Nameneko: Những chú mèo bất trị khuấy đảo thời trang Nhật Bản thập niên 80

0

Thập niên 80, Nhật Bản là mảnh đất màu mỡ của đủ thứ trào lưu thể hiện sự ngông cuồng, quậy phá. Đường phố Tokyo mỗi đêm sáng rực ánh đèn neon cùng tiếng pô xe của những tay bosozoku vang lên ầm ầm, kéo theo từng nhóm yankii tóc nhuộm sáng cười nói hổn hển, để lại mùi thuốc lá lan dài trong không khí.

Giữa khung cảnh ấy, bỗng nổi lên một “tay chơi” nhỏ xíu, phủ đầy lông, nhưng ánh mắt lại “kiêu ngạo” không thua bất cứ ai. Đó chính là Nameneko: những chú mèo mặc biker jacket, ngồi tựa hờ trên mô hình xe máy, lười biếng ngáp dài như muốn nói với cả thế giới: “Namennayo – Đừng có mà xem thường tao.”

Từ vài tấm ảnh kỳ quặc, Nameneko nhanh chóng trở thành biểu tượng đường phố, xuất hiện trên poster, thẻ học sinh giả, sticker, rồi len lỏi tận thế giới thời trang. Để rồi suốt hơn 40 năm, hình bóng những chú mèo bất trị ấy vẫn sống mãi, như lời nhắc rằng nổi loạn cũng có thể rất dễ thương.

Nameneko là gì?

Nameneko – hay còn gọi Namennayo (なめ猫) – là một thương hiệu ảnh mèo nổi loạn do nhiếp ảnh gia Nhật Bản Satoru Tsuda sáng lập vào đầu thập niên 80. Dưới ống kính của Tsuda, những chú mèo thật được khoác lên mình quần áo mini rồi đặt vào các tiểu cảnh tí hon – từ bàn học, quầy bar cho đến mô hình xe máy – tạo nên những diorama “chuẩn người” nhưng cũng vô cùng ngông nghênh.

Nameneko không phải kiểu mèo đáng yêu ngoan ngoãn. Đây là những “kẻ bất trị” thực thụ. Ngay từ những bức ảnh đầu tiên, chúng đã xuất hiện với đủ trò tinh quái: hút thuốc trong nhà vệ sinh trường học, nhập băng đua xe máy, hay tranh tài trong các cuộc thi âm nhạc kiểu “battle of the bands” sặc mùi nổi loạn.

Trong tiếng Nhật, “Namennayo” nghĩa đen là “Đừng có mà liếm tao!”, nhưng trong ngữ cảnh giang hồ, nó lại hàm ý “Đừng có mà xem thường tao!” — một lời cảnh cáo ngắn gọn, thẳng thừng, đầy thách thức. Đây chính là slogan hoàn hảo cho những chú mèo gangster của Tsuda.

Để tạo phong cách, Tsuda cho mèo mặc đúng những bộ đồng phục của yankii (thanh niên bất cần) thập niên 80. Các chú mèo “banchō” – kiểu nam sinh đầu gấu – thì đeo băng tay, băng trán, mặc áo school blazer (gakuran) quân đội cài hờ vài nút, ngầm “giơ ngón tay” vào mặt trường học. Mèo “sukeban” – hình tượng nữ sinh nổi loạn – thì diện sailor uniform với chân váy kéo dài, áo lửng, phá tan mọi chuẩn mực nội quy.

Bén duyên với những chú mèo hoang

Ít ai biết rằng trước Nameneko, Satoru Tsuda vốn không ưa mèo chút nào. Theo website chính thức của thương hiệu, ông nuôi đủ loại thú trên sân thượng studio: chó, thỏ, rùa, vịt, hamster, bồ câu… Nhưng mèo hoang thì hay mò lên phá tổ chim của ông, khiến Tsuda rất bực.

Mọi thứ thay đổi vào năm 1979, khi Tsuda bắt gặp bốn chú mèo con bị bỏ rơi gần tiệm giặt ủi gần nhà. Ông mủi lòng đem về, đặt tên một chú là Matakichi, theo tên tiệm giặt. Matakichi đặc biệt thích chui vào đống quần áo búp bê mà bạn gái Tsuda để lại. Và chính khoảnh khắc ấy – mèo nhỏ mặc váy búp bê – đã cho Tsuda ý tưởng táo bạo: “Biến chúng thành những con người bất trị”.

