“Old Money” và “New Money”- hai cụm từ này có nghĩa là gì? Nếu bạn còn chưa biết thì hãy để Street Vibe giải đáp cho bạn nhé!
Old Money là gì?
“Old Money’’ hay còn có thể dịch là “Tiền cũ” – đây là cụm từ ám chỉ những gia tộc gốc da trắng giàu có lâu đời, qua nhiều thế hệ; đặc biệt, những gia tộc này cho đến tận ngày nay vẫn giữ được địa vị rất cao trong xã hội. Có thể nói, những đứa trẻ Old Money sinh ra đã “ngậm thìa vàng” và được định sẵn sẽ thừa kế khối tài sản kếch xù. Chúng học tập ở trường tư thục và khối trường Ivy League từ bé, có lối ứng xử chuẩn mực, tao nhã.
Điều đặc biệt là cụm từ này không hề nổi bật ở những quốc gia có tầng lớp quý tộc, thay vào đó nó nổi bật nhất ở những nơi có tầng lớp xã hội ưu tú có địa vị gần như là một tầng lớp quý tộc. Ngày nay, chỉ có những gia tộc giàu có từ “Thời kỳ mạ vàng” (1870 – 1900) – những năm bùng nổ kinh tế ở Mỹ mới được gọi là “Old Money’’.
Ở Mỹ, nhắc đến Old Money, người ta nghĩ ngay đến khu Upper East Side ở quận Manhattan, thành phố New York. Nơi đây có lịch sử phát triển sớm hơn so với phần còn lại của thành phố, đó là lý do những gia đình giàu có lâu đời tập trung tại đây, biến Upper East Side trở thành nơi có nhiều người dân New York giàu có sinh sống nhất và cũng là nơi xa hoa bậc nhất.
New Money là gì?
Trái ngược hẳn với những người được gọi là Old Money – những người sinh ra từ vạch đích. Cụm từ “New Money’’ hay “Tiền mới” lại chỉ nhóm nhà giàu mới nổi, tự thân vận động, không cần tới tài sản của gia đình; hoặc những người được thừa kế của cải từ thế hệ đầu. Ví dụ như ở Trung Quốc có từ “phú nhị đại’’ cũng có ý nghĩa tương tự, chỉ con cái của những “phú nhất đại” – thế hệ giàu thứ nhất.
Khác với Old Money, hầu hết những New Money đều không kiểm soát được cách họ thể hiện sự giàu có của mình. Vì vậy, những người sở hữu “tiền cũ” có xu hướng coi những người “tiền mới” là người thuộc tầng lớp hoặc địa vị xã hội thấp hơn. Đó là lý do cụm từ “New Money’’ thường mang sắc thái chế giễu, khinh thường.
Không chỉ vậy, cách New Money nói về thời trang của bản thân cũng phản ánh sự khác biệt lớn với Old Money. Giới “Tiền cũ” thường vụng về khi nhắc đến việc mua sắm hay lựa chọn “quiet luxury” – không quá phô trương nhưng vẫn sang trọng. Riêng giới “tiền mới” lại chuyên nghiệp và không ngại thể hiện bản thân như một Hypebeast chính hiệu.
Old Money và New Money trong khía cạnh thời trang
Phối đồ kiểu “Old Money”?
Nếu gọi Old Money và New Money là phong cách thời trang thì điều đó vẫn chưa bao quát và đầy đủ. Xét về nghĩa, Old Money hay New Money là những danh từ nói đến hai kiểu tầng lớp giàu có trong xã hội. Gần như mọi video về hướng dẫn mặc đồ như giới Tiền Cũ trên TikTok chỉ kiểu phối dựa theo aesthetic của những người thuộc tầng lớp này. Bạn có thể phối đồ như một Old Money nhưng chưa chắc bạn thật sự là một Old Money.
Old Money và Preppy Style là một?
Như đã đề cập phía trên, những đứa trẻ thuộc tầng lớp Tiền Cũ sẽ được gia đình cho theo học tại các khối trường Ivy League. Còn thuật ngữ “Preppy Style” cũng được hình thành từ thời trang/cách ăn mặc của những đứa trẻ theo học tại Ivy League. Vì vậy, xét về bối cảnh lịch sử, thời trang của giới trẻ thuộc tầng lớp Old Money có thể được gọi là Preppy Style.
Old Money aesthetic: Càng đơn giản, càng quyến rũ
Ở Old Money, họ chú trọng vào vẻ đẹp tri thức, thanh lịch, chuẩn mực và ít phô trương. Hình ảnh của họ gắn liền với những dinh thự cổ kính, xe cổ, những môn thể thao dành cho giới nhà giàu như đua ngựa, golf,… Vậy nên những món đồ cổ điển có chất lượng cao như blazer tweed của Chanel, áo polo của Ralph Lauren, túi xách Delvaux,… sẽ là lựa chọn hàng đầu của Old Money.
Bảng màu Old Money sử dụng nghiêng về những màu sắc trung tính. Về chất liệu, họ ưu tiên sự thoải mái và dễ chịu như cotton, cashmere, len,… Đặc biệt, đó phải là đồ được thiết kế có logo nhỏ hoặc không để nhãn mác ở vị trí dễ nhìn thấy. “Quiet Luxury” là những gì họ hướng đến khi ăn mặc – không phô trương nhưng vẫn sang trọng.
New Money aesthetic: Càng chơi trội, càng đẹp
Với New Money, những thiết kế phóng đại và có logo thương hiệu rõ ràng sẽ là lựa chọn hàng đầu. Chẳng hạn như trang phục của Gucci, Louis Vuitton,… hay bất kì thương hiệu nào mang tính biểu tượng và dễ nhận biết. Không giống như Old Money thích sự cổ điển, New Money sẵn sàng thử nghiệm các phong cách thời trang mới và chạy theo xu hướng. Nhìn chung, thời trang của “tiền mới” gợi cảm và đầy tính “flexing” hơn nhiều so với “tiền cũ”.
Bảng màu New Money sử dụng cũng phong phú hơn hẳn Old Money khi họ không loại trừ bất cứ loại màu sắc nào trong trang phục. Nhiều khả năng là những trang phục in hoa văn, màu neon và hơn thế nữa. Và tất nhiên cũng không thể thiếu những món đồ được dát vàng và đính kim cương lấp lánh.