Home Thế Giới Nhà Thiết Kế Raf Simons: Nhà thiết kế đại tài của giới thời trang (Phần...

Raf Simons: Nhà thiết kế đại tài của giới thời trang (Phần 1)

0

Luôn biết cách đưa những cảm xúc của mình vào từng sản phẩm, Raf Simons được xem là một trong những nhà thiết kế tài ba của giới thời trang.

Raf Simons là ai ?

Raf Simons là nhà thiết kế sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Bỉ, từ một gia đình không hề liên quan đến nghệ thuật. Cho đến khi lên trung học, ông mới có cơ duyên tiếp xúc với lĩnh vực này.

Sau khi nhận tấm bằng đại học về Thiết kế nội thất từ trường Genk, Simons làm thực tập sinh cho Walter Van Beirendonck. Trong một lần được Walter Van Beirendonck đưa đi xem show diễn thứ 3 của Martin Maison Margiela tại Paris, trong ông bắt đầu nhen nhóm một tình yêu đặc biệt cho thời trang. Đó là một show diễn độc đáo khi sàn runway không được tổ chức ở những nơi sang trọng mà được diễn ra tại một khu vui chơi trẻ em và trẻ em cũng có mặt để vui đùa cùng những người mẫu, khách mời.

Chân dung nhà thiết kế Raf Simons

Cậu thanh niên Raf Simons khi ấy ngộ ra chân lý mới, ông không còn xem thời trang là một điều gì đó xa xỉ mà nó có thể hiện diện mọi nơi. Suy nghĩ về khoảng cách giữa thời trang và đời sống trong đầu ông như được xóa bỏ. 

3 năm sau đó, với những hoài bão lớn lao và sự giúp đỡ của mọi người, ông cho ra mắt thương hiệu thời trang mang tên mình vào năm 1995 và BST đầu tiên được thể hiện dưới dạng film 8mm. Năm 2005, ông được mời làm thiết kế cho thời trang nam và nữ của thương hiệu Jil Sander. Sau khi ngừng làm việc tại đây, ông đảm nhận vị trí Giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Christian Dior vào năm 2012. Thế nhưng sau đó ông lại rời đi và làm việc cho Calvin Klein từ 2016 đến 2018. Hiện tại, Raf Simons đang làm việc cho Prada dưới vương triều Miuccia Prada.

Sau đây, Street Vibe sẽ cùng anh em điểm qua một số bộ sưu tập nổi bật của Simons. Chỉ nổi bật và đặc biệt nhất thôi nhé vì những collection của Raf có rất nhiều trong suốt hơn 25 năm sự nghiệp của ông. 

Thương hiệu Raf Simons (1995 đến nay)

Được người đứng đầu bộ phận thời trang của Học viện Hoàng gia Antwerp là bà Linda Loppa ủng hộ, Raf Simons quyết định mở một thương hiệu mang tên mình vào năm 1995. Những collection từ giai đoạn FW 1995 đến S/S 1997, Raf lấy cảm hứng từ những tựa phim đình đám như Blow Up, Christiane F và “trình diện” chúng dưới dạng video 8mm cũng như trưng bày tại một showroom tư nhân ở Paris.

Thời điểm đó, hiếm có nhà thiết kế hay thương hiệu nào lại chọn cách đưa sản phẩm tiếp cận công chúng theo của Simons đã làm và điều này gây tò mò, thích thú cũng như tạo nên sự riêng biệt của chính ông.

S/S 1996

Ở bộ sưu tập tiếp theo là A/W 96-97 “We Come Out At Night”, Simons đã gửi gắm tình yêu dành cho những năm tháng tuổi trẻ đầy nổi loạn của mình qua trang phục như một lời nhắc đến làn sóng Punk và Gothic. Không chỉ vậy, ông đã kết hợp phong cách lướt sóng của Mỹ và quy chuẩn ăn mặc khắt khe của Oxbridge lại với nhau. Hai thứ dường như đối lập ấy đã hài hòa làm một ở S/S 97 “16,17, How To Talk To Your Teen”. Cả hai BST này vẫn được thể hiện dưới dạng hình ảnh, video tại một studio ở Paris. 

