Khám phá lịch sử hình thành và phát triển của Streetwear

0

Streetwear là cá tính, sáng tạo và mang đậm dấu ấn văn hóa đường phố. Hãy ngược dòng thời gian, trở về ngày đầu khi Streetwear bắt đầu cuộc hành trình ghi tên vào bản đồ thời trang thế giới.

Ngày xửa ngày xưa, thế giới thời trang là một nơi ảm đạm và hoang vắng. Mọi người dạo phố trong trang phục kaki xếp li, áo polo ngoại cỡ và giày lười da. Đây là thời đại trước thời trang Streetwear được khai sinh, thời mà từ “supreme (tối thượng)” dùng để chỉ tầng lớp cao nhất của xã hội chứ không phải một thương hiệu thời trang có “box logo” khiến người ta phải xếp hàng mới mua được.

Nhưng Streetwear chính xác là gì? Giống như ý nghĩa của cuộc sống, thật khó để định nghĩa. Một số người cho rằng đó là sự pha trộn giữa trang phục thể thao và trang phục đi làm, số khác lại cho rằng đó là lời tuyên bố nổi loạn chống lại ngành thời trang chính thống. Nhưng theo Street Vibe, hãy cứ coi thời trang dạo phố (Streetwear) là phong cách tương đương với “ngón giữa” dành cho các chuẩn mực xã hội và quy tắc cứng nhắc về phong cách ăn mặc của một người.

Khởi nguồn của Streetwear: trượt ván và lướt sóng

Khó có thể xác định chính xác là Streetwear khai sinh khi nào, nhưng hầu hết mọi người ngầm chấp nhận rằng nó bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Nguồn cảm hứng của Streetwear xuất phát từ nét nghệ thuật của Punk/Rock, thời trang dạo phố, bộ môn lướt sóng, lướt ván và cả văn hóa Hip Hop.

Khó có thể xác định chính xác là Streetwear khai sinh chính xác từ khi nào?

Streetwear bắt nguồn từ đầu những năm 1980, khi một nhóm người lướt sóng và trượt ván ở Nam California quyết định rằng họ cần thứ gì đó thoải mái hơn, tiện dụng hơn và phong cách hơn để mặc. Shawn Stussy, một thợ tạo hình ván lướt sóng, người đã quyết định dán logo của mình lên một số áo phông, quần short và mũ lưỡi trai. Kết quả là một lượng người theo dõi sùng bái và sự ra đời của thương hiệu thời trang dạo phố đích thực đầu tiên – Stussy.

Khi thập niên 80 trôi qua, thời trang dạo phố trở thành “tri kỷ” với văn hóa trượt ván. Các thương hiệu như Vision Street Wear và Vans chấp nhận quan điểm rằng Streetwear hữu ích và họ bắt tay vào sản xuất quần áo, giày dép đáp ứng nhu cầu của những người trượt ván. Chúng ta đang nói về những chiếc quần baggy có đủ túi để đựng đồ cho cả một “khu xóm” nhỏ. Hay những đôi sneakers có thể chịu được sự mài mòn hàng ngày của các Skater (người trượt ván) và những chiếc T-shirts họa tiết mang theo thông điệp đại diện cho người mặc hoặc lối sống hay suy nghĩ của họ

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Sự trỗi dậy của văn hóa trượt ván kéo theo một thái độ Punk-rock lành mạnh, “tình cảm” chống lại chính quyền và thể hiện thái độ coi thường quyền lực nói chung. Đây là thời điểm mà ranh giới giữa thời trang và chính trị trở nên đối chọi nhau. Thời trang dạo phố không chỉ để trông thật ngầu mà còn để thể hiện sự khẳng định cái tôi của tiểu văn hóa đường phố.

Cốt lõi của thời trang dạo phố (Streetwear) vẫn là một tuyên ngôn chính trị, đề cao sự sáng tạo và phá cách.

Thời kỳ hoàng kim và cực thịnh của Streetwear

Khi thập niên 90 đến gần, thời trang dạo phố bắt đầu được công nhận rộng rãi. Các thương hiệu như The North Face, Patagonia và Timberland bắt đầu kết hợp các yếu tố của phong cách Streetwear vào thiết kế của họ và những người nổi tiếng như Tupac Shakur, The Notorious BIG và Aaliyah cũng bắt đầu theo đuổi phong cách thẩm mỹ này. Chẳng bao lâu, thời trang dạo phố đã trở thành trang phục được giới trẻ lựa chọn ở môi trường thành thị và thậm chí còn tìm đường xâm nhập vào thế giới thời trang cao cấp như ngày nay.

Cùng thời điểm này, văn hóa Hip Hop tại New York trở nên mạnh mẽ nhờ sự “PR” của cánh truyền thông. Điều này cũng thúc đẩy Streetwear phát triển hơn bởi những bộ outfits oversized đặc trưng như: quần jeans baggy, Timberland boots, adidas tracksuit, nón snapback và những chiếc khăn turban quấn quanh đầu bởi các nghệ sĩ rapper da màu.

