Hiroaki Ohya — Người học trò tài năng của Issey Miyake

0

Trong thế giới thời trang nơi những cái tên như Martin Margiela, Raf Simons, Yohji Yamamoto, Issey Miyake hay Comme des Garçons được nhắc đi nhắc lại nhiều lần — Hiroaki Ohya vẫn là một cái tên khá xa lạ. Ngay cả những tín đồ sưu tầm, săn lùng kho báu “archived items” cũng có thể chưa từng nghe qua cái tên này.

Nhưng khi tìm hiểu sâu về nhà thiết kế này, nhiều người có thể sẽ bất ngờ với kho tàng những tác phẩm sáng tạo của ông: nơi quần áo không chỉ để khoác lên người, mà để gấp lại như sách, mở ra như truyện, và lật từng trang để chiêm ngưỡng sự sáng tạo không ngừng của thời trang. 

Nhà thiết kế Hiroaki Ohya

Hiroaki Ohya là ai?

Có một sự thật thú vị rằng Hiroaki Ohya được “khai sinh” và “nuôi dưỡng” bởi chính cái nôi mang tên Issey Miyake – nơi khai sinh ra rất nhiều nhà thiết kế có tư duy táo bạo.

Sinh ra ở Kumamoto, Nhật Bản, Hiroaki Ohya theo học tại trường Bunka Fashion College, cái nôi đào tạo vô số tài năng cho ngành công nghiệp thời trang Nhật. Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu sự nghiệp tại Issey Miyake Design Studio — nơi từ lâu đã được xem là lò luyện những khối óc can trường nhất của thời trang Nhật Bản — Ohya không chỉ học kỹ thuật, mà còn thấm nhuần tinh thần không bao giờ ngừng đặt câu hỏi. Chính tại đây, Ohya được tiếp xúc sâu sắc với triết lý “thiết kế không ngừng tiến hóa” mà Issey Miyake theo đuổi: tôn vinh chuyển động, tôn trọng không gian ba chiều, và luôn đi tìm mối giao thoa giữa kỹ nghệ và nghệ thuật.

Chính vì thế, dù đã bước xa khỏi cái bóng của Issey Miyake, từng nếp gấp và từng ý tưởng của Ohya vẫn luôn thấp thoáng ánh sáng từ ngọn đuốc mà người thầy vĩ đại ấy đã trao cho ông. Tuy vậy, khác với Miyake — người nổi tiếng với những nếp gấp plissé tôn vinh chuyển động cơ thể — Ohya chọn đi theo một hướng khác, dùng nếp gấp để kể chuyện, biến quần áo thành đối tượng có tính lưu trữ, như một cuốn sách có thể đọc lại sau nhiều năm.

“The Wizard of Jeanz”: Câu chuyện về phù thủy xứ sở Oz được may bằng denim

Năm 1999, Hiroaki Ohya cho ra đời một trong những bộ sưu tập được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông — và cũng là một “viên ngọc” đối với những ai thật sự biết đến nó — “The Wizard of Jeanz”. Đây không chỉ là một bộ sưu tập thời trang, mà là một tác phẩm nghệ thuật trộn lẫn giữa sách, thời trang và văn hóa đại chúng, mở ra một hướng đi đầy táo bạo cho khái niệm quần áo.

Bộ sưu tập giống như những cuốn sách – hay chính bản thân chúng cũng là những cuốn sách

Cảm hứng cho bộ sưu tập bắt đầu khi Ohya đang lang thang tại một khu chợ đồ cũ ở New York. Ông dừng lại trước những cuốn sách cổ về Abraham Lincoln. Giữa lúc cảm thấy chán nản vì sự phù du của thời trang — bộ sưu tập sau bộ sưu tập rồi cũng biến mất — ông bị hút vào sự vĩnh cửu của sách. Vậy nếu quần áo có thể giống như sách thì sao? Giây phút ấy, ông bỗng thấy buồn: thời trang cứ liên tục đổi thay — bộ sưu tập này vừa được tán dương, chỉ ít lâu sau đã lùi vào quên lãng. Còn sách, dù cũ kỹ, vẫn tồn tại, vẫn được đọc, vẫn có một “đời sống” lâu dài.

