Raf Simons: Thành công vang dội hay lưu mờ so với quá khứ (Phần 2)

0

Nếu bài viết lần trước đề cập đến những năm Raf Simons trở thành nhà thiết kế độc lập thì lần này chúng ta sẽ nói về sự nghiệp của Raf Simons tại Jil Sander, Christian Dior, Calvin Klein và những bản collab nổi bật của ông.

Jil Sander (2005-2012)

Tháng 6 năm 2005, Simons được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo cho nhãn hiệu Jil Sander thuộc sở hữu của Tập đoàn Prada. Điều này đánh dấu lần đầu tiên trong sự nghiệp Simons khi ông “lấn sân” sang mảng quần áo và phụ kiện dành cho nữ giới. Cảm nhận của Simons như đồng nhất với cảm nhận của chính Sander rằng quần áo không nên là thứ gây khó chịu người mặc mà chúng nên phản ánh tính cách của người phụ nữ và cô ấy sẽ không cần phải nói ra giới tính của mình – một nguyên lý truyền thống của trường phái tối giản.

Bộ sưu tập đầu tiên của ông tại Sander được ra mắt vào mùa thu 2006 nhận được rất sự ủng hộ vì mang lại làn gió mới nhưng vẫn giữ được nét minimalist vốn có của Jil Sander. Điều đó đã khẳng định thêm tài năng của nhà thiết kế này, rằng ông chẳng hề sợ thử thách.

Sang bộ sưu tập thứ 2, những chiếc váy đơn sắc được tô điểm màu mè và rực rỡ hơn như một bàn tiệc đầy ắp những viên kẹo ngọt. Bước đến bộ sưu tập thứ 3 được ra mắt vào mùa xuân 2008, Simons ngày càng khẳng định cho công chúng thấy mình xứng đáng ngồi vào ghế giám đốc sáng tạo của Jil Sander như thế nào. Cathy Horyn đã viết trong bài nhận xét của mình cho tờ Times về bộ sưu tập này như sau: “Vào thứ ba vừa rồi, một nhà thiết kế người Bỉ ít tên tuổi là Raf Simons đã thu hút sự chú ý của giới thời trang. Bộ sưu tập của Simons dành cho Jil Sander thật sự hoàn hảo.”

Fall 2006 RTW
Spring 2007 RTW
Fall 2007 RTW

Đến bộ sưu tập Spring 2009 của Simons, những chiếc váy được cắt tua rua một cách sexy đã làm người xem trầm trồ phán thục. Simons không còn “che giấu” người mặc vào những bộ trang phục kín đáo hay rộng tênh nữa mà ông đã tạo ra những thiết kế “hở hang” hơn nhưng không lố lăng hay phản cảm mà còn làm bật những đường cong quyến rũ của người mặc. Nữ người mẫu Miranda Kerr đã diện một chiếc váy trong bộ sưu tập đó để tham dự sự kiện Met Gala 2009 khiến những thiết kế của Simons được nhiều người chú ý hơn.

Năm 2010, công việc của Simons được xem ​​là bước ngoặt “huyền ảo” hơn khi ông trình bày bộ sưu tập đầu tiên trong ba bộ sưu tập được lấy cảm hứng từ couture. Tất cả đều mang hình dạng, màu sắc và tỷ lệ liên quan đến haute couture, cũng như đạt đến sự nữ tính cao nhất trong tất cả các thiết kế từ trước đến giờ của ông.

Kể từ buổi biểu diễn của Spring 2011 kéo dài đến Fall 2012, Simons đã đóng góp rất nhiều cho thương hiệu Jil Sander. Simons gọi bộ sưu tập thứ hai đến bộ sưu tập cuối cùng của mình là “bộ cuối cùng trong bộ ba couture của tôi”. Hầu hết chúng được thiết kế có tính thông dụng cao hơn và được xem là bộ sưu tầm tràn đầy những sắc màu pastel nhẹ nhàng nhưng vẫn trung thành với phong cách tối giản. Những người mẫu dạo bước trong những chiếc váy tinh tế là lời tạm biệt của Simons khi rời Jil Sander. Show diễn cuối cùng ấy đã lấy đi rất nhiều nước mắt không chỉ của ông mà còn của khán giả.

