Chuyện của Môi Điên – Góc nhìn thời trang hay cuộc tranh cãi giữa các nhà thiết kế? (Phần 1)

0

Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để xem xét liệu Môi Điên có đang đi chệch hướng hay không thay vì nhìn nhận vấn đề đó có phải là cuộc tranh cãi giữa các nhà thiết kế về góc nhìn thời trang!

Suốt những ngày qua, các tín đồ yêu thời trang hay chỉ đơn giản là những người quan tâm đến thời trang đều đang xôn xao trước sự việc có người lên tiếng tố cáo thương hiệu Môi Điên đã không đi đúng với tinh thần ban đầu đặt ra, sản phẩm không thật sự chất lượng hay tương xứng với giá tiền cũng như một số thông tin khác. Với mức độ nổi tiếng và nhận được sự ủng hộ lớn không chỉ đến từ các ban nhạc indie, nhiếp ảnh gia, biên tập viên thời trang, giám tuyển nghệ thuật, người mẫu… cho đến bất kỳ ai có nhu cầu thử nghiệm hoặc đào sâu phong cách cá nhân của mình; thì có lẽ thông tin này khiến cộng đồng thời trang cũng như Môi Điên hoang mang hơn bao giờ hết.

Dành cho những bạn chưa biết, Môi Điên là thương hiệu thời trang bền vững được thành lập bởi nhà thiết kế Tom Trandt, hướng đến một thế kỷ “xanh” trong ngành thời trang ứng dụng. Môi Điên tính đến nay đã ra mắt được 8 bộ sưu tập và phát triển với tiêu chí không sản xuất đại trà, không sử dụng nguyên liệu mới mà tái chế từ rác thải của những bộ sưu tập trước cũng như từ các thương hiệu khác.

Các thiết kế của Môi Điên được đánh giá là độc đáo, dễ ứng dụng, màu sắc trầm mặc được đan xen với nhau tạo nên hiệu ứng cổ điển đầy tính nổi bật trên các kiểu dáng mang đậm tinh thần Việt nhưng cũng rất hiện đại.

Còn Tom Trandt – một nhân vật không quá xa lạ với cộng đồng thời trang, người đã cho ra đời Môi Điên và có lý lịch trích chéo rất ấn tượng. Tốt nghiệp ngành thời trang từ Parsons School of Design tại New York – ngôi trường của những “tượng đài” như Marc Jacobs, Anna Sui, Jason Wu, Alexander Wang…, Tom Trandt (tên thật là Trần Minh Đạo) bắt đầu cho ra đời thương hiệu của riêng mình với đội ngũ chỉ vỏn vẹn 3 người cùng 4 bộ sưu tập/năm. Sau gần 4 năm, có thể thấy Môi Điên hoàn toàn tạo được hiệu ứng tốt trong làng thời trang Việt.

Chân dung nhà thiết kế Tom Trant

Vậy rốt cuộc thì chuyện gì đã xảy ra những ngày qua khiến Môi Điên phải lên tiếng thanh minh.minh?minh cho chính mình?

  • Môi Điên đã không còn là thương hiệu thời trang bên vững như cam kết?

Không cần tìm đâu xa, ngay trên story của chính chủ Thu Ngoc Ha Le, cô đã phân tích rất cặn kẽ và đưa ra các bằng chứng hoàn toàn thuyết phục cho những lập luận của mình về việc vì sao cô không thể tiếp tục ủng hộ Môi Điên. Trước hết, Môi Điên là thương hiệu thời trang bền vững có nghĩa Môi Điên ủng hộ việc bảo vệ môi trường, hướng đến cuộc sống xanh, sạch mà vẫn mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ. Thế nhưng vấn đề lại bắt nguồn từ việc nhà thiết kế Tom Trandt làm trang phục biểu diễn cho Sunworld Bana Hills – một tập đoàn khai thác du lịch dựa trên tinh thần lợi nhuận và gây hại đến môi trường một cách bất chấp. Vậy nên nhà thiết kế của Môi Điên bị quy chụp rằng đang cổ suý cho việc chạy theo lợi nhuận là một việc nhưng thương hiệu thời trang bền vững là một việc.

