Chuyện của Môi Điên – Góc nhìn thời trang hay cuộc tranh cãi giữa các nhà thiết kế? (Phần 2)

0

Môi Điên đã có những phản hồi nhất định về câu chuyện của chính mình và dưới góc nhìn của Streetvibe, Tom Trandt không thật sự sai hoàn toàn, hay nói đúng hơn đó là những điều chúng ta đã trót bỏ qua khi nhìn tổng thể câu chuyện.

Sau sự vụ nhà thiết kế thời trang bền vững Lê Ngọc Hà Thu lên tiếng, cho rằng Môi Điên không xứng danh thương hiệu thời trang vì môi trường đã khiến cộng đồng fan của Môi Điên lẫn các bạn trẻ yêu thời trang xôn xao thì Môi Điên có những động thái đáp trả cũng như giải đáp thắc mắc, hoài nghi những ngày vừa qua. Hơn ai hết, Môi Điên hiểu rõ những vấn đề còn khúc mắc nếu không có câu trả lời chính xác sẽ phần nào đưa Môi Điên rời khỏi vị thế hoàng kim của mình.

Nếu bạn chưa biết về câu chuyện những ngày qua của Môi Điên, bạn có thể tìm hiểu phần 1 mà chúng mình đã đề cập và thảo luận tại đây.

Môi Điên có những lý do cho hướng đi của mình:

Tất cả những lập luận của Môi Điên đều rất rõ ràng, không tranh luận, không giải thích dài dòng, đúng trọng tâm những điều người ta quan tâm và muốn biết. Không đánh tráo các khái niệm, không cố tình “vẽ hoa vẽ bướm” hay cho rằng sự hợp tác của mình và Sunworld là sai lầm. Tất cả đều là điểm đáng khen ở cách xử lý của Môi Điên.

Tuy nhiên như Môi Điên có đề cập, sản phẩm trong show diễn không nhất thiết làm từ vải cũ và Môi Điên sử dụng rác từ đó để thực hiện các bộ sưu tập của mình. Ngay từ quan điểm này, có lẽ chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy cách nhìn khác biệt của Tom Trandt và các nhà thiết kế khác. Có thể với họ, thời trang bền vững là giải quyết rác đang tồn tại từ rất nhiều nguồn khác nhau nhưng với Tom Trandt, anh giải quyết rác mà mình tạo ra – quan điểm có hơi khác biệt với số đông nên phải chăng đây là lý do để bị quy chụp?

Tạm bỏ qua vấn đề Sunworld đã ảnh hưởng đến hình ảnh chung của Môi Điên và Tom Trandt như thế nào, có lẽ chúng ta cũng phải nhìn câu chuyện này theo góc nhìn của một thương hiệu thời trang đang chảy giữa dòng thị trường có phần bão hoà và nhiều vấn đề này.

Cách nhìn của các nhà thiết kế lên thương hiệu của họ

Có hai quan điểm chính Streetvibe muốn đề cập ở vấn đề này. Điều đầu tiên là về cách một nhà thiết kế vận hành thương hiệu của mình, điều thứ hai là cách mà họ định giá các sáng tạo.

Trách nhiệm của nhà thiết kế

Nhà thiết kế và ưu tiên hàng đầu của họ là làm thế nào để ra được đúng sản phẩm mình mong muốn hay điều mà khách hàng mong muốn. Tất nhiên nhà thiết kế không có quá nhiều tầm nhìn và hiểu biết nhất định về truyền thông, về tính xây dựng hình ảnh cá nhân nên việc Tom Trandt kết hợp với Sunworld hẳn là có lý do nhất định để dẫn đến những hiểu lầm trong thời gian qua. Huống hồ Môi Điên là một tập thể, không phải của riêng Tom Trandt và có lẽ trách nhiệm duy nhất của anh là làm thế nào để đưa đến các sản phẩm đúng yêu cầu của thương hiệu, của khách hàng.

Không chỉ là Tom Trandt mà đó có thể là tâm lý chung của rất nhiều nhà thiết kế khác. Việc sáng tạo sản phẩm mới là yếu tố hàng đầu với họ. Đi cùng đó là các áp lực khác nhau về ý tưởng, chất liệu, ý nghĩa,…đã ngốn rất nhiều tâm huyết và sức lực của họ, việc phân định xem có còn các sai sót gì khác trong khâu vận hành thương hiệu hay không là điều khó tránh khỏi, hay cụ thể hơn, đó không hẳn là toàn bộ trách nhiệm của họ.