Nghẹn ngào nè
Thả tim nè

Trong nhiệm kỳ của mình tại Jil Sander, Simons đã giữ đúng tinh thần tối giản của thương hiệu và mở rộng sức hấp dẫn thương mại của mình với việc tạo ra dòng Jil Sander Navy dành cho nữ giới. 

Nếu so với thương hiệu mang tên chính mình thì sự nghiệp của Simons ở Jil Sander đã được nâng lên một tầm cao mới. Người ta biết rằng Simons không chỉ giỏi thiết kế đồ cho nam giới mà còn cả nữ giới và ông thật sự tài ba khi có thể giữ cái hồn vốn có của Jil Sander rồi điểm vào đó những cái riêng biệt của bản thân. Đây là một khởi đầu xuất xắc của Simons ở mảng thời trang nữ nhưng có lẽ là bước thụt lùi đôi chút ở mảng thời trang nam bởi những thiết kế dành cho nam lúc này có phần bị gò ép vào cái khuôn khổ của Jil Sander, chúng ta không còn thấy nhiều những sản phẩm đầy nổi loạn so với thương hiệu Raf Simons trước đây.

Đã có tin đồn rằng Simons là ứng cử viên nặng ký để thay thế nhà thiết kế Yves Saint Laurent, Stefano Pilati vào tháng 9 năm 2011. Thế nhưng sau đó, báo chí đã đưa tin Simons đang phỏng vấn cho vị trí giám đốc sáng tạo tại Christian Dior, nơi vẫn còn trống kể từ khi John Galliano bị sa thải vào tháng 3 năm 2011. Và điều gì đến cũng đến, Raf Simons chính thức trở thành giám đốc sáng tạo cho Dior vào năm 2012.

Christian Dior (2012-2015)

Vào tháng 4 năm 2012, Simons nhanh chóng thay thế John Galliano làm giám đốc sáng tạo ở vị trí lãnh đạo của Dior. Tuy nhiên, ông không đảm nhận thiết kế các bộ sưu tập dành cho nam giới vì nhà thiết kế người Bỉ, Kris van Assche vẫn là giám đốc sáng tạo của Dior Homme.

Bộ sưu tập đầu tiên của Simons cho Haute Couture Fall-Winter 2012 được đón nhận nồng nhiệt khi nhà thiết kế thổi hồn phong cách thập niên 50 vào đó bằng cách “tái sử dụng” lại những silhouette nổi tiếng của Christian Dior. Simons đã cách tân lại thành công chiếc áo khoác Bar mang tính biểu tượng của thương hiệu. Kèm với đó là những giá trị cổ điển từng tạo nên Christian Dior như chiếc váy được may bằng chất liệu lụa. Tính ra đó là một nước đi khôn khéo của Simons, ông đã thể hiện sự tôn kính của mình với lịch sử của thương hiệu mà mình đang làm việc.

Những bộ sưu tập về sau của Simons ở đây đều mang nét tươi sáng, lãng mạn của mùa xuân, của hoa lá. Tuy nhiên, chất lãng mạn trong bộ sưu tập mới của ông không ủy mị, sến súa mà đầy nét trẻ trung, cá tính. Sự mềm mại được kết hợp với độ sắc nét, chất lãng mạn hòa lẫn với hiện đại được thể hiện rõ trong trang phục của Christian Dior mà nổi bật nhất là bộ sưu tập Xuân 2013. Tất cả những chiếc đầm, chiếc váy cocktail đều mang đường cong Dior đặc trưng, tôn lên vóc dáng của người phụ nữ và khiến các chị em phải trầm trồ xao xuyến.

Simons đã áp dụng công thức trộn màu đen và màu pastel với nhau. Điều đó làm nó không chỉ hài hòa về màu sắc mà còn là một cách dễ dàng để chuyển từ mùa đông sang mùa xuân.