A/W 96-97 “We Come Out At Night”
(S/S 97 “16,17, How To Talk To Your Teen”)

Đến năm 1997, Raf tổ chức show diễn đầu tiên cho BST A/W 1997-1998 tại Paris. Khi những người mẫu dạo bước trên sàn catwalk, khoác lên người bộ trang phục với kiểu dáng trẻ trung và slim-cut do ông thiết kế đã đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp của ông. 

Năm 1998, collection xuân-hè mang tên “Black Palms” được ra mắt, đây cũng là show diễn catwalk thứ hai trong sự nghiệp của Raf. Khác với A/W 96 trước đó, “Black Palms” chịu sự ảnh hưởng sâu sắc bởi phong cách Heavy Metal với những hình in, tay áo cut-out được cắt may một cách kỹ lưỡng. Ngoài ra, điểm nổi bật ở show diễn nằm ở việc chọn lựa các người mẫu gầy gò, không một mảnh áo trên người mà được vẽ lên cơ thể những cây cọ màu đen như hình xăm.

Có thể nói, Raf đã làm một điều không ai làm vào thời điểm đó, mãi về sau ta mới thể bắt gặp chúng ở những thương hiệu như Fear Of God hay Vetements và chính bản thân collection này cũng đã tạo nên tên tuổi và những danh tiếng đầu tiên cho Raf Simons.

Được lấy cảm hứng từ những bài hát của Kraftwerk, Laurie Anderson và Vanessa Beecroft, collection A/W 98-99“Radioactivity” đưa chúng ta trải nghiệm thời trang mang tính âm nhạc của Simons. Đó là những trang phục nguyên cây đen, được thể hiện theo cách tối giản và nổi bật, chẳng hạn như sự kết hợp của sơ mi đỏ cùng cà vạt đen dựa trên nhóm Kraftwerk. Thậm chí, ông cho 4 người mẫu mặc như 4 thành viên của nhóm lên sàn diễn. Như một màn “khoe mẽ” gu âm nhạc đầy thưởng ngoạn của mình cho mọi người cùng biết.


Sau collection S/S 99 “Kinetic Youth” mang màu sắc nhẹ nhàng, thuần thiết là A/W 99-00 Disorder, Incubation, Isolation”. Khác với phong cách punk nổi loạn khi trước, lần này ông muốn đưa chúng ta đến một thế giới tối tăm, lạnh lẽo mang hơi thở của văn hóa Goth. Cả chính cái tên của bộ sưu tập cũng mang một màu u tối: “Rối loạn – Ủ bệnh – Cô lập”. Và nếu bạn biết đến ban nhạc Joy Division thì sẽ nhận ra đây tên các bài hát của nhóm. Đúng rồi đấy, Simons rất thích đưa âm nhạc vào thiết kế của mình và bộ sưu tập này dựa trên cảm hứng từ nhóm Joy Division.

Và đúng với cái tên ông chọn, màu u buồn của collection được thể hiện qua những trang phục tối màu với nhiều lớp quần lớp áo gợi lên cái tuyệt vọng – “một màu tẻ nhạt” như khi con người ta trầm cảm hay gặp vấn đề tâm lý trước những rắc rối của cuộc sống.

Trình diễn tại studio Carrere của Pháp, S/S 00 “Summa Cum Laude được ông lấy cảm hứng từ sinh viên trường MENSA và những thanh niên theo phong trào Gabba ở Bỉ và Hà Lan. Có thể dễ dàng nhận ra qua gu âm nhạc của họ qua bộ sưu tập và cũng là lần đầu tiên chúng ta được thấy chiếc áo khoác bomber hiện diện, tạo tiền đề cho chiếc camo bomber bạc tỷ của sau này.

Đến năm 1999, Simons tạm thời đóng cửa thương hiệu của mình bởi ông nhận ra rằng sự thành công khiến ông bị giới hạn và hạn chế ở khía cạnh kinh doanh. Việc mãi cố gắng cho ra số bộ sưu tập đúng với nhu cầu thị trường khiến ông cảm thấy áp lực. Chỉ sau khi nhà sản xuất quần áo Bỉ CIG gửi một hợp đồng hợp tác để ông được quyền tự do sáng tạo hoàn toàn, nhà thiết kế của chúng ta mới quay lại.

