Kimono không chỉ là một biểu tượng văn hóa Nhật Bản, mà còn là một thực thể thời trang toàn cầu – không ngừng biến chuyển, hội nhập và tái sinh.
Khi nhắc đến thời trang, nhiều người mặc định đó là đặc quyền của phương Tây – nơi Paris hay Milan được xem như “thủ phủ” của sự đổi mới. Còn trang phục truyền thống như kimono lại bị gắn mác bất biến, bảo thủ, nằm ngoài dòng chảy hiện đại. Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá trình phát triển hơn 400 năm qua, ta nhận ra: kimono không chỉ là một biểu tượng văn hóa Nhật Bản, mà còn là một thực thể thời trang toàn cầu – không ngừng biến chuyển, hội nhập và tái sinh.
Lịch sử Kimono – từ nghi lễ đến biểu tượng văn hóa
Xuất hiện từ thời Heian (794–1185), kimono ban đầu được gọi là kosode – nghĩa là “ống tay ngắn” và là kiểu áo lót mặc trong trang phục của giới quý tộc. Qua thời kỳ Edo (1603–1867), dù Nhật Bản “đóng cửa” với thế giới, kimono vẫn như một phần của hệ sinh thái thời trang toàn cầu. Người Nhật tiếp nhận và biến đổi các chất liệu từ Trung Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, thậm chí là châu Âu để tạo ra những bộ kimono đậm tính thẩm mỹ và giàu dấu ấn quốc tế. Những kỹ thuật nhuộm, dệt và trang trí tinh vi đã biến kimono thành “canvas sống” phản ánh thị hiếu và địa vị xã hội.


Từ thế kỷ 17, kimono vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản để trở thành biểu tượng của sự huyền bí và tinh tế phương Đông trong mắt người châu Âu. Từ chiếc banyan mà các học giả châu Âu mặc khi đọc sách, đến những thiết kế haute couture của Paul Poiret, kimono ảnh hưởng mạnh mẽ đến hình dáng, cấu trúc và triết lý của thời trang phương Tây hiện đại – nơi tự do, thoải mái và phi cấu trúc lên ngôi.


Đi kèm với form dáng đối xứng, không cắt xẻ là một hệ thống ngôn ngữ phi lời: màu sắc, kiểu gấp, và đặc biệt là họa tiết wagara – những họa tiết truyền thống như sóng Seigaiha, mây Kumo, hoa anh đào, sóng nước, chim hạc..được in trên kimono. Tất cả không đơn thuần là trang trí, mà đều chứa đựng ý nghĩa biểu tượng như may mắn, thịnh vượng, sự bảo hộ hay luân hồi.
Vậy nên, kimono không hề “bị vay mượn” hay “chiếm dụng”, mà đã chủ động len lỏi và truyền cảm hứng cho dòng chảy thời trang toàn cầu.
Kimono trong dòng chảy thời trang hiện đại
Trong phần lớn thế kỷ 20, kimono từng bị xem là lỗi thời khi Nhật Bản theo đuổi hiện đại hóa phương Tây. Nhưng bắt đầu từ những năm 1980s, dòng chảy thời trang đã quay trở lại tìm kiếm giá trị gốc rễ, dẫn đến sự trỗi dậy của các nhà thiết kế như Rei Kawakubo (Comme des Garçons), Issey Miyake, và Yohji Yamamoto – những người không tái hiện kimono theo nghĩa đen, mà tái cấu trúc lại tinh thần của nó: form dáng buông lơi, triết lý “khoảng lặng” (ma), và sự tiết chế trong màu sắc, họa tiết. Từ đó, kimono không còn là trang phục bị “bảo tồn trong bảo tàng” – nó bước lên sàn diễn thời trang quốc tế như một yếu tố đương đại, sống động, có khả năng tương tác và thích nghi.


Ví dụ tiêu biểu là bộ sưu tập Kenzo Fall/Winter 2023, nơi giám đốc sáng tạo Nigo đưa hình bóng kimono vào các thiết kế hybrid: áo khoác tay rộng mang form kimono được cắt may tinh tế, phối cùng quần suông và sneaker – một bản phối táo bạo giữa nghiêm cẩn và phóng khoáng.



Trên các sàn diễn lớn, từ Tokyo Fashion Week đến Paris Haute Couture, kimono không còn bị đóng khung trong hình ảnh xưa cũ. Điển hình là Jotaro Saito – một trong những nhà thiết kế tiên phong – đã không ngừng đưa kimono lên sân khấu thời trang với góc nhìn trẻ trung và phá cách. Trong khi đó, thương hiệu Hiroko Takahashi chọn ngôn ngữ hình học tối giản để tái hiện kimono trong các sàn diễn concept-art, mở ra một lối nhìn mới – nơi kimono trở thành tác phẩm nghệ thuật chuyển động.