Những bộ sưu tập về sau càng mang đậm nét biểu trưng của Dior nhưng vẫn có những cá tính rất riêng biệt của Raf Simons. Với tài nghệ của mình, những sản phẩm do Simons thiết kế đã gây nên tiếng vang lớn trong làng thời trang quốc tế và trở thành chủ đề bàn tán hấp dẫn trên các phương tiện truyền thông khi đó. Xóa đi tính ước lệ khó với tới, những thiết kế của Raf Simons dù bay bổng và đầy nghệ thuật nhưng vẫn mang tính ứng dụng cao. Và rất nhiều ngôi sao nổi tiếng như Jennifer Lawrence, Emma Watson… yêu thích và tình nguyện trở thành kẻ mộ điệu mộ trung thành của Simons chính là minh chứng rõ ràng nhất.


Không chỉ làm phái đẹp phát điên lên bởi những bộ váy lộng lẫy hay trang phục đời thường, Raf Simons còn khiến chị em mê mẩn bởi những món phụ kiện phá cách do ông thiết kế. Giày sneakers đính đá hay trang trí hoa lá của ông đã thay đổi khái niệm sneakers trong làng thời trang. Ai nói giày thể thao thì không được điệu đà, nữ tính? Raf Simons đã phá vỡ quy luật đó, tạo nên những đôi sneaker vừa năng động, thể thao vừa mang nét đặc trưng của nữ giới. Ngay cả những mẫu túi xách đình đám của Dior cũng được làm bằng chất liệu da cao cấp đi cùng mô típ trang trí thú vị.

Với đôi mắt thẩm mỹ của mình, ông luôn biết cách làm hài lòng đối tượng khách hàng mà mình hướng đến. Không chỉ qua thiết kế mà còn cả những sàn catwalk tràn đầy hoa lá. Điển hình là show diễn bộ sưu tập S/S 2016 tại Paris Fashion Week, Simons đã cho dựng một đồi hoa oải hương tím ngay bên trong trung tâm quảng trường của bảo tàng Louvre. Khiến khách mời như lạc vào chốn thần tiên cổ tích với mùi hoa thơm lừng, sắc hoa đầy sức sống và những bài nhạc nhẹ nhàng.

Trước khi rời đi, Simons đã để lại cho mọi người nhiều trải nghiệm đáng nhớ bởi phong cách thiết kế trang phục nữ của ông ngày một phát triển vượt bậc và thành công hơn trước. Đôi khi chúng ta không nghĩ một nhà thiết kế yêu thích sự nổi loạn, punk như ông có thể làm ra những kiệt tác nhẹ nhàng, thơ mộng đến thế.

Lại chào tạm biệt mọi người trước khi sang ngôi nhà mới này
Hôn gió nè

Vậy vì sao Raf Simons lại rời đi? Có lẽ ông muốn được tập trung phát triển thương hiệu thời trang nam do chính mình tạo dựng. Khối lượng công việc lên đến 8 bộ sưu tập mỗi năm, bao gồm cả hai bộ sưu tập của thương hiệu Raf Simons, cùng với việc phải di chuyển liên tục cho những cuộc họp và event có lẽ đã rút dần năng lượng của ông. Tuy vậy, có tin đồn, lý do ông rời đi là vì vẫn chưa được toàn vẹn quyết định mọi vấn đề liên quan đến hình ảnh thương hiệu, điển hình như việc ông vẫn chưa được phép “nhúng tay” vào việc thiết kế nội thất của các cửa hàng flagship của Dior.

Calvin Klein (2016-2018)

Khi làm việc cho Calvin Klein, Simons như con gà đẻ trứng vàng cho thương hiệu, kiếm về hàng triệu đô mỗi năm. Không chỉ vậy, Simons còn trở thành giám đốc sáng tạo toàn cầu, nắm trong tay tất cả quyền lực của bốn nhà thiết kế trước đây, từ dòng thời trang nam – nữ đến nước hoa, sản phẩm gia đình. Đồng thời ông cũng là người quyết định chiến dịch quảng cáo, tiếp thị và truyền thông cho thương hiệu, từ các sản phẩm denim bán tại Macy’s đến dòng nội thất cao cấp.