Và Ohya tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu quần áo cũng có thể giống như sách, mang trong mình một giá trị bền lâu, vượt khỏi tính phù du của xu hướng?

Thế là “The Wizard of Jeanz” ra đời. Đây không chỉ là một bộ sưu tập, mà là một bộ tiểu thuyết hình ảnh, với 21 “quyển-sách–trang-phục”. Mỗi quyển là một chương, chuyển thể câu chuyện “The Wizard of Oz” bằng chính chất liệu denim — tượng trưng cho sự đời thường, phổ quát, ai cũng có ít nhất một chiếc quần jeans. Nội dung bên trong cuốn sách rất đa dạng, phong phú và thú vị. Quyển thứ nhất bung ra thành một chiếc váy, quyển thứ hai là một chiếc áo tank top, quyển thứ ba trở thành quần jeans, những quyển tiếp theo hóa thành chân váy, áo blouse, áo khoác denim in họa tiết…Cứ thế, từng chương một mở ra, vừa là trang phục, vừa là trang sách, dẫn dắt người xem theo chuyến phiêu lưu của Dorothy.

Điều tinh tế ở bộ sưu tập này nằm ở cách Ohya xử lý chất liệu. Ban đầu, tất cả đều được làm từ denim — vải bò thô mộc, bền chắc, gắn liền với công nhân và đời sống thực dụng. Nhưng càng về cuối, chất liệu bắt đầu chuyển sang cotton in hoa, nhẹ nhàng, mềm mại, như báo hiệu hành trình của Dorothy khi rời khỏi Kansas xám xịt để đặt chân vào xứ Oz diệu kỳ. Quyển thứ 17 đã trở thành một cổ áo đỏ nổi bật làm từ vải buồm và Quyển cuối cùng, khép lại bộ tiểu thuyết hình ảnh, là một chiếc váy shift dress bằng cotton hoa — thoát khỏi thế giới denim, thẳng tiến vào miền mộng tưởng. Hơn cả một concept lạ mắt, “The Wizard of Jeanz” còn là lời chiêm nghiệm về giá trị vĩnh cửu của thời trang khi được thổi hồn bằng câu chuyện. Ohya không chỉ may quần áo, ông viết nên một tiểu thuyết bằng vải vóc — nơi quần áo không còn là vật tiêu thụ nhanh chóng, mà trở thành ký ức, thành trang sách ta có thể mở ra và đọc lại bất cứ lúc nào.

Pop-culture Nhật: Từ Astro Boy đến manga, anime và thời trang trí tuệ

Thế giới của Hiroaki Ohya không chỉ quẩn quanh trong denim, sách hay triết lý hình khối origami. Dưới mái nhà OH!YA?, ông còn thổi hồn văn hoá đại chúng Nhật Bản vào từng đường kim mũi chỉ — thứ văn hoá đã nuôi lớn trí tưởng tượng của không chỉ người Nhật mà cả nhân loại.

Điển hình nhất chính là khi Ohya tạo ra búp bê “Astro Boy by Ohya” — một phiên bản giới hạn để tri ân Osamu Tezuka, người được tôn là “God of Manga”, “cha đẻ của anime hiện đại”. Tezuka đã cho cậu bé robot Atom (Astro Boy) một “ngày sinh” là 7/4/2003, từ tận năm 1951, như một lời tiên tri về một tương lai nơi con người và máy móc cùng tồn tại.