Sự xuất hiện của kimono trong thời trang hiện đại không chỉ là dấu hiệu của “hồi sinh văn hóa”, mà còn là một tuyên ngôn về việc định nghĩa lại di sản theo cách của thế hệ hôm nay. Kimono không còn nằm yên trong tủ thờ hay lễ hội – nó đi trên phố, bước lên runway, sống lại trong studio của những nhà thiết kế trẻ, và tồn tại như một phần trong cuộc sống thường nhật – nhưng mang theo những lớp nghĩa sâu sắc về lịch sử, ký ức, bản sắc.
Kimono trong thời trang đường phố
Không chỉ dừng lại ở sàn diễn, kimono còn len lỏi vào từng ngõ ngách của thời trang đường phố – nơi cá tính được đề cao và quy tắc được tái định nghĩa mỗi ngày. Trong thế giới streetwear, kimono không còn là trang phục “mặc đúng – mặc chuẩn” theo kiểu truyền thống, mà trở thành item phá cách, đa dụng và giàu biểu tượng. Nhiều local brand tại Tokyo đã “thành phố hóa” kimono bằng cách thu gọn form dáng, kết hợp chất liệu kỹ thuật như nylon, denim, jersey hay da bóng. Thay vì obi truyền thống, người ta phối kimono với belt quân đội, giày thể thao, snapback và layer cùng hoodie hay áo tank top – tạo nên một ngôn ngữ thị giác vừa ngẫu hứng, vừa ý nhị. Streetwear cho phép kimono sống với một nhịp thở hoàn toàn mới: nổi loạn nhưng vẫn mang hồn cốt văn hóa.





Sự dịch chuyển này cũng tạo cơ hội cho các BST nội địa Việt Nam tiếp cận kimono như một nguồn cảm hứng mở – không nhằm tái hiện nguyên bản di sản, mà chọn lọc tinh thần để đưa vào thiết kế đương đại, như “Wagara no Kaze” – một bộ sưu tập thời trang mặc nhà của Maison de Chi, lấy cảm hứng từ kimono và họa tiết wagara. Không còn bị giới hạn bởi quy tắc mặc truyền thống, kimono trong Wagara no Kaze được lược giản, tạo form nhẹ nhàng, dễ chuyển động, phù hợp với lối sống thành thị hiện đại.


Ngoài ra, các thương hiệu quốc tế như Visvim, Mordecai, Kapital, Kenzo… cũng từng trình làng các thiết kế mang form dáng kimono nhưng phủ tinh thần đường phố đậm đặc – với hình in graffiti, patchwork thô ráp, hay các dòng chữ kanji phản kháng mạnh mẽ hoặc tái cấu trúc kimono. Visvim đã kết hợp cảm hứng từ văn hóa Nhật Bản và Mỹ bản địa trong các thiết kế kimono của mình. Một ví dụ điển hình là chiếc áo kimono bằng len trong bộ sưu tập Thu/Đông 2015, được phát triển sau khi nhà thiết kế Hiroki Nakamura tìm thấy một chiếc chăn của người Mỹ bản địa từ hàng trăm năm trước. Thiết kế này mang đến sự kết hợp giữa phong cách truyền thống và hiện đại, tạo nên một sản phẩm độc đáo và ấn tượng. Trong mắt giới trẻ, kimono giờ đây không còn là “món đồ của ông bà” mà là biểu tượng của cá tính và thái độ thời trang.




Không khó để bắt gặp hình ảnh một bạn trẻ Nhật Bản mặc kimono jacket, đội mũ bucket và đeo tai nghe khi lướt qua Shibuya hay Harajuku. Kimono trong streetwear là lời khẳng định rằng: văn hóa không phải thứ cất giữ trong bảo tàng, mà là thứ phải sống, phải chuyển động và phải được cảm.


Dù bước lên sàn diễn haute couture, trở thành điểm nhấn trong các bộ sưu tập mang tầm quốc tế, hay len lỏi trong từng ngóc ngách của thời trang đường phố, kimono vẫn luôn giữ được chất thơ, chiều sâu văn hóa và tinh thần tái tạo không ngừng. Mỗi nhà thiết kế, mỗi bộ sưu tập đều là một lát cắt mới của hành trình kimono trong thế giới đương đại.
Kimono giờ đây không còn chỉ là một biểu tượng truyền thống được lưu giữ nguyên vẹn, mà là ngôn ngữ sống động của bản sắc, cá tính và cảm xúc. Giữa nhịp sống hiện đại, nó không chỉ được khoác lên người, mà còn là cách con người kể câu chuyện về chính mình – thông qua từng lớp vải, từng đường cắt, từng motif wagara gợn sóng quá khứ và hiện tại.
Và có lẽ, chính trong sự lặng lẽ mà kiên cường ấy, kimono đang viết tiếp hành trình mới – một hành trình mà truyền thống không hề bị cũ đi, mà càng được mặc, càng sống, càng tỏa sáng.