Stella McCartney không có quá nhiều thành tựu đáng kể trong suốt 20 năm sự nghiệp của mình – điều mà đáng lẽ ở các nhà thiết kế khác đó có thể là những cuộc tranh cãi hoặc đã được xem là huyền thoại với các bộ sưu tập với những tác phẩm nức tiếng trong mảng thời trang lưu trữ.
So ra, điều mà Stella McCartney làm cho thương hiệu của mình cũng giống như Tory Burch, Kate Space, Cole Haan,…đang làm trên thị trường. Để tính là luxury như cách mà Stella McCartney muốn hay đã từng là cái nôi của cô thì có lẽ Stella McCartney vẫn chưa thật sự làm được.
Nguồn: LVMH, Wikipedia
By VD