Và ngay lập tức Raf như một quả bom hạt nhân có sức công phá với BST F/W 2001 nổi tiếng mang tên “RIOT, RIOT, RIOT”. Ở bộ sưu tập này, Simons lấy cảm hứng từ những cậu thanh thiếu niên Ukraine và Romania tại các phiên chợ ở Vienna. Không còn những thiết kế thanh mảnh hay bó sát mà Raf đã đưa làn gió mới mang tên “oversize” vào. Những chiếc quần, chiếc áo đều được làm “rộng hơn bao giờ hết” với các tấm poster, hình dáng có liên quan đến những ban nhạc. Và cũng ở bộ sưu tập này, chiếc áo bomber họa tiết camo đã trở thành một trong những holy grail của các con chiên thời trang với mức giá xấp xỉ hơn 1 tỷ. Đến cả Kanye West còn phải mê mẩn nó và sắm ngay một chiếc. Collection đã đi đúng với tên chủ đề, nhìn vào nó, ta chỉ có thể thốt lên “NỔI LOẠN! NỔI LOẠN! NỔI LOẠN!”. Đó là sự nổi loạn cần thiết để mở đầu cho một thập kỷ mới của thời trang.  

Sau sự nổi loạn tới mức khiến người ta phải thốt lên tận 3 lần, Raf tiếp tục đưa cái “điên” và lời gợi nhắc đến thảm họa 9/11 qua S/S 02 “’Woe Onto Those Who Spit On The Fear Generation…The Wind Will Blow It Back” hay còn được biết đến với tên gọi “Fear Generation”. Chọn 3 màu chính là đỏ/đen/trắng và nâng tính “oversize” của season lên tầm cao mới, ở “Fear Generation”, những chiếc áo thun tay ngắn hay chiếc quần trở nên huyền bí hơn khi đi cùng những chiếc khăn trùm mặt.

Tất cả đều là thông điệp, suy nghĩ của ông và con người đương thời trước sự kiện 9/11. Đó là sự sợ hãi, lo lắng khi thế hệ của chúng ta sống trong một thời đại đầy rẫy những kẻ khủng bố. Chi tiết người mẫu trùm mặt và cắm pháo sáng là sự phê phán chứ không phải cổ súy chúng được thể hiện một cách rõ ràng rành mạch nhất. Kể từ sau năm 2000, những collection của ông đã mang nặng tính tư tưởng và chứa nhiều ẩn ý hơn bao giờ hết.

Sau đó, Simons mang chủ đề về thiên nhiên vào collection A/W 02-03 “Virginia Creeper”. Ý tưởng cho bộ sưu tập này là hai mặt đối nghịch của tự nhiên, vừa êm dịu vừa tàn nhẫn và vẫn chưa hoàn toàn bị chinh phục bởi loài người. Đồng thời, cái đẹp dữ dội của thiên nhiên tiếp tục là niềm đam mê cho thế hệ trước cũng như thế hệ ngày nay. Sau rất nhiều thập kỷ, công nghiệp tiến bộ, yếu tố tự nhiên này vẫn chứa nhiều bí ẩn khiến ta tự hỏi về chúng. Những cánh rừng rộng lớn bất khả xâm phạm vẫn là nỗi sợ hãi cho những người phàm trần. Cũng như những trái độc vẫn khiến con người cuồng si muốn nếm thử không hề biết chúng có thể kết liễu ta.

Từ đó, gam màu của tự nhiên được đưa vào trang phục như màu xanh của lá cây, màu xám đá phiến, màu trắng của tuyết… được thể hiện qua những chiếc áo ngắn tay, khoác parka hay áo len. Tất cả những lớp quần lớp áo được xếp chồng lên nhau như thể người mặc là một nhà thám hiểm của rừng già. Cái đáng sợ nhưng thuần thiết của tự nhiên được áp dụng triệt để vào bộ sưu tập lần này.

Tiếp đến là collection đông/xuân 2003 với tên gọi “Consumed” để nói các vấn đề chính trị và thị trường. Định nghĩa “Consumerism” có thể hiểu đơn giản là hai hoặc nhiều mô hình kinh tế kết hợp với nhau để tăng lợi nhuận cao hơn theo nhu cầu tiêu thụ.