Đầu tiên, Simons thay đổi tên gọi của dòng thời trang thiết kế thành Calvin Klein 205W39NY theo địa chỉ trụ sở chính của thương hiệu. Tiếp đến, ông “trình làng” dòng thời trang By Appointment như một dòng thời trang haute couture của hãng. Không chỉ vậy, ông còn thay toàn bộ gương mặt đại diện, ê-kíp sáng tạo, hình ảnh cũng như cách bài trí các store hợp tác với nghệ sĩ Sterling Ruby.

Bộ sưu tập đầu tiên của Simons ở vương triều CK chính là Fall 2017. Những bộ trang phục vẫn giữ đúng phong cách tối giản mà Simons áp đặt lên nó. Nhưng thay vào đó không còn là những gam màu pastel nhẹ nhàng mà là rực rỡ, ấm áp và “đậm đà” hơn bao giờ hết. Những chiếc váy, đầm cũng được Simons đưa vào đó những họa tiết sặc sỡ trên chất loại vải đặc biệt. Thế mạnh của CK luôn là denim mà Simons đã “hô biến” nó thành những chiếc quần đa màu sắc với kỹ thuật may đo pha chút phong cách cao bồi. Gây sốc nhất bộ sưu tập vẫn là những chiếc váy được may trong suốt hở cả ngực trần người mặc.

Không lâu sau đó, Simons cho ra mắt bộ sưu tập Fall 2018 và được các biên tập viên thời trang toàn cầu hết lời khen ngợi. Điểm nổi bật của bộ sưu tập này là những chiếc áo khoác kẻ sọc được thiết kế riêng với lớp phủ vinyl kèm lớp giả lông. Outerwear cũng là một điểm nhấn nổi bật với chiếc áo khoác ngoài có mũ trùm đầu với lớp lót bông và áo khoác bomber da, kèm với đó là những đôi boot cao bồi phối với quần denim mang các gam màu Texas đa dạng.


Và bộ sưu tập cuối cùng của Simons tại CK chính là S/S 2019. Với bộ sưu tập này, Simons đã đưa những yếu tố kinh điển trong nền văn hóa đại chúng Mỹ mà nổi bật nhất là phim ảnh vào đấy. Điểm đặc biệt là ông đã đưa yếu tố máu me của phim Jaws và lãng mạn của The Graduate kết hợp với nhau nhưng vẫn tạo sự ăn khớp, không gây đối lập. Đối với Simons hai bộ phim đó đã để lại một dấu ấn đậm sâu trong ký ức của mình và sự máu me, lãng mạng chính là ví von cho cái đẹp và thảm họa.

Bộ sưu tập nói về sự cấm kỵ và cám dỗ, về những bước chuyển mình trong văn hóa và xã hội để đi đến tình yêu.”- Raf Simons nói. Tuy không phải ai trong giới mộ điệu cũng thích thú với sự hoài niệm về văn hóa Mỹ của Simons nhưng ít nhất chúng đã biến thành những thiết kế thời trang tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người.

Chưa đầy một năm dẫn dắt Calvin Klein, ông làm nên lịch sử khi giành cú đúp “Nhà thiết kế thời trang nam của năm” và “Nhà thiết kế thời trang nữ của năm” tại CFDA 2017 – giải thưởng thường niên uy tín bậc nhất nhằm tôn vinh những nhân vật có cống hiến cho nền công nghiệp thời trang Mỹ. Đạt cả giải thưởng cho thời trang nam và nữ trong cùng một năm là điều mà không phải nhà thiết kế nào cũng làm được và người gần đây nhất làm được điều đó chính là Calvin Klein vào hơn 15 năm về trước. Và rồi vì những bất đồng trong quan điểm giữa hai bên, Raf Simons từ giã CK và đầu quân cho Prada. Ông cũng là kẻ ngoại đạo duy nhất làm giám đốc sáng cho Prada vì đó là thương hiệu “cha truyền con nối”.

Simons đồng hành cùng Miuccia Prada, liệu họ có đưa Prada và “minimalist” hưng thịnh trở lại? Chúng ta phải chờ xem mới biết. Chỉ biết rằng giữa Simons và Miuccia đều có những điểm chung trong suy nghĩ với nhau và cái duyên của cả hai sẽ còn rất dài khi Simons đồng ý một hợp đồng vô thời hạn.