Thu Ngoc Ha Le cũng đã nói rõ, nếu Tom Trandt làm trang phục cho Sunworld theo hướng bền vững thì có lẽ ít nhiều cô không mấy hoài nghi về cách nhìn môi trường “xanh” của Tom Trandt trong thiết kế. Và có lẽ trước khi hợp tác, Tom Trandt không thật sự tìm hiểu quá nhiều về các tai tiếng của tập đoàn này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh chung của mình và Môi Điên như thế nào.

Nhưng đó chỉ mới dừng lại ở những yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan dẫn đến việc cô không cho rằng Môi Điên đang đi đúng hướng là vì các nguyên liệu thương hiệu này bán ra vẫn dùng mới và các sản phẩm tái chế chỉ là T-Shirt hay các mẫu túi vải thông thường. Cùng với đó, cô cũng cho rằng chất liệu vải gốc nhựa mà Môi Điên sử dụng cho một mẫu áo đã từng được rất nhiều người ưa chuộng không đạt đến ngưỡng giá mà thương hiệu này đặt ra. Và phải chăng Môi Điên “mang danh” thuơng hiệu thời trang bền vững để được chú ý?

Các phân tích, đánh giá của Thu Ngoc Ha Le về các thiết kế của Môi Điên
Cô cũng lấy ví dụ về thương hiệu thời trang bền vững khác và có sự so sánh nhất định về chất liệu, về cách thức mà thương hiệu này vận hành, mang đến những dịch vụ khác nhau để nâng vòng đời lâu dài nhất cho 1 sản phẩm.
Thu Ngoc Ha Le cũng muốn cho mọi người có cái nhìn công tâm hơn rằng có những thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam từ thiết kế đến việc xử lý chất liệu hoặc cách chọn chất liệu sản phẩm cũng có phần đặc biệt và tốt hơn rất nhiều so với Môi Điên. Thậm chí, cô cũng nêu rõ quan điểm như thế nào thì được gọi là thời trang bền vững và tiết kiệm nguyên liệu một cách đúng nghĩa.
Thậm chí có hẳn minh chứng về thương hiệu Đức chọn Việt Nam để làm thời trang bền vững

Và cuối cùng, Thu Ngoc Ha Le đã chốt lại vấn đề rằng, nếu các tín đồ yêu thời trang ủng hộ Môi Điên vì tính thẩm mỹ thì đây vẫn là thương hiệu xứng đáng với điều đó bởi các thiết kế không hề nhàm chán, có tính đột phá và mới mẻ, đủ để một người thể hiện cá tính, màu sắc và bản ngã của họ. Tuy nhiên để nói rằng ủng hộ Môi Điên là ủng hộ thời trang bền vững thì đây là điều hoàn toàn không thích hợp.

  • Đó không phải là những chỉ trích, đó là góc nhìn giữa các nhà thiết kế với nhau:

Có lẽ đọc đến đây bạn sẽ thắc mắc Thu Ngoc Ha Le là ai mà có thể lên tiếng “phơi bày” Môi Điên một cách ngang nhiên và tự tin đến thế. Nhưng nếu bạn tìm hiểu qua lý lịch trích chéo của cô bạn này thì bạn sẽ hoàn toàn bất ngờ.

Lê Ngọc Hà Thu là một nhà thiết kế thời trang bền vững, tốt nghiệp tại London College for Design & Fashion, Hanoi. Hà Thu theo đuổi thời trang bền vững như một cách kết hợp tình yêu dành cho nghệ thuật & thiết kế cũng như quan tâm đến những vấn đề môi trường. Cô tin rằng thời trang không chỉ đơn thuần là những chiếc váy xinh xắn được sản xuất dựa trên những sáng tạo của mình, mà đó còn là phương tiện cho những ý tưởng phức tạp mà cô muốn đề cập đến các vấn đề xã hội & môi trường.

Cô cũng từng đạt được một số giải thưởng chuyên môn tại các cuộc thi lớn/nhỏ ở các trường Đại Học. Từ 2016 cho đến nay, cô tham gia vào dự án sách sống đưa những người bị kỳ thị trở lại hòa nhập với cộng đồng – Human Library Vietnam. Bên cạnh đó, cô cũng là blogger của trang Vandalism in Vogue với mục đích nâng cao nhận thức về thời trang bền vững và hạn chế chạy theo các thương hiệu fast fasshion.

