Home Lifestyle Parkour: Bước nhảy liều lĩnh từ những “Dancer” đường phố

Parkour: Bước nhảy liều lĩnh từ những “Dancer” đường phố

0

Parkour gần như là một môn thể thao nhưng lại không được coi là thể thao, gần như một điệu nhảy nhưng cũng không được xếp cùng nhóm với loại hình nghệ thuật này. Parkour mang hơi hướng của võ thuật nhưng cũng không có “họ hàng” với võ thuật. Vậy chính xác “nó” là gì?

Parkour được biết đến vào đầu thế kỷ 20 ở nhiều nước trên thế giới. Vài năm gần đây, một bộ phận giới trẻ Việt mới thực sự dành sự quan tâm lớn cho môn “thể thao” đường phố này bên cạnh BMX, Skateboarding, Dancing… Hiện tại, trên cả nước có khá nhiều nhóm Parkour khác nhau. Tuy nhiên, các nhóm luyện tập sôi nổi hơn cả tập trung tại 2 thành phố lớn là Sài Gòn và Hà Nội.

Nguồn gốc môn nghệ thuật “di chuyển” Parkour

Parkour là một sự tổng hợp một cách sáng tạo của nghệ thuật di chuyển, võ thuật và trình diễn. Cụ thể, Parkour mang ý nghĩa: chạy, vượt chướng ngại vật một cách nghệ thuật, mạo hiểm nhưng phải an toàn khi tiếp đất. Bắt nguồn từ tiếng Pháp với tên gọi “Parcour” với nghĩa đen “The way through (Cách thức thông qua)” hoặc “The path (Đường dẫn)”; Parkour xuất phát từ giáo trình huấn luyện French Special Forces (Lính đặc nhiệm của Pháp) với tên gọi “Parcours du combattant”. 

Parkour khởi đầu từ môn thể thao được tập trong quân đội Pháp vào những năm 80 với mục đích thoát hiểm một cách “nhanh gọn” trong các trường hợp nguy cấp ở những địa hình phức tạp khác nhau. Sau đó, Parkour được David Belle sáng tạo thành bộ môn nghệ thuật di chuyển. Belle vốn là một diễn viên đóng thế, chuyên gia về võ thuật và thể thao. Những nỗ lực của Belle trong thuở sơ khai đã góp phần giúp Parkour phát triển phổ biến không chỉ trong giới quân sự. Sau này, nhiều cá nhân khác đã đóng góp và giúp Parkour nhanh chóng phổ biến ra khắp thế giới.

Giống như các loại hình nghệ thuật Breakdance/Hip Hop Dance, Parkour được xem là một môn nghệ thuật trong thế giới hiện đại của giới trẻ. Đặc điểm chính của Parkour là người thực hiện phải di chuyển thành thục thông qua các bước nhảy, nhào lộn… trên các địa hình không bằng phẳng khác nhau. Việc di chuyển này phải được thực hiện rất nhanh, can đảm và an toàn dựa trên kỹ năng của người thực hiện.

Sự hấp dẫn bắt nguồn từ việc chinh phục

Để gia nhập vào bộ môn không dành cho người yếu tim này, người chơi phải có sức khoẻ tốt và ưa mạo hiểm. Một điểm đặc biệt ở Parkour là sự hiệu quả trong việc di chuyển vượt chướng ngại vật. Nói cách khác là làm thế nào để di chuyển từ vị trí này đến vị trí nào đó một cách tối ưu nhất, chỉ dựa vào sức mạnh của cơ thể và sự linh hoạt tránh các vật cản trong môi trường.

David Belle từng nói Parkour mang tinh thần can đảm không liều lĩnh. Đó là sự can đảm của một người hiểu rõ khả năng của mình, dám chinh phục thử thách, không rụt rè và luôn đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình. Những hình ảnh trong các đoạn phim quảng cáo luôn nói về những gã “người nhện” leo tường và bay qua mái nhà.