Những collaboration nổi bật

Từ năm 2008, Simons đã tạo ra các bộ sưu tập hợp tác với thương hiệu Anh mang tên Fred Perry cho ra những trang phục mang đậm nét đường phố. Từ mùa xuân hè 2008 trở đi, ông đã hợp tác với Linda Farrow trong một bộ sưu tập kính râm cho thương hiệu. Không chỉ vậy, ông còn thiết kế ra bốn bản collab với nhà sản xuất túi Eastpak của Mỹ cho những mùa: Spring-Summer 2008, Fall-Winter 2008, Spring-Summer 2009 và Thu-Đông 2013.

Đối với sneaker kể từ Fall-Winter 2009, Simons cũng đã hợp tác với nhà sản xuất giày Asics. Đối với triển lãm Thu-Đông 2013, ông cùng Adidas hợp tác cho những đôi sneaker với số lượng giới hạn. Ông đã “cách tân” đôi sneaker huyền thoại Stan Smith thành một bản hit lớn của năm với một diện mạo hoàn toàn mới cùng màu sắc rực rỡ và chi tiết chữ “R” nổi bật, năm nào cũng được cải tiến hơn về chất liệu. Và nhiều năm sau đó, Raf Simons cùng Adias ra mắt tiếp bản cập nhật cho bộ đôi sneaker Ozweego III có phần da với vải lưới mesh phủ lên upper, thêm vào đó là phần đế đệm “Performance” độc đáo và nổi bật.

Vào năm 2009, Simons đã sử dụng denim được tẩy trắng bởi nghệ sĩ Sterling Ruby để tạo ra một bộ sưu tập viên gồm quần jean và áo khoác denim. Vào năm 2014, Simons một lần nữa hợp tác với Ruby thiết kế bộ sưu tập Thu-Đông 2014, được trình bày thay cho dòng cùng tên của Simon và mang nhãn hiệu “Raf Simons / Sterling Ruby”.

Năm 2014, Raf Simons bắt đầu hợp tác với công ty thiết kế và dệt may Đan Mạch Kvadrat sẽ chuyển thành một bộ sưu tập hàng dệt may và phụ kiện. Bộ sưu tập Kvadra/Raf Simons đã nhận được sự công nhận lớn trên các phương tiện truyền thông và nổi bật bởi sự pha trộn màu sắc và chất liệu mà nhà thiết kế am hiểu. Sau này, Raf Simons sẽ đưa các sản phẩm dệt may của Kvadrat/Raf Simons vào bộ sưu tập thời trang nam A/W 15 của mình.

Những chất liệu vải mà Simons cùng Kvadrat hợp tác nghiên cứu

Năm 2016, Raf Simons hợp tác với Quỹ Robert Mapplethorpe cho bộ sưu tập Xuân-Hè 2017. Bộ sưu tập ra mắt tại Pitti Uomo ở Florence, Ý, kèm với đó là bộ sưu tập Spring 2017 tại Florence Pitti Uomo bao gồm 57 thiết kế và là collaboration với Robert Mapplethorpe Foundation.

Raf Simons x Robert Mapplethorpe Foundation

Câu hỏi được đặt ra là sự nghiệp của Simons giờ đã thành công hơn trước hay thụt lùi lại thì trong đầu chúng ta sẽ tự có câu trả lời. Hãy nhớ rằng, Simons vẫn không từ bỏ thương hiệu mang tên ông và vẫn giữ nó mặc dù ông cộng tác cũng những thương hiệu khác. Có chăng chỉ là vì truyền thông chỉ tập trung nhiều vào những gì ông làm ở Dior hay CK mà chúng ta quên mất đi rằng Raf Simons vẫn sẽ luôn là Raf Simons. Ông sẽ vẫn luôn làm tốt và tốt hơn những gì chúng ta có thể nghĩ đến.

Sưu tầm: Vogue, Wiki…
Bài viết: Ai Huynh

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here