Ở collection này, ông đã sử dụng vật liệu tái chế và tối ưu sản phẩm để những bộ trang phục hữu dụng hơn, như chiếc bomber nhiều túi nhiều dây và Items nổi bật nhất của “Consumed” là chiếc áo bomber trắng in đầy hình graphic của Ashley Bickerton do Simons và Peter De Potter thiết kế. Cùng với nó là chiếc hoodie hình cá mập từ phim Jaws và nữ người mẫu Penelope cạnh bênh.

Trong bộ sưu tập A/W 03 “Closer”, Raf Simons đã cùng nhà thiết kế graphics danh tiếng người Anh Peter Saville hợp tác với nhau. Từ những tấm ảnh bìa album iconic của Joy Division, New Order và Orchestral Manoeuvres in the Dark cho đến những tác phẩm chưa từng ra mắt với công chúng của Saville đều được Raf Simons đặt lên những bộ trang phục của mình. Ngoài ra, bộ sưu tập này còn là một cách để tôn vinh văn hóa trẻ qua những nhóm nhạc được ông nhắc đến – đại diện cho một làn sóng âm nhạc mới mẻ vào những năm 1980 là rock và âm nhạc điện tử.

“Dữ dội” hơn các mùa trước, bộ sưu tập S/S 2004 “May The Circle Be Unbroken” là “sự hợp tác” cũng như “đoàn kết” giữa con người với nhau. Với tư cách là một nhà thiết kế, Raf Simons xem thành công của mình là kết quả của một tập thể đã cùng nhau cật lực làm việc và trao đổi sáng tạo. Với bộ sưu tập này, Simons đã cùng làm việc với những người mà ông cảm thấy giữa mình và họ có kết nối tinh thần và nghệ thuật mạnh mẽ. Sự trân trọng của ông dành cho những người đã cùng mình làm việc được thể hiện qua chính tên chủ đề. Tất cả cùng nhau nắm tay, chung sức hợp lực như một vòng tròn và không điều gì có thể phá vỡ nó.

Tính thẩm mỹ của thương hiệu Raf Simons đã thay đổi kể từ năm 2005, khi cựu biên tập viên của Arena Homme Plus  là Jo-Ann Furniss khẳng định bộ sưu tập  A/W 04-05 “Waves” ra mắt thì các quy tắc về văn hóa giới trẻ đã ám ảnh Simons trong quá khứ trở thành “quần áo” đúng nghĩa về hình dạng và hình thức. Phong cách lướt sóng được áp dụng triệt để vào bộ sưu tập này khi ông cho người mẫu mặc swimsuit bó sát bước trên sàn diễn hay những trang phục được làm rách, rộng thùng thình với đầy những hình graphic được in lên.

Vào tháng 6 năm 2005, Raf by Raf Simons được ra mắt, sản phẩm của nhánh phụ này được bán thấp hơn so với nhánh chính. Tuy nhiên, Raf by Raf Simons đã bị thay thế bằng Raf Simons 1995, một dòng mang nhiều yếu tố từ các bộ sưu tập đầu tiên của Simons vào năm 2011.

Lầy hơn nữa thì Raf Simons 1995 còn kinh doanh thêm đồ gia dụng như là chăn và đệm cho những con chiên muốn ăn ngủ cùng Raf Simons đúng nghĩa. Ngoài ra Simons cũng đã phát hành cuốn sách Raf Simons: Redux, kể về 10 năm đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Bên cạnh ấn phẩm còn có một triển lãm về sự nghiệp của Simons và một buổi trình diễn thời trang ngoài trời tại hội chợ thương mại Pitti Immagine Uomo ở Florence, Ý để hồi tưởng lại sự nghiệp của nhà thiết kế ở tuổi 38. Năm 2008, hai cửa hàng độc lập hàng đầu của Raf Simons đã mở tại Tokyo và Osaka, Nhật Bản, với sự hợp tác của các nghệ sĩ Sterling Ruby và Roger Hiorns.

Kể từ 2005, mặc dù thương hiệu Raf Simons vẫn tiếp tục duy trì tới ngày nay, vẫn thường xuyên cho ra nhiều bộ sưu tập mới nhưng sự nghiệp của Raf đã sang trang mới khi ông làm việc cho thương hiệu Jil Sander.

(Phần 2)



Bài viết: Ai Huynh

No comments

Leave a reply Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version