Homeless-chic: Cách mà “kẻ giàu” cảm thông “người nghèo”?

0

Kể từ khi Homeless-chic được giới thời trang phát triển nhiều hơn từ mùa thu năm 2017, việc mặc đồ như “người vô gia cư” trở thành luồng phong trào bị lên án gay gắt và xem đó là sự “chế giễu” của giới nhà giàu.

Thật khó để phán xét những phong trào thời trang nổi lên trong một khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn như việc để kiểu tóc xù và xuề xòa vào thập niên 1980s lại được xem là sự “quyến rũ”, sau đó thì những nhóm người hipster lại bắt đầu chế giễu nó vào năm 2010. Có thể nói, định dạng về thời trang của con người luôn thay đổi linh hoạt và “biến những điều không thể thành có thể”, chiều hướng đón nhận của giới mộ điệu cũng khó đoán, khó ngờ. 

Yeezy Season 2

Đối với giới mộ điệu, sự sáng tạo không hề có khuôn mẫu nhất định, chúng đến bất chợt và đôi khi từ những điều tưởng chừng không thể. Trên con đường tiến hóa của thời trang đại chúng, đến cả cách ăn mặc của người vô gia cư (homeless) cũng được khai thác một cách triệt để. Và từ đó, xu hướng Homeless-chic được sinh ra đời.

Homeless-chic là gì?

Khi Homeless-chic xuất hiện, người ta bắt gặp những thiết kế lấy cảm hứng từ cách mặc đồ của người vô gia cư như việc mặc layer, dùng áo len (rách), quần áo rộng và sờn màu từ những thương hiệu đình đám như Yeezy, Raf Simmons, Balenciaga,…Những sản phẩm được niêm yết với giá ngàn đô dù chúng trông giống như những đồ dành cho người vô gia cư mặc và gọi chúng là “thời trang”. 

Homeless-chic là thuật ngữ được sử dụng để mô tả một xu hướng thời trang hoặc phong cách thời trang mà các người thiết kế hay giới mộ điệu mặc những bộ trang phục lấy cảm hứng từ trang phục của người người vô gia cư. Điều khác biệt duy nhất chính là những người này lại được thể hiện “sự rách rưới” trong môi trường thời trang sang trọng hoặc cao cấp. Trong khi đó, những người vô gia cư phải mặc rách rưới hay bẩn thỉu vì bất đắc dĩ.

Thuật ngữ này gây tranh cãi và phản đối lớn trong cộng đồng thời trang, vì nó có thể được coi là việc lạm dụng hoàn cảnh khó khăn của những người vô gia cư để tạo ra sự gợi cảm, gây chú ý, hoặc làm nổi bật. Nhiều người cho rằng việc sử dụng Homeless-chic để tạo nên một xu hướng thời trang là không tôn trọng và thiếu nhạy cảm với những con người tội nghiệp kia.

Cách mà “người giàu” cảm thông “kẻ nghèo”?

Các món đồ mà người vô gia cư mặc thường xuất phát từ quyên góp hoặc nhặt từ thùng rác, chúng cũ, bẩn và sờn rách một cách tự nhiên. Họ chấp nhận mặc những món đồ đó lên người chỉ vì sự thiếu thốn và thậm chí không hề quan tâm đến vẻ bề ngoài. Nhưng khi vào tay những nhà thiết kế, các món đồ lại có giá từ vài trăm đô la – một mức giá có thể mua được vô số những món đồ mới cho người vô gia cư khó khăn.

Ví dụ về xu hướng này là bộ sưu tập Menswear Fall 2017 của N. Hollywood dành cho nam giới. Những người mẫu đã xuất hiện trên sàn diễn với hàng loạt áo khoác, đôi giày và quần nỉ, đồng thời mang theo túi rác làm phụ kiện. Nhà thiết kế người Nhật Bản của N. Hollywood – Daisuke Obana, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã lấy cảm hứng từ phong cách thời trang đường phố mà ông nhìn thấy trên khắp nước Mỹ và muốn tái hiện nó trong bộ sưu tập của mình.

Mặc dù ý định của ông có vẻ rất đơn giản và chân thành, nhưng nhiều người lại cho rằng điều này “không làm thay đổi hoặc giúp ích cho hàng nghìn người vô gia cư vượt qua khó khăn ở khắp nước Mỹ” (theo The Data Face). Trong trường hợp này, nhà thiết kế sử dụng hình ảnh của người vô gia cư để làm điểm nhấn thời trang mà không có sự cảm thông và đồng cảm đối với tình trạng khó khăn và cảm xúc của người đó, chẳng hạn như việc họ bị xem thường và xa lánh. Điều đáng lưu ý là, trong khi họ xem người vô gia cư này là một “biểu tượng” thời trang, nhưng họ lại không làm bất cứ điều gì để thực sự giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với họ. Chính vì thế, đây cũng chính là nguồn cơn phẫn nộ của nhiều người.

Một ví dụ khác đến từ việc Baleniciaga ra mắt đôi giày Paris vào năm 2022. Điều khiến mọi người choáng váng nhất là giá thành của chúng dao động từ 12 đến 15 triệu VND. Nhiều ý kiến cho rằng Balenciaga đang cố tình bòn rút túi tiền khách hàng bằng những sản phẩm không xứng với giá trị phải bỏ ra.

homeless-chic

Một tác giả thuộc Tạp chí Highsnobiety là Morgan Smith đã “may mắn” sở hữu và cầm trên tay đôi giày. Theo lời kể của cô, Balenciaga “Paris Sneaker” ở đời thực trông còn “tả tơi” hơn trên hình – đúng nghĩa một cơn ác mộng. Chúng rách nát đến mức nữ tác giả do dự không dám mang vào chân và có cảm giác chúng có thể hỏng thêm chỉ bằng một cái chạm nhẹ nhàng. Cô chỉ có thể rón rén nới lỏng từng sợi dây và mang vào nhẹ nhàng vì sợ sẽ làm chúng rách thêm.

Nhìn chung, Balenciaga “Paris Sneaker” thật sự là một trò đùa gây sốc nhất mà thương hiệu từng tạo ra. Về ý nghĩa của đôi giày, thật sự không rõ nhà mốt đang cố gắng “bòn rút” túi tiền khách hàng hay chỉ đơn thuần là một cách để “mỉa mai” chủ nghĩa tiêu thụ và những con người chỉ mua sắm vì tên thương hiệu. Nhưng sự tranh cãi về tính “Homeless-chic” xoay quanh đôi giày này vẫn luôn được nhắc đến.

homeless-chic

Lời kết

Tuy rằng xu hướng và phong trào này có thể khiến cho việc mặc quần áo của người vô gia cư trở nên “bình thường hóa”, cũng như ngụ ý rằng họ mặc quần áo theo cách này cũng là một phong cách thời trang hoặc sự sáng tạo nào đó. Song, việc sao chép “phong cách” vô gia cư và kiếm lời hàng nghìn đô la lại vô tình tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa giàu và nghèo trong xã hội Mỹ.

Điều này không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh doanh cho những nhà thiết kế, mà còn khiến cho người vô gia cư phải chịu đựng sự xem nhẹ và đối xử tồi tệ, chỉ đơn giản là bị sử dụng như những “con cờ” trong ngành công nghiệp thời trang để các nhà thiết kế lấy cảm hứng và kiếm lời từ đó. 

Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Bài viết: Baemm

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here