Văn hóa Hip Hop tại New York trở nên mạnh mẽ kéo theo sự phát triển của phong cách Streetwear

Một thời gian sau, lần lượt các thương hiệu đường phố như BAPE (1993), Supreme (1994), Neighborhood (1994), UNDEFEATED (2002), Hood By Air (2006),… ra đời đánh dấu cho kỷ nguyên Streetwear trở thành văn hóa cực thịnh được giới trẻ ưa chuộng. Những thiết kế từ các thương hiệu này không chỉ đơn thuần là trang phục mà còn là tuyên ngôn về cá tính, tự do và phá cách. Các NTK như Virgil Abloh (HBA và Off White), Nigo (BAPE), Shawn Stussy (Stussy), James Jebbia (Supreme) ngày càng nổi danh và được cộng đồng đường phố xem như những “người cha” nuôi nấng phong cách Streetwear ngày càng lớn mạnh.

Virgil Abloh (trái) và NIGO (phải) là hai người có sức ảnh hưởng nhất trong cộng đồng thời trang Streetwear

Streetwear ngày nay và tuyên ngôn chính trị

Từ năm 2000 cho đến nay, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội đã góp phần đưa Streetwear đến với công chúng toàn cầu. Các ngôi sao nhạc Pop và Hip Hop/ Rap như Kanye West, Pharrell Williams, Asap Rocky và Rihanna thường xuyên diện trang phục đường phố, khiến phong cách này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Ranh giới giữa thời trang dạo phố và thời trang cao cấp ngày càng trở nên mờ nhạt, khi các nhà thiết kế như Virgil Abloh và Gosha Rubchinskiy thu hẹp khoảng cách giữa hai thế giới.

Các ngôi sao nhạc pop lẫn các rapper đã thúc đầy Streetwear ghi tên mình vào bản đồ thời trang và xóa nhòa lằn ranh giữa Streetwear và High Fashion

Bước vào kỷ nguyên 4.0, Streetwear ngày càng tinh tế, cao cấp và hào nhoáng hơn khi giao thoa cùng các thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Gucci và Dior. Họ tung ra các dòng sản phẩm khiến cho giới mộ điệu phải chi hầu bao khá nhiều để sở hữu các sản phẩm giới hạn.

streetwear
Louis Vuitton x Supreme là một trong những cú “bắt tay” đánh dấu sự xâm lăng của Streetwear đến với thời trang xa xỉ

Nhưng đừng quên rằng cốt lõi của thời trang dạo phố vẫn là một tuyên ngôn chính trị. Trang phục chúng ta mặc gửi đi thông điệp về chúng ta là ai, chúng ta đại diện cho điều gì và cách chúng ta nhìn nhận thế giới xung quanh. Thời trang dạo phố là cách để những người “thấp cổ bé họng” phản kháng trong một thế giới thường cố gắng khiến họ im lặng. Đó là một hình thức phản kháng, một cách để thách thức hiện trạng và là một lời nhắc nhở rằng thời trang có thể không chỉ là một sự theo đuổi hời hợt.

Lấy ví dụ: sự nổi lên của các thương hiệu như FTP (F**k The Population) và NOAH, sử dụng quần áo của họ làm nền tảng để giải quyết các vấn đề xã hội và chính trị như sự tàn bạo của cảnh sát, biến đổi khí hậu và quyền động vật. Sự phổ biến của những thương hiệu này là minh chứng cho thấy thời trang dạo phố tiếp tục là một công cụ mạnh mẽ để thể hiện bản thân và hoạt động.

streetwear
Bước vào kỷ nguyên 4.0, Streetwear ngày càng tinh tế, cao cấp và hào nhoáng hơn khi giao thoa cùng các thương hiệu xa xỉ

Riêng tại Việt Nam, Streetwear rầm rộ lên từ khoảng 2015, khi mà mọi người đã chán ngán đóng thùng kiểu Menswear, rời xa “phong cách Đôn-chề” để hướng tới những bộ trang phục có thể mặc trong hầu hết mọi hoàn cảnh mà không phải quá bận tâm xem mình có đang bị “lạc quẻ” hay “dị” quá hay không. Nó ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo ra những hội nhóm và cộng đồng gắn kết những người thích mặc đẹp lại với nhau.

Kết luận

Hãy nhớ rằng, thời trang Streetwear không chỉ là một xu hướng nhất thời; đó là một hình thức thể hiện bản thân mạnh mẽ và là minh chứng cho sự thật rằng quần áo chúng ta mặc có thể có tác động sâu sắc đến thế giới xung quanh chúng ta. Trong tương lai gần, Streetwear có thể không còn là một phong cách thịnh hành như hiện nay, nhưng nó vẫn sẽ sống trong mỗi bước chân của những người yêu thích nhịp sống của đường phố bụi bặm.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here