Trong trường phái Avant-garde, cặp bài trùng Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo là hai cái tên được đặt cạnh nhau và luôn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật trên sàn catwalk ở mỗi mùa mốt.
Những lần xuất hiện công khai, Rei Kawakubo thường diện đồ đen che kín vóc dáng nhỏ bé, tóc bob với phần mái dày và đeo kính râm. Không giống nhiều NTK thường xuất hiện ở cuối show để chào khán giả, Kawakubo hiếm khi xuất hiện trên catwalk và không hay diễn giải về cảm hứng, ý nghĩa trang phục, bởi bà không muốn các thiết kế của mình trở nên dễ hiểu, đơn giản.
Sự sáng tạo đằng sau vỏ bọc trầm lặng
Rei Kawakubo là NTK thời trang Nhật Bản sinh ngày 11/10/1942, sáng lập nên thương hiệu thời trang Comme Des Garcons (CDG). Bà không qua đào tạo chính quy về thời trang, nhưng từng nghiên cứu mỹ thuật và văn học tại đại học Keio. Sau khi tốt nghiệp, Kawakubo làm việc trong một công ty dệt may và bắt đầu làm stylist tự do vào 1967.
Năm 1973, bà thành lập công ty riêng tại Tokyo và khai trương cửa hàng đầu tiên tại đây vào 1975. Năm 1978, thương hiệu mở rộng sang thời trang nam sau 5 năm tập trung vào trang phục nữ giới. Ba năm sau, bà bắt đầu giới thiệu sản phẩm của mình tại Paris; đến năm 1982, Kawakubo có cửa hàng đặt tại thủ đô nước Pháp. Trong vòng 10 năm, thương hiệu huyền thoại này đã trở thành hiện thân của phong cách Avant-garde, tạo nên cuộc cách mạng thời trang tại Paris vào những năm 80 bằng những thiết kế “phản thời trang” và thách thức những chuẩn mực về cái đẹp thời bấy giờ.
Kawakubo ở tuổi 79 vẫn đang là chủ sở hữu duy nhất của thương hiệu thời trang cao cấp Comme des Garçons và Dover Street Market với hàng trăm cửa hàng nhượng quyền trên khắp thế giới. Mặc dù là tượng đài với thu nhập hàng trăm triệu USD mỗi năm, NTK vẫn chỉ thích đi lại bằng xe Mitsubishi 1970 cổ điển, ở trong căn hộ yên tĩnh ít người biết. Một điều thú vị khác: các cửa hiệu của Comme des Garçons từng không có gương vì Rei Kawakubo muốn khách hàng cảm nhận trang phục bằng cơ thể hơn ảnh phản chiếu.
Suốt những năm 80, sản phẩm của bà thường màu đen, xám đen hoặc đen trắng. Kawakubo thường không bày tỏ quan điểm của mình trên truyền thông nhưng luôn dùng những thiết kế táo bạo để truyền tải thông điệp về cảm xúc, về thế giới của vô số điều diệu kỳ và nhiều khát khao. Dưới những thiết kế phản thời trang (anti-fashion), quần áo của Kawakubo kể rất nhiều câu chuyện về tình yêu, sự chối bỏ, sự hủy hoại, chiến tranh,… Bản thân tên thương hiệu đình đám Comme des Garçons, cũng bắt nguồn từ một câu hỏi mà bà luôn đau đáu: “Khi nào thì tình yêu đến với mình?”
Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto: Khi hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau
Rei Kawakubo là cái tên mà đã tạo nên niềm cảm hứng cho không ít những NTK thành danh khác, phải kể đến như: Helmut Lang, Ann Demeulemeester và Martin Margiela. Không giống như nhiều người chuộng màu đen vì mục đích dễ phối đồ, Rei Kawakubo giải thích màu đen là thứ màu không bao giờ lỗi thời với bà, nó là một thứ có “tính cách” dưới những bản thiết kế của bà. Với bà, màu đen là một thứ có hồn.
Phía bên kia đối lập, Yohji Yamamoto cũng là một “tượng đài” của các NTK nổi tiếng khác, ông yêu màu đen, yêu các thiết kế nghệ thuật avant garde và tôn sùng chủ nghĩa anti-fashion. Như một điều phải xảy ra, Rei Kawakubo rơi vào lưới tình với Yohji Yamamoto, một NTK đồng hương và là người đã trả lời cho câu hỏi “Khi nào tình yêu đến với mình” mà Rei đã đặt ra.
Có điều gì đó toát ra từ khí chất của hai người khi họ sánh bước bên nhau, như một cặp đôi vừa tay trong tay bước ra từ tòa thánh đường. Yamamoto sở hữu nhiều điểm tương đồng với Kawakubo. Họ là cựu sinh viên của Đại học Keio. Họ lớn lên với những người mẹ đơn thân mạnh mẽ. Cũng giống như Kawakubo, Yamamoto là một nhân vật bất thường trong thế giới thời trang. Ông là người ra mắt BST thời trang đầu tiên tại Paris cùng năm với bà, là người hiểu những nguồn cảm hứng và cùng bà thăng hoa trong sáng tạo.