Nhưng Parkour không hẳn là vậy. Parkour không “khuyến khích” người ta nhảy từ nóc nhà này sang nóc nhà khác. Parkour là môn thể thao đặt sự an toàn lên hàng đầu bởi xuất phát điểm của nó là để thoát hiểm. Bạn chỉ cần bay qua một chướng ngại thấp nhưng phù hợp với khả năng của bản thân. Sự kỳ diệu của Parkour nằm ở phía sau cuộc chinh phục. Đó là lúc mỗi người bắt đầu khám phá những khả năng của chính mình, khám phá “thế giới” xung quanh.

Một số kỹ thuật cơ bản trong Parkour

1/ Landing (tiếp đất)

Một trong số những bài học nhập môn trong “giáo trình” Parkour chính là tiếp đất sao cho an toàn mà không bị hỏng, vỡ bất cứ bộ phận nào trên cơ thể.

2/ Walk Run (chạy bám tường)

Walk Run đúng như tên gọi của nó, hãy tưởng tượng bạn là các nhẫn giả và dựa vào tường hoặc chướng ngại vật để làm “bàn đạp” tạo lực nhảy cho các bước di chuyển nhanh nhẹn của mình.

3/ Walk Flip (nhào lộn)

Không chỉ đơn giản thích là nhào lộn. Parkour cần bạn có kỹ thuật nhào lộn chính xác, dựa vào tường hoặc chướng ngại vật bất kỳ làm điểm tựa rồi tạo nên cú nhào lộn tiếp đất sao cho an toàn và giảm bớt trọng lực của bản thân.

4/ Cat Balance (giữ thăng bằng)

Một trong những yếu tố không thể thiếu ở sân chơi này chính là sự cân bằng. Bởi vì kỹ thuật này quan trọng trong việc bạn tiếp đất, hoặc leo trèo bám thành ở những địa hình hiểm trở. Hãy tưởng tượng bạn là một chú mèo uyển chuyển nhảy từ điểm này sang điểm kia mà không bị nghiêng ngã sang hai bên.

5/ Precision Jump (chọn điểm rơi)

Chọn điểm rơi sao cho phù hợp và ước tính được khoảng cách từ nơi này sang nơi kia chính là kỹ thuật không thể thiếu của bất kỳ Traceur.

Xuất hiện và phát triển tại Việt Nam

Du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2006 qua những đoạn phim được đăng trên BBC, báo chí và internet – Parkour – với đặc tính dễ chơi, dễ học, đã có những bước phát triển đầu tiên đáng ghi nhận. Hiện nay đã có 5-6 câu lạc bộ Parkour đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Sau 8 năm, Parkour ở Hà Nội đã thu hút hàng trăm người chơi. Câu lạc bộ nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất là Joker với khoảng 50 thành viên.

Phạm Việt Trung, sinh viên năm tư Đại học mở, du học sinh từ Ba Lan, một trong những thủ lĩnh của Joker, người có vai trò quan trọng trong việc đặt những nền móng đầu tiên cho Parkour Việt Nam, chia sẻ: “Người Việt Nam nói riêng hay người châu Á nói chung có nhiều tố chất cho môn thể thao này. Parkour Việt Nam hiện cũng đã có những dấu ấn đầu tiên với các nước trong khu vực. Những quốc gia Parkour hàng đầu thế giới như Pháp, Anh cũng đã biết tới Parkour Việt Nam.

Những hoạt động giao lưu, thi đấu giao hữu Parkour đầu tiên cũng đã được tổ chức. Nhưng do hạn chế về số lượng người chơi, các cuộc thi vẫn khá lẻ tẻ, chưa có kế hoạch thường niên, chưa được đầu tư mạnh mẽ và không thu hút được sự chú ý. Đó cũng là trăn trở của Việt Trung và các bạn bè: “Mình kỳ vọng Parkour được nhiều người biết tới, được nhiều người quan tâm hơn vì nó sẽ giúp cho chúng mình có được sân chơi bổ ích và lành mạnh.”

Trích Vietnamplus

No comments

Leave a reply Cancel reply

Please enter your comment!
Please enter your name here

Exit mobile version