Hơn hết, bất kỳ ai làm trong ngành thời trang cũng hiểu rằng một tập thể chỉ cùng nhau bàn luận, đóng góp ý kiến và phát triển hướng đi cho bộ sưu tập, họ không thể một mực thay đổi các sáng tạo của nhà thiết kế ngay cả khi chúng chỉ đang nằm trên giấy, có lẽ việc Tom Trandt chọn làm gì với các chất liệu của mình, để vẫn đảm bảo tính đặc trưng của Môi Điên những cũng vẫn bảo vệ sáng tạo của anh thì khó mà thay đổi một sớm một chiều.

Nếu đặt trường hợp Tom Trandt buộc phải làm việc cùng Sunworld thì anh hoàn toàn tập trung 100% sự chú ý và trách nhiệm của mình lên việc làm thế nào để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng là điều dễ hiểu. Nếu khách hàng muốn sử dụng nguyên liệu mới, lẽ nào “huỷ hợp đồng” là điều anh nên đề cập đến ngay thời điểm đó? Hoặc cứ cho rằng Môi Điên đã không có sự tìm hiểu kỹ lưỡng và quyết định hợp tác cùng Sunworld thì những gì Môi Điên đề cập phía trên cũng đủ để hiểu rằng có những điều giữa họ không thể thoả thuận nữa và rất có thể đến từ vị trí Sunworld.

Để bạn hiểu rõ hơn, về trách nhiệm và tính cách của các nhà thiết kế trong công việc, hẳn bạn đã nghe nhiều về Karl Lagerfeld – giám đốc sáng tạo lững lẫy của làng mốt thế giới cũng từng vấp phải bao phen chỉ trích từ giới mộ điệu vì từng đưa chữ tượng hình lên chiếc đầm quây mà siêu mẫu Claudia Striffer mặc, theo ngài Karl là “chẳng hiểu ra sao”, thêm vào chỉ cho đẹp. Nào ngờ đây là ký tự được chép từ…Kinh Koran. Chanel cũng vì thế mà trở thành cái bia công kích của những tín đồ đạo Hồi.

Áp điều đó lên Môi Điên để thấy rằng trách nhiệm duy nhất của Tom Trandt là thiết kế và sáng tạo cho thương hiệu, cũng như việc sao có thể hài lòng tất cả mọi người là bất khả thi. Nếu Karl chỉ quan tâm có được mẫu váy đẹp và hoàn toàn không biết được trích từ Kinh Koran, cũng giống như Tom Trandt không thể không vấp phải những hoài nghi về việc anh xử lý chất liệu và sáng tạo các thiết kế.

Giá thành của các sản phẩm thiết kế

Bên cạnh vấn đề đó, việc giá thành của sản phẩm cũng được đề cập đến và vấn đề này nếu được nhìn từ những bạn không có chuyên môn sẽ vội quy chụp Môi Điên đưa ra mức giá không phù hợp với chất lượng.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của người trong giới thời trang, mức giá sản phẩm đều được các nhà thiết kế đặt ra dựa trên chất xám của họ, kết hợp cùng chất liệu và các vấn đề khác liên quan. Hơn hết, không ai có thể định mức giá sản phẩm thay các nhà thiết kế, cũng giống như việc không hoạ sĩ nào để người khác định giá các tác phẩm của họ trừ khi…đó là một buổi đấu giá. Vậy nên vấn đề giá thành đi đôi với chất liệu rất có thể chỉ nên tồn tại trong giới fast fashion và vấn đề nên được đặt ra để thảo luận là liệu thiết kế đó của Môi Điên có thật sự xứng với mức giá hay không.

Công đoạn bỏ chất xám, mài giũa và hoàn thiện các ý tưởng chỉ mỗi nhà thiết kế biết và chỉ mỗi họ mới hiểu được họ đã mất công sức, thời gian như thế nào. Với một số nhà thiết kế, họ không ngại chi tiền để tìm kiếm ý tưởng qua các chuyến đi, qua các bài hát cổ điển chỉ nghe được trên đĩa than xưa cũ, họ phải research không chỉ là trên mạng mà là qua các buổi triển lãm, qua cả những nghiên cứu thực về văn hoá, lĩnh vực mình quan tâm. Với số khác, cảm hứng không phải điều dễ tìm kiếm, nhất là khi họ lấy ý tưởng từ chính đời sống của mình. Để tìm thấy “chân ái” sáng tạo của bản thân giữa đời thường cũng phải bỏ đi rất nhiều bản phác thảo cho đến khi cảm thấy ưng ý.

Một sự thật rất dễ nhìn thấy là các thiết kế của Môi Điên đều giới hạn trong 1 lần ra mắt và…vẫn phải chờ realease như bao thương hiệu khác. Điều đó chứng minh rằng Môi Điên có những tính toán nhất định cho các thiết kế, các bộ sưu tập, nhất là khi không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy vải vụn có thể tận dụng và kết hợp chúng, tạo hình chúng, xử lý chúng sao cho hợp lý nhất mà vẫn giữ được độ sáng tạo. Vậy thì không quá khó hiểu khi thời trang bền vững luôn có giá thành cao, nhất là khi chúng được thiết kế, không phải mượn ý tưởng rồi xào nấu như fast fashion. Với mức giá đó, Tom Trandt thấy phù hợp thì…nó phù hợp, bởi đó là sáng tạo của anh.

Vấn đề của Môi Điên và rác thải thời trang

So ra, các thiết kế của Môi Điên vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, thời trang và nghệ thuật đương đại nhưng vẫn rất dễ ứng dụng, ai cũng có khả năng mua và chẳng phải điều đó giúp nhân rộng thời trang bền vững hay sao – điều mà chúng ta luôn hướng đến? Hơn nữa, Môi Điên là thương hiệu giải quyết vấn đề rác thải trong ngành thời trang, Môi Điên không nói rằng mình có thể đảm bảo 100% các nguyên liệu đều là vải vụn được sử dụng lại. Trong các bộ sưu tập gần đây, Môi Điên đã dần dần nâng tổng số các thiết kế sản xuất từ rác thải ngày một nhiều hơn.

Để nói về quan điểm xử lý rác thải của Môi Điên, có lẽ thương hiệu này hướng đến việc tự mình xoay vần và giải quyết rác thải của chính mình trước, rồi mới giải quyết rác thải bên ngoài. Ngay cả khi thiết kế và cho ra mắt các tác phẩm từ rác thải, chúng ta vẫn sẽ để lại rác thải và quan trọng là làm thế nào để hạn chế tối đa việc đó mà vẫn có mới, có cũ trong vòng đời sản phẩm tại chính thương hiệu.

Việc tự mình không đào thải rác ra bên ngoài cũng là điểm đáng khen từ chính Môi Điên. Với thương hiệu này, thời trang bền vững trong mắt họ có thể hơi khác, bạn vẫn có thể làm đồ mới nhưng quan trọng là bạn không tạo ra rác và thu hồi rác thải từ bên ngoài để kết hợp thêm và tạo nên các sản phẩm khác ấn tượng hơn.

Đúng vậy! Nếu 10 thương hiệu cho ra sản phẩm mới nhưng chỉ có vài thương hiệu cho ra sản phẩm tái chế thì làm sao luân hồi vòng tuần hoàn thời trang 1 cách ổn định để có thể bảo vệ môi trường một đúng nghĩa? Hơn nữa, đó không phải là cách tối ưu khi chăm chăm vào việc tái chế rác thải, mỗi thương hiệu đều nên tự mình cố gắng không tạo ra rác thải và sử dụng lại chính rác thải của mình. Nhìn ở khía cạnh khác, không phải bất kỳ mảnh vải vụn nào cũng có thể tận dụng và thiết kế thành các sản phẩm hoàn mỹ và không phải thương hiệu/cửa hàng thời trang nào cũng biết cách tiết chế và tận dụng chính rác thải của mình.

Môi Điên cũng nói rằng, mình sử dụng rác thải để liên tục cho ra mắt các thiết kế cũ với những ai thật sự yêu thích nó thay vì tiếp tục ra sản phẩm mới.

Thời trang bền vững không phải là lĩnh vực quá quen thuộc với đa số mọi người. Để duy trì và tiếp tục phát triển Môi Điên hay bất kỳ thương hiệu nào cũng cần dòng vốn nhất định. Có thể sự kết hợp với Sunworld không phải vì mục đích thương mại mà vì vấn đề khác của riêng Môi Điên thì sao? Trên thế giới vẫn có Alexander McQueen chọn làm việc cho Givenchy để nuôi thương hiệu của mình thì biết đâu được Môi Điên cũng đang như thế.

Tóm lại, câu chuyện của Môi Điên không phải việc ai lên tiếng chỉ trích ai, ai lên tiếng tố cáo ai. Đó là những quan điểm và góc nhìn khác nhau giữa các nhà thiết kế, giữa những người nghiêm túc với thời trang. Có thể với Lê Ngọc Hà Thu, thời trang phải đi đôi với tính thời sự, phải ưu tiên cách xây dựng thương hiệu cá nhân đúng với tôn chỉ hoạt động hay đúng với tinh thần thời trang bền vững. Nhưng với Môi Điên thì khác và có lẽ chúng ta nên nhìn nhận thời trang bền vững với góc nhìn rộng hơn, đa chiều hơn và đừng quá cứng nhắc nhỉ?

Là một người yêu thích thời trang, bạn nghĩ gì về góc nhìn của nhà thiết kế Lê Ngọc Hà Thu lẫn cách nhìn của Môi Điên và những vấn đề mà Streetvibe đề cập? Hãy để lại bình luận và cho chúng mình biết ý kiến của bạn vì thời trang là không giới hạn cách chúng ta nhìn.

By VD

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here