Bức ảnh đầu tiên của Tsuda chụp Matakichi mặc đồ biker, bên cạnh slogan: “All Japan Fast Feline Federation – You Won’t Lick Us!”, (tạm dịch: “Liên đoàn Mèo Tốc Độ Toàn Nhật – Đừng hòng xem thường bọn tao!”) nhanh chóng gây sốt.

Kết hợp gương mặt mèo non nớt, đôi mắt ngơ ngác với không khí ngổ ngáo phản văn hóa, lại đúng lúc Nhật Bản bùng nổ tiêu thụ pop culture, poster đầu tiên của Nameneko đã bán được hơn 8 triệu bản. Sau đó, hình ảnh những chú mèo bất trị xuất hiện trên hơn 500 loại sản phẩm khác nhau: bưu thiếp, sách ảnh, giấy viết thư, đồng hồ, huy hiệu, băng video, thậm chí cả bằng lái xe giả dành cho mèo.

Tấm gương phản chiếu sub-culture Nhật

Ở một góc độ nào đó, Nameneko chính là một tấm gương nhỏ phản chiếu subculture Nhật Bản suốt bao thập niên – nơi tinh thần nổi loạn luôn song hành cùng niềm đam mê những thứ dễ thương. Ta đã thấy áo khoác da oversized, cài lệch nút là dấu hiệu nhận diện rõ nhất của bosozoku – những tay đua xe máy lang bạt, sẵn sàng lạng lách qua mọi con phố đêm Tokyo, để lại mùi xăng và tiếng pô nổ dữ dội như lời thách thức. Quần phồng, giày boot cao, cổ áo dựng đứng gợi ngay đến yankii – hình tượng nam sinh “đầu gấu” phá bỏ hình ảnh học trò nhu mì mà hệ thống giáo dục Nhật vốn ra sức áp đặt. Còn váy đồng phục dài phết gót, khăn quàng lỏng lẻo là bóng dáng sukeban – các nữ sinh nổi loạn kéo băng đi khắp phố, chứng minh rằng sự mềm mại không có nghĩa là ngoan ngoãn.

Từng chi tiết trang phục ở Nameneko đều mang tính chất biểu tượng, được thiết kế để “thách thức” – dù chỉ là việc cài lệch nút áo hay thả lỏng cà vạt. Đó là những phá cách rất nhỏ, nhưng đủ để người mặc tuyên bố ngầm rằng họ không chấp nhận lề thói. Và chính việc đặt những món đồ nổi loạn ấy lên cơ thể mềm mại, mong manh của mèo – một sinh vật vốn gắn liền với hình ảnh dễ thương, bị ve vuốt, thuần phục – đã tạo nên một cú đảo ngược cực kỳ thú vị. Sự đối lập ấy khiến thông điệp chống lại chuẩn mực càng thêm tinh quái, gần như trở thành một kiểu “hài đen” rất Nhật: một chú mèo nhỏ, khoác biker jacket, nheo mắt nhìn bạn như muốn nói: “Đừng tưởng tao dễ thương mà muốn làm gì thì làm.”

Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật – một xã hội vốn đặt nặng trật tự, vai vế, đồng phục, lễ nghi – lại bị mê hoặc bởi hình tượng này đến vậy. Nameneko cho phép họ thưởng thức sự nổi loạn theo một cách vô hại, thậm chí đáng yêu. Nó giống như một tấm gương phản chiếu mặt trái của chính họ: khao khát thoát khỏi khuôn phép, phá rào, lén lút nổi loạn – nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, không cần đánh mất cái “kawaii” mà họ yêu say đắm.

Và có lẽ cũng chính vì vậy mà suốt hơn 40 năm qua, Nameneko vẫn tồn tại như một “linh vật” tinh quái của street culture Nhật Bản. Nó không chỉ nhắc rằng dễ thương cũng có thể ngang tàng, mà còn chứng minh: nổi loạn cũng có thể rất đáng yêu.

