Bất cứ sân chơi thời trang nào, những items hiếm và mang tính độc nhất luôn là chất xúc tác khiến cuộc chơi ngày càng trở nên hấp dẫn. Nhưng đừng vì thế mà “người chơi” xem đó là một dạng đầu tư sinh lời – Secondhand Game cũng vậy.
Từ khóa “Đồ Si”, “Secondhand” hay “Thrift Shop” là một trong những khái niệm thời trang được đông đảo người trẻ Việt ưu ái. Sự hấp dẫn ở cuộc chơi này nằm ở giá trị vô hình mà quần áo cũ mang lại, chúng có thể chuyển thành giá trị tiền tệ nếu như bạn biết bắt đáy một số “mã chứng khoán” và “resell”.
Đầu tư sẽ đi đôi với rủi ro, vậy sẽ thiệt hại ra sao nếu bạn đầu tư sai vào “cổ phiếu” hoặc thị trường mà bạn chưa nắm rõ? Hay nói cách khác, sẽ ra sao nếu bạn đặt niềm tin rằng đồ si là một thị trường đáng để đầu tư?
Giá trị thực sự đến từ đâu?
Đầu tiên, muốn “bắt đáy” được một chiếc áo hay cái quần để resell, chúng ta cần phải biết đến giá trị thực của item. Cùng với đó là việc cộng đồng có công nhận chúng không và trên các trang Premium Resell như Grailed, StockX, GOAT,… có giá trung bình ra sao.
Đồ si đa phần là những món đồ có tuổi thọ cao, món đồ này gắn liền với một sự kiện, văn hóa hay một chương trình truyền hình nào đó. Vô tình, cộng đồng Secondhand Game yêu quý hình ảnh từ những chiếc áo hiện hữu và cho nó một giá trị trung bình để bên cung – cầu có thể “thương lượng” mua bán. Từ đó, chúng ta nhìn thấy được giá trị thực của đồ vintage dựa trên tính cộng đồng và cảm quan cá nhân từ “người chơi” là chính.
Theo góc độ của người “ngoại đạo”: sở dĩ đây là quần áo cũ nên sẽ không có tính thanh khoản cao ở thị trường mua bán. Đồng thời, nếu người tiêu dùng mặc rồi vệ sinh không đúng cách dẫn đến tình trạng của món đồ đó hư hỏng và giảm giá trị mua đi bán lại. Suy ra, đây là một dạng đầu tư khá rủi ro nếu chúng ta không biết cách bảo quản và sẽ dễ bị “ôm hàng”.
Một yếu tố khác sẽ làm các nhà đầu tư phải suy nghĩ thật kỹ trước khi bước vào “sàn đồ si” chính là xu hướng thời trang ở Việt Nam đang nhanh đến chóng đi một mức độ cực kỳ nhanh và chóng mặt. Nếu cuộc chơi đồ si một ngày kia đánh mất vị thế như Shoes Game thì những items cũng từ đó cũng có thể hạ giá “sập sàn”.
Viễn cảnh Secondhand Game trong tương lai?
Một viễn cảnh mà Street Vibe đã từng nghĩ đến chính: liệu 5 đến 10 năm nữa cuộc chơi này sẽ ra sao?
Trường hợp tích cực, có thể chúng sẽ ngày càng phát triển rộng rãi và “thịnh vượng” như cái cách mà Shoes Game du nhập vào sân chơi thời trang Việt vào giai đoạn 2016 – 2020. Từ đó, các dịch vụ đi kèm để phục vụ cho sân chơi này như phục hồi đồ cũ, camp đồ, vệ sinh quần áo sẽ ngày càng được mở rộng. Cơ hội kiếm tiền và kinh tế từ cuộc chơi này từ đó cũng gia tăng đáng kể.
Trường hợp xấu hơn, có thể cuộc chơi này sẽ đi vào “vết xe đổ” như Shoes Game. Thịnh rồi sẽ có lúc suy, cuộc chơi sẽ có lúc “hạ nhiệt” dẫn đến giá trị của đồ si rất khó để resell trên thị trường. Ngược lại, chúng sẽ trở về mức giá ổn định và hợp lý. Lúc này, sân chơi sẽ thực sự dành lại cho “vintage – er” thực thụ chứ không dành cho những reseller.
Một điều cuối cùng mà Street Vibe nghĩ tới ở viễn cảnh tương lai 10 năm sau. Liệu người chơi Vintage có còn mặc đồ những năm 90s – 2000s không hay họ sẽ mặc đồ của năm 2010-2020 vì thời điểm này những món đồ ở năm 2010-2020 đã trở thành đồ vintage theo một khía cạnh nào đó.
“Vết xe đổ” từ Shoes Game
Không thể phủ nhận rằng, giày thể thao chính hãng là một mặt hàng rất thịnh hành trong quá trình Shoes Game phát triển. Có rất nhiều cửa hàng lớn nhỏ “ăn nên làm ra” nhờ cuộc chơi này đã từng tạo tiếng vang đến đại chúng. Những người chưa biết đến giày thể thao sẽ tìm hiểu và mua sắm theo nhu cầu, còn các đầu giày thì vẫn tìm một nơi uy tín để săn những con hàng siêu hiếm cùng giá bán cao ngút trời.
Song, thực tế những cửa hàng này cũng chỉ là nhà phân khối cho thương hiệu “cha” như Nike, adidas, Vans, Puma,… Tổng quan thị trường mua sắm vẫn phải dựa theo quy luật cung cấp từ thương hiệu gốc, chúng ta chơi một sân chơi dựa trên một thương hiệu lớn. Điều này trực tiếp “marketing” cho các thương hiệu thể thao nên nếu một ngày các thương hiệu này đột ngột quay lưng hoặc restock một “mã giày” nào đó thì người thiệt vẫn chính là các Seller và Resell Store.
Nike Dunk Low ‘Panda’ là một ví dụ cụ thể trên. Từng có một mức giá resell cực kỳ cao chạm ngưỡng 8 đến 9 triệu đồng trong năm ngoái, nhưng chỉ vài cú click chuột restock từ Nike đã đưa mã hàng này chạm đáy. Sự kiện này không ít nhiều đã làm những “nhà đầu tư” điêu đứng vì trót ôm Panda với giá thu mua cao. Bài học này phần nào sẽ làm “sáng mắt” những ai muốn bắt đầu kinh doanh đồ Vintage.
Kết Luận
Chúng ta đam mê Secondhand Game vì chúng ta hiểu được giá trị của cuộc chơi nằm ở đâu và giá trị thực sự của quần áo nhưng cũng chớ vội xem đồ si như một kênh đầu tư hiệu quả. Vì suy cho cùng, quần áo chỉ là vật tiêu sản không mang nhiều giá trị và không phải dạng đầu tư chứng khoán. Secondhand Game chỉ thực sự dành cho những ai đam mê, hiểu biết và có góc nhìn khách quan nhất từ phía việc trao đổi, mua bán.