Cặp bài trùng Yohji và Rei là hai cái tên được đặt cạnh nhau và luôn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật trên sàn catwalk ở mỗi mùa mốt – một trường phái thiết kế đang thách thức các quy chuẩn thời trang phương Tây. Tuy nhiên, chính sự nổi loạn và khác biệt khiến họ nổi bật trong thời trang lại là con dao hai lưỡi trong mối quan hệ của họ. Hai người khó lòng đồng hành mà không bị tổn thương bởi những góc cạnh quá sắc bén của nhau.
Irène Silvagni – một cựu phóng viên thời trang và là bạn của Yamamoto, cho biết: “Rei và Yohji có sự cạnh tranh rất lớn. Mặc dù cả hai đều là những người thích phá vỡ nguyên tắc và Kawakubo sẽ không phản đối quan điểm ‘hoàn hảo là kẻ thù thời trang’ của Yamamoto, họ chưa bao giờ hợp tác trong bất kỳ bộ sưu tập nào.” Trong nhiều năm, họ ở cạnh nhau như tri kỷ.
Những cảm xúc thăng hoa trong tình yêu mới
Những quy tắc của Yamamoto về chủ nghĩa hiện sinh liên quan đến rượu, cờ bạc, chứng mất ngủ và phụ nữ đã vô tình trở thành sự ràng buộc với tinh thần tự do của Kawakubo. Họ chia tay sau 20 năm ở bên cạnh nhau, tuy nhiên sự đổ vỡ trong tình yêu lại là chất xúc tác cho các thiết kế bay bổng của Rei Kawakubo ngày càng mạnh mẽ. Hàng loạt tác phẩm mới ra đời: BST “Destroy” gây tranh cãi (1982), nhiều cửa hàng Comme des Garçons mới khắp thế giới, ấn phẩm lớn về thời trang và nghệ thuật Six,…
Tưởng chừng trái tim của bà không thể nào mở thêm lần nữa, nhưng tình yêu lần nữa tìm đến với Kawakubo dưới cái tên Adrian Joffe. Ông nhỏ hơn bà 10 tuổi, là một người gốc Nam Phi nhưng đem lòng say mê văn hóa Nhật Bản và tôn thờ trường phái thời trang của Kawakubo. Năm 1987, ông tiếp quản vị trí quản lý tập đoàn Comme des Garçons. Năm 1992, họ cưới nhau.
Tình yêu mới này đã khiến cho Rei Kawakubo thăng hoa, đổi mới trong sự sáng tạo thời trang. Màu đen làm nên thương hiệu dần được thay thế bằng bảng màu tươi sáng, hoa văn rực rỡ. Kawakubo cũng thử nghiệm nhiều vật liệu trước đây bà từng ghét cay ghét đắng: vải voan nhiều lớp, vải dệt kim, áo cổ lọ, nón hình chóp hay mạng che mặt,… Năm 1997, bộ sưu tập Dress Meets Body của bà lại khiến người hâm mộ xôn xao. Năm 2017, bà trở thành nhà thiết kế thứ hai sau Yves Saint Laurent có triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan khi vẫn còn tại thế.
Có thể thấy, Joffe không chỉ đóng vai trò là CEO kiêm Chủ tịch Comme des Garçons toàn cầu, mà còn là chồng, là người phiên dịch, người bảo vệ, người trấn an và là cầu nối giữa Kawakubo và thế giới. Joffe đến từ một đất nước xa lạ, nhưng ông yêu và chấp nhận Kawakubo như chính con người bà. Mặc dù Joffe không thể là nguồn cảm hứng sáng tác cho Kawakubo, cũng không thể hiểu hết những gì bà trải nghiệm, nhưng hơn ai hết, Joffe biết vợ mình cần gì và sẵn sàng vạch ranh giới để bản thân không xâm phạm vào chúng. Tình yêu của ông mang tinh thần của một người bảo vệ hơn là người đồng hành.
Còn với Yohji có thể cho bà cảm hứng sáng tạo đỉnh cao, nhưng ông vẫn không thể bỏ đi một phần khuôn phép từ dòng máu Nhật Bản. Trong khi tính cách Kawakubo vốn vừa muốn giữ lại truyền thống, vừa luôn khao khát phá vỡ. Hai người họ hút nhau như nam châm trái dấu, nhưng lại không thể nằm im khi được đặt cùng chiều.
Kết luận
Đối với những người làm nghệ thuật, tình yêu vẫn luôn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ tác động đến tư duy mang tính lính trí lẫn xúc cảm của người “nghệ sĩ”. Nên có thể nói, Yohji – người có sự đồng điệu trong tâm hồn đã đưa Rei Kawakubo đi đến nốt thăng hoa trong nghệ thuật thiết kế may mặc, còn Joffe – một người tự nguyện vạch ra ranh giới và xả thân để bảo vệ ranh giới đó. Cả hai đều đã đem lại “tình yêu” để Rei Kawakubo rung động và dùng nó tạo nên thứ thẩm mỹ – nghệ thuật gọi là thời trang.