Ở Nhật Bản, Astro Boy không chỉ đơn giản là nhân vật hoạt hình tuổi thơ. Đó là một biểu tượng thị giác quốc dân, xuất hiện khắp nơi: từ graffiti tường phố, poster triển lãm mỹ thuật, cho đến những mẫu áo thun trong những shop thời trang. Hình ảnh Astro Boy ngây thơ, hai mắt to tròn ánh lên tia sáng robot vừa gần gũi vừa xa lạ chính là thứ chất liệu giàu liên tưởng mà các nhà thiết kế, nghệ sĩ không ngừng khai thác.

Ohya hiểu rõ sức mạnh biểu tượng đó. Vì thế, ông đưa Astro Boy len lỏi vào chính thương hiệu streetwear OH!YA?, thêu in motif Astro Boy trên áo khoác denim, trên váy oversized, và tạo cả những búp bê thời trang hybrid — vừa là món đồ chơi, vừa là tác phẩm sưu tầm.

Điều tinh tế của BST này nằm ở sự đan xen giữa naive và avant-garde. Về mặt thị giác: những đôi mắt to tròn của Astro Boy, dáng vẻ robot thiếu niên, nụ cười non nớt — tất cả mang vẻ hồn nhiên, trẻ dại. Nhưng cách Ohya “đóng khung” hay “xé toạc” hình ảnh đó, đặt chúng trên nền denim thô ráp, hoặc dựng thành silhouettes góc cạnh, lại đẩy mọi thứ vào một không gian hơi siêu thực, thậm chí có phần unsettling.

Đây chính là phong cách rất “Ohya”: không tôn vinh cơ thể, không chạy theo sex appeal, mà tôn vinh ý tưởng. Bộ sưu tập vì thế không chỉ là một tủ quần áo pop culture mà còn là một bản luận văn hình ảnh về mối quan hệ giữa con người – công nghệ – ký ức tuổi thơ. Vì thế khi nhìn BST này, bạn sẽ không thấy kiểu “lộng lẫy, tôn dáng, quyến rũ” của các runway thông thường. Nó giống như một bộ sưu tập vật chứng, ghi lại cơn sốt manga/anime Nhật Bản, tái hiện Astro Boy như một thánh tích văn hoá, rồi cho phép chính người mặc biến thành “kẻ canh giữ ký ức”.

Đặt cạnh những huyền thoại: Miyake, Kawakubo, Yamamoto & Junya Watanabe

Ngày nay, dù Hiroaki Ohya vẫn là cái tên lạ với nhiều người, nhưng bộ sưu tập “The Wizard of Jeanz” đã trở thành minh chứng rõ nét cho tầm vóc đương đại của ông trong lịch sử thời trang Nhật Bản. Bộ sưu tập từng được trưng bày tại SCALO Book Fair ở New York, The Fashion Institute of Design and Merchandising (FIDM) ở Los Angeles, rồi tham gia triển lãm “Ptychoseis = Folds and Pleats” tại Benaki Museum ở Athens — nơi nó được đặt cạnh các thiết kế của Issey Miyake, Rei Kawakubo, Yohji Yamamoto và Junya Watanabe. Đây không chỉ là sự công nhận về giá trị thẩm mỹ, mà còn khẳng định Ohya xứng đáng đứng trong hàng ngũ những nhà thiết kế tiên phong của Nhật, khi đưa tinh thần origami, câu chuyện tuổi thơ, cùng những triết lý sâu xa về ký ức và sự phù du của thời trang lên cùng một sân khấu quốc tế.

Vậy rốt cuộc, Hiroaki Ohya có phải là một nhà thiết kế không? Hay ông là một người làm sách, một nghệ sĩ thị giác, một storyteller dùng denim và origami thay cho mực giấy?

Có lẽ với Ohya, quần áo trước tiên không phải để mặc ra phố, mà để ta tự lật mở trong tâm trí, để tìm cho mình một câu chuyện chưa từng nghe, để cho ta thấy thời trang cũng có thể biến đổi và xuất hiện ở mọi khía cạnh cuộc sống.

Leave a reply

Please enter your comment!
Please enter your name here