Dù không sở hữu bằng cấp chuyên ngành về lĩnh vực thời trang, vẫn có vô số nhà thiết kế đã trở nên thành công và danh tiếng trong giới mộ điệu.
Người ta vẫn thường nói, đôi khi ở cuộc sống này, chúng ta sẽ phải làm những nghề nghiệp khác xa những gì đã học ở đại học. Và ngành thời trang cũng không phải trường hợp ngoại lệ chứng minh cho câu nói trên. Nhìn vào những giám đốc sáng tạo thuộc các thương hiệu nổi tiếng hiện nay, chúng ta có thể chia họ thành hai nhóm.
Nhóm đầu tiên chính là những người đã dành thời gian để học tập, nghiên cứu về may mặc, thời trang ở các trường đại học hay học viện thuộc lĩnh vực này và có bằng cấp chứng nhận cho điều đó. Và nhóm còn lại, những cá nhân dấn thân vào công việc thiết kế thời trang bằng một cách tình cờ.
Với những trường hợp ở nhóm thứ hai, có vô cái tên lỗi lạc mà chúng ta không thể bỏ qua. Cái tên đầu tiên có thể cái đến chính là giám đốc sáng tạo của Prada – Miuccia Prada. Trước đây, bà chọn theo học tại Chính trị ở Đại học Milan và thậm chí là học diễn xuất tại Piccolo Teatro. Sau đó, Miuccia thay thế người ông Mario để quản Nhà mốt nổi tiếng này và sự nghiệp thiết kế của bà bắt đầu từ đây.
Nhắc đến việc kế thừa “di sản” từ người thân, Donatella Versace cũng là trường hợp tương tự. Sau cái chết vì bị ám sát của người anh Gianni, Donatella đã tiếp tục xây dựng và phát triển Versace thay vì để nó lụi tàn.
Ngoài ra, sự “tình cờ” trở thành NTK thời trang của một số người lại không thực sự là tình cờ vì dù không trải qua trường lớp chuyên ngành nhưng họ đã được tiếp xúc với nghệ thuật từ trước. Chúng ta có thể nói đến Hedi Slimane – ông chọn ngành Lịch sử nghệ thuật ở École du Louvre, trước bắt đầu trở thành thực tập viên cho các thương hiệu.
Hay với một cái tên tầm cỡ như Raf Simons cũng hoàn toàn không có bằng cấp về thiết kế thời trang. Thay vào đó, ông chọn học Thiết kế Nội thất và đam mê thời trang dần nảy nở khi ông gặp gỡ NTK Walter Van Beirendonck
Qua những minh chứng trên, có thể thấy rằng nếu ta có đam mê và cơ duyên với thời trang, chúng ta vẫn có thể dấn thân vào lĩnh vực này. Thành công hay không chính là nằm ở sự cố gắng của mỗi người. Tuy nhiên, bài viết này không ý cổ xúy việc bỏ học đâu nhé. Bởi vì nếu được học tập về thời trang, chúng ta sẽ được mở mang và học hỏi thêm nhiều kiến thức cơ bản. Đó chính là những nền tảng cơ bản cho sự phát triển sau này.