Từ hiện tượng đường phố đến biểu tượng pop culture

Chỉ sau tấm poster đầu tiên phát hành, Nameneko đã bán được hơn 8 triệu bản, phủ sóng khắp cửa hàng tiện lợi, sạp báo, tủ sách học sinh Nhật Bản. Nó nhanh chóng vượt qua ranh giới một bộ ảnh dễ thương, trở thành hiện tượng văn hóa thực thụ. Thêm nữa, một năm sau khi thành lập vào năm 1981, Nameneko đã hợp tác với Văn phòng Quan hệ Công chúng Nhật Bản để chọn mèo làm linh vật cho chiến dịch. Quảng cáo chiến dịch cuối cùng đã được đăng trên tờ Nikkei, một trong bốn tờ báo quốc gia tại Nhật Bản. Ngay sau đó là cả một đế chế merchandise: thẻ học sinh giả in hình Matakichi, sổ tay, móc khóa, bưu thiếp, đồng hồ, sticker dán xe, thậm chí là game 8-bit trên máy Family Computer. Đi đâu cũng thấy chú mèo Matakichi nheo mắt ngạo nghễ, ngồi khoanh tay trên xe máy mini.

Và đừng quên: tất cả diễn ra vào năm 1980, thời mà chưa có định nghĩa về meme, chưa có Instagram hay TikTok để viral chỉ sau một đêm. Nameneko chính là một “meme sống động nguyên thủy” — được dựng concept, styling, ánh sáng chỉn chu chẳng kém một editorial photoshoot. Nếu ngày nay chúng ta có thể share nhau video mèo đội nồi cơm, thì ở Nhật thời đó, Nameneko chính là thứ mà cả quốc gia truyền tay, dán vào sổ, trêu chọc nhau, biến thành trò đùa tập thể.

Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, những ảnh hưởng của Nameneko vẫn len lỏi đâu đó trong văn hóa Nhật. Nó xuất hiện trên những chiếc áo graphic streetwear bày bán ở Harajuku — khu phố thời trang nổi loạn nhất Tokyo — với hình mèo khoác jacket, cười khẩy trên ngực áo. Nó hóa thân thành sticker LINE, thành áo thun của ACDC RAG, thành những figure retro mà dân chơi đồ cổ săn lùng.

Hình ảnh được chuyển thể từ: Satoru Tsuda, GignoSystem Japan, Inc. và LINE Corporation

Đến mức năm 2016-2018, Nameneko còn được hồi sinh thành concept cho nhóm idol Harajuku – Namennayo Harajuku (なめんなよ原宿), vào năm 2016. Mặc dù đội hình đã thay đổi nhiều lần, nhóm đã được xác nhận bao gồm 5 thành viên: Yūki Akimoto, Yumi Yamanōchi, Mami Aikawa, Norika Ichimiya và Mikuna Koshimizu, nơi các cô gái mặc sukeban uniform, đội tai mèo, nhảy EDM trên sân khấu. Điều đó chứng tỏ Nameneko không chỉ là một cơn sốt rồi biến mất, mà đã trở thành một biểu tượng nhỏ của subculture Nhật — cứ lâu lâu lại được lôi ra phá phách thêm lần nữa.

Để tránh bị lên án ngược đãi động vật, website chính thức của Nameneko đã dành hẳn mục giải thích rõ: mỗi chú mèo chỉ pose tối đa 10 phút, chỉ 1-2 buổi chụp/tuần để không stress. Những shot hình trông như đang đứng thật ra chỉ là chúng ngồi thẳng trên hai chân sau, còn trang phục chỉ là áo liền mảnh cài sau, không gò bó. Nhờ vậy Tsuda chưa từng bị cáo buộc vi phạm quyền động vật.

Khi sang Mỹ giữa thập niên 80, nhờ tình yêu của người Mỹ dành cho những món kitschy (dễ thương lố bịch), Nameneko — giờ được đổi tên Perlorian (chơi chữ “purr” + “pelorian”, ý chỉ sự bất ngờ của cái bình thường hóa điều phi lý) — tiếp tục xuất hiện trong sách thiếu nhi, thẻ bài, tranh in. Tuy không tạo cú nổ lớn như ở Nhật, nhưng cũng trở thành một nét duyên pop culture nho nhỏ.

Tuy bốn chú mèo đầu tiên đã qua đời vì tuổi già, nhưng di sản mà chúng để lại vẫn còn nguyên sức sống, tiếp tục được yêu thích ở khắp nơi trên thế giới. Thật khó tin khi nghĩ rằng những sinh vật nhỏ bé ấy đã đi từ con số không — chỉ là mấy con mèo hoang vô danh — để rồi trở thành những “anh hùng” văn hóa, khoác lên mình cả một tinh thần nổi loạn mà con người cũng phải ngước nhìn.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here