Với tất cả những kiến thức chuyên môn và những gì Lê Ngọc Hà Thu nghiên cứu, theo đuổi thời trang bền vững trong suốt nhiều năm qua, tất cả những người yêu thời trang hoàn toàn có cơ sở tin vào những vấn đề cô đã phơi bày trong bài viết của mình. Hơn ai hết, Hà Thu là người hiểu rõ cách thời trang bền vững vận hành và mỗi thương hiệu phải đạt những yếu tố như thế nào thì mới được xem là thời trang bảo vệ môi trường, hướng đến yếu tố “xanh” trong ngành công nghiệp ứng dụng.

Với vai trò là một nhà thiết kế nắm rõ tường tận từ chất liệu, cách xử lý và sản xuất chúng, Hà Thu có đủ tố chất và góc nhìn riêng để đánh giá hay nhận định thương hiệu nào đó dựa trên quan điểm của chính mình. Hay nói cách khác, giữa các nhà thiết kế với nhau, giữa những người yêu thích thời trang, yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật thì đó không phải là hành động chỉ trích hay cố ý gây thiệt hại đến danh tiếng thương hiệu, đó chỉ đơn giản là góc nhìn của một nhà thiết kế, của một người có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực.

Các thiết kế bắt mắt của Lê Ngọc Hà Thu

Hơn hết, với tư cách là một nhà hoạt động xã hội, Hà Thu là người hiểu rõ việc xây dựng hình ảnh cá nhân ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào lên thương hiệu. Đối chiếu với bản thân mình, Hà Thu theo đuổi các hoạt động vì môi trường xã hội và thời trang bền vững vì chúng có tính liên kết, bổ trợ cho nhau trong việc định hình thương hiệu cá nhân, xu hướng và tính cách mà cô quan tâm. Có lẽ vì thế mà khi Tom Trandt quyết định hợp tác với Sunworld đã phần nào ảnh hưởng đến góc nhìn chuyên môn, rằng thương hiệu cá nhân mà Tom Trandt xây dựng chỉ đến từ công việc và sự nghiệp của anh, không phải là bản ngã và là những gì mà Tom Trandt thật sự đang hướng đến.

Có lẽ chính yếu tố đó mà phần nào những người yêu thời trang hoàn toàn hoài nghi về cách mà Môi Điên xử lý các chất liệu của mình dù rằng chúng ta không thật sự có cái nhìn tổng quát và chắc chắn rằng Môi Điên không làm những điều đó. Có lẽ hơn ai hết, Tom Trandt và chính đội ngũ của anh mới là người biết rõ việc Môi Điên có thật sự đang vận hành đúng cách, đúng hướng hay không và lên tiếng sự việc theo cách của họ. Chỉ biết rằng những fan hâm mộ lâu nay của Môi Điên ít nhiều có chút thất vọng và vô tình hình thành áp lực đè lên các sáng tạo của Môi Điên.

Một yếu tố đáng chú ý khác, Tom Trandt là người có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn so với nhà thiết kế Lê Ngọc Hà Thu là hoàn toàn nhỉnh hơn. Bởi anh được học tập, va chạm môi trường và làm việc tại các thương hiệu, thị trường nước ngoài – ngay tại kinh đô thời trang của Mỹ. Vậy nên anh phải là người thấu hiểu rõ nhất việc vận hành Môi Điên sẽ gắn chặt thương hiệu cá nhân của mình. Chính Tom Trandt cũng từng trả lời phỏng vấn rằng, anh muốn người ta nhớ đến Môi Điên vì các sản phẩm thay vì thương hiệu của cá nhân anh. Nhưng cuối cùng, người ta vẫn luôn để ý một nhà thiết kế với lý lịch hoành tráng đằng sau, đưa Môi Điên tham gia trưng bày tại London Fashion Week 2019. Và thật khó tránh khỏi việc bị chú ý này.

Chúng mình không bênh vực hay cho rằng Môi Điên đã thật sự sai lầm trong câu chuyện này, bởi cũng giống như nhà thiết kế Lê Ngọc Hà Thu, Streetvibe cũng có những góc nhìn khác nhau, đa chiều hơn trong câu chuyện của Môi Điên. Hay rộng lớn hơn là nói về thời trang bền vững và những quan điểm khác biệt của các nhà thiết kế.

(Còn Tiếp